Trung Quốc đã kết án chung thân, tịch thu tài sản của các quan chức cấp cao nhà nước lên tới hàng trăm tỷ đồng. Những cựu lãnh đạo hàng đầu còn được gọi là các “lão hổ” – đã nhận án chung thân với các tội danh nhận hối lộ, lạm dụng quyền lực, và cố tình tiết lộ bí mật nhà nước, theo Beijing Youth Daily.
Trong phiên họp của Đại hội Nhân dân toàn quốc vào ngày 12/3, Ông Lưu Quý Tường, Thứ trưởng Ủy ban Tư pháp tòa án tối cao Trung Quốc, cho biết: Kể từ Đại hội quốc gia lần thứ 18, đã có 117 vụ án, và 117 cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh và cấp bộ đã bị bắt. Trong số đó có 29 người bị tịch thu toàn bộ tài sản cá nhân, 88 người còn lại bị phạt tiền, một số người bị tịch thu một phần tài sản. Đây là lần đầu tiên Bắc Kinh tiết lộ thông tin về tài sản bị truy nộp của các “đại hổ”.

Beijing Youth Daily đưa tin, một phóng viên đã đặt câu hỏi, với những quan tham có tài sản bất chính “khổng lồ”, làm thế nào xử lý khối tài sản này. Ông Lưu trả lời, “Toàn bộ tài sản của phần tử tham ô đều bị cưỡng chế truy nộp”.
Tài khoản có tên “Chính phủ biết” của chính quyền Trung Quốc trên mạng WeChat, nói rằng, trong những “lão hổ” bị tù đày thì có Chu Vĩnh Khang, nguyên ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị; Lệnh Kế Hoạch, cựu Phó Chủ tịch Chính hiệp và Bộ trưởng Mặt trận thống nhất; Quách Bá Hùng, cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương; Tô Vinh, cựu Phó Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Trung Quốc; Tôn Chính Tài, cựu bí thư thành phố Trùng Khánh, và 5 “lão hổ” khác đã bị kết án tù chung thân, tất cả đều bị “tịch thu toàn bộ tài sản cá nhân”.
Lúc còn đương chức, ở đỉnh cao quyền lực, cựu Bộ trưởng An ninh Chu Vĩnh Khang kiểm soát các lực lượng cảnh sát, gián điệp, hệ thống tòa án và các văn phòng công tố ở khắp Trung Quốc. Khi vụ án Chu Vĩnh Khang được tuyên vào tháng 6/2015, với các tội danh: nhận hối lộ, lạm dụng quyền lực, và cố tình tiết lộ bí mật nhà nước – tất cả số tiền ông Chu tham nhũng được khoảng 130 triệu nhân dân tệ (gần 449 tỷ đồng). 
Lúc ông Lệnh Kế Hoạch bị cách chức cho việc điều tra, Bắc Kinh đã gọi ông Lệnh và gia đình là “gia tộc tham nhũng”. Vào tháng 7/2016 phiên toà xét xử đầu tiên của ông Lệnh có đề cập đến việc ông tham ô khoảng 77,08 triệu nhân dân tệ (266 tỷ đồng).
Ông Tôn Chính Tài cũng bị kết án tù chung thân vì nhận hối lộ, trong nhiệm kỳ của ông tại Bắc Kinh, tỉnh Cát Lâm và thành phố Trùng Khánh từ năm 2002 đến 2017, ông đã nhận được tổng cộng hơn 170 triệu nhân dân tệ tiền đút lót (gần 589 tỷ đồng).
Ông Tô Vinh cũng “nhét túi riêng” khoảng 200 triệu nhân dân tệ, trong đó, quỹ đen mà ông nhận được từ 2002 đến 2014 là 16 triệu nhân dân tệ (khoảng 55 tỷ đồng). Ông Tô không thể giải thích nguồn gốc số tài sản kếch xù 80,27 triệu nhân dân tệ còn lại (277 tỷ đồng). 
Đặc biệt, trường hợp ông Quách Bá Hùng, số tiền do tham nhũng có được là rất lớn, hiện tại Bắc Kinh vẫn chưa thông báo con số cụ thể. Ngoài ra, chính quyền Trung Quốc còn thông báo tịch thu tài sản bất hợp pháp của bà Hoàng Diễm Lan – đại diện hợp pháp của Cty TNHH Phát triển Y Lan, thành phố Cát Lâm – có vốn nhà nước. Bà Hoàng từng lấy quỹ công cộng của công ty quốc doanh mua trái phép 52 bất động sản.
Viện Kiểm sát thành phố Cát Lâm đã lập án đối với bà Hoàng Diễm Lan, với cáo buộc tham nhũng, sau đó bà Diễm Lan đã trốn sang Hoa Kỳ và Canada vào tháng 12/2001. Ngày 23/5/2005, Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế Interpol đã ban hành lệnh “truy nã đỏ” đối với bà Hoàng. Đến ngày 15/11/2018, Tòa án Nhân dân Trung cấp Quế Lâm đã kết án và tuyên bố tịch thu các khoản tiền tham nhũng của bà Hoàng Diễm Lan.
Mỹ Khúc