Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2018

SỨC SỐNG LÂM SINH TRONG “NHẶT LẠI THÁNG NGÀY RƠI”…CỦA TRẦN TRƯƠNG

            Phạm Viết Đào.

Nhặt lại tháng ngày rơi…” là tên tập thơ mới của Trần Trương, Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa ấn hành quý III-2018.
Trần Trương sớm đến với thơ, anh đã được tặng Giải 3 trong một cuộc thi thơ của Tổng Cục Lâm nghiệp khi mới chân ướt chân rào về công tác tại ngành này…Đây là cuộc thi thơ về đề tài lâm nghiệp và chánh chủ khảo là Xuân Diệu và hội đồng chấm giải là những nhà thơ Hoàng Trung Thông, Quang Dũng…
Từ bước “chân thơ” đầu đời này, ngành Lâm nghiệp với rừng rú, sông ngòi đã bén duyên với đời thơ của Trần Trương cho tới tận cuối đời, mặc dù quãng đời sau này, anh không còn công tác tại ngành này. Do vậy mà mỗi khi có dịp, mỗi khi bắt gặp lại những sản phẩm, đặc sản lâm nghiệp, hơi hướng lâm sinh thì cái tình thơ của “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy; ngàn năm chưa dễ mấy ai quên”…lại bừng ngộ, vấn vương lấy nghiệp làm thơ của Trần Trương. Người đọc dễ dàng nhận ra cái hơi hướng lâm sinh, duyên nghiệp lâm sinh trong tập “Nhặt lại tháng ngày rơi…”
Cuộc đời riêng của Trần Trương nhìn chung là thuận buồm xuôi gió, cái “sự thuận buồm” của một công chức “sớm vác ô đi tối vác ô về”, “ Dãi dầu đã trải, nắng mưa đã từng”; “Phú Xuân đã trải Đồng Nai đã từng”…Trần Trương là tạng người luôn biết lái “chiếc buồm” của “con thuyền” cuộc đời mình theo chiều gió để không bị rách nhưng anh lại cảm thông, chia sẻ với nhiều cảnh ngộ …Chính vì cái thuận buồm đó nên cuối đời nhìn lại mình, Trần Trương cố gắng rút tỉa, gom nhặt lại những gì mà anh cảm thấy là nên gom giữ lại, để ngắm nghía, để tự an ủi, sưởi ấm mình chứ không “ vơ bèo vạt tép” để lấy số lượng…
Mặc dù sớm đến và bén duyên với rừng với rú, với song với suối…nhưng thơ của Trần Trương rất ít những hình ảnh gai góc, những hình tượng lởm khởm của kẻ quen sóng quen gió, quen sông, quen suối thích trèo đèo, leo núi…
Đọc “ Nhặt lại tháng ngày rơi” người đọc dễ dàng cảm nhận ra cái chất tự chiêm nghiệm, tự kỷ của một thanh niên thị thành ngắm rừng rú, lâm sinh theo cách của mình trong nhiều bài thơ, trong nhiều tứ thơ, trong nhiều câu thơ…

Thơ thường phải có tứ, nếu không có tứ thì thơ chỉ là tập hợp một mớ con chữ, nhà thơ cũng giống như anh “thợ kim hoàn” tài hoa lắm cũng chỉ làm bắt mắt người đọc là cùng; Thơ của Trần Trương nhìn chung nhiều bài có tứ nên đã để lại được những dư vị này kia…
Có những bài câu chữ không có gì đặc sắc, kỹ thuật thơ không có gì mới mẻ, hình ảnh thì cũng nhạt nhòa nhưng khi đọc xong bài thơ, lại để lại dư vị, gây được cho người đọc cái cảm giác bâng khuâng. Thơ Trần Trương có một số bài để lại dư âm, dư vị nọ kia; đó là cái mà giới văn chương gọi là “thi tại ngôn ngoại”, ý ngoài lời…, cái không thể hiện trên con chữ mà sau con chữ, ngoài con chữ. Xin lấy bài Bóng mình làm ví dụ:
Đến Ronanđô còn sút hỏng quả phạt đền
Thì điều dễ đâu phải là đã dễ
Cái có thể trở thành không thể
Bóng mình chưa phải chính mình đâu…
( Bóng mình)
Trong bóng đá, phạt đền 11 m là quả xút tưởng ngon ăn, thế mà nhiều cầu thủ ngôi sao lại đá hỏng như Ronando, như Socrates, như Platini, như Quang Hải, như Công Phượng…Mặc dù từ điểm đá phạt cách cầu môn có 11 m, cầu thủ chỉ việc xút thẳng vào khung thành đối phương và chỉ phải đối mặt với 1 cầu thủ duy nhất của đối phương là thủ môn.
Người ngoài sân ngỡ như đá ra ngoài cầu môn khó hơn đá vào trong, thế mà vì áp lực tinh thần quái quỷ gì đó mà khiến cho đôi chận của nhiều cầu thủ từng được coi là ngôi sao, được thể hiện qua nhiều trận thư hùng lại bị tê cứng, đá bật ra ngoài hoặc lên trời…Đôi chân của mình không còn là chân của mình, con người mình không còn là mình nữa…
Bài thơ Cỏ, cũng là bài thơ chưng cất lên được, tại nên được “ ý tại ngôn ngoại” bởi nó có cái tứ rất thơ:
Ở đầu ngọn cỏ có sương
Ở chân ngọn cỏ còn vương chút chiều
Mong manh thân cỏ mỏng teo
Bao nhiêu dẫm đạp bấy nhiêu mượt mà…
( Cỏ..)


"Cỏ..." là bài thơ nói lên số phận, sức  sống "vạn đại" của đại đa số dân chúng cần lao...
Cái tứ trong 2 bài thơ trên đó là cái sự nghịch cảnh được Trần Trương gợi lên bằng những nét chấm phá thơ. Đó là những nghịch tình trong cõi đời này: tưởng dễ mà rất khó, tưởng yếu ớt mỏng manh đấy mà lại can trường, lại bền vững với thời gian…
Thơ Trần Trương là thơ của một con tim trải đời, thiết tha với cuộc đời; Là thơ của kẻ từng từng bon chen được tới nhiều ngóc ngách cuộc sống để sẻ chia, giao cảm để rồi tự rút ra:
Điều còn lại Trái tim đừng vô cảm
Dẫu cuộc đời còn lắm oan khiên
Búa nghị án gõ lên bàn nghị án
Mà vẫn nguyên bóng tối dưới chân đèn..
( Điều còn lại)
Bài thơ “Điều còn lại” giá như đổi thành “ Búa nghị án” có khi lại hay hơn… Chốn Tòa, người ta ngỡ là chốn thâm nghiêm, quang minh chính đại, nơi làm sáng tỏ, lập lại lẽ công bằng; Thế nhưng đằng sau chiếc “ búa nghị án” của ông quan tòa không phải đã có khả năng đập tan những bất công, phi lý khác chi những cái cột đèn tưởng là thứ công cụ mang ánh sáng cho thiên hạ, nhưng lại để lại “bóng tối dưới chân đèn”…
Bên cạnh những bài thơ để lại những dư vị này kia, trong Nhặt lại tháng ngày rơi cũng có những bài cho thấy tác giả có những cảm xúc vạm vỡ, hào sảng, khỏe khoắn:
Tôi nghe sóng sông Gâm gầm thác dữ
Chuyến bè về rào rạt bản Na Hang
Và lạc giữa cánh rừng già Tuyên Hóa
Trong sương giăng đặc quánh đại ngàn

Khi đêm đến trăng rơi vào thung vắng
Cọn nước thì thầm kéo suối lên nương
Ruộng bậc thang nhưng vòng cườm khoanh núi
Trâu cuối sán nhai cỏ ngai ngái hương…
( Lạc vào xứ Tuyên)
Tóm lại, Nhặt lại tháng ngày rơi…của Trần Trương muốn mang cho người đọc cái thông điệp, những lời nhắn nhủ chân thành của tác giả, một nhà thơ tới những ai còn chìm nổi trong chốn phồn hoa, phù vân danh vọng: hãy sống thực với lòng mình, hãy là chính mình trong mọi cảnh ngộ của cõi đời…Hãy về với tự nhiên, với chính mình. Bởi mọi thứ rồi sẽ trôi đi nhưng lá rừng, như nước sông nước suối…
Đó là những gì Trần Trương đã tự mình gom nhặt lại sau “ Nhặt lại tháng ngày rơi…” không bao giờ trở lại !

P.V.Đ.

Không có nhận xét nào: