Khi “Nốt Thăng” bị giáng xuống Ban Kinh tế trung ương, bình tâm nhìn lại, có lẽ Đinh La Thăng mới cám cảnh khuông nhạc điêu bạc ngoa ngoắt đến thế nào.
Đinh La Thăng (trái) và Nguyễn Phú Trọng |
Mới chỉ một năm trước, cũng những tờ báo ấy, thậm chí những nhà báo ấy, còn chạy theo Bí thư thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng để vơ hớt từng lời, từng câu vàng ngọc, ngợi ca không hề ngượng miệng trên mặt báo. Một năm sau, báo chí đã chứng minh hùng hồn về chuyện làm cho chính khách “xuống chó” chỉ sau một đêm.
Luận cho cùng, Đinh La Thăng không có được cái may mắn của Nguyễn Bá Thanh.
Hai số phận
Có người nhận xét rằng nếu Nguyễn Bá Thanh không rơi vào một cái chết đầy nghi ngờ mà còn sống đến ngày nay, chắc gì ông đã xử thế nổi cái mớ bòng bong hỗn tạp trong giới lãnh đạo Đà Nẵng hiện thời. Mà không xử lý được, Nguyễn Bá Thanh sẽ mất uy tín. Còn nếu ông Thanh sa vào cuộc chiến phe phái thời hậu Đại hội 12 thì kể như toi hết công sức và uy tín của ông từ trước tới nay.
Nhưng rốt cuộc, Nguyễn Bá Thanh từ giã sự nghiệp chính trị gần như trên đỉnh cao, được phần lớn báo chí Việt Nam và người dân Đà Nẵng thật lòng tiếc thương. Một cái chết khá đẹp.
Đinh La Thăng lại có được khởi đầu tương tự với làn sóng tung hô Nguyễn Bá Thanh khi ông Thanh ra Hà Nội làm Trưởng ban Nội chính trung ương. Vào lúc ông Thăng từ Bộ Giao thông vận tải về Sài Gòn làm bí thư thành ủy TP.HCM, báo chí đã như “lên đồng” chạy theo ông với những lời tụng ca như “quyết đoán”, “dũng cảm”.., thậm chí còn đưa ông lên tầm “nhà kỹ trị” và “người hùng”.
Nhưng giữa Nguyễn Bá Thanh và Đinh La Thăng lại có một sự khác biệt lớn. Khi được tung hô và tụng ca, ông Thanh cùng lắm cũng chỉ tuyên ngôn “bắt liền, hốt liền” theo lối bồng bột, mà không quá tự tin để tăng trưởng đầu óc mình đến mức “TP.HCM phải trở thành Hòn Ngọc Viễn Đông”, “TP.HCM phải cố gắng có được giải Nobel y học”… như Đinh La Thăng.
Kết quả của thói “tự sướng Đinh La Thăng” đã khiến về sau này ngày càng nhiều người trong giới hưu trí và cán bộ lão thành Nam Bộ than thở về ông: “đi đâu cũng báo, làm gì cũng báo”. Văn phòng thành ủy TP.HCM đã được ông Thăng sử dụng như một cơ quan chuyên trách về báo chí, liên hệ và đặt lịch để các tờ báo ở TP.HCM và một số tờ báo tuyên trung ương cử phóng viên bám sát Bí thư Thăng mỗi khi ông kinh lý ở các sở ngành, quận huyện. Mỗi lời ông nói ra đều được báo chí ghi lại và chọn những lời đắt giá để truyền thông. Trong ít nhất nửa đầu năm 2016, Đinh La Thăng đã nghiễm nhiên trở thành ủy viên bộ chính trị có tần suất xuất hiện dày đặc nhất, dày đặc hơn hẳn 18 gương mặt mờ nhạt khác.
Nhưng còn bây giờ thì sao?
Chẳng khó khăn gì, người ta đã chứng kiến thái độ quay ngoắt của báo chí đối với Đinh La Thăng ngay vào lúc Ủy ban Kiểm tra trung ương công bố đề nghị Bộ Chính trị kỷ luật đối với ông. Ngay cả tờ báo lớn nhất Sài Gòn, được coi là “ruột” của Thành ủy TP.HCM và không ít lần xăng xái đưa tin bài ca ngợi Bí thư Thăng, đã không ngần ngại quay ngược chiều công kích thủ trưởng cũ của mình.
Chỉ có rất ít tiếng nói tỏ ra đôi chút thiện cảm, bao biện cho Đinh La Thăng. Nhưng rất nhiều tờ báo lại tỏ ra chưa từng quen biết ông.
Quy luật thăng - giáng thời xôi thịt. Có cả những phóng viên từng lợi dụng mối quan hệ với một Đinh La Thăng vẫn còn giữ thói quen dám chi bao thư đậm ở Petro Vietnam, nay im bặt.
Hình ảnh quay ngoắt của báo chí đối với thân phận Đinh La Thăng rất xứng đáng là một bài học kinh khủng cho tất cả các “chính khách” thời nay. Hẳn là không ít nhà báo đã tiếp thu quá nhanh và quá thành thục thói lá mặt lá trái từ giới quan chức của “đảng và nhà nước ta” để sẵn sàng quay lưng với nhau chỉ sau một đêm.
Báo chí thời xôi thịt bẩn tưởi
Báo chí và báo giới nhà nước ở Việt Nam vẫn nổi tiếng là thụ động và vô cảm. Trong khi phong trào dân chủ và xã hội dân sự đã khởi xướng những cuộc biểu tình chống Trung Quốc từ mùa hè năm 2011 đến nay, trong khi vô số nhiễu nhương và tai ương giáng xuống đầu dân oan đất đai và nạn nhân của ô nhiễm môi trường Formosa, tuyệt đại đa số trong hơn 800 tờ báo nhà nước vẫn cúi đầu khép miệng. Chỉ có một ít nhà báo còn bức xúc, còn tâm huyết, nhưng không làm cách nào để chuyển tải được nỗi bất mãn và phản kháng của họ lên mặt báo nên đành buông bút.
Bất chấp một số bài viết lên án sự vô cảm của đồng loại, báo chí vẫn hiển hiện như một mặt trận vô cảm không thua sút. Những nội dung phổ biến mà độc giả trong nước được thưởng ngoạn trên báo chí chính thống vẫn rất thường là các tin tức giật gân, câu khách, hay nói như dân gian là logic “cướp giết hiếp”… Chẳng có mấy tờ báo còn đủ tự trọng để đánh động dư luận về những chuyện bất công xã hội vốn đang đầy rẫy ở xứ sở được Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tự tin “dân chủ gấp vạn lần tư sản”.
Không có lấy một lối thoát khả dĩ cho báo chí trong việc lên tiếng đánh thức lương tâm và chế ngự tính vô cảm tràn lan trong xã hội. Những phóng viên có nghề và có tâm huyết dần dần bỏ viết, rời khỏi báo, trong khi những nhà báo trẻ kế cận lại chưa thể kế thừa kinh nghiệm và phong cách của lớp đi trước. Còn lại, đại đa số hàng ngũ tổng biên tập mới chính là một dấu ấn đặc trưng cho “nhà báo quan chức” hoặc “trí thức cận thần” khép miệng trùm mền..
Khép miệng trùm mền trước quá nhiều nỗi đau xã hội, nhưng lại sẵn sàng lao vào bợ đỡ giới chính trị để cấu xé lẫn nhau trong những cuộc chiến quyền lực và tranh giành tiền bạc.
Vì tiền, chỉ vì tiền, sẵn sàng vùi dập nước mắm truyền thống của nông dân để làm đầy túi hơn cho các “đại gia.” Ngay cả những tờ báo được xem là “lớn” cũng đầy mùi ô uế như thế.
Lại có một lối kiếm tiền khác, không kém màu mỡ, vừa nảy nòi. Khi bầu không khí trở nên hết sức căng thẳng trước đại hội 12, hầu hết các tờ báo nhà nước đều im bặt mà chỉ theo dõi những diễn biến sôi sục của đủ các loại đơn thư tố cáo nội bộ tung hứng nhảy nhót trên mạng xã hội. Nhưng đến trước Hội nghị trung ương 5 vào tháng 5/2017 thì một bộ phận báo chí nhà nước lại “đồng chí” với nhau đến mức kinh ngạc với nhau trong một chiến dịch triệt hạ tung tóe trong nội bộ đảng.
Đinh La Thăng là một bằng chứng sống động, một nạn nhân của thứ báo chí như vậy, vào cái thời xôi thịt bẩn tưởi của quy luật thăng - giáng cùng thân phận “xuống chó” chỉ sau một đêm.
Nhưng cái đêm ấy có lẽ còn dài, dài lắm. Nốt giáng mang tên Ban Kinh tế trung ương còn tạm bợ lắm, như thể “giai đoạn quá độ” trước một nốt giáng mạnh hơn. Nếu bi kịch này xảy ra, Đinh La Thăng sẽ còn nhiều cơ hội để nhìn thấy những tờ báo “cánh hẩu” đối nhân xử thế với ông cạn tàu ráo máng đến thế nào…
Phạm Chí Dũng
(Blog VOA)
Trường hợp Đinh La Thăng: Luật pháp không phải cho cán bộ cao cấp
Biến cố chính trị kỷ luật ông Đinh La Thăng trong Hội nghị trung ương đảng lần thứ năm, được rất nhiều blogger và cư dân mạng xã hội quan tâm trong tuần qua.
Trước Hội nghị trung ương, khai mạc vào ngày 5 tháng 5 năm 2017, ông Thăng là Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Trước khi hội nghị khai mạc khoảng một tuần Ủy ban kiểm tra trung ương đảng đã công bố một đề nghị lên Bộ chính trị kỷ luật ông Thăng. Nhưng trước đó trên mạng xã hội và blog người ta đã bàn tán rất nhiều đến sai phạm của ông Thăng khi còn làm Chủ tịch hội đồng thành viên của Tập đoàn dầu khí Việt Nam.
Đến ngày thứ ba của Hội nghị trung ương, ông Thăng chính thức bị mất chức Ủy viên Bộ chính trị, sau đó ông mất chức Bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, và ông bị điều về Ban kinh tế trung ương. Sau khi Hội nghị trung ương kết thúc, ông Thăng lại được chuyển từ đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh về đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa.
Ban kinh tế trung ương
Trên trang blog Bình luận án, Luật sư Trần Hồng Phong viết lại tin kỷ luật ông Thăng với tựa đề: Sai phạm nghiêm trọng về kinh tế, ông Đinh La Thăng được điều động làm Phó ban kinh tế trung ương.
Đó cũng là một điều nhiều người thắc mắc. Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, một nhà quan sát chính trị Việt Nam, viết trên Facebook rằng đó là một chuyện như đùa, một hình thức kỷ luật không thuyết phục, tại sao sai phạm về kinh tế, mà bây giờ lại làm việc nghiên cứu kinh tế?
Trang Bauxite Việt Nam bình luận về chuyện này:
Người ta tự hỏi: Sao một người phá nát kinh tế của đất nước như ông Đinh mà nay lại đưa về Ban Kinh tế tối cao của đảng? Vậy thực chất Ban Kinh tế của đảng đóng vai trò gì ngoài vai trò “ga chờ” của những tội phạm sắp hạ cánh? Nhưng nếu là ga chờ thì đối với đảng, đó là chỗ ưu ái dành cho người đồng hội đồng thuyền đang thất cơ lỡ vận, tất nhiên là nơi ẩn náu an toàn. Còn đối với dân, liệu người dân có cùng một cách nhìn với đảng hay không?
Nhiều người trong đó có blogger Huỳnh Ngọc Chênh, đặt vụ kỷ luật ông Đinh La Thăng vào công cuộc chống tham nhũng của Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng phát động mấy năm nay, và so sánh nó với cái gọi là đả hổ diệt ruồi của ông Tập Cận Bình bên Trung Quốc.
Đả hổ diệt ruồi là chiến dịch chống tham nhũng của chủ tịch họ Tập, tên gọi có ý muốn nói rằng việc chống tham nhũng sẽ không chừa bất kỳ ai dù người đó có là cán bộ cao cấp.
Ông Huỳnh Ngọc Chênh viết:
Cuối cùng thì trận chiến "đả hổ diệt ruồi" phiên bản Việt Nam cũng đã kết thúc tốt đẹp như một vở kịch có hậu.
Phải có một con ruồi thật bự nào đó đứng ra chịu chém để lưỡi gươm chống tham nhũng dừng lại đúng chỗ.
Chủ trương "diệt chuột nhưng không để vỡ bình" của ông Trọng đã bộc lộ rõ ra qua chuyện dàn xếp cho Đinh La Thăng chức phó ban kinh tế ngay sau khi bị lấy lại hai chức được cho trước đây để y vui vẻ nhận tội, để chuyện chống tham nhũng chỉ dừng ở ruồi mà không dẫn lên đến hổ, để chuôt bị diệt mà không ảnh hưởng đến bình.
Câu nói diệt chuột sợ vỡ bình là của ông Nguyễn Phú Trọng trước đây, ý muốn nói sự khó khăn của công tác chống tham nhũng, khi các tội phạm tham nhũng cũng là những người đảng viên cộng sản như ông.
Đại biểu Quốc Hội tỉnh Thanh Hóa
Về chuyện chuyển ông Thăng từ chổ làm đại biểu Quốc Hội ở thành phố Hồ Chí Minh, sang làm đại biểu Quốc Hội tỉnh Thanh Hóa, luật sư Lê Công Định viết trên mạng xã hội:
Đảng thích chuyển đại biểu quốc hội từ địa phương này sang địa phương khác chỉ cần vài tờ giấy gửi qua gửi lại là xong. Dân lỡ "bầu" ông bà nào cho địa phương mình có gì quan trọng đâu!
Cuối cùng thì trận chiến "đả hổ diệt ruồi" phiên bản Việt Nam cũng đã kết thúc tốt đẹp như một vở kịch có hậu.
- Ông Huỳnh Ngọc Chênh
Bởi vậy mỗi lần "bầu cử quốc hội" nghe câu sáo ngữ "toàn dân nô nức đi bầu", tôi lại thấy buồn cười. "Nô nức" cho đã, khi cần họ vẫy tay một phát, chuyển người đi như chuyển ngân, không bận tâm ai là đại biểu của dân nào, ở đâu. Giấu đầu, lòi đuôi là thế!
Thôi thì các ngài thích cho ai ngồi vào cái gọi là "quốc hội" cứ ung dung tự tiện làm đi, chẳng ai cười đâu, chứ giả vờ "ứng cử, bầu cử" dân mới cười cho.
Nhà báo Huy Đức cho rằng Ban bí thư đã biến ông Thăng từ việc làm đại biểu của nơi này sang làm đại biểu của một nơi khác bằng một quyết định điều chuyển. Việc này cộng với những quyết định tước bỏ các chức danh cũ của hai ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ Công thương, và ông Võ Kim Cự, cựu bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh, đại biểu Quốc Hội, chứng tỏ đảng đang công khai thể hiện vai trò cầm quyền của mình. Và điều đó, theo Huy Đức, cho dân chúng thấy rõ ràng gốc gác của quyền lực là từ đâu.
Hai ông Vũ Huy Hoàng, và Võ Kim Cự đều được cho rằng có những sai phạm liên quan đến việc bổ nhiệm cán bộ và kinh tế, mà trong đó ông Võ Kim Cự là vụ nhà máy Formosa xả chất độc làm biển ô nhiễm hồi năm ngoái.
Một nhân vật cấp dưới của ông Thăng và rất nổi tiếng trong suốt một năm qua là ông Trịnh Xuân Thanh, đã bỏ trốn ra nước ngoài và bị nhà nước Việt Nam phát lệnh truy nã vì tội tham nhũng liên quan đến những sai phạm trong quả lý kinh tế. Ông Thanh cũng là đại biểu Quốc hội.
Huy Đức viết rằng Võ Kim Cự cũng chính đảng đưa vào Quốc Hội; Trịnh Xuân Thanh cũng đảng đưa vào Quốc Hội. Dân đã mất một buổi cày đi bỏ phiếu rồi bây giờ ngơ ngác nhìn đảng đưa họ ra.
Kỷ luật nhẹ của một thể chế chưa muốn cải cách
Bình luận về vụ kỷ luật ông Đinh La Thăng, blogger Nguyễn Văn Thọ viết trên blog Kim Dung:
Kỷ luật ấy vẫn là sự nương nhẹ. Một đứa trẻ ăn cắp 1 cái bánh mỳ bị xử, một cán bộ cấp thấp tham ô vớ vẩn, nhận quà chỉ 1 cái đài bị tù cả bao năm cách tất cả chức vụ như Trần Mai Hạnh còn Đinh La Thăng tổn thất cả tỉ đô làm cho hàng triệu kẻ đói nghèo, không có đức lớn, tài cao sao lại chỉ cảnh cáo?
Ông Trần Mai Hạnh vốn là một nhà báo, được cho là có nhận hối lộ trong vụ án băng nhóm xã hội đen Năm Cam tại Sài Gòn cách đây hơn 10 năm. Trong vụ án đó, số tiền ông Hạnh nhận là khoản vài ngàn đô la Mỹ.
Một tác giả khác ký tên là Mường Thanh viết trên trang Dân Luận về bản án kỷ luật của ông Đinh La Thăng:
Thăng văng ra khỏi top 18 nhưng vẫn là top 200 nhân vật quyền lực nhất trên 90 triệu dân VN, còn khối người mơ! Nhưng lần nhớ sau tế nhị hơn chút nha cha nội, làm quá không khéo người đời chép miệng, buông một câu: "Đúng là cái anh ấy làm nghề nghệ sĩ"!
Top 18 là 18 Ủy viên Bộ chính trị quyền lực nhất nước, top 200 là 200 Ủy viên Trung ương đảng, còn câu chuyện nghệ sĩ mà Mường Thanh đề cập là thói quen của ông Thăng hay cầm đàn ca hát trong các buổi văn nghệ phong trào.
Thăng văng ra khỏi top 18 nhưng vẫn là top 200 nhân vật quyền lực nhất trên 90 triệu dân VN, còn khối người mơ!
- Mường Thanh
Cũng trong thời gian diễn ra Hội nghị trung ương năm của đảng cộng sản, ông Mai Tiến Dũng, chủ nhiệm văn phòng chính phủ có nói trong một buổi họp báo rằng: "Nếu chúng ta sai, chúng ta nhận lỗi trước dân. Nếu dân sai thì dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật"?
Nay nhìn lại bản án kỷ luật dành cho ông Đinh La Thăng, tác giả Nguyễn Phương Đông trích lại lời ông Mai Tiến Dũng mà hỏi rằng phải chăng trong thời đại rực rỡ này pháp luật chỉ dành cho dân?
Trong lại vụ kỷ luật ông Đinh La Thăng, nhà báo Huy Đức viết rằng đảng dùng kỷ luật nội bộ của mình để xử các ủy viên trung ương, ủy viên Bộ chính trị, là điều hợp lý, nhưng hành vi của họ còn làm tổn hại tới lợi ích quốc gia và tiền bạc của dân. Nếu dân không có thực quyền. Nếu không có nhà nước pháp quyền. Nếu các cơ quan tố tụng luôn phải chờ đợi quy trình chính trị này để túm cổ bọn sâu mọt thì những thành tích chống tham nhũng sẽ rất tạm thời và đất nước rất dễ rơi trở lại cái vòng luẩn quẩn.
Tương tự như vậy nhà báo, blogger Huỳnh Ngọc Chênh đặt câu hỏi là những khoản tiền vô cùng lớn mà ông Đinh La Thăng có trách nhiệm trong việc làm thất thoát sẽ có được thu hồi hay không? Ông Chênh nói tiếp nếu những câu hỏi đó tiếp tục kéo dài dằng dặc thì chỉ có nhân dân là thất bại thảm hại trong những cuộc chiến gọi là chống tham nhũng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét