Thứ Hai, 4 tháng 12, 2017

Trở lại Cao Bằng, đôi điều suy ngẫm!

Trước đây, do yêu cầu của công tác, chúng tôi thường xuyên đi lại một số tỉnh miền biên ải phía bắc: Lạng Sơn, Hải Ninh (Quảng Ninh), Cao Bằng, Hà Giang… Trong các chuyến đi ấy, chúng tôi thường được nghe các bạn hữu, bà con nhân dân địa phương nói chuyện về việc phía Trung Quốc di chuyển cột mốc biên giới với sự trợ lực của lực lượng võ trang lấn chiếm đất đai của nước ta.

Những vùng bị lấn chiếm ấy, họ di dời làng mạc cho dân sang cư trú, làm ăn; thậm chí họ còn chuyển cả mồ mả tổ tiên sang, các mồ mả ấy có bia mộ đàng hoàng nhưng không biết bên trong có hài cốt thực không, chẳng ai biết. Không chỉ nghe mà chúng tôi còn được bà con địa phương đưa đến một số nơi để mục kích như: Thanh Thủy (Hà Giang), Bản Giốc, Sóc Giang, Phia Un, Ngọc Khê (Cao Bằng), Trinh Tường, Pò Hèn (Hải Ninh), Mục Nam Quan, khu vực liên hoàn đường sắt – đường bộ thuộc xã Bảo Lâm (Lạng Sơn) v.v…

Ga biên giới ở khu vực biên giới TQ và tỉnh Lai Châu, dưới thời Pháp thuộc, nằm trong lãnh thổ Việt Nam, nhưng bây giờ nó đã “chạy” qua vùng đất TQ. Nguồn: Bách Việt Nhân.
Khi tiếp xúc với tư liệu: “Bản bị vong lục của bộ ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam về việc nhà cầm quyền TQ gây khiêu khích, xâm lấn lãnh thổ Việt Nam ở vùng biên giới công bố ngày 15 tháng 3 năm 1979 tại Hà Nội”, chúng tôi thấy các địa điểm mà chúng tôi đã mục kích trên đều nằm trong hơn 4.000 vụ lấn chiếm từ năm 1974 đến 1978.

Năm 2000, hiệp ước biên giới đất liền giữa nước CHXHVN Việt Nam và nước CHND Trung Hoa đã được ký kết chính thức. Theo giải thích của bộ ngoại giao và ban tư tưởng văn hóa TW (ban Tuyên giáo), khu vực có tranh chấp rộng khoảng 227km2 gồm 164 điểm. Kết quả đàm phán đã giải quyết 114km2 về TQ và 113km2 về VN. Như vậy, VN chỉ mất 1km2. Nếu so với con số hơn 3000km2 lãnh thổ nước ta bị mất do hiệp ước Pháp – Thanh 1887 – 1895 thì con số 1km2 trên đây chẳng là bao. Có thể cho rằng: đây là một “thắng lợi to lớn” như nhận định của ban TGTW và bộ ngoại giao! Nhưng, suy đi ngẫm lại cảm thấy có điều đáng phân vân. Tại sao chỉ có 164 khu vực có tranh chấp (227km2), thực chất là phần lãnh thổ bị TQ xâm chiếm?

Trong khi đó, con số trong “Bị vong lục của “Bộ ngoại giao” công bố là 4333 khu vực (từ năm 1974 đến 1978); nếu tính cả phần lãnh thổ bị TQ chiếm đoạt từ thời Trung Hoa dân quốc đến chiến tranh xâm lược của TQ 1979 – 1988, con số có thể đến gần 5.000 khu vực. Vậy, khi đàm phán để ký hiệp ước biên giới đất liền giữa CHXHXN Việt Nam và CHND Trung Hoa đã căn cứ vào cơ sở nào? Căn cứ theo đường biên giới nguyên trạng do lịch sử để lại (công ước Pháp – Thanh 1887 – 1895) hay là theo đường biên giới hiện trạng, tức là phần lãnh thổ đã bị TQ di dời cột mốc biên giới, lấn chiếm trong mấy chục năm qua sau công ước Pháp – Thanh? Năm 1957 TWĐ lao động VN (Đảng cộng sản) đã đề nghị giải quyết vấn đề quốc giới giữa hai nước trên nguyên tắc pháp lý lấy đường biên giới nguyên trạng do công ước Pháp – Thanh 1887 – 1895 đã hoạch định và đã được hai nước cắm mốc. Với đề nghị này Đảng LĐVN đã mặc nhiên chấp nhận bị mất hơn 3.000km2 do người Pháp nhượng bộ cho TQ… TWĐ cộng sản TQ chấp thuận nguyên tắc pháp lý ấy của đề nghị VN.

Trên cơ sở thỏa thuận của VN và TQ, phía VN đã đưa ra dự thảo văn bản hiệp ước biên giới trên bộ giữa hai nước. Điều I của dự thảo trên ghi: “Hai bên chính thức xác nhận đường biên giới giữa hai nước VN và TQ đã được hoạch định và cắm mốc theo các văn kiện về biên giới ký kết giữa chính phủ cộng hòa Pháp và chính phủ nhà Thanh TQ là đường biên giới quốc gia giữa nước CNXHCNVN và CHNDTH…”

Vào đàm phán, phía TQ trắng trợn bội ước, khăng khăng đòi xem trên cơ sở đường biên giới hiện trạng, có nghĩa là họ muốn giữ nguyên khoảng 5.000 khu vực đã lấn chiếm của VN.

Những ngày đầu năm ngoái, tôi có dịp trở lại Cao Bằng, tỉnh có đường biên giới dài nhất và nhiều khu vực hiểm yếu nhất trên biên giới Việt – Trung. Cao Bằng có nhiều đổi thay lớn. Trong chiến tranh biên giới 1979 thị xã Cao Bằng và một số thị trấn huyện lỵ bị quân xâm lược Trung Quốc tàn phá, hủy diệt. Nhưng chỉ hơn hai thập niên bộ mặt của đô thị, thị trấn đã có nhiều thay đổi. Mọi dấu tích của chiến tranh 1979 được xóa bỏ, thậm chí cả những di chứng tội ác dã man của kẻ thù xâm lược như ở Hưng Đạo, Lũng Tạc… không biết có vô tình hay cố ý cũng bị xóa luôn.

Ngoài quốc lộ số 3 Hà Nội – Cao Bằng, quốc lộ số 4 Lạng Sơn – Cao Bằng, các tuyến đường tỉnh lộ, liên huyện, đường lên các cửa khẩu với TQ đều được mở rộng, tráng nhựa phẳng lỳ; đèo cao được hạ thấp, bớt khúc khuỷu… các bạn hữu quen cũ đưa tôi đến thăm lại các khu vực bị TQ di dời cột mốc cưỡng chiếm: Sóc Giang, Phia Un – Trà Lĩnh, Ngọc Khê – Pò Teo, Bản Giốc… các khu vực này đều nằm trong hàng loạt địa điểm bị họ coi là “đường biên giới hiện trạng”. Trước khi chưa có hiệp ước chính thức, còn gọi là vùng tranh chấp, nhà cửa dân cư của họ tạm bợ; ngày nay đã xây cất kiên cố, đàng hoàng, làm đường ô tô to lớn.

Riêng khu vực thác Bản Giốc, từ cuối những năm 80 thế kỷ trước, họ đã ngang nhiên xây dựng khu dịch vụ – du lịch “thác Đức Thiên”, một trong những khu du lịch thác nước nổi tiếng nhất Trung Quốc, hàng năm đón hàng triệu khách du lịch – nghỉ dưỡng. Từ năm 1976, căn cứ vào cột mốc 53 (mới được di dời) trên đầu thác, họ tuyên bố toàn bộ phần thác ba tầng (phần thác chính và đẹp nhất) và dòng song Quây Sơn dưới thác là lãnh thổ TQ. Công luận Cao Bằng và cả nước ta lên án kịch liệt hành động của TQ; để thành việc đã rồi, họ cấp tốc xây dựng khu du lịch – nghỉ dưỡng trên. Khốn nỗi bấy giờ, ông Vũ Dũng nguyên thứ trưởng Bộ ngoại giao và ông Nguyễn Lân Dũng cựu phó chủ nhiệm ủy ban đối ngoại Quốc hội đã về hùa với TQ, phản bác công luận, khẳng định phần thác chính Bản Giốc, dòng sông Quây Sơn và khu vực đất đai phía bắc thác là của TQ, phía VN chỉ có phần thác phụ (3 dòng), vũng nước dưới chân thác và đất phía nam! Khi đàm phán phân định biên giới, để tỏ rõ sự “cao thượng và tấm lòng hữu hảo”, phía TQ đã nhường cho VN nửa phần thác chính 3 tầng và nửa bề mặt sông Quây Sơn. Nhưng lại ràng buộc bằng hiệp định cùng khai thác; VN và TQ cùng hợp tác xây dựng các cơ sở du lịch – nghỉ dưỡng bên bờ nam – kể cả động Ngườm Ngao trong quần thể khu du lịch Bản Giốc. Vì vậy, sau hơn một chục năm đã ký hiệp ước biên giới và hiệp định hợp tác khai thác, khu vực thác Bản Giốc VN, ngoài khách sạn Sài Gòn – Bản Giốc ở phía Đông, ngôi chùa Phật giáo ở lưng chừng núi phía Tây và cột mốc chủ quyền lãnh thổ cắm trên gò đất sát chân thác, bên mép song ở phía Nam thác ba tầng; còn lại vẫn là gò đồi hoang sơ, chiếc cầu tre lắc lẻo qua lạch nước, dãy quán hàng lụp xụp bán đồ lưu niệm mà phần lớn hàng hóa đều là hàng TQ, giá cả lại đắt hơn các quầy hàng lịch sự, đa dạng bên kia sông của người TQ.

Trò chuyện với người quản lý thác của công ty du lịch tỉnh Cao Bằng (kỳ thực công ty du lịch cũng chưa đầu tư xây dựng gì cả, trừ việc đặt quầy thu tiền khách xuống thác) và mấy em lính biên phòng, họ nói, cấp trên bảo TQ chưa có ý kiến gì nên phía ta cũng chưa làm được (?). Các em biên phòng bảo: trước xây đồn này, họ cho mấy chục dân quân (?) sang phá, chúng cháu lại xây, chúng lại kéo sang, tuy không có lệnh cấp trên, nhưng chúng cháu dùng tay nện cho một trận “tóe khói”, không dám sang nữa.

Đó là chuyện trước khi hai nước chưa ký hiệp ước biên giới, còn tranh chấp đất đai, sau khi có hiệp ước, thái độ của họ thế nào? Tôi hỏi, các em nói: “Khi đã có cột mốc giới hẳn hoi, họ vẫn quấy. Số là trước đây, họ xây bờ kè phía bắc sông, cứ từng đoạn kè, họ làm một đập nhỏ chạy xéo ra giữa dòng, làm cho nước chảy xói vào bờ nam, lở đất, sập đường… khi đã cắm mốc, ta xây bờ kè ngăn nước xói, họ lại kéo sang la lối không cho làm, nhưng thấy chúng cháu đứng đó, chúng lủi luôn…, chú thấy khách sạn, chùa mới làm hai, ba năm nay, các ông bên mình cho xây tít tắp đằng xa kia đấy…”

Có điều tôi cũng chưa thật rõ, không hiểu sao, lại đi xây bia chủ quyền lãnh thổ cách xa đường biên giữa thác hàng trăm thước, lẽ ra, bia ở đâu thì đất ở đấy chứ! Còn ngôi chùa với hàng trăm tỷ đồng, xây chót vót trên núi, khách du lịch nếu muốn lên thắp hương cũng ngại leo trèo; còn người bản địa thì đâu phải là dân mộ đạo Phật? Sao không xây đền thờ Tôn Đản, Nùng Trí Cao, người Tày – Nùng – những anh hùng đất Việt có công xây dựng, bảo vệ biên cương của Tổ quốc? Không biết đến bao giờ dự án xây dựng khu du lịch Bản Giốc – Ngườm Ngao của ta được TQ “chấp thuận” (nếu không nói là cho phép) để triển khai? Trước năm 1999, họ mở thông cửa khẩu ở khu vực cột mốc 53, khách du lịch VN được tự do qua tham quan, mua sắm hàng hóa. Sau hiệp ước, họ cho bè mãng hai bên tự do lưu thông trên mặt sông Quây Sơn dưới chân thác ba tầng. Khách VN có thể dùng bè mãng để qua bên kia ngắm vẻ đẹp hùng vĩ của thác! Nhưng, bè mãng của ta thì ọp ẹp, không bắt mắt; của họ thì vững chãi, trang trí rất đẹp, nên khách của hai bên đều lên mãng của họ để du ngoạn.

Trở lại vấn đề lãnh thổ Tổ quốc được – mất do hiệp ước biên giới 1999 đem lại thực chất là thế nào? Những phần đất đai TQ lấn chiếm các khu vực đã nêu ở mấy điểm thuộc tỉnh Cao Bằng, nay, mặc nhiên đã được hiệp ước biên giới chính thức công nhận là đất TQ chắc chắn không chỉ giới hạn ở con số được 1km như giải thích của BTGTW và bộ ngoại giao? Mấy ngàn khu vực bị TQ lấn chiếm theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao năm 1979 có cùng một số phận cay đắng như các khu vực trên ở Cao Bằng hay không?

Theo dữ liệu của ngân hàng thế giới (World Bank) diện tích đất liền của Việt Nam trước năm 1999 là 325.490km2. Năm 2000 diện tích giảm đi còn 311.060km2. Như vậy, theo thông tin trên diện tích đất liền của nước ta sau khi ký hiệp ước biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc bị mất 14.430km2. Nếu theo số liệu của Ban văn hóa – văn nghệ Trung ương Đảng trong văn hóa Việt Nam (tổng hợp 1989), diện tích đất liền VN là 331.689km2, thì số đất đai bị mất còn lớn hơn (20.629km2). Vả lại, có điều cũng nên bàn thêm: năm 1957 TWĐ lao động VN đề nghị lấy công ước Pháp – Thanh 1887 – 1895 làm nguyên tắc pháp lý để đàm phán về vấn đề biên giới đất liền giữa Việt Nam – Trung Quốc; đề nghị ấy tuy là một bước lùi, một sự nhượng bộ lớn để tháo gỡ sự bế tắc trong việc giải quyết vấn đề biên giới giữa VN và TQ; nhưng có đúng với tuyên ngôn độc lập 1945 “… chính phủ lâm thời nước Việt Nam mới tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nươc VN…”.

Có ý kiến cho rằng: nếu sau hiệp ước biên giới, diện tích lãnh thổ nước ta bị thu hẹp (hay mất) hàng vạn cây số vuông thì sao cùng thời điểm ấy, diện tích lãnh thổ TQ vẫn không tăng? Chúng ta đã từng biết, với tâm địa bành trướng cố hữu, nếu được lợi thì ký hiệp ước biên giới, họ cũng không bao giờ tuyên bố thật là họ được lợi. Một việc làm hiển nhiên có thể giải đáp phần nào dã tâm lấn chiếm của họ là sau khi hiệp ước có hiệu lực, hai nước tiến hành việc phân giới, cắm mốc; họ đã vội vàng “thu hồi” các cột mốc đã di chuyển trên thực địa, các cột mốc này rất dễ nhận biết. Họ giải thích: lấy về để đưa vào bảo tàng (?) các cột mốc ấy là tài sản chung của hai nước, sao họ lại tự tiện thu hồi khi chưa được phép của chính phủ ta? Hành động này là do các địa phương của họ tự phát làm hay có sự chỉ đạo. Đó có phải là chuyện mờ ám nhằm phi tang chuyện lấn chiếm bất hợp pháp của họ hay không?

Vấn đề diện tích lãnh thổ nước ta bị mất sau hiệp định biên giới, nhiều tác giả trong nước đã đề cập đến. Qua khảo sát thực trạng một số điểm trên biên giới Cao Bằng, chúng tôi muốn góp thêm một tiếng nói của nội tâm. Rất mong được Quốc hội giải đáp thật tỏ tường.

Thiết nghĩ, nếu chỉ để duy trì sự ổn định và bảo vệ tình hữu nghị theo tinh thần “bốn tốt” và “mười sáu chữ vàng” mà khi đàm phán ký kết hiệp ước biên giới 1999 – 2000 đã nhân nhượng rời bỏ nguyên tắc pháp lý căn cứ vào đường biên giới hiện trạng để TQ lấn sâu vào lãnh thổ đất nước ta thì thật là điều đáng hổ thẹn với tổ tiên hàng ngàn năm qua đã kiên cường gìn giữ từng “thước đất núi – tấc đất sông” của Tổ quốc.

Hàn Vĩnh Diệp

(Tiếng Dân)

Không có nhận xét nào: