© Ảnh: Nguyễn Viết Thái/ Tiền Phong
Vụ thảm sát Gạc Ma có thể xem như “liều
thuốc thử” cho cả Trung Quốc và Việt Nam. Sự kiện này ảnh hưởng như thế nào đến
quan hệ Việt- Trung xưa và nay?
Ngày
14.3.1988, Trung Quốc đã bất ngờ cho quân cưỡng chiếm đảo Gạc Ma thuộc chủ
quyền của Việt Nam. 64 chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng chiến
đấu tới hơi thở cuối cùng và hy sinh để bảo vệ cờ Tổ quốc và chủ quyền biển
đảo. Năm nay, tròn 30 năm kỷ niệm trận chiến Gạc Ma bi hùng, Sputnik Việt Nam
đã phỏng vấn Thạc sĩ Trần Trung Hiếu — giáo viên trường THPT chuyên
Phan Bội Châu, Nghệ An, thành viên của Hội đồng góp ý và phản biện Chương trình
giáo dục phổ thông môn Lịch sử nhân kỷ niệm 30 năm "sự kiện Gạc Ma"
(14/3/1988 —14/3/2018).
1: Ở góc nhìn của một nhà
nghiên cứu lịch sử, theo Thầy, ý nghĩa quan trọng nhất của sự kiện Gạc Ma 1988
là gì?
Giá trị
lớn nhất và thiết thực nhất của mọi sự kiện, biến cố lịch sử là rút ra bài học
lịch sử từ quá khứ cho hiện tại và cho cả tương lai. Sự kiện Gạc Ma tròn 30 năm
trước (14.3.1988 — 14.3.2018) dù muốn hay không thì nó đã xảy ra, dù với
nguyên nhân và hệ quả như thế nào. Tôi cho rằng ở sự kiện này trong bối cảnh
lịch sử khi nó xảy ra,chúng ta không nên dùng cụm từ "ý nghĩa" với
nghĩa hẹp. Tôi nghĩ, giá trị lớn nhất của sự kiện này có thể được xem như là
một "liều thuốc thử" cho cả 2 bên, từ đó cả hai bên đều phải rút ra 1
bài học lịch sử dắt giá trong việc giải quyết các bất đồng lên quan đến chủ
quyền và tranh chấp biển đảo ở Biển Đông.
Con tàu huyền thoại HQ-604.
2: Sự kiện Gạc Ma ảnh hưởng như
thế nào đến quan hệ Việt- Trung xưa và nay?
Trong các
mối quan hệ bang giao giữa Việt Nam với các nước khác từ xưa tới nay, bên cạch
tính bình thường và phổ biến trong quan hệ quốc tế, quan hệ giữa Việt Nam và
Trung Quốc còn mang những nét đặc thù địa-chính trị, lịch sử, kinh tế, văn hóa
hàng ngàn năm qua.
© ẢNH : NHÂN VẬT CUNG CẤP
Ths Trần Trung Hiếu- Giáo viên Sử, Trường THPT chuyên Phan Bội
Châu- Nghệ An
© AP PHOTO / STEPHEN SHAVER
© ẢNH : NHÂN VẬT CUNG CẤP
Thạc sĩ Trần Trung Hiếu và anh Lê Hữu Thảo - cựu binh Gạc Ma ngày
14.3.1988
Ở thời
hiện đại từ sau Thế chiến 2 đến nay, quan hệ Việt — Trung đã trải qua
nhiều giai đoạn thăng trầm trong Trật tự "Chiến tranh lạnh", trong
quan hệ đối đầu và phức tạp giữa trật tự hai cực (Liên Xô- Mỹ) và hai phe
(CNXH- CNTB). Tuy lúc thì hòa dịu, khi thì căng thẳng những quan hệ láng giềng
gữa hai quốc gia lại bị chi phối bởi đường lối đối ngoại không hoàn toàn đồng
nhất. Niềm tin thật sự về nhau là điều còn thiếu cho cả bên bởi Trung Quốc vẫn
luôn hành xử với thế của một nước lớn. Hơn nữa, sự can dự của 2 siêu cường
Xô-Mỹ cũng là một nhân tố khách quan tạo nên chính sách đối ngoại thiếu nhất
quán với Việt Nam qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), đế
quốc Mỹ(1965-1975) của nhân dân Việt Nam.
Sau năm
1975, khi miền Nam Việt Nam được giải phóng, đất nước được thống nhất cũng là
thời kỳ quan hệ giữa 2 quốc gia vừa là láng giềng, vừa cùng trong 1 khối cộng
sản ngày càng xấu đi xoay quanh "vấn đề Campuchia". Như một hệ quả
tất yếu khi tham vọng bá quyền của Trung Quốc bị cản trở liên quan đến bán đảo
Đông Dương, khu vực Đông Nam Á và Biển Đông, Trung Quốc đã gây xung đột và
chiến tranh biên giới Tây- Nam (1975-1979), chiến tranh biên giới phía Bắc
(1979-1989). Trong tuyên bố ngoại giao, cả hai bên đều cố gắng dung hòa tuy
xung khắc, nhưng trên thực tế thì đã đã xem nhau là thù địch trong những lần
xung đột khốc liệt ấy.
© SPUTNIK / A. ZUYZIN
Cuộc xung đột Trung-Việt năm 1979
3: Học sinh Việt Nam nên biết
gì về sự thật "trận thảm sát Gạc Ma"?
© AP PHOTO / MARK SCHIEFELBEIN
Một thực
tế của hàng chục năm qua, vì rất nhiều lý do liên quan đến quan hệ Việt-Trung
mà trong sách giáo khoa môn Lịch sử phổ thông lại thiếu vắng nhiều sự kiện quan
trọng. Hoặc không có, hoặc nếu có thì chỉ được trình bày rẩt sơ sài (và bây giờ
những kiến thức như vậy đều bị "giảm tải"- tức giáo viên không phải dạy,
học sinh không phải học, và lẽ đương nhiên cũng không nằm trong kiến thức thi)
như hải chiến Hoàng Sa (19.1.1974), chiến tranh biên giới Tây-Nam (1975-1978),
chiến tranh biên giới phía Bắc (1979-1989) và đặc biệt là sự kiện Gạc Ma
(14.3.1988) không hề có 1 dòng chữ nào (dù sau thời điểm đó sách giáo khoa Lịch
sử đã có sự bổ sung, sửa đổi thêm một số kiến thức). Rất nhiều học sinh và kể cả
giáo viên Sử phổ thông khi hỏi đến sự kiện Gạc Ma đều không biết.
Trong khi
đó, về phía Trung Quốc, các cơ quan truyền thông của họ đã lý giải và biện minh
cho hành động xâm chiếm và thảm sát rằng, khi tàu của họ đang bỏ neo để yểm trợ
cho một nhóm nghiên cứu, thăm dò dầu mỏ ở đây thì bị Hải quân Việt Nam nổ súng
tấn công. Vì thế họ phải "bắt buộc để tự vệ", rằng chủ trương ban đầu
của họ là chỉ chiếm đóng các hòn đảo bỏ hoang chứ không tranh chấp các đảo có
lực lượng nước ngoài chiếm đóng từ trước".
© ẢNH : NHÂN VẬT CUNG CẤP
Thầy Trần Trung Hiếu tại lễ khánh thành khu tưởng niệm liệt sĩ Gạc
Ma
Thực tế
lịch sử đã khẳng định, Trung Quốc đã có mưu đồ và sự tính toán kỹ càng cho mọi
hành động xâm lược lãnh thổ Việt Nam. Những gì mà các cựu chiến binh kể lại
cùng với đoạn băng video gần 20 phút mà Trung Quốc công bố trên internet đã nói
lên tất cả bản chất, âm mưu và thủ đoạn của kẻ xâm lược và vô nhân đạo.
Trong lúc đó, với sự bùng nổ của công nghệ
thông tin của nền văn minh 4.0, học sinh chỉ cần một động tác lích chuột đều có
ngay nhiều thông tin, hình ảnh, video clip về các sự kiện này ở cả hai góc độ:
chính thống và sai lệch. Nếu giáo viên và những người lớn tuổi không có sự định
hướng về thông tin trên internet thì sẽ dẫn đến sự khủng hoảng về niềm tin, sự
hoang mang về tư tưởng và sự lệch lạc về mặt nhận thức các kiến thức lịch sử
không chính thống và cũng không được kiểm chứng. Sự kiện Gạc Ma cũng không phải
là một ngoại lệ.
Với góc
độ là một giáo viên Sử phổ thông, tôi cho rằng ở lứa tuổi và nhận thức
học trò chỉ cần nắm bắt một số thông tin cơ bản về sự kiện Gạc Ma để lý giải
vài câu hỏi sau: Vì sao Trung Quốc đánh chiếm Gạc Ma (âm mưu)? Hành động đánh
chiếm (thủ đoạn)? Hệ quả của sự kiện này đối với vấn đề lãnh thổ chủ quyền biển
đảo của Việt Nam?
Từ các câu hỏi cơ bản đó, học sinh phải rút ra được bản chất của sự kiện Gac Ma
đó chính là hành động đánh chiếm trái phép Gạc Ma bằng vũ lực và Hải quân Trung
Quốc đã dùng vũ lực với nhiều loại vũ khí hạng nặng để bắn cháy, chìm 3 tàu hải
quân Việt Nam và thảm sát những người lính công binh Việt Nam khi trên tay
không 1 tấc sắt làm 64 người hy sinh, 9 người bị thương. Từ sự kiện này, Gạc Ma
đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép đến nay là tròn 30 năm.
Nhắc lại
sự kiện Gạc Ma 30 năm trước không phải là việc nhằm khơi sâu mối thù hằn dân
tộc và phá vỡ quan hệ láng giềng với Trung Quốc sau nhiều năm thăng trầm trong
xu thế hội nhập và toàn cầu hóa. Ôn lại để nhắc nhở thế hệ trẻ không nên ảo
tưởng về những câu khẩu hiệu, những ngôn từ ngoại giao của các chính khách. Bài
học mất nước thời An Dương Vương và bài học mất đảo Gạc Ma 30 năm qua luôn tươi
nguyên giá trị trong công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, dân tộc hiện
nay.
© AFP 2018 / PHILIPPINE AIR FORCE
Công trình Trung Quốc tại Đá Gạc Ma
Nhắc lại
để thế hệ trẻ cần phải biết tôn vinh, tưởng nhớ và tri ân các bậc tiền nhân đã
ngã xuống vì Tổ quốc, để sống có trách nhiệm hơn và yêu Tổ quốc hơn. Nhắc nhở
không để kích động hận thù mang tính cực đoan với nước láng giềng mà từ sự thật
lịch sử đó để chúng ta có thể rút ra những bài học lịch sử quý giá trong cuộc
đấu tranh giữ vững chủ quyền biển đảo cả trong hiện tại và tương lai. Ghi nhớ
nỗi đau để chúng ta trân trọng hòa bình, để ký ức về Gạc Ma không bao giờ bị
xóa nhòa trong lòng mỗi người con đất Việt.
4: Thầy đề xuất đưa trận Gác Ma
vào chương trình lịch sử ở Phổ Thông, liệu đề xuất này có ảnh hưởng đến nhận
thức và suy nghĩ của học sinh về mưu đồ xâm lược của Trung Quốc?
Vấn đề
về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa đã được các nhà nước phong kiến Việt Nam xác lập,
thực hiện quyền kiểm soát, quản lý, cai trị và khai thác hai quần đảo đó với tư
cách nhà nước. Quyền làm chủ và cai trị của các chính quyền kế tiếp khác nhau ở
Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa là thực sự, rõ ràng, phù hợp với pháp luật
và tập quán quốc tế.
Sự thật
là Quần đảo Hoàng Sa đã mất 44 năm và đảo Gạc Ma đã bị Trung Quốc chiếm đóng
trái phép 30 năm qua đã không còn chủ quyền với Tổ quốc. Và cứ sau mỗi cuộc
chiến tranh xâm lược mà Trung Quốc đã gây ra đối với dân tộc Việt Nam, nhân dân
Việt Nam lại thêm một lần mất đi nhiều xương máu, đất nước lại thêm một lần mất
đi từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Trong
thời gian vừa qua, Bộ GD&ĐT đã công bố Dự thảo Chương trình giáo dục phổ
thông môn Lịch sử với mục tiêu cơ bản là giúp học sinh hình thành và phát triển
những năng lực chuyên môn lịch sử thông qua những nội dung kiến thức phổ thông
nền tảng. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến góp ý, phản biện từ các chuyên
gia, các nhà giáo, các cơ quan, trường học, cơ sở giáo dục trên toàn quốc và dự
kiến sẽ được Bộ GD&ĐT chính thức công bố trong thời gian sắp tới.
© ẢNH : NGUYÊN ANH
Khánh thành tượng đài tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma
Với trách
nhiệm của một giáo viên Sử phổ thông, là một thành viên trong Hội đồng phản
biện của Bộ GD&ĐTcho Chương trình giáo dục phổ thông môn Lịch sử, tôi xin
khẳng định sự kiện Gạc Ma (14.3.1988) sẽ được đưa vào môn Lịch sử trong Chương
trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới với những phương thức, mức độ,
nội dung và vị trí khác nhau ở từng cấp học với thời lượng khác nhau.
© ẢNH : NHÂN VẬT CUNG CẤP
Ths Trần Trung Hiếu cùng Giáo sư Sử học Nga Vladimir Kolotov
Nội dung
giáo dục cốt lõi của sự kiện Gạc Ma nói riêng, vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa nói
chung trong Chương trình, sách giáo khoa mới là: từ việc xác định tầm quan
trọng của biển Đông đối với Việt Nam, từ đó nêu rõ nhận thức: Việt Nam là nhà
nước đầu tiên xác lập chủ quyền và quản lý liên tục đối với 2 quần đảo Hoàng
Sa, Trường Sa trong lịch sử; hiểu được quá trình Trung Quốc đánh chiếm trái
phép quần đảo Hoàng Sa, đảo Gạc Ma; nắm được thực trạng tranh chấp chủ quyền ở
quần đảo Trường sa; chủ trương của Việt Nam giả quyết các tranh chấp ở biển
Đông bằng biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế.
5: Theo quan điểm của Thầy, làm
sao để Việt Nam và Trung Quốc "giữ được hòa khí" trên các vùng lãnh
thổ tranh chấp ở Biển Đông?
Theo quan
điểm của cá nhân tôi, căn nguyên cốt lõi nhất tác động tích cực trong quan hệ
Việt- Trung trong hiện tại và tương lai là Trung Quốc trong cách hành xử
với các bên liên quan đến chủ quyền biển đảo ở biển Đông là tôn trọng luật pháp
quốc tế, Hiến chương Liên Hợp quốc, Hiến chương ASEAN bằng phương pháp đàm phán
hòa bình, tránh đe dọa bằng vũ lực và tạo cớ gây xung đột vũ lực giữa các bên
liên quan. Hàng ngàn năm qua, Trung Quốc luôn cậy thế số đông về con người,
rộng về diện tích để hành xử với các nước lân bang một cách bất bình đẳng.
Cách hành
xử thiếu thiện chí và không "fairplay" trong bối cảnh tình hình quốc
tế hiện nay, đương nhiên sẽ đụng chạm đến lợi ích quốc gia của nhiều cường quốc
như Mỹ, Nga, Ấn Độ và 1 số nước trong khu vực. Cậy thế tiềm lực về kinh tế và
tiềm lực về quân sự để xem đó là "bảo bối" để giải quyết các bất
đồng, tranh chấp về lãnh thổ sẽ vô tình thúc đẩy quá trình quân sự hóa và chạy
đua vũ trang của các bên liên quan, tạo nên nhân tố gây nên bất ổn định của khu
vực và châu lục. Chỉ có thể là đàm phán hòa bình để giải quyết tranh chấp, xung
đột trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng luật pháp quốc tế
là nhân tố quyết định để giúp Việt-Trung giữ được "hòa khí" trên các
vùng tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông.
© ẢNH : NGUYÊN ANH
Khánh thành tượng đài tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma
Tất cả
cuộc chiến tranh đều là nỗi đau, mất mát của nhân loại. Chúng ta cần hướng nhân
loại đến khát vọng yêu hòa bình, tránh xung đột trong tương lai, để tìm đến
giải pháp khác ngoài chiến tranh, để giải quyết mâu thuẫn, bất đồng giữa các
dân tộc, nếu có.
Chúng ta
phải giáo dục thế hệ tương lai hướng đến hòa giải lịch sử. Nhân dân, thế hệ trẻ
Việt Nam và Trung Quốc không mong muốn gì hơn ngoài việc hướng đến tương lai
phát triển bền vững trong hòa bình, hữu nghị và hợp tác.
Xin trân trọng cảm ơn Ths Trần
Trung Hiếu- Giáo viên Sử, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu- Nghệ An!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét