3-3-2019
TT Trump cám ơn Tập Cận Bình “giúp đỡ” trong việc dẫn đến phiên họp giữa ông và Kim Jong Un. Lời cám ơn của TT Trump lần nữa xác định vai trò quan trọng của Tập trong việc giải quyết xung đột nguyên tử Bắc Hàn không chỉ trong các cuộc họp thượng đỉnh đã qua mà cả những lần tới nếu có.
Người thắng trong cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Bắc Hàn vừa qua là Tập Cận Bình.
Những điều Tập muốn đều đạt được. Tập muốn hai điểm (1) lắng dịu, ổn định trên bán đảo Triều Tiên và (2) giữ nguyên các tình trạng đang có (status quo) để từ đó y xây dựng thêm các tình trạng đang có khác.
Khái niệm “status quo” viết theo tiếng Latin chỉ tình trạng của các điều kiện thực tế đang là trước khi có sự thay đổi.
Như người viết đã trình bày trong bài “Tập Cận Bình Chủ Trương Độc Chiếm Biển Đông”, các “status quo” rất quan trọng trong bang giao quốc tế, nhất là tại các khu vực tranh chấp trên Biển Đông hiện nay.
Trong đàm phán các bên thường có khuynh hướng chấp nhận một “status quo” và đôi khi còn được xem đó như là một giới hạn mà nếu bị vượt qua sẽ tạo nên nhiều bất trắc. Hitler phá vỡ “status quo” ở Đông Âu khi tấn công Ba Lan. Hậu quả, chiến tranh Châu Âu bùng nổ và nhanh chóng trở thành cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai.
Các giới cai trị Trung Cộng từ Mao đến nay đều tích cực xây dựng các “status quo” chỉ khác nhau về phương pháp.
Khác với các giới cai trị tiền nhiệm như Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình chủ trương bành trướng thô bạo, nhanh chóng và quy mô.
Tập chi ra một kinh phí khổng lồ để quân sự hóa các vùng chiếm được trên Biển Đông. Nhiều nhà phân tích đặt câu hỏi tại sao Trung Cộng phải chi hơn 11 tỉ Mỹ Kim để quân sự hóa vùng Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef ) khi đảo này cách đất liền Trung Cộng tới 750 dặm và chỉ cách bờ biển Việt Nam 175 dặm?
Câu trả lời là ngoài tham vọng tài nguyên, Tập còn chuẩn bị cho các cuộc tranh chấp trên bàn hội nghị có thể xảy ra trong tương lai. Xây dựng “status quo” tại vùng Đá Chữ Thập là một hình thức đóng cột mốc tại điểm ngoài cùng của biên giới.
Tập Cận Bình cần ổn định và qua thượng đỉnh Mỹ-Bắc Hàn vừa qua cả Mỹ và Bắc Hàn đều nhận thấy việc tiếp tục đàm phán là phương án thích hợp để giải quyết xung đột nguyên tử Mỹ-Bắc Hàn.
Hai điều ổn định và giữ nguyên tình trạng đang có này có giá trị chiến lược đối với Tập và ảnh hưởng đến hầu hết các chương trình của Tập trong ba mươi năm tới về đối nội cũng như đối ngoại, nhất là kế hoạch lớn Một Vành Đai Một Con Đường (Belt and Road Initiative).
Kế hoạch Một Vành Đai Một Con Đường về mặt cấu trúc được xây dựng trên tương quan giữa các quân cờ trong bàn cờ Domino. Một sự thay đổi, gián đoạn nào trong cán cân chính trị và quân sự tại Á Châu cũng làm gãy đổ toàn bộ chiến lược của Tập.
Một số nhà phân tích cho rằng Kim Jong-Un có lợi nhất khi được TT Trump, đại diện cho quốc gia có quyền lực nhất thế giới, thừa nhận. Nếu điều đó đúng cũng chỉ là lợi nhỏ vì thừa nhận hay không thì ba đời họ Kim cũng đã và đang cai trị Bắc Hàn một cách hà khắc và tuyệt đối. Trong chính trị, ngồi đối diện với đối phương trên bàn đàm phán không có nghĩa là công nhận tính chính danh của đối phương mà chỉ thừa nhận vị trí quyền lực của đối phương vào thời điểm đó.
Tương tự, việc CSVN tự khen như là “Trung Tâm Hòa Giải Xung Đột Quốc Tế” cũng chỉ là trò cười. Quan điểm chính trị của TT Trump là thực tế chính trị, và do đó, ông chọn Việt Nam vì CSVN là đồng chí CS của Kim, là đàn em của Tập và vẫn còn giữ một vị trí tế nhị về địa lý chính trị trong khu vực chứ chẳng phải vì tính chính danh của đảng CSVN. Mọi đàm phán đều có tính tương nhượng ngay cả nơi đàm phán.
Nếu nhân dân Việt Nam lật đổ được đảng CS sáng nay, có lẽ nội trong ngày hay trễ nhất là ngày mai Mỹ sẽ lên tiếng hoan hô và công nhận như đã làm với Rumania, Lybia, Ai Cập trước đây hay với Venezuela mới đây.
Những người thua trong thượng đỉnh Mỹ-Bắc Hàn là nhân dân Bắc Hàn.
Không ai kỳ vọng thay đổi rộng lớn sẽ đến ngay trong cuộc đời của 25 triệu dân Bắc Hàn và con cháu họ, tuy nhiên, nếu có một chút ánh sáng từ phương tây rọi vào qua kẽ hở của hội nhập dù còn giới hạn cũng giúp cho họ thở một không khí mà 70 năm qua họ chưa được thở. Không. Họ sẽ phải tiếp tục sống trong bóng tối của cuộc đời nô lệ mà chủ nô là một kẻ chưa bao giờ biết thế nào là giá trị của miếng cơm, manh áo.
Những năm 1990, khi có khoảng hai đến ba triệu người Bắc Hàn chết đói, Kim Jong-Un sống như một hoàng tử ở Thụy Sĩ. Chung quanh y là hồ bơi, sân bóng rổ, xe hơi đặc chế để cậu bé mới tuổi lên mười có thể tập lái. Đời sống hàng ngày của Kim Jong-Un là phim ảnh Hollywood, trượt tuyết ở Alps và bơi lội ở French Riviera.
Fujimoto, người đầu bếp của Kim Jong-il kể lại Kim Jong-Un không thích học và chưa bao giờ bị ép buộc phải học. Theo điều tra của bà Jung H. Pak, từng là nhân viên cao cấp của CIA và Văn phòng Giám Đốc An Ninh Tình Báo Quốc Gia, các bạn học của Kim Jong-Un trong thời gian ở Thụy Sĩ cho biết “Thầy cô của Kim Jong-Un thấy y học hành kém một cách đáng xấu hổ nhưng rồi y lại tiếp tục lên lớp. Họ cố ý để cho y yên.”
Nhưng đứa bé ít học, nóng tính đó đã được cha là Kim Jong-il chọn kế vị.
Năm Kim Jong-Un 11 tuổi, y ăn mặc như một ông tướng và được ca tụng như một thiên tài có khả năng siêu nhiên. Việc Kim Jong-Un lái chiếc xe đặc chế khi còn nhỏ đã được bộ máy tuyên truyền Bắc Hàn thêu dệt trở thành một huyền thoại “Kim nguyên soái biết lái xe hơi khi tuổi mới lên ba”.
Hôm nay tại Bắc Hàn, hàng trăm ngàn tù nhân vẫn còn chịu đựng những cảnh tra tấn, đày đọa vô cùng thảm khốc. Nhiều câu chuyện do các an ninh trại tù cũng như tù nhân trốn thoát được kể lại vượt qua sự tưởng tượng của con người. Xin đơn cử hai trường hợp, một từ cựu an ninh và một từ cựu tù nhân.
Lim Hye-jin, một cựu nữ an ninh trại tù tại Bắc Hàn vượt thoát, kể lại chuyện một gia đình bảy người đã bị xử bắn công khai vì hai anh em trong gia đình này trốn trại. Không may hai anh em bị bắt lại và sau khi bị tra tấn bằng những cực hình, cả hai bị chặt đầu trước mắt các tù nhân khác. Cũng theo lời kể của Lim Hye-jin, tại các trại tù Bắc Hàn nam an ninh của trại có quyền hiếp dâm nữ tù mà không bị kỷ luật. Nếu chẳng may một nữ tù mang thai, người đó buộc phải phá thai bất kể thai được bao nhiêu tháng. Có trường hợp thai nhi đã tới kỳ được sanh, em bé này bị đánh chết hay đốt cháy khi còn sống.
Nữ tù nhân Ji Hyeon kể chính cô đã phải phá thai không thuốc thang. Cô Ji Hyeon chứng kiến cảnh một nữ tù nhân có thai tám tháng và sau một ngày dài làm việc nặng chị sinh con. Chị vui mừng ôm con vào lòng. An ninh tù bắt được và ra lịnh người mẹ trẻ đó phải nhận chìm em bé sơ sinh xuống nước cho đến chết.
Bàn tay của kẻ mà Nguyễn Phú Trọng ân cần, quyến luyến nắm chặt tưởng như không thể rời là bàn tay đã nhuộm máu của bao nhiêu người dân vô tội.
Tội ác của ba đời họ Kim nước sông Yalu không rửa sạch. Hơn 25 triệu người dân vô tội không may mắn bị sinh ra trên phía bắc bán đảo Triều Tiên sẽ phải tiếp tục cuộc đời nô lệ. Họ là những người thua và sẽ tiếp tục là những người thua cho đến ngày nào dòng họ Kim hay chế độ CS độc tài tuyệt đối không còn cai trị Bắc Hàn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét