17:04, 01/11/2018
Tại phiên chất vấn ngày 1/11 của Quốc hội, ông Nguyễn Quốc Bình (ĐBQH đoàn Hà Nội) bày tỏ lo lắng về an toàn phóng xạ đối với phế liệu sắt thép nhập khẩu và nguy cơ nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc hoạt động sát biên giới phía Bắc Việt Nam gặp sự cố.
Báo Dân Trí dẫn lời ông Bình, hàng năm Việt Nam nhập khẩu số lượng lớn sắt thép phế liệu để tái chế. Tuy nhiên, số phế liệu này có hay không phóng xạ thì chưa có cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm. Vậy phải quản lý nguồn phóng xạ chất thải nhập khẩu thế nào, bởi hiện nay cả nước chỉ có cảng Cái Mép và Thị Vải kiểm soát nguồn phóng xạ?
Vấn đề thứ hai là Trung Quốc đã đưa nhà máy điện hạt nhân tới gần biên giới phía Bắc để hoạt động. Vậy khi nào mạng lưới phân tích và cảnh báo phóng xạ môi trường ở Việt Nam làm xong? Có thể quan trắc ảnh hưởng của nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc trên lãnh thổ nước ta?
“Nếu sự cố xảy ra tại các nhà máy điện hạt nhân này, thì sẽ đặt nước ta trong tình trạng khẩn cấp về ứng phó sự cố phóng xạ hạt nhân”, ông Bình lo ngại.
Ông Bình cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh nêu các giải pháp ứng phó và xử lý nếu nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc xảy ra sự cố.
Giải đáp những thắc mắc của đại biểu, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định 2 cảng Cát Lái – Thị Vải và Cái Mép mỗi cảng có 8 cổng đo phóng xạ. “Hầu hết sắt thép phế liệu đi qua đây đều được kiểm soát”, Vietnamnet dẫn lời ông Ngọc Anh.
Về việc quan trắc và ứng phó với nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc, giáp biên giới phía Bắc Việt Nam, ông Ngọc Anh thừa nhận, Bộ đã tham mưu Thủ tướng phê duyệt quy hoạch mạng lưới quan trắc phóng xạ và ứng phó sự cố. Tuy nhiên, do chuẩn bị dự án không kịp, nên chậm trễ trong việc xây dựng các điểm quan trắc.
Hiện, 5 điểm quan trắc ở các tỉnh phía Bắc, từ Lạng Sơn, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai và Hà Nội đã được thiết lập. Mạng lưới có thể kết nối trực tiếp với Bộ Khoa học và Công nghệ về bất cứ sự cố nào. Bộ đã huy động người đấu nối với Trung Quốc. Cuối năm 2017, hai bên đã ký thỏa thuận về các vấn đề liên quan đến an toàn phóng xạ hạt nhân.
“Tháng 7 vừa rồi, chúng tôi cũng đã cụ thể hóa ba nội dung gồm: trao đổi an toàn phóng xạ hạt nhân giữa hai nước; trao đổi toàn bộ mạng lưới quan trắc và cuối cùng ứng phó với sự cố hạt nhân”, ông Chu Ngọc Anh cho biết.
Thế Tam (Tổng hợp)
Có thể bạn quan tâm:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét