Việt Nam và Trung Quốc nhất trí "kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông", theo nội dung thông cáo chung Việt-Trung nhân chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang duyệt đội danh dự hôm 11/5 |
Kể từ khi Phillipines, dưới quyền Tổng thống Rodrigo Duterte, giảm bớt đối đầu với Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông, Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á có nhiều bất đồng nhất với Trung Quốc về vấn đề này, hãng tin Reuters bình luận.
Sau những cuộc họp mà phía Trung Quốc nói là "tích cực" giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Chủ tịch Trần Đại Quang, thông cáo chung nhấn mạnh hai bên cần kiểm soát các bất đồng.
Thông cáo chung còn nói hai bên đã "đi sâu trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển" và nhất trí sử dụng cơ chế đàm phán hiện hành về biên giới lãnh thổ để "tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được".
Đây không phải là lần đầu tiên hai bên dùng những ngôn từ này.
Gần đây nhất, trong chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc hồi tháng Giêng, hai bên cũng ra thông cáo với nội dung tương tự.
Trung Quốc xây đảo nhân tạo tại Biển Đông |
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trên 90% vùng Biển Đông giàu trữ lượng dầu khí.
Ngoài Việt Nam, các quốc gia Brunei, Malaysia, Philippines và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền từng phần ở vùng biển có tuyến đường hàng hải tấp nập với lượng hàng hóa trị giá khoảng 5 ngàn tỷ qua lại mỗi năm.
Năm 2014, quan hệ song phương trở nên vô cùng căng thẳng sau vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD981 vào khu vực biển có tranh chấp, dẫn tới làn sóng biểu tình dữ dội ở nhiều tỉnh thành của Việt Nam.
Hồi năm ngoái, căng thẳng lại gia tăng sau việc Trung Quốc đặt hệ thống phòng thủ tên lửa đất-đối-không và các máy bay chiến đấu tại căn cứ quân sự mà Bắc Kinh đã xây từ lâu trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Trong tháng 3/2017, một số hình ảnh chụp Đảo Bắc ở quần đảo Hoàng Sa cho thấy hoạt động xây dựng của Trung Quốc, trong đó có việc dọn mặt bằng và có thể chuẩn bị xây cảng để hỗ trợ cho cái mà nhiều chuyên gia tin rằng sẽ trở thành căn cứ quân sự.
Trung Quốc còn tiến hành bồi đắp đảo và xây dựng các công trình trên một số đảo thuộc Trường Sa, cũng như mở đường bay dân dụng từ đảo Hải Nam ra đảo Phú Lâm, nơi có vài ngàn dân thường sinh sống.
Hà Nội gọi hành động trên là sự vi phạm nghiêm trọng đến chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa.
Cũng đã có những hình ảnh vệ tinh cho thấy Việt Nam cải tạo Đá Lát ở Quần đảo Trường Sa hồi tháng 12/2016, điều mà Bắc Kinh nhanh chóng lên tiếng phản đối và gọi đây là hành động vi phạm chủ quyền của Trung Quốc.
Thông cáo chung Việt-Trung được đưa ra nhân dịp ông Trần Đại Quang kết thúc chuyến thăm cấp nhà nước đến Trung Quốc và dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế "Một Vành đai, Một Con đường" tại Bắc Kinh.
Cũng trong chuyến thăm này, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhận lời mời tới thăm Việt Nam và dự Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25, được tổ chức tại Đà Nẵng vào tháng 11/2017.
(BBC)
Việt Nam, Trung Quốc sẽ 'củng cố tình đồng chí'
14/05/2017
Lãnh đạo và các quan chức cao cấp của Trung Quốc hai ngày qua đã gặp riêng rẽ với Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang, cam kết củng cố “mối quan hệ đồng chí và anh em”, theo Tân Hoa Xã.
Thủ tướng Lý Khắc Cường được hãng tin nhà nước nói rằng Trung Quốc sẵn lòng duy trì mối quan hệ song phương đi theo đường hướng đúng đắn, cũng như thúc đẩy hợp tác cả trên bộ lẫn trên biển với Việt Nam.
Ông Quang được Tân Hoa Xã nói rằng Hà Nội sẵn sàng “củng cố mối quan hệ hữu nghị anh em và đồng chí Việt – Trung để đảm bảo mối quan hệ song phương lâu bền, ổn định và lành mạnh”.
Theo báo Nhân Dân, trong cuộc gặp này, Chủ tịch Việt Nam bày tỏ “mong muốn các bộ, ngành và địa phương Trung Quốc sớm hoàn tất các thủ tục pháp lý mở cửa thị trường đối với sữa và các sản phẩm từ sữa, hoa quả, thủy hải sản, thịt lợn của Việt Nam”.
Cuộc khủng hoảng thịt lợn ở Việt Nam hiện nay được cho là xuất phát từ việc “phía Trung Quốc vẫn chưa đồng ý mở cửa thị trường chính thức với thịt lợn nhập khẩu từ Việt Nam”.
Trước cuộc gặp với ông Lý, theo VnExpress, “Trung Quốc bắn 21 phát đại bác chào đón” ông Quang trong lễ đón với sự tham dự của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Hà Nội cũng từng bắn đại bác chào đón ông Tập tới Việt Nam năm 2015.
Ông Quang thăm Trung Quốc từ ngày 11 tới 15/5 để dự hội nghị thượng đỉnh Vành đai và Con đường, được coi là sự kiện ngoại giao lớn nhất của Bắc Kinh trong năm 2017.
Ngoài thảo luận với quan chức nước chủ nhà, theo VPG News, ông Quang hôm 14/5 còn gặp “Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif và Tổng Thư ký Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản, Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật - Việt Toshihiro Nakai”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét