09:18 ngày 09 tháng 05
năm 2017
TPO - Dự án đường sắt
đô thị Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) mấy tháng qua tiến độ chậm vì tắc vốn. Ban
QLDA cho hay, nhà thầu phản ứng gay gắt vì chậm vốn (hiện nợ nhà thầu hơn 600
tỷ đồng). Nếu không giải quyết sớm, dự án này sẽ tiếp tục đội vốn vì lãi vay ít
nhất 1,2 tỷ đồng/ngày.
Dự án Cát Linh – Hà Đông đang được chờ đợi từng ngày.
Theo báo cáo mới nhất,
dự án Cát Linh – Hà Đông hiện đã hoàn thành 90% phần xây dựng, phần việc còn
lại chủ yếu liên quan đến công tác lắp đặt, hiệu chỉnh thiết bị và vận hành
chạy thử đối với thiết bị đoàn tàu. Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công
trình giao thông coi đây là “đường găng” khó khăn nhất của dự án.
Trong cuộc họp tiến độ
của Bộ GTVT hôm 4/5 vừa qua, lãnh đạo Ban quản lý dự án đường sắt cho biết, đến
nay phần xây lắp, hoàn thiện nhà ga, khu depot cơ bản xong, nhưng phần đường
ray, nền đường, hàng rào, đường nội bộ… chậm tiến độ.
Lãnh đạo Ban này cho
hay, nguyên nhân chậm tiến độ do tắc vốn. Năm 2008, dự án có tổng mức đầu tư
552,86 triệu USD tương đương 8.769 tỷ đồng. Trong đó: Vốn vay Trung Quốc là 419
triệu USD (gồm 169 triệu USD vay ưu đãi, lãi suất 3% và 250 triệu USD vay ưu
đãi bên mua 4%); vốn đối ứng Việt Nam là 133,86 triệu USD.
Năm 2016, tổng mức đầu
tư tăng vốn lên 868,04 triệu USD (tăng 315,18 triệu USD). Trong đó, phần vốn
vay Trung Quốc là 669,62 triệu USD (tăng 250,62 triệu USD); vốn đối ứng Việt
Nam là 198,42 triệu USD (tăng 64,56 triệu USD).
Đầu tháng 3, Ban QLDA
Đường sắt cho biết, thủ tục vay vốn bổ sung (phần hơn 250 triệu USD bổ sung từ
Trung Quốc) sẽ hoàn tất vào cuối tháng 3. Tuy nhiên, đến nay, hợp đồng vay bổ
sung vẫn chưa thành hiện thực.
Nếu tiếp tục chậm tiến
độ, dự án sẽ đứng trước nhiều thách thức, trong đó đứng trước tình trạng đội
vốn vì lãi suất tăng từng ngày. Với vốn 669 triệu USD từ Trung Quốc, theo tỷ
giá hiện nay tương đương 14.718 tỷ đồng, chỉ tính lãi vay thấp nhất (3%/năm),
mỗi ngày dự án phải trả lãi ít nhất 1,2 tỷ đồng. Số lãi này chưa tính vốn góp
198 triệu USD từ ngân sách để thi công dự án.
Cũng như lần tăng vốn
thêm 315,18 triệu USD (được đưa ra vào năm 2013, quyết định năm 2016) nêu trên,
nguyên nhân chủ yếu do chậm tiến độ dẫn đến trượt giá và điều chỉnh thiết kế.
Đại diện Ban QLDA cho
hay, hiện nợ nhà thầu phụ đã lên đến 600 tỷ đồng và nhà thầu phản ứng rất gay
gắt. “Chúng tôi lên kế hoạch bắt đầu lắp thiết bị từ tháng 3 nhưng vốn tắc từ
tháng 1 và đến nay nên công việc chậm lại. Nếu có vốn sớm nhất, phải bù tiến độ
rất khó khăn” – đại diện Ban QLDA cho hay. Ông này không chắc chắn về khả năng
đạt tiến độ chạy thử vào thời điểm 1/10 tới.
Sỹ Lực
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét