Dân trí Với lý do quá nhiều đoàn kiểm tra sẽ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất - kinh doanh, Công ty TNHH Nhôm Toàn cầu xin được tiếp tục làm việc với đoàn kiểm tra của Tổng cục Hải quan và sử dụng kết luận do đoàn kiểm tra của Tổng cục Hải quan làm căn cứ đánh giá.
>> Kiểm tra kho nhôm khổng lồ tại Việt Nam: Vẫn là chậm?
>> Bất ngờ kiểm tra kho nhôm nghi của tỷ phú Trung Quốc, Bộ Công Thương nói gì?
>> Ba Bộ vào cuộc kiểm tra kho nhôm bí ẩn nghi của tỷ phú Trung Quốc
Kho nhôm khổng lồ ở Vũng Tàu. Ảnh: The Wall Street Journal.
Liên quan tới vụ thanh kiểm tra kho nhôm bí ẩn nghi của tỷ phú Trung Quốc tại Vũng Tàu, công ty TNHH Nhôm Toàn cầu Việt Nam vừa có công văn gửi lên Phó Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành đề nghị hỗ trợ.
Công ty TNHH Nhôm Toàn cầu có địa chỉ tại Khu công nghiệp Mỹ Xuân, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là dự án nhà máy sản xuất nhôm định hình với công suất 200.000 tấn/năm. Hiện nhà máy gồm 4 phân xưởng chính: xướng đúc, xưởng ép, xưởng sơn và xưởng xi mạ trên tổng diện tích 63ha, được trang bị đầy đủ máy móc thiết bị hiện đại.
Dự án này do hai người gốc Trung Quốc, quốc tịch Úc là ông Jacky Cheung và ông Wang Tong góp vốn làm chủ đầu tư. Theo giấy phép đầu tư do Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp, thời hạn hoạt động của dự án là 37 năm, kể từ năm 2011. Trong dự án này, ông Jacky Cheung góp vốn gần 500 tỷ đồng, còn ông Wang Tong góp gần 4.500 tỷ đồng. Toàn bộ hàng hóa sản xuất ở nhà máy này sẽ được xuất khẩu, với quy mô 200.000 tấn/năm.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ Công Thương sẽ phối hợp cùng Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiến hành kiểm tra công ty trong tháng 5/2017 nhằm làm rõ thông tin về vận chuyển nhôm có nguồn gốc Trung Quốc vào Việt Nam.
Theo công ty này, ngày 18/4/2017 vừa qua, doanh nghiệp đã nhận được văn bản yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu do Cục An ninh Kinh tế Tổng hợp (A85) ban hành.
“Công ty chúng tôi là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, việc liên tục phải tiếp đón và chuẩn bị rất nhiều hồ sơ cho các đoàn kiểm tra đến làm việc như vậy gây ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty”, văn bản do Tổng giám đốc Công ty Nhôm Toàn cầu nêu.
Lãnh đạo Công ty Nhôm Toàn cầu cho rằng, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và tránh trùng lặp trong việc kiểm tra, công ty đề nghị Phó Thủ tướng xem xét hỗ trợ doanh nghiệp được tiếp tục làm việc với đoàn kiểm tra của Tổng cục Hải quan và sử dụng kết luận do đoàn kiểm tra của Tổng cục Hải quan làm căn cứ đánh giá thông tin về vận chuyển nhôm có nguồn gốc Trung Quốc vào Việt Nam.
“Công ty chúng tôi cam kết phối hợp chặt chẽ với đoàn kiểm tra để sớm có kết quả và chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu có sai phạm”, văn bản nêu rõ.
Như Dân trí đưa tin trước đó, Bộ Công Thương mới đây đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu liên quan đến việc cử đại diện tham gia Đoàn kiểm tra kho nhôm khổng lồ nghi nguồn gốc Trung Quốc ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Việc kiểm tra này là thực hiện theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhằm làm rõ thông tin về vận chuyển nhôm có nguồn gốc Trung Quốc vào Việt Nam.
Hồi năm ngoái, tờ Wall Street Journal đưa tin, kho nhôm khổng lồ phủ bạt tại Vũng Tàu nhiều khả năng thuộc quyền sở hữu của China Zhongwang, tập đoàn lớn chuyên về nhôm của Trung Quốc nằm dưới sự quản lý của tỷ phú Lưu Trung Thiên (Liu Zhongtian).
Tạp chí Wall Street Joural cho rằng, các công ty nhôm Trung Quốc, trong đó có tập đoàn của Lưu đã buộc phải tìm cách lách luật. China Zhongwang vướng phải nhiều nghi vấn về việc xuất nhôm sang các nước thứ ba như Mexico hay Việt Nam rồi dùng các công ty tại nước sở tại để tái xuất hàng sang Mỹ hay các thị trường bị áp thuế. So với mức 374% cho nhôm Trung Quốc, nhôm Việt Nam xuất vào Mỹ chỉ phải chịu thuế 5%.
Về việc này, Bộ Công Thương cho biết, đây là hoạt động chuyên môn bình thường trong công tác quản lý xuất nhập khẩu nhằm đảm bảo quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước được diễn ra một cách bình đẳng, minh bạch, phù hợp với các cam kết quốc tế và đáp ứng lợi ích của Việt Nam, qua đó hoàn thiện chính sách và phục vụ công tác điều hành xuất nhập khẩu được tốt hơn.
"Mục tiêu của đợt kiểm tra lần này là nhằm kiểm tra tình hình thực thi pháp luật về xuất xứ hàng hóa trên cơ sở các quy định của pháp luật và cam kết quốc tế về xuất xứ hàng hóa", Bộ Công Thương cho biết.
Trong thời gian tiến hành kiểm tra, Đoàn đảm bảo không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các doanh nghiệp. Bộ Công Thương cũng khẳng định sẽ tiếp tục thông tin cho báo chí và công luận sau khi có kết quả kiểm tra.
Phương Dun
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét