Trong bối cảnh Biển Đông đầy căng thẳng, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa sẽ đến Washington tuần này để gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis. Họ sẽ thảo luận những gì – hay đúng hơn, ông Ngụy cần gì?
Hãy xem xét bối cảnh gần đây. Một cuộc gặp gỡ giữa hai người đồng cấp ở Bắc Kinh đã bị hủy bỏ trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa quân đội hai bên, đặc biệt trên Biển Đông, theo SCMP.

Cả hai đã gặp nhau mới đây tại Singapore, nhưng không có thỏa thuận nào được công bố. Ông Mattis trấn an dư luận rằng “cuộc cạnh tranh chiến lược của họ không mang ngụ ý thù địch”, nhưng ông cũng nói thêm rằng, “Chúng tôi sẽ không từ bỏ quyền tự do hàng hải”.
Tuyên bố này chứng tỏ rằng Hoa Kỳ sẽ không thay đổi hình thức tiếp cận đối đầu với các tuyên bố phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Sau một cuộc đụng độ trực diện giữa chiến hạm Mỹ USS Decatur và tàu chiến Trung Quốc, Hải quân Mỹ vẫn không bỏ qua việc xem xét một cuộc biểu dương sức mạnh kéo dài nhiều ngày ở eo biển Đài Loan, minh chứng rõ ràng cho kế hoạch đối đầu căng thẳng với Trung Quốc ở Biển Đông.
Tàu chiến Trung Quốc (bên phải) áp sát nguy hiểm gần tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Decatur của hải quân Mỹ trên Biển Đông hôm 30/9 (Ảnh: BI)
Dấu hiệu đầu tiên của chủ trương này đã xuất hiện vào ngày 3/5 khi Nhà Trắng cảnh báo rằng sẽ có “hậu quả ngắn và dài hạn” cho hành vi “quân sự hóa” của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tiếp sau đó, Lầu Năm Góc tuyên bố hủy bỏ lời mời Trung Quốc tham gia tập trận chung RIMPAC 2018 ở Thái Bình Dương với lý do “hành vi của Trung Quốc [ở Biển Đông] không phù hợp với nguyên tắc và mục đích của cuộc tập trận [RIMPAC]”.
Tháng Sáu, tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, ông Mattis tiếp tục cảnh báo Trung Quốc rằng việc hủy bỏ lời mời chỉ là một “hậu quả tương đối nhỏ” và rằng sẽ “còn có nhiều hậu quả lớn hơn nữa trong tương lai”.
Ngày 4/10, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence đã có một bài phát biểu công khai chỉ trích hành vi của Trung Quốc trên nhiều phương diện, đồng thời nêu bật sự cố USS Decatur. Cảnh báo tiếp tục gia tăng khi Mỹ nhiều lần điều máy bay ném bom B-52 lượn lờ trên vùng biển Đông và Hoa Đông.
Phó chủ tịch Mike Pence phát biểu tại Viện Hudson, Washington ngày 4/10/2018, công khai vạch rõ quan hệ chuyển từ hợp tác sang đối đầu với Trung Quốc (Ảnh: AP / Jacquelyn Martin)
Trung Quốc đã có động thái đáp trả sau đó.
Hồi tháng 5, Trung Quốc cho các máy bay ném bom hạ cánh trên đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa, một động thái mà theo tuyên bố của lực lượng không quân Trung Quốc là luyện tập nhằm tăng cường khả năng “tiếp cận mọi lãnh thổ, thực hiện tấn công bất cứ lúc nào và từ mọi hướng” và chuẩn bị cho “cuộc chiến vì Biển Đông ”.
Trung Quốc cũng tổ chức các cuộc tập trận hải quân và không quân lớn ở Biển Đông và quanh Đài Loan, bao gồm cả cuộc tập trận bắn đạn thật tại Biển Hoa Đông mà một số người coi là để cảnh báo Đài Loan, Nhật Bản và Mỹ. 
Tháng Chín, Trung Quốc hủy bỏ một cuộc họp giữa Tư lệnh hải quân hai nước và trì hoãn một cuộc đối thoại quân sự giữa hai nhà lãnh đạo quân sự Mattis và Ngụy. Trung Quốc cũng từ chối cho tàu chiến Mỹ cập cảng Hồng Kông.
Quan hệ quân sự – quân sự có lẽ là chiều hướng quan trọng nhất trong mối quan hệ Mỹ-Trung vì nó có thể đóng vai trò cân bằng lực lượng khi quan hệ trong các lĩnh vực khác bị phá vỡ.
Randall Schriver, một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc, cho biết “các cuộc đàm phán cấp cao đặc biệt có giá trị trong thời điểm căng thẳng”, nhấn mạnh rằng vào tháng 6, Chủ tịch Tập Cận Bình gọi mối quan hệ quân sự Mỹ – Trung là “bộ phận khuôn mẫu cho các mối quan hệ song phương” giữa hai nước.

Mục đích chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc

Trong tình cảnh quan hệ chính trị và ngoại giao giữa hai nước đang ngày càng xấu đi, cuộc họp sắp tới có thể sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xác lập hình thế cho tương lai gần.
Vậy, ông Ngụy muốn gì?
Thứ nhất, ông Ngụy sẽ muốn xác minh liệu ông Mattis có rời khỏi chính quyền hay không. Bộ trưởng Mattis được đánh giá cao với tư cách là một người bình tĩnh, khôn ngoan, và tạo được tầm ảnh hưởng vững chắc tới các nhân tố khác có phần quyết liệt và khó đoán hơn trong chính quyền Trump. Nếu sự ra đi của ông Mattis sắp xảy ra, ông Ngụy sẽ cần phải lường trước những thay đổi, và liệu ai sẽ là người có khả năng thay thế ông Mattis.
Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, trò chuyện với Tổng tham mưu trưởng quân đội Mark Milley trong một buổi lễ trao tặng Huân chương Danh dự tại Nhà Trắng hôm 31/7. (Ảnh: JABIN BOTSFORD/THE WASHINGTON POST)
Đồng thời, ông sẽ muốn xác định phạm vi và mức độ bền vững của xu hướng ủng hộ chính sách gia tăng đối đầu với Trung Quốc trong các cấp chính phủ Mỹ – và điều đó sẽ chi phối tình hình chính trị và quân sự như thế nào.
Mục đích thứ ba, và có lẽ là quan trọng nhất, ông Ngụy sẽ muốn đánh giá thái độ của Mỹ đối với mối quan hệ quân sự thường xuyên bị gián đoạn giữa hai nước. Liệu Hoa Kỳ muốn duy trì tình trạng đó, hay tạm ngưng tất cả?
Cuối cùng, ông Ngụy cần tái xác nhận xem quân đội hai bên sẽ tương tác với nhau như thế nào nếu tình hình thực sự xấu đi.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa phát biểu tại hội nghị ADMM+. (Ảnh: Reuters)
Nhận thức chung của hai nhà lãnh đạo quân sự về việc đất nước của họ đang đứng bên bờ vực chiến tranh lạnh có thể sẽ là nhân tố tích cực giúp hai bên tránh được những xung đột không chủ định và không cần thiết.
Tình hình căng thẳng ở Biển Đông cũng sẽ có triển vọng được giải quyết, trong bối cảnh Trung Quốc coi các hoạt động tuần tra, tình báo, thẩm tra và trinh sát, nhằm duy trì tự do hàng hải của Mỹ là mối đe dọa và tìm cách gia tăng các nỗ lực đối đầu.
Khi quân đội Mỹ và Liên Xô gặp phải tình huống tương tự, hai nước đã thống nhất về một quy tắc ứng xử liên quan đến cuộc đụng độ giữa các tàu chiến và máy bay trên biển. Thỏa thuận sự cố trên biển đã thành công chặn đứng các nguy cơ xung đột tương tự.
Về cơ bản, đó là một thỏa thuận về giao tiếp và nghi thức ngoại giao. Mặc dù một thỏa thuận như vậy sẽ không thể ngăn cản các cuộc đối đầu có chủ ý, có lẽ Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ thảo luận về dự định đó nhằm giải quyết vấn đề và giảm thiểu các xung đột.
Trong khi cộng đồng quốc tế kỳ vọng cuộc họp sẽ dẫn đến một số thỏa thuận giúp giảm căng thẳng, hoặc ít nhất là tuyên bố công khai từ cả hai, nhưng cũng không loại trừ khả năng kết quả cuối cùng có thể khiến nhiều người thất vọng.
Nhìn chung, nỗ lực nhằm thiết lập các quy tắc nền tảng của hai nhà lãnh đạo quân sự Mỹ – Trung là minh chứng cho một thời kỳ đặc biệt khó khăn và nguy hiểm của quan hệ Mỹ – Trung, đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự.
Minh Hạnh
Có thể bạn quan tâm: