Tóm tắt bài viết

  • Trong cuộc xung đột Mỹ - Trung sẽ kéo dài, khi mà Mỹ và Trung Quốc sẽ không thể nhanh chóng hoặc dễ dàng, đạt được một thỏa thuận mới, cựu ngoại trưởng Singapore Bilahari Kausikan cho rằng các nước ASEAN phải tìm ra một con đường dung hòa. 
  • ASEAN cần phải hành động dứt khoát để bảo vệ mình trước những bất ổn dài hạn, trong khi tận dụng các cơ hội sẵn có. 
  • ASEAN cần loại bỏ các rào cản phi thuế quan, hài hòa hóa phương thức tiếp cận đối với dịch vụ và di chuyển lao động, thu hút đầu tư nước ngoài cấp cao qua việc cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao kỹ năng, đảm bảo rằng công nghệ của các nhà đầu tư nước ngoài được bảo vệ.
Tờ Nikkei Asian Review gần đây cho đăng một bài viết của ông Bilahari Kausikan, cựu ngoại trưởng Singapore, hiện là chủ tịch của Viện nghiên cứu Trung Đông, Đại học Quốc gia Singapore, trong đó cho rằng ASEAN phải tìm ra con đường dung hòa trong cuộc xung đột Mỹ – Trung.

Theo ông Kausikan, trong gần một thập kỷ, vấn đề chiến lược cơ bản cho Đông Nam Á là ứng phó thế nào trước sự thay đổi về quan điểm trong mối quan hệ Mỹ – Trung, khi 2 nước bước vào một giai đoạn mới của sự cạnh tranh lâu dài.
Với quan điểm và lợi ích khác nhau, Mỹ và Trung Quốc sẽ không nhanh chóng hoặc dễ dàng đạt được một thỏa thuận mới. Các nước Đông Nam Á sẽ phải hoạt động trong một thời gian kéo dài với những bất ổn bất thường.
Ông Kausikan cho rằng sự kình địch giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông đã nổi lên như một điều đại diện cho sự cạnh tranh giữa 2 nước. Tình hình là một sự bế tắc về chiến lược. Trung Quốc sẽ không từ bỏ các yêu sách lãnh thổ [phi lý] của mình, và từ bỏ việc triển khai các tài sản quân sự ở Biển Đông. Nhưng Trung Quốc cũng không thể ngăn chặn Mỹ và các đồng minh hoạt động trong khu vực mà không có rủi ro chiến tranh, một điều mà Bắc Kinh không mong muốn vì không thể chiến thắng.
Chính quyền của ông Trump đã cho Hạm đội 7 thêm thẩm quyền rộng rãi, được phép tiến hành các Hoạt động Tự do Hàng hải ở Biển Đông (FNOS). Nhật Bản và các đồng minh khác của Mỹ đang bắt đầu chống lại những tuyên bố của Trung Quốc. Mỹ đã đưa ra những tín hiệu về ý định của mình, thậm chí tiến hành những cuộc phô diễn lực lượng lớn hơn. Điều này làm tăng nguy cơ xảy ra đụng độ bất ngờ. Tuy nhiên, hiện tại rủi ro đó dường như ở mức chấp nhận được, ông Kausikan nhận xét.
Theo ông Kausikan, một cuộc chiến tranh có kế hoạch trước là điều không thể xảy ra. Trung Quốc cảm thấy họ sẽ phải gây chiến nếu như Mỹ ủng hộ nềnđộc lập của Đài Loan. Điều này có lẽ không xảy ra. Nếu một cuộc đụng độ bất ngờ xảy ra ở Biển Đông hoặc một nơi khác nào đó, cả 2 bên có lẽ sẽ tìm cách ngăn chặn. Theo ông Kausikan, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam (ASEAN) phải có khả năng đối phó với các tình huống chưa đến mức xảy ra chiến tranh Mỹ -Trung. Trước đây, ASEAN đã giải quyết được các tình huống nguy hiểm hơn nhiều. Nhưng điều đó đòi hỏi sự nhạy bén, đoàn kết và quyết tâm lớn hơn những gì mà ASEAN gần đây đã thể hiện, ông Kausikan lưu ý.
Biểu hiện rõ ràng nhất về sự cạnh tranh Trung – Mỹ gia tăng là “cuộc chiến tranh thương mại” của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Thương mại là phương tiện. Mục tiêu là cạnh tranh chiến lược. Bắc Kinh cáo buộc Mỹ sử dụng thương mại để cản trở sự phát triển của Trung Quốc.
Ông Bilahari Kausikan, cựu ngoại trưởng Singapore, hiện là chủ tịch của Viện nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS).
Ông Kausikan cho rằng mặc dù sự chú ý tập trung vào việc áp đặt thuế quan trả đũa, nhưng yếu tố quan trọng hơn là đạo luật mới của Mỹ nhằm hạn chế việc chuyển giao công nghệ của các công ty Mỹ vào Trung Quốc. Đạo luật này đưa ra những quy định mới, mà những chính quyền Mỹ trong tương lai sẽ rất khó thay đổi.
Quan điểm của ông Trump đối với Trung Quốc không phải là ‘sự lầm lạc’ nhất thời, mà phản ánh quan điểm chung của cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa, được chia sẻ rộng rãi trong giới kinh doanh cũng như giới chính trị, rằng Mỹ đã quá dễ dãi đối với Bắc Kinh dưới các chính quyền Mỹ trước đây.
Theo ông Kausikan, chính quyền của Tổng thống Trump thường được mô tả là những người theo chủ nghĩa biệt lập, nhưng đó là một nhận xét xuyên tạc. Thay vào đó, người ta tin rằng đây là một kỷ nguyên cạnh tranh của những thế lực lớn, quyết tâm cạnh tranh mạnh mẽ, với sự ưu tiên cho chủ nghĩa song phương trước chủ nghĩa đa phương, và sự trở lại quan điểm “hòa bình thông qua sức mạnh”.
Trung Quốc đã hiểu sai hệ quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, bằng cách tin vào tuyên truyền của riêng họ rằng Mỹ đang bị suy giảm không thể tránh khỏi. Bắc Kinh đã không hiểu được tâm trạng bất bình của các doanh nghiệp Mỹ đối với Trung Quốc, trước tình trạng đánh cắp tài sản trí tuệ và ép buộc chuyển giao công nghệ. Những mối quan tâm này được chia sẻ bởi các doanh nghiệp ở các nền kinh tế phát triển khác, những nước ủng hộ các mục tiêu của Tổng thống Trump, mặc dù họ có thể không đồng ý về các phương pháp của ông.
Trong bài diễn văn tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 cách đây 1 năm, Chủ tịch Tập Cận Bình đã từ bỏ chiến lược “giấu mình, chờ thời” của ông Đặng Tiểu Bình, và tập trung chủ yếu vào những vấn đề trong nước. Ông Tập cho rằng “mâu thuẫn chủ yếu” của Trung Quốc là giữa “sự phát triển không cân bằng và đầy đủ, với nhu cầu ngày càng tăng của người dân về một cuộc sống tốt đẹp hơn”. Điều này đặt ra một thách thức cơ bản: Nếu những nhu cầu đó của người dân không được đáp ứng, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể gặp rủi ro.
Theo ông Kausikan, để tìm ra mô hình tăng trưởng mới, ĐCSTQ phải cân bằng quyền kiểm soát và hiệu quả thị trường. Đẩy mạnh vai trò của thị trường có nghĩa là phải nới lỏng sự kiểm soát. Người ta vẫn phải chờ xem ông Tập sẽ làm gì. Cho đến nay, ông Tập dường như đã chọn cách kiểm soát mạnh mẽ hơn, và có thể đã làm cho những vấn đề mà ông Tập đối mặt, lại trở nên gay ngắt hơn.
Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) là một tham vọng toàn cầu của Trung Quốc, xuất khẩu mô hình tăng trưởng cũ, dựa trên đầu tư cơ sở hạ tầng do nhà nước quản lý. Ở trong nước, BRI còn nhằm ứng phó với thách thức nói trên của ĐCSTQ, đó là một phương cách “câu giờ” để chờ đợi đạt được sự cân bằng mới giữa thị trường và sự kiểm soát của ĐCSTQ, theo ông Kausikan.
Cựu ngoại trưởng Singapore cho rằng BRI ban đầu dựa trên nền tảng toàn cầu hóa do Mỹ dẫn đầu. Liệu BRI có thể thành công nếu như thế giới chuyển sang chủ nghĩa bảo hộ? Trung Quốc có thể là kẻ thua cuộc chính nếu như trật tự thế giới thay đổi. Trung Quốc không thể thay thế sự lãnh đạo của Mỹ. Một trật tự thế giới mở không thể dựa trên mô hình ‘đóng kín’ là chủ yếu của Trung Quốc. Các nước đối tác trong BRI, bao gồm các nước Đông Nam Á, đang trì hoãn việc thực hiện các dự án. Việc triển khai BRI sẽ có vấn đề.
Trung Quốc không hài lòng với mọi khía cạnh của trật tự hậu Chiến tranh Lạnh, dựa trên toàn cầu hóa do Mỹ dẫn đầu. Trung Quốc muốn địa vị mới của họ được thừa nhận. Nhưng ông Tập đã ủng hộ và hưởng lợi từ toàn cầu hóa. Cuộc chiến thương mại đang làm tổn hại đến Trung Quốc, và làm chậm tăng trưởng. Trung Quốc có thể tìm cách để có thể ‘tự cung tự cấp’ nhiều hơn về công nghệ, nhưng điều này sẽ đòi hỏi thời gian, trong khi áp lực ngay lập tức là rất lớn.
Một số người suy đoán rằng có thể có những cơ hội cho ASEAN, nếu các công ty nước ngoài chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang các nước thành viên ASEAN. Điều này là có thể. Nhưng nói thì dễ hơn làm, và không ai sẽ từ bỏ thị trường Trung Quốc. Các thành viên ASEAN cũng phải chống lại những cám dỗ, hoạt động như một cửa sau cho các công ty Trung Quốc, đưa hàng hóa vào Mỹ.
Ông Kausikan nhận thấy một cuộc chiến thương mại kéo dài, và những quan ngại rằng Trung Quốc có thể gây tổn hại đến an toàn của các chuỗi cung ứng, có khả năng sẽ thay đổi hoàn toàn các liên kết cung ứng hiện có. Điều này có thể làm phức tạp nghiêm trọng các nỗ lực của các thành viên ASEAN, trong việc gia tăng chuỗi giá trị, ví dụ như các công ty Mỹ di dời cơ sở kinh doanh về Mỹ. Đáp lại, ông Kausikan cho rằng ASEAN phải thu hút đầu tư cấp cao hơn, bằng cách cải thiện cơ sở hạ tầng và kỹ năng, và đảm bảo cho các nhà đầu tư nước ngoài rằng công nghệ của họ được bảo vệ.
Chi phí lao động thấp và một thị trường tiềm năng 700 triệu người tiêu dùng không còn đủ để khiến Đông Nam Á trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn. Thái độ của các thành viên ASEAN đối với Trung Quốc và mức độ họ xem trọng nó có khả năng trở thành những cân nhắc quan trọng trong các quyết định đầu tư.
Ông Kausikan cho rằng ASEAN cần phải hành động dứt khoát để tự bảo vệ mình trước những bất ổn dài hạn, trong khi tận dụng các cơ hội sẵn có.
Những cải cách như loại bỏ các rào cản phi thuế quan, và hài hòa hóa phương thức tiếp cận của ASEAN đối với dịch vụ và di chuyển lao động, có thể giúp Đông Nam Á trở thành một khu vực sản xuất chung. Trong khi đó, các nước thành viên cần thực hiện các kế hoạch nâng cao kỹ năng và cơ sở hạ tầng. Nhưng những thay đổi chính trị nội bộ ở một số nước thành viên, có thể làm suy yếu mục tiêu hội nhập kinh tế chặt chẽ hơn. Thật không may, trong những năm gần đây ASEAN đã trở nên quá ‘nhút nhát’ cho lợi ích của chính mình, ông Kausikan nhận xét.
Phạm Duy
Có thể bạn quan tâm: