Tướng Tôn Thất Đính mở cuộc tấn công vào Dinh Gia Long vào ngày 1 tháng 11, 1963. Tổng thống Diệm gọi Đại sứ Lodge để hỏi chính sách Hoa Kỳ về cuộc phản loạn này. Lodge đáp, "Tôi muốn đưa ông rời khỏi nước an toàn."
Ngô Đình Diệm là một trong những người đích thực vĩ đại của Thế kỷ Hai mươi. |
Lực lượng tấn công hẹn cho Tổng thống đến 8 giờ sáng mai phải đầu hàng. Trong đêm ấy ông Diệm và ông Nhu thoát ra khỏi dinh đến nhà một người bạn ở Chợ Lớn. Họ nhận được nhiều đề nghị tỵ nạn từ nhiều đại sứ sẵn sàng giúp đỡ, nhưng anh em nhà họ Ngô không phải là hạng người trốn tránh đồng bào mình ở trong tòa đại sứ ngoại quốc.
Vào sáng hôm sau họ đến nhà thờ Cha Tam tham dự thánh lễ. Hôm ấy là ngày Lễ Các Đẳng Linh hồn, ngày mà người Công giáo dành ra để cầu nguyện cho những người đã qua đời. Họ cầu nguyện.
Họ báo cho Hội đồng Quân Nhân biết nơi họ đang ở. Những chiếc xe quân đội đến đưa họ về bộ Tổng tham mưu. Họ bị còng tay và bị đẩy lên xe. Trên đường đến bộ Tổng tham mưu họ bị Đại úy Nguyễn Văn Nhung hạ sát. Nhung là sĩ quan tùy viên của Tướng Dương Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng Quân Nhân-mà mới vào ngày hôm trước đó thôi còn là cố vấn quân sự cho Tổng thống Diệm.
Tướng Minh khôn hay hèn? Phải chăng ông không có can đảm đối diện với người mà đã ban vinh dự cho ông nhưng cũng là người mà ông đã phản bội. Hay ông biết rằng chừng nào ông Diệm còn sống thì nhân dân sẽ không chấp nhận bất kỳ nhà lãnh đạo nào khác. Tướng Minh về sau nói với Marguerite Higgins: "Diệm không thể nào được phép sống vì những người chất phác, cả tin ở vùng quê, đặc biệt người Công giáo và người tỵ nạn hết sức kính mến ông ta."
Trần Văn Hương, cựu Đô trưởng Sài Gòn và Thủ tướng (1964-65) nói về cuộc đảo chánh:
"Những kẻ sợ hãi nhất chính là những tướng lãnh cao nhất quyết định giết Tổng thống Diệm và bào đệ ông. Những tướng lãnh này biết rất rõ rằng họ không có tài, cũng chẳng có đức, chẳng có sự ủng hộ nào cả của dân chúng, cho nên họ không thể nào ngăn cản nổi sự trở lại ngoạn mục của Tổng thống và ông Nhu nếu như hai người còn sống."
Bi kịch sâu sắc của sự phản bội này được thể hiện rất rõ ràng qua tư cách của những người tham dự. Về những phẩm chất căn bản của con người như tài năng, đạo đức, chính trực và sáng suốt thì Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu cao hơn rất nhiều những người đề ra chính sách của chính quyền Kennedy mà đã tiêu diệt họ. Chính sách Mỹ phản ánh không những sự yếu kém về đạo đức và thiếu nhất quán mà còn những nhận thức hoàn toàn sai lầm về những vấn đề sinh tử. Đây là bi kịch lâu đời về quyền lực giết chết đức độ.
Ngô Đình Diệm là một trong những người đích thực vĩ đại của Thế kỷ Hai mươi. Về sự sáng suốt, về cốt cách đạo đức, về thành tựu lớn lao vượt qua những khó khăn tưởng chừng như không thể nào vượt qua được, về tài năng lãnh đạo và lòng yêu nước của ông thì hết thảy đều thuộc hàng cao nhất. So ra, tài năng của những người Mỹ đề ra chính sách của cả hai ngành Hành pháp và Lập pháp của chính quyền Mỹ là tầm thường.
Khi ông nhậm chức thủ tướng vào năm 1954, Ngô Đình Diệm nói với nhân dân ông: "Tôi tiến hãy theo tôi! Tôi lui hãy giết tôi! Tôi chết hãy trả thù cho tôi!"
Luật tạo hóa bất di bất dịch đã trả thù cho cái chết của ông qua một phần tư triệu thanh niên Mỹ thương vong trong độ tuổi thanh xuân. Có cái giá cho sự nhân nhượng. Nhân dân Mỹ đang trả giá cho tư cách và tài năng của giới lãnh đạo họ đã bầu lên.
Thomas A. Lane
Trần Quốc Việt dịch
Nguồn: Trích dịch từ tác phẩm "America On Trial: The War for Vietnam" của Thomas A. Lane, nhà xuất bản Arlington House, New Rochelle, New York, 1971, trang 139-141.Tựa đề tiếng Việt của người dịch.
* Thomas A. Lane là cựu thiếu tướng Mỹ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét