Thứ Bảy, 9 tháng 12, 2017

Trung Quốc: Gom đại lực, thiếu đại nghĩa

RFA

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc - ông Tập Cận Bình tại buổi khai mạc 'Hội nghị Đối thoại cấp cao giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với các đảng chính trị trên thế giới' ngày 1 tháng 12 năm 2017.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc - ông Tập Cận Bình tại buổi khai mạc 'Hội nghị Đối thoại cấp cao giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với các đảng chính trị trên thế giới' ngày 1 tháng 12 năm 2017.
 RFA
Từ ngày 30/11 đến ngày 3/12/2017, tại Bắc Kinh, Hội nghị Đối thoại cấp cao giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với các đảng chính trị trên thế giới đã được tổ chức, với chủ đề “Xây dựng cộng đồng chung vận mệnh nhân loại, cùng nhau xây dựng thế giới tốt đẹp: Trách nhiệm của các chính đảng”, dưới sự chủ trì của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc - ông Tập Cận Bình.  Sự kiện này có ý nghĩa gì trong bối cảnh thế giới hiện nay? RFA ghi nhận
Phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị ngày 1/12/2017, ông Tập Cận Bình đề xuất phát triển mô hình mới về hợp tác giữa các đảng chính trị lớn với nhau. Ông Tập khẳng định, Đảng Cộng sản Trung Quốc sẵn sàng đối thoại, trao đổi và hợp tác với nhân dân và các đảng phái chính trị từ nhiều quốc gia trên thế giới. Hơn nữa, ông Tập còn đề xuất biến Hội nghị Đối thoại cấp cao này trở thành diễn đàn đối thoại chính trị cấp cao có tầm ảnh hưởng và mang tính đại diện quốc tế.

Từ Hà Nội, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai – Giám đốc Trung tâm Minh Triết nhìn nhận, Hội nghị đối thoại này là một bước đi của ông Tập, nhằm tập hợp một lực lượng trên chính trường quốc tế như thời ông Mao Trạch Đông đã làm trong những năm 50-60 của thế kỷ trước và biến Trung Quốc trở thành “thủ lĩnh” trên thế giới.
Ý đồ là muốn tập hợp một lực lượng, để làm một cái đối trọng với thế giới dân chủ, thế giới phương Tây, thế giới văn minh, hiện đại. Vì sao thế? Là vì Trung Quốc đã bắt đầu thấy mình có thế, có lực, có thể làm được việc này.”
Giáo sư Nguyễn Đình Cống – một cựu đảng viên Đảng Cộng sản, nhà quan sát chính trị chia sẻ quan điểm với Giáo sư Mai và ông cho biết thêm, Đảng Cộng sản Trung Quốc và ông Tập đang muốn thăm dò các nước để đạt được mục đích của mình.
Nó triệu tập đến để nó thăm dò, để xem thử thằng nào thích cái gì thì nó chia ra. Thằng nào yếu bóng yếu vía thì nó dọa nạt. Thằng nào tham lam thì nó xì cho ít quyền lợi. Thằng nào mà thấy dây dưa là nó đề phòng. Cái thằng mà đang lên, hung hăng thì nó làm như thế.”
Với gương mặt như thế, anh lôi kéo được ai, làm hình mẫu cho ai. Bây giờ có ai mà bỏ tiền, bỏ của đi vào Trung Quốc để làm ăn, sinh sống, như người Trung Quốc đang hăm hở đi Mỹ không? Không có!
- Giáo sư Nguyễn Khắc Mai
Bên cạnh đó, theo Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, ngoài mục đích đối ngoại, ông Tập và Đảng Cộng sản Trung Quốc còn mục đích đối nội là lừa mị chính người dân nước này, thể hiện một điều rằng Trung Quốc “có bạn” trong quá trình phát triển.
Họ buộc phải làm như thế, vì bản thân nội bộ Trung Quốc đang có vấn đề, kể cả kinh tế có vấn đề. Đặc biệt là người ta khẳng định rằng Trung Quốc phát triển nhưng mà không có bạn bè, không có đồng minh. Thế cho nên Trung Quốc muốn làm thế này. Đấy là mục đích của họ.”
Theo trang tin China Daily, lãnh đạo các đảng tới Bắc Kinh tham dự Hội nghị Đối thoại Cấp cao ca ngợi "các thành quả phát triển của Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng CS".
Giáo sư Nguyễn Đình Cống đưa ra phân tích, hiện nay Trung Quốc đang có “đại lực” lớn, với dân số đông và có mặt ở mọi nơi trên thế giới, có tác động đến chính trị của nước sở tại. Bên cạnh đó, nền kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh trong nhiều năm và có vai trò quan trọng trong thương mại, kinh tế toàn cầu. Mặt khác, chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy ở nhiều nơi.
Các nước bây giờ có xu hướng dân tộc, quyền lợi dân tộc đặt lên cao nhất. Nước Mỹ, thì Trump thắng cử được vì khẩu hiệu “Nước Mỹ là trên hết”. Châu Âu cũng đang sợ. Như vụ Brexit chẳng hạn, cũng là tinh thần dân tộc. Rồi tình hình của Đức, của Pháp, của nhiều nước cũng là nói về dân tộc. Thế còn những nước có thế lực mạnh, những nước như Thụy Điển, Hà Lan, … thực ra không có vai trò gì trên thế giới, nhưng thực chất cũng vì dân tộc cả.”
Tuy nhiên, Giáo sư Mai cho rằng, ý tưởng tập hợp lực lượng của Đảng Cộng sản Trung Quốc và ông Tập Cận Bình đã ra đời sai thời điểm. Bởi theo ông, thời đại ngày nay đã khác xa thời của ông Mao Trạch Đông với “hai phe, bốn mâu thuẫn” trong quan hệ quốc tế, thay vào đó là một thế giới đa cực, đa trung tâm và các quốc gia có nhiều cách để tập hợp lại với nhau.
Nó triệu tập đến để nó thăm dò, để xem thử thằng nào thích cái gì thì nó chia ra. Thằng nào yếu bóng yếu vía thì nó dọa nạt. Thằng nào tham lam thì nó xì cho ít quyền lợi. Thằng nào mà thấy dây dưa là nó đề phòng.
- Giáo sư Nguyễn Đình Cống
Thêm vào đó, Giáo sư Nguyễn Đình Cống cho rằng, tuy Trung Quốc có “đại lực”, nhưng “tập hợp lực lượng” của Trung Quốc khó có thể bền lâu.
Tại vì muốn tập hợp được cho hùng mạnh, thì phải đề lên được cái “đại nghĩa”.  Thành ra Tập Cận Bình bây giờ có thể có đại lực, nhưng không có đại nghĩa.”
Làm rõ hơn về chữ “đại nghĩa” mà Giáo sư Cống đưa ra, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai nhìn nhận, Trung Quốc đang muốn xây dựng hình tượng một quốc gia “hình mẫu lý tưởng” cho sự phát triển của nhân loại, có khả năng dẫn dắt thế giới. Nhưng Trung Quốc đang có nhiều mâu thuẫn nội tại, thể chế chính trị là độc đảng, toàn trị và tranh chấp chủ quyền với các nước lân bang với chủ nghĩa “Đại Hán”.
Với gương mặt như thế, anh lôi kéo được ai, làm hình mẫu cho ai. Bây giờ có ai mà bỏ tiền, bỏ của đi vào Trung Quốc để làm ăn, sinh sống, như người ta hăm hở đi Mỹ, người Trung Quốc đang hăm hở đi Mỹ không? Không có! Ai đến Trung Quốc là ôm đầu máu mà chạy.”
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, phát biểu tại hội nghị chiều 2/12/2017, ông Phan Đình Trạc đã đánh giá cao sáng kiến của Đảng Cộng sản Trung Quốc về tổ chức Hội nghị Đối thoại cấp cao giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với các chính đảng thế giới. Ông Trạc cho rằng, điều này là hết sức cần thiết, có ý nghĩa to lớn, góp phần tích cực vào xây dựng đảng vững mạnh của các chính đảng trên thế giới. Việt Nam rất mong được sự chia sẻ kinh nghiệm của Đảng Cộng sản Trung Quốc và các chính đảng tham dự hội nghị lần này.
Giáo sư Nguyễn Khắc Mai cho rằng, Việt Nam nên tỉnh táo trước ý tưởng tập hợp lực lượng của Trung Quốc và nếu “theo đuôi Tàu” thì đó là một điều “nguy hiểm”.

Không có nhận xét nào: