Truyền thông Hong Kong gần đây đã tiết lộ những tình tiết đấu đá quyền lực kịch liệt trước Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Theo đó, ông Vương Kỳ Sơn dự tính sẽ được lưu nhiệm, nhưng tham quan trong nội bộ đảng và Tăng Khánh Hồng đã dùng mọi cách gây áp lực ngăn cản.
Tạp chí Tiền Đồn (Hong Kong) trong một bài viết của số báo tháng 12 đã tiết lộ, ông Tập Cận Bình được cho là toàn thắng trong Đại hội 19, nhưng thực chất là không hoàn toàn kiểm soát được bố cục nhân sự, và việc ông Vương Kỳ Sơn thoái vị chính là một minh chứng.
Ông Tập muốn giữ lại ông Vương nhưng bị phe đối kháng trong đảng liều chết chống lại, vì thế đã có sự thỏa hiệp và ông Vương đã không được lưu nhiệm.
Bài viết cho biết, ông Tập Cận Bình toan tính giữ lại Vương Kỳ Sơn, bản thân ông Vương cũng sẵn lòng. Cho đến trước tháng 09/2017, mọi trù tính, bố trí sắp xếp của ông Tập đều xoay quay mục tiêu này.
Tháng 03/2017, Bộ Chính trị ĐCSTQ đề nghị Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị sẽ tăng số lượng từ 7 người lên thành 9 người. Giữa tháng 07, tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh đã tiến hành sơ tuyển Ủy viên Bộ Chính trị Đại hội 19, trong danh sách 35 người trúng tuyển có tên ông Vương Kỳ Sơn. Rõ ràng đây là những bước đi trong việc giữ lại ông Vương Kỳ Sơn.
Nhưng cuối cùng, khi trưng cầu ý kiến trong nội bộ ĐCSTQ, thì việc giữ lại Vương Kỳ Sơn lưu nhiệm đã bị phe đối kháng trong đảng phản đối kịch liệt.
Trong đó, lực cản lớn nhất là đến từ các tập đoàn lợi ích lớn nhỏ trong nội bộ đảng. Ông Vương Kỳ Sơn thực hiện chiến dịch phòng chống tham nhũng đã trở thành kẻ thù của toàn bộ tập đoàn quan liêu, nếu ông Vương tiếp tục giữ chức Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, thì cuộc sống mỗi ngày của họ chắc chắc sẽ không thể yên bình.
Lực cản lớn thứ 2 đến từ lão nhân đã về hưu của ĐCSTQ, đặc biệt là ông Tăng Khánh Hồng, người từng phải thoái lui vì quy tắc “7 lên 8 xuống”. Vương Kỳ Sơn đã từng nhiều lần hẹn gặp nói chuyện với Tăng Khánh Hồng, đề nghị ông Tăng hợp tác về vấn đề tham nhũng của bản thân và gia tộc.
Nếu ông Vương không thoái lui, thì có thể ông Tăng sẽ phải sống những ngày cuối đời ở trong ngục, ông Tăng biết rất rõ điều này, vì thế sử dụng “vốn liếng của bản thân” cùng tất cả mạng lưới quan hệ của mình, liều chết ngăn cản ông Vương lưu nhiệm.
Lực cản lớn thứ 3 là đến từ các cựu Thường ủy Lưu Vân Sơn, Trương Đức Giang, Trương Cao Lệ, những người cũng lớn hơn 68 tuổi như ông Vương Kỳ Sơn. Bọn họ không để Vương Kỳ Sơn được lưu lại, nên tìm mọi cách để phản đối. Bài viết còn dẫn thuật tin tức cho biết, Lưu Vân Sơn thậm chí có lần còn đề nghị số lượng Thường ủy Bộ Chính trị khóa 19 lên 11 người, để ông và các Thường ủy khác cũng được lưu nhiệm.
Cuối cùng, trước áp lực quá lớn, ông Tập cũng đành phải buông ông Vương. Ông Vương đã lấy lý do sức khỏe không đảm bảo để thoái lui, và quyết định này được đưa ra trong khoảng thời gian quốc khánh Trung Quốc 01/10 năm nay.
Kết quả là sau Đại hội 19, Tập Cận Bình đã vô hiệu hóa được quy chế tập thể lãnh đạo, huỷ bỏ “chỉ định người nối nghiệp cách khóa”, nhưng không thể phá bỏ được quy tắc ngầm “7 lên 8 xuống”, ông Vương Kỳ Sơn đã không được giữ lại.
Lê Hiếu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét