Thứ Hai, 6 tháng 2, 2017

Chủ tịch Trần Đại Quang:Tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc; BBC: Đinh Dậu, mùa Xuân 'hy vọng của đổi mới'

(Thời sự) - Trong không khí mừng Đảng, mừng Xuân mới, sáng 4/2 (mùng 8 tháng Giêng năm Đinh Dậu), tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm 2017.

Đây là hoạt động nhằm giới thiệu những nét văn hóa, phong tục đặc sắc của 54 dân tộc anh em trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới dự, chúc Tết cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang với bà con các dân tộc về dự ngày hội. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN
Cùng tham dự ngày hội có đại biểu lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương, đại biểu người Việt Nam ở nước ngoài từ hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ; học sinh, sinh viên các dân tộc, cùng khoảng 200 đại biểu đồng bào của 16 cộng đồng dân tộc ở 13 tỉnh/thành.
Trong ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc”, đại biểu đồng bào các dân tộc Mông (tỉnh Điện Biên), dân tộc Chăm (tỉnh An Giang), dân tộc Tày (đại diện nghệ nhân dân tộc sinh sống, hoạt động hàng ngày tại Làng), đại diện kiều bào Việt Nam ở nước ngoài đã phát biểu báo công, chúc Tết, trình bày những tình cảm và đề xuất, kiến nghị của cộng đồng các dân tộc, đồng bào Việt Nam ở nước ngoài với Đảng, Nhà nước.
Trong tiết đầu xuân mới, Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ vui mừng gặp mặt các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, chức sắc tôn giáo, người có uy tín tiêu biểu đại diện các dân tộc, vùng miền và đồng bào ở nước ngoài về quê hương ăn Tết trong Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc”, được tổ chức tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, gửi tới đồng bào lời thăm hỏi ân cần, những tình cảm thân thiết và lời chức mừng năm mới, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, đồng bào ta, dù là người già hay người trẻ, dù nơi đồng bằng hay miền núi, dù ở biên giới hay hải đảo, dù ở trong nước hay ngoài nước, dù khác nhau về tín ngưỡng, tôn giáo nhưng đều một lòng hướng về nguồn cội, về đất nước, về dân tộc, về gia đình.
Đây là truyền thống văn hóa quý báu của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, ngay từ khi mới ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng luôn xác định vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược quan trọng.
Sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nhất là từ khi có Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa IX) về công tác dân tộc, tình hình miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số có bước chuyển biến quan trọng.
Đoàn kết giữa các dân tộc tiếp tục được củng cố. Việc thực hiện các chính sách, chương trình, dự án đầu tư đã làm cho kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội và đời sống nhân dân ở nhiều vùng đồng bào dân tộc được cải thiện rõ rệt. Công tác xóa đói, giảm nghèo đạt được những kết quả to lớn.
Văn hóa phát triển phong phú hơn; đời sống văn hóa của đồng bào được nâng cao một bước; văn hóa truyền thống của các dân tộc được tôn trọng, giữ gìn và phát huy. Hệ thống chính trị ở các vùng dân tộc và miền núi được tăng cường và củng cố. Tình hình chính trị, trật tự, an toàn xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Vui mừng khi thấy bà con các dân tộc rất phấn khởi về Làng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, đây là dịp vừa để giới thiệu những thành tích trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng bản làng, vừa để gặp gỡ, giao lưu với các dân tộc anh em, chia sẻ niềm vui, chúc nhau một năm mới ấm no, hạnh phúc; đồng thời, giới thiệu về những lễ hội, phong tục độc đáo của dân tộc mình, như tưởng nhớ tổ tiên, ông bà, răn dạy con cháu, cầu mong sự yên vui, phát triển đến với gia đình, bản làng…
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam và đồng bào các dân tộc đã có nhiều cố gắng, nỗ lực để Làng hoạt động ngày càng có hiệu quả, trở thành “Ngôi nhà chung của 54 dân tộc anh em”.
Hàng nghìn lượt đồng bào các dân tộc, hơn nửa triệu khách du lịch đã đến Làng năm 2016, hàng chục lễ hội, sự kiện được tổ chức, góp phần khẳng định sức sống trường tồn của các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc và mở ra những triển vọng về phát triển văn hóa, du lịch.
Những sự kiện thường niên tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc, tinh thần đại đoàn kết, đặc biệt là ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” thực sự là điểm hội tụ, lan tỏa truyền thống văn hóa nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ mong muốn, các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, chức sắc tôn giáo, người có uy tín tiêu biểu đại diện các dân tộc, vùng, miền tích cực phát huy vai trò vận động đồng bào thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước; tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, đặc biệt quan tâm giáo dục các thế hệ trẻ, góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh, để sắc xuân, khí xuân lan tỏa khắp mọi miền đất nước.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị các cấp, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương có những những giải pháp, việc làm cụ thể, thiết thực hỗ trợ đồng bào các dân tộc trong phát triển kinh tế – xã hội, chăm lo giáo dục, văn hóa, y tế; tăng cường công tác vận động quần chúng trong việc bảo đảm thực hiện tốt chính sách dân tộc trong giai đoạn cách mạng hiện nay.
Trong không khí ngày hội văn hóa đặc sắc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tham gia vòng xòe đại đoàn kết các dân tộc đầu Xuân cùng toàn thể cộng đồng các dân tộc Việt Nam tham dự ngày hội; tham gia trò chơi dân gian ném còn tại sân làng dân tộc Thái tỉnh Điện Biên.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các đại biểu đã tham dự Lễ Xiên bản (cúng bản) của dân tộc Thái tỉnh Điện Biên, cầu mong mùa màng tốt tươi, bản làng yên ấm, gia đình, người dân được mạnh khỏe.
(Theo Báo Tin Tức)

Đinh Dậu, mùa Xuân 'hy vọng của đổi mới'

  • 1 giờ trước
Hình ảnh Việt NamBản quyền hình ảnhPHOTO NGUYEN LAN THANG/BBC
Image captionTết nguyên đán và đầu Xuân luôn là những dịp đặc biệt cho các lễ hội và hoạt động gắn kết cộng đồng ở Việt Nam.
'Tất cả các năm Đinh Dậu trong lịch sử Việt Nam đều báo hiệu một điều thay đổi, vì vậy cho nên chúng ta có thể hy vọng vào sự thay đổi', đó là điều mà một nhà nghiên cứu Hán Nôm, đồng thời là chủ blog 'Chú Tễu' chia sẻ trong một chương trình mạn đàm đầu Xuân với BBC Việt ngữ hôm 05/2/2017.
Tán thành với một khách mời cùng dự cuộc tọa đàm hôm Chủ Nhật, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện từ Hà Nội nói:
"Tôi hoàn toàn đồng ý với nhà văn Võ Thị Hảo khi nói rằng đất nước Việt Nam hiện nay đang rơi vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng, nhất là về kinh tế, văn hóa và xã hội.
"Điều này đòi hỏi là những nhà lãnh đạo cần phải thay đổi. Nếu không tạo ra một sự thay đổi... trên một cục diện lớn, sẽ làm cho đất nước Việt Nam ngày càng chìm đắm vào trong một sự lạc hậu, cổ hủ, nghèo nàn và bất công trong xã hội ngày càng lớn.
"Và sự thay đổi này đang đặt ra như một tối hậu thư đối với những nhà lãnh đạo và nếu như không có sự thay đổi thì đất nước Việt Nam sẽ ngày càng đi xuống, một cách như là xuống dốc không phanh," nhà nghiên cứu Hán Nôm và Ca Trù nói với BBC.

'Tín hiệu đổi mới'

Mới đây nhân đón Tết nguyên đán và trong dịp đầu Xuân Đinh Dậu, nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam ở trung ương và địa phương đã xuất hiện trên truyền thông, trong đó có nhà lãnh đạo xuống ruộng cày máy, có vị tham gia trồng cây, có vị chuẩn bị tham dự lễ phát ấn, trong lúc các vị khác tranh thủ đầu Xuân năm sớm đưa ra các chỉ thị, chỉ đạo như ở Hà Nội là yêu cầu chấm dứt nhanh không khí vui Tết, còn tại Sài Gòn là ngăn chặn bảo kê thu mua sữa ở Củ Chi v.v...
Việt Nam NamBản quyền hình ảnhPHOTO NGUYEN LAN THANG/BBC
Image captionĂn Tết xong, người dân mọi miền ở Việt Nam lại bắt tay trở lại nhịp sống thường nhật.
Bình luận về 'tín hiệu đổi mới' nhân năm mới và liên quan vài khía cạnh ở trên, nhà văn Võ Thị Hảo từ Berlin, CHLB Đức nói với BBC:
"Một tín hiệu nói rằng nếu không đổi mới sẽ chết, bây giờ nhà cầm quyền Việt Nam phải làm việc đó như thế nào?
"Họ có thực lòng hay không, hay chỉ là đổi mới râu ria, để rồi tình hình lại tệ hơn và chế độ, hệ thống tư bản thân hữu, hệ thống tư bản 'hoang dã, man rợ', hiện nay đang 'thoán đoạt' những lãnh đạo ở Việt Nam, thì nó sẽ còn tàn hại người Việt Nam đến mức nào?
"Và chữ 'chủ nghĩa tư bản thân hữu' không phải là từ của tôi nghĩ ra, đấy là từ đăng trong một Tạp chí Cộng sản năm 2015 của ông Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, họ đã nhận ra, nhưng mà từ đó, họ vẫn không làm. Vậy thay đổi bây giờ là thay đổi như thế nào?
"Tôi quan tâm đến những việc đó hơn, còn những chuyện đi cày ruộng hay là trồng cây, tất cả những trò đó đều hết sức hình thức và 'vớ vẩn'.
"Cái quan trọng nhất là hãy cứu nước Việt Nam và tôi nghĩ rằng những người lãnh đạo đừng nghĩ rằng họ không phải là nạn nhân của thể chế Việt Nam hiện nay và trong khi cứu nước thì họ cũng phải tự cứu mình. Tôi nghĩ điều đó quan trọng hơn," nhà văn, nhà báo Võ Thị Hảo chia sẻ với BBC từ thủ đô nước Đức.
Mời quý vị bấm vào các đường dẫn sau đây để theo dõi thêm một số trao đổi, mạn đàm đầu năm Đinh Dậu giữa BBC Việt ngữ với một số văn nghệ sỹ và nhà nghiên cứu nhân dịp Xuân về.
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện
Image captionKhách mời, TS. Nguyễn Xuân Diện với một bộ nam phục truyền thống 'khăn xếp, áo the' tham gia cuộc mạn đàm đầu Xuân với BBC.

Không có nhận xét nào: