Hòa Ái, phóng viên RFA
Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm thông tin phản bác của Bộ Công An đối với phát biểu của Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng tại nghị trường Quốc Hội vào cuối tháng 10, cũng như qua mạng xã hội vào đầu tháng 11.
Một cú sốc mạnh?
Sau hơn một tuần phiên chất vấn của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) với Bộ trưởng Bộ Công An Tô Lâm diễn ra vào ngày 31 tháng 10, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, truyền thông quốc nội tiếp tục đăng tải thông tin về Đảng ủy Công an Trung ương kiến nghị Đảng đoàn Quốc hội xem xét sự việc của Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, đồng thời có hình thức xử lý vi phạm liên quan đến việc phát ngôn và đánh giá, nhận định tình hình bị cho gây dư luận xấu của vị đại biểu tỉnh Bến Tre này.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, vào ngày 1 tháng 11 lên tiếng cho biết số liệu mà ông trưng dẫn cho thấy Cơ quan Điều tra Công an vi phạm “rất khủng khiếp” là được tính toán, phân tích từ số liệu trong bảng phụ lục báo cáo số 158/BC-VKSTC, ghi ngày 08/10/18 của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao gửi Quốc Hội và ông khẳng định các số liệu đưa ra là đúng.
Bộ Công An, vào ngày 5 tháng 11, công bố một thông cáo trên Cổng Thông tin Điện Tử của Bộ này rằng những số liệu mà ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng đưa ra trong phiên chất vấn sáng 31/10/2018 là không chính xác.
Thông tin cho thấy ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng là một người có bằng tiến sĩ ngành luật và là người có sự cọ sát với đời sống pháp luật khá nhiều. Ông Lưu Bình Nhưỡng còn là người đại diện cho cử tri phản ánh ở nghị trường Quốc Hội nhiều vấn đề nóng bỏng về các vụ án, vụ việc mà xã hội đặc biệt quan tâm.
Ông Lưu Bình Nhưỡng đã có tinh thần trách nhiệm để đưa ra vấn đề, nhưng ngành công an lại có thái độ tiếp nhận như vậy. Điều này có thể vì ông Lưu Bình Nhưỡng phản ánh số liệu đó làm va đập quá mạnh vào sự tự ái hay vào tính bảo thủ của một cơ quan pháp luật ngành công an
-LS. Trịnh Vĩnh Phúc
Qua phiên chất vấn với Bộ trưởng Công an Tô Lâm và phản bác của ngành Công an đối với Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, không ít kiến cho rằng Bộ Công An đang sử dụng quyền lực để “trả đũa” vị ĐBQH có tâm huyết là ông Lưu Bình Nhưỡng.
Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh nêu lên nhận xét của ông với RFA xoay quanh vụ việc này:
“Ông Lưu Bình Nhưỡng đã có tinh thần trách nhiệm để đưa ra vấn đề, nhưng ngành công an lại có thái độ tiếp nhận như vậy. Điều này có thể vì ông Lưu Bình Nhưỡng phản ánh số liệu đó làm va đập quá mạnh vào sự tự ái hay vào tính bảo thủ của một cơ quan pháp luật ngành công an. Trong trường hợp này, tôi nghĩ ngành công an lý ra phải bình tĩnh để tiếp nhận vấn đề, và người đứng đầu ngành là Bộ trưởng Tô Lâm cần nên đối thoại, lắng nghe, tiếp thu thì tốt hơn là tạo ra hiệu ứng gồm cả báo chí và một số cơ quan phản bác, truy buộc, cô lập đối với ông Lưu Bình Nhưỡng. Tôi cho đó là cách hành xử không có văn hóa đúng chuẩn mực ở nơi chốn nghị trường Quốc Hội.”
Quyền miễn trừ của ĐBQH
Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh Đại biểu Quốc hội có được đặc quyền “miễn trừ trách nhiệm” khi phát biểu trước diễn đàn Quốc Hội cho nên nếu như ngăn cản và cô lập ông Lưu Bình Nhưỡng thì chẳng khác nào đó là cách hạn chế những quyền của người dân, quyền của cử tri mà ông Lưu Bình Nhưỡng là người đại diện.
Vào ngày 8 tháng 11, truyền thông trong nước dẫn lời bình luận của ông Lê Như Tiến, Đại biểu Quốc hội khóa XII và XIII rằng Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói riêng và các vị Đại biểu Quốc hội nói chung đều có quyền miễn trừ, có quyền nói lên tiếng nói độc lập và đặc biệt chỉ có như thế trong diễn đàn Quốc Hội thì mới có sự tranh luận tốt được.
ĐBQH và Luật An ninh mạng
Cộng đồng cư dân mạng tại Việt Nam đặc biệt lưu tâm đến vụ việc của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng khi vị đại biểu này sử dụng mạng xã hội để chia sẻ tâm tư liên quan đến việc chất vấn Bộ trưởng Bộ Công An hôm 31/10.
Qua tài khoản Facebook Luu Binhnhuong, chủ nhân cho biết mình là ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cùng chia sẻ với lời khẳng định rằng “là ĐBQH chuyên trách ở Trung ương, lại là người luôn phải biết lắng nghe tiếng Dân, tôi không được phép làm điều trái đạo lý và đi ngược lòng Dân”. ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng mong muốn người dân và cử tri quan tâm, giám sát các hoạt động của đại biểu do họ bầu ra, ủng hộ Quốc Hội bằng cách góp ý kiến, bàn luận với tinh thần cởi mở, dân chủ, thẳng thắn và không nên có thái độ hằn học, cực đoan, xúc phạm người khác.
Trong cùng ngày xảy ra vụ việc chất vấn của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng ở nghị trường Quốc Hội, Bộ trưởng Thông Tin-Truyền Thông Nguyễn Mạnh Hùng đăng đàn tuyên bố rằng mạng xã hội không còn ảo nữa mà là thật và người dân, chính quyền phải sống nhiều hơn trên không gian mạng để cái tốt lớn lên và cái xấu sẽ giảm đi.
Trong khi cộng đồng cư dân mạng tỏ ra ủng hộ việc làm của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng ở nghị trường cũng như trên mạng xã hội, thì truyền thông chính thống tập trung đăng tải nhiều thông tin phản bác đối với vị ĐBQH của tỉnh Bến Tre, mà nhiều người cho rằng do Bộ Công An chỉ đạo. Nhà hoạt động dân chủ-Facebooker Đinh Quang Tuyến nói với RFA:
Từ xưa đến giờ, bên công an chỉ đàn áp người dân. Họ hành xử hoàn toàn không theo luật mà là theo sức mạnh. Ông Lưu Bình Nhưỡng lên tiếng là có khả năng ông ấy đón đầu vấn đề về Luật An ninh mạng. Tại vì Luật An ninh mạng sẽ kiểm soát luôn cả những người như ông Lưu Bình Nhưỡng. Và như vậy thì họ không chấp nhận. Cho nên ông Lưu Bình Nhưỡng mới tung ra số liệu thật để chứng minh rằng công an đã quá lạm quyền và không tôn trọng pháp luật. Còn bây giờ, với Luật An ninh mạng thì tất cả trở thành nô lệ một cách tuyệt đối của công an, kể cả Quốc Hội
-Ông Đinh Quang Tuyến
“Từ xưa đến giờ, bên công an chỉ đàn áp người dân. Họ hành xử hoàn toàn không theo luật mà là theo sức mạnh. Ông Lưu Bình Nhưỡng lên tiếng là có khả năng ông ấy đón đầu vấn đề về Luật An ninh mạng. Tại vì Luật An ninh mạng sẽ kiểm soát luôn cả những người như ông Lưu Bình Nhưỡng. Và như vậy thì họ không chấp nhận. Cho nên ông Lưu Bình Nhưỡng mới tung ra số liệu thật để chứng minh rằng công an đã quá lạm quyền và không tôn trọng pháp luật. Còn bây giờ, với Luật An ninh mạng thì tất cả trở thành nô lệ một cách tuyệt đối của công an, kể cả Quốc Hội”.
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận ý kiến của một số người từ Bắc đến Nam đều có cùng nhận xét cho rằng Chính quyền Việt Nam dùng “công an trị” để điều hành quốc gia và họ mong mỏi sẽ có nhiều hơn các vị ĐBQH giống như Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cất lên tiếng nói, nguyện vọng của họ đến Nhà nước và Chính phủ Việt Nam.
Trả lời câu hỏi RFA rằng trong trường hợp vụ việc liên quan phát biểu của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng không kết thúc theo như đề nghị của ĐBQH Lê Như Tiến rằng ĐBQH và Bộ Công An cần phải cảm thông chia sẻ trên tinh thần xây dựng, thì không ít những người chúng tôi tiếp xúc quả quyết Nhà nước và Bộ Công An Việt Nam dùng Luật An ninh mạng để khống chế các quyền được hiến định của công dân, như quyền tự do biểu đạt, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do truyền thông và như lời khẳng định của nhà hoạt động dân chủ Đinh Quang Tuyến rằng “giặc không ở đâu xa, mà giặc chính là lực lượng những người mặc sắc phục công an bóp nghẹp và đàn áp tiếng nói của người dân bằng Luật An ninh mạng”.
Vào ngày 9 tháng 11, truyền thông trong nước loan tin dẫn lời của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng rằng ông sẽ chấp nhận quyết định của cấp trên liên quan phát biểu chất vấn Bộ trưởng Công an Tô Lâm về điều mà ông Lưu Bình Nhưỡng nói rõ là vi phạm khủng khiếp của Cơ quan Điều Tra Công an.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét