19:12, 03/04/2019
Số người Hoa sống ở Hàn Quốc đã giảm từ 40.000 người vào năm 1970 xuống chỉ còn 18.000 vào năm 2018. Theo lời của tổng thư ký hiệp hội cư dân Trung Quốc tại Seoul thì Hàn Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới mà cộng đồng Hoa kiều đang đối mặt với nguy cơ biến mất hoàn toàn, theo SCMP.
Vào năm 1989, vợ chồng ông Ma Jian-xian tiến hành cải tạo một chuồng gia súc ở ngoại ô Seoul thành một nhà hàng bán súp xương heo, trong ngày đầu khai trương, họ chỉ có 1 khách hàng.
Nhưng chỉ sau vài tuần, hàng trăm người đã xếp hàng để nếm thử món đặc sản bán ở cửa hàng của ông Ma, được gọi là ‘pyeo haejang guk’. Hôm nay, gần 30 năm sau ngày mở tiệm ăn, ông Ma, 68 tuổi, đã sở hữu khối tài sản trị giá hơn 10 triệu USD.
“Bạn có thể gọi đó là một liên doanh thành công giữa Trung Quốc và Hàn Quốc”, ông Ma nói và giải thích rằng người vợ Hàn Quốc của ông đã điều chỉnh lại công thức nấu ăn từ mẹ ông là người Trung Quốc, và tạo ra món ăn nổi tiếng như hiện nay.
Kỹ năng nấu nướng của vợ ông Ma, sự nhạy bén trong bán hàng và các thành phần bí mật trong nước dùng đã đem lại sự thành công cho tiệm ăn của ông.
“Mẹ chồng người Trung Quốc của tôi rất giỏi trong việc nấu nước dùng từ xương lợn đã qua xử lý bởi một nhà hàng nơi con trai khác của bà đang làm việc.Tôi đã lấy công thức nấu nước dùng này và thêm bột đậu lên men, rau và gia vị Hàn Quốc để làm ra món ‘pyeo haejang guk’”, bà Kwon Ok-sang, vợ của ông Ma nói.
Sau đó, ông Ma tiến hành quảng bá thương hiệu bằng cách phát phiếu giảm giá 50% khi ăn tại nhà hàng của ông cho các tài xế taxi, các tài xế này sau đó nói lại với hành khách của họ. Ngày nay, nhà hàng Wondanghun ở thành phố Goyang, Hàn Quốc là một thương hiệu được cấp bằng sáng chế.
Câu chuyện thành công của gia đình ông Ma đã truyền cảm hứng cho vô số doanh nhân Hàn gốc Trung, hay còn được gọi là Hoa kiều, nhưng những câu chuyện thành công như ông Ma thường là hiếm hoi ở Hàn Quốc.
Theo SCMP, những hạn chế và định kiến đối với Hoa kiều tăng cường dưới sự cai trị của Tổng thống Syngman Rhee trong những năm 1950 và Park Chung-hee trong những năm 1960 và 1970.
Năm 1950, chính phủ Tổng thống Rhee cấm người nước ngoài sử dụng kho hàng tại cảng như một phần của chiến dịch nhằm hạn chế nhập khẩu hàng hóa nước ngoài và khuyến khích hàng hóa sản xuất trong nước. Biện pháp này đánh mạnh vào giới Hoa kiều vì đa số đều là thương nhân khiến cho họ bị phá sản, một số Hoa kiều khác chuyển sang kinh doanh nhà hàng.
Năm 1962, chính phủ của Tổng thống Park Chung-hee đã cấm người nước ngoài sở hữu đất đai, buộc nhiều Hoa kiều phải bán đất với giá rẻ mạt và từ bỏ hoàn toàn việc canh tác. Năm 1970, quy định được nới lỏng và người nước ngoài được phép sở hữu 165 mét vuông đất cho mỗi người để kinh doanh và 661 mét vuông cho một ngôi nhà.
“Quy định này chỉ vừa đủ để mở một nhà hàng Trung Quốc với 4 hoặc 5 bàn”, Kuo Yuan-yu, tổng thư ký hiệp hội cư dân Trung Quốc tại Seoul nói.
Theo Kuo, chính quyền của Tổng thống Park đã “sợ Hoa kiều sẽ bành trướng sức mạnh kinh tế của họ và nổi lên là một lực lượng kinh tế hùng mạnh như ở Đông Nam Á”.
Khi chính quyền Tổng thống Park tiến hành chiến dịch giảm tiêu thụ gạo để đối phó với tình trạng thiếu gạo năm 1970, chính quyền đã cấm các nhà hàng bán đồ ăn Trung Quốc bán các món ăn làm từ gạo. Các nhà hàng này cũng chịu sự kiểm soát chặt chẽ về giá lương thực và bị đánh thuế nặng. Hậu quả là hàng trăm Hoa kiều mở nhà hàng bán đồ ăn Trung Quốc bị phá sản và phải chuyển đến Hoa Kỳ.
Hiện nay, nhiều Hoa kiều sinh sống ở Hàn Quốc nói rằng ngay cả khi có việc làm và thu nhập ổn định, họ không thể vay ngân hàng và bị chặn truy cập vào các khoản vay nhà ở lãi suất thấp. Những vấn đề như thế này đã khiến nhiều Hoa kiều rời khỏi Hàn Quốc.
Woo Sik-sung, người quản lý một trường học Trung Quốc ở Seoul cho biết hiện tại trường chỉ có 400 sinh viên. Trước đó, vào năm 1970 lượng sinh viên của trường là 2.900 em.
“Chúng tôi tích cực mời các sinh viên Trung Quốc đại lục đến học tại trường. 1/3 sinh viên theo học tại trường hiện nay là đến từ Trung Quốc đại lục”, anh Woo nói.
“Chẳng có cái gì gọi là Hoa kiều ở Hàn Quốc. Họ không được chính phủ Trung Quốc hay Hàn Quốc quan tâm”, Kuo Yuan-yu, tổng thư ký hiệp hội cư dân Trung Quốc tại Seoul cho biết.
Băng Thanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét