04/02/2017
Thạch Đạt Lang
3-2-2017
Tình hình chính trị nước Mỹ cũng như thế giới sau khi sư tử bờm vàng Donald Trump lên ngôi chúa tể, tình hình càng ngày càng căng thẳng, xáo trộn. Lệnh cấm người ở 7 nước Hồi giáo gồm: Iran, Iraq, Sudan, Syria, Somali, Yemen, Lybia nhập cảnh vào Mỹ trong vòng 90 ngày đã bị phản đối dữ dội, chẳng những trong nước, nội bộ chính quyền, quốc hội… mà còn lan ra khắp nơi.
Tuy nhiên, sự phản đối này không thấy, cũng như không ảnh hưởng nhiều đến cộng đồng NVHN. Người Việt chỉ lo chí thú làm ăn và hưởng thụ Tết Đinh Dậu, mọi vấn đề liên quan đến chính trị, dường như chẳng mấy ai quan tâm, trừ một số người cực kỳ hâm mộ (fan cuồng) của ông Trump, mong ước Mỹ nay mai sẽ đập cho Tầu Cộng một trận nên thân vì tật bá quyền. Điều này cũng tốt thôi, Tầu Cộng te tua thì Việt Cộng “ngất ngư con tầu đi” và hy vọng dân VN sẽ vùng lên đòi lại quyền làm người.
Số fan Việt cuồng Trump nhiều hay ít, chẳng ai biết được vì không ai làm thống kê. Nhưng điều đó cũng không quan trọng. Quan trọng là Mỹ có ý định đập cho Tầu Cộng một trận te tua thật không? Nếu có chiến tranh Mỹ – Trung “thật sự”, ai là kẻ hưởng lợi nhiều nhất trong cuôc chiến này? Đất nước, dân tộc Việt Nam, cộng đồng NVHN ở Mỹ…? Chưa chắc!
Căn cứ vào những biến động chính trị ở Mỹ trong hai tuần lễ qua, sau khi tham khảo từ các nguồn truyền thông, báo chí Mỹ, Việt, Đức… người viết xin nhận định về những ngày sắp tới, nước Mỹ sẽ đi về đâu. Chuyện tương lai hơi khó quyết đoán đúng, sai, nhưng phỏng đoán để cho mình có một thái độ thích hợp, không quá hụt hẫng khi những bất ngờ xẩy đến.
Chỉ sau khi nhậm chức ít ngày, ông Donald Trump đã ký một lọat sắc lệnh đúng như những gì ông đã hứa với cử tri khi tranh cử. Những sắc lệnh này làm rối tung tình hình chính trị Mỹ, bên cạnh đó việc bổ nhiệm vào nội các những nhân vật như Steve Bannon, cố vấn thân cận nhất của Trump trở thành phụ tá chiến lược (Strategic Assistance hoặc Chief Strategic) trong Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC – National Security Counsil), Rex Tillerson, bộ trưởng ngoại giao, đã gây rất nhiều tranh cãi ngay cả trong nội bộ đảng cộng hòa.
Phụ tá chiến lược (Strategic Assistance) cho tổng thống là một chức vụ không chính thức (không có trong sơ đồ tổ chức của tòa Bạch Ốc) nên không cần sự biểu quyết của thượng viện. Tuy không chính thức nhưng quyền lực bao trùm Hội đồng An ninh Quốc gia (ANQG).
Với chức vụ này, Bannon sẽ làm việc bên cạnh tham mưu trưởng hội đồng, được phép tham dự tất cả các cuộc họp quan trọng của Hội đồng ANQG, để xem xét, đánh giá vấn đề an ninh của nước Mỹ. Sự bổ nhiệm Steve Bannon vào chức vụ này bị một số người trong hội đồng ANQG phê bình, chỉ trích. Bà Susan E Rice, cố vấn an ninh quốc gia (National Security Advisor) cuối cùng của cựu tổng thống Barack Obama gọi là Cục Đá Lạnh Điên Khùng (Stone Cold Crazy).
Sự phản đối không phải không có lý do. Chỉ ít ngày sau khi Donald Trump nhậm chức, Steve Bannon đã nói với ký giả một tờ báo Mỹ là: “Truyền thông nên cảm thấy xấu hổ, nhục nhã, nên câm mồm và chịu khó lắng nghe trong một thời gian. Tôi muốn quý vị phổ biến điều này: Truyền thông là đảng đối lập. Quý vị không hiểu và cũng chưa hiểu, tại sao Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ”.
Câu tuyên bố này khiến người ta nhớ lại câu nói của Steve Bannon trong năm 2016, trước khi Donald Trump đắc cử tổng thống: Chúng ta sẽ có chiến tranh với Trung Cộng ở biển Nam Hải trong vòng 5-10 năm tới. Không còn nghi ngờ gì nữa, người Tầu đã và đang xây dựng các bãi đá ngầm ở đó, biến chúng thành những căn cứ quân sự, bố trí phi cơ, tầu chiến… Họ đến nước Mỹ này, đối mặt với chúng ta và nói rằng đó là vùng biển trước đây của họ.
Thế giới coi bộ hơi lên ruột vì tuyên bố này khi Bannon trở thành phụ tá chiến lược của Trump vì viễn cảnh một cuộc đối đầu quân sự giữa 2 nền kinh tế mạnh nhất thế giới sẽ lôi kéo nhiều nước khác tham gia vào cuộc chiến để bảo vệ chính mình. Tuy nhiên trước khi chiến tranh bùng nổ, Mỹ phải rút hết tất cả các hãng, xưởng có chi nhánh ở Tầu về nước. Hàng trăm đại tổ hợp, hàng ngàn cơ sở sản xuất khắp nơi trên nước Tầu phải đem về Mỹ, nhưng thời gian chuẩn bị chiến tranh có đủ để cho Mỹ rút hết cơ sở kinh tế về Mỹ hay không?
Trường hợp Tầu tuyên chiến trước, chắc khó xẩy ra vì đang là chủ nợ lớn nhất của Mỹ hiện nay. Xẩy ra chiến tranh, Tầu quốc hữu hóa hãng xưởng của Mỹ, ngược lại Mỹ tự động xóa món nợ hơn 4.000 tỉ đô la (4 trillion USD). Thế còn Mỹ sẽ lấy lý do gì để tấn công Trung Cộng?
Khi đã muốn gây chiến thì không thiếu nguyên nhân, nhưng dễ dàng nhất là lấy lý do: Bảo vệ lưu thông tự do hàng hải ở biển Đông, nơi Tầu ngang ngược vẽ đường lưỡi bò! Tất nhiên để có lý do tấn công Tầu cộng, Mỹ phải đặt bẫy để Tầu Cộng tấn công mình trước. Cách hay nhất là đưa hạm đội 7 ở Thái Bình Dương vào vùng biển Đông, gần các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa chạy lòng vòng ở đó, khiêu khích Tập Cận Bình.
Nếu không kềm chế được, hoặc quân lệnh không nghiêm, tư tưởng Đại Hán khiến thuộc hạ của Tập sẽ táp vào cái bẫy Mỹ giăng ra, tấn công vào chiến hạm Mỹ là rồi. Mỹ sẽ lập tức đáp trả và chiến tranh bộc phát, tuy nhiên bùng nổ lớn hay nhỏ, đến một giới hạn nào đó chưa thể biết được.
Cũng có thể sẽ chỉ là những va chạm nhỏ giữa hai bên, mỗi bên chìm một hai chiến hạm, rớt vài cái máy bay, sau đó ngồi vào bàn đám phán. Một cuộc đối đầu trực diện bằng tổng lực quân sự thì chiến tranh quy ước sẽ nhanh chóng trở thành chiến tranh nguyên tử, chắc chắn Trump cũng như Tập đều không muốn, trừ trường hợp một trong hai người… phát điên. Tuy nhiên đến giờ phút này, chưa thấy hải quân Mỹ có động tĩnh gì về việc đưa hạm đội 7 vào vùng biển Đông, chỉ thấy Rex Tillerson đang trên đường đi trấn an đồng minh Nhật, Nam Hàn. Do đó mọi người vẫn có thể yên tâm, những người trông đợi, mong mỏi cuộc chiến Mỹ – Trung nên kiên nhẫn, đừng quá sốt ruột.
Bên cạnh đó, cuộc nói chuyện giữa Donald Trump và thủ tướng Úc Malcome Turnbull cũng đã gây xôn xao không kém. Trump cho rằng thỏa thuận giữa Mỹ và Úc dưới thời Obama về số phận 1,250 người tị nạn Hồi giáo bị Úc từ chối sẽ được đưa vào Mỹ là thỏa thuận xấu xa, ngu dốt. Trump cũng đánh giá cuộc nói chuyện với Turnbull là tồi tệ nhất so với 4 cuộc nói chuyện với các nguyên thủ quốc gia khác như Putin, bà Thái Vân Anh… và thay vì kéo dài 60 phút , lại bị gián đoạn sau 25 phút, thì bị Trump cúp điện thoại.
Đó là chuyện đối ngoại, chuyện đối nội cũng căng thẳng không kém. Sau khi 4 nhân viên cao cấp của bộ ngoại giao từ chức, ngày 1-2-2017, hơn 900 nhân viên khác đồng loạt ký tên một bản ghi nhớ để phản đối sắc lệnh tạm thời cấm người Hồi giáo của 7 nước Iran, Iraq, Sudan, Somali, Syria, Lybia, Yemen nhập cảnh vào Mỹ trong 90 ngày. Thư ký báo chí tòa Bạch Ốc, Sean Spicer đã trả lời rằng những người ký tên này, một là làm theo lệnh, hai là xin nghỉ việc.
Tin mới nhất cho biết đã có 2 thượng nghị sĩ thuộc đảng Cộng Hòa phản đối việc bổ nhiệm Betsy DeVos làm bộ trưởng bộ giáo dục do Trump đề nghị. Một số thầy, cô giáo, giảng viên đại học tuyên bố sẽ bỏ nghề nếu Betsy DeVos trở thành bộ trưởng bộ giáo dục. Bên cạnh đó, một vụ biểu tình ở đại học Berkeley đưa đến bạo động vì sinh viên không chấp nhận việc nhà trường tổ chức buổi nói chuyện trong sân trường cho Milo Yiannopoulos, một ủng hộ viên cực hữu của Donald Trump. Buổi nói chuyện của Milo Yiannopoulos sau đó đã bị hủy bỏ, Donald Trump lên tiếng dọa cắt bỏ tài trợ về nghiên cứu (khoảng 370 triệu USD) cho đại học Berkeley nếu ban giám hiệu không bảo đảm được quyền tự do ngôn luận.
Đồng thời Trump cũng đang tìm cách thúc đẩy Mitch McConnell trưởng khối đa số thượng viện (CH) thay đổi luật lệ bỏ phiếu , chỉ cần 51 thay vì 60 phiếu đồng ý cho một chức vụ như hiện nay. Nếu đạt được điều này thì Neil Gorsuch sẽ dễ dàng trở thành chánh án tối cao pháp viện. Trong lúc đó, dân biểu Nancy Pelosi, lãnh đạo thiểu số Hạ viện, thuộc đảng Dân Chủ ở California, phát biểu rằng Donald Trump cần phải được giám định lại tâm thần.
Những điều vừa kể mới chỉ là sự phản đối Donald Trump trong chính quyền. Ngoài xã hội, không kể đến những cuộc biểu tình của người dân nổ ra liên tiếp, khắp nơi, các tổ chức, cơ sở kinh doanh cũng tham gia vào việc chống đối những sắc lệnh của Donald Trump, liên đoàn Taxi ở phi tường JFK, New York đình công 1 tiếng đồng hồ để phản đối lệnh cấm nhập cảnh người Hồi giáo của Trump. Ngoài ra, sau khi một làn sóng tẩy chay hãng taxi Uber lan rộng vì không tham gia cuộc đình công của Liên đoàn Taxi New York vào cuối tuần trước, cùng với sự thắc mắc của nhiều người trong bộ tham mưu Uber, Travis Kalanick, người điều hành và đồng sáng lập công ty taxi Uber đã tuyên bố rời khỏi ban cố vấn của Donald Trump
Nói tóm lại, sau khi con sư tử bờm vàng Donald Trump lên ngôi, cùng với cố vấn chiến lược của con trâu rừng Steve Bannon, chỉ sau 2 tuần lễ nhậm chức, nước Mỹ đã có nhiều sự thay đổi rõ rệt, nhưng đi về đâu thì chỉ có trời mới biết. Nền tảng xã hội cũ của Mỹ đã bị đào bới, xới tung, giá trị của đạo đức, dân chủ, tự do, nhân quyền, tự do báo chí… đang được ông Trump và nội các mới thẩm định, đánh giá lại theo cách nhìn của họ.
Cho dù có những lời tuyên bố (có vẻ) quyết liệt của Trump và Steve Bannon, coi Tầu Cộng là kẻ thù chính, nguy hiểm nhất của Mỹ thì chiến tranh Trung-Mỹ cũng khó lòng xẩy ra khi mà cơ sở làm ăn của Trump vẫn còn nhiều trên đất Tầu. Những rối loạn xã hội nước Mỹ trong những ngày tháng tới sẽ tăng lên khi cặp Donald Trump – Steve Bannon quyết định đường lối, chính sách cứng rắn của họ trong đối nội cũng như đối ngoại. Thời gian 4 năm sắp tới sẽ không sáng sủa gì cho nước Mỹ, tuy nhiên nó cũng còn tùy thuộc vào sự phản kháng của người dân.
____
Mời xem thêm: Video clip cô Ivanka Trump, con gái của TT Donald Trump, đưa con gái Arabella đến chúc Tết tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington DC. Hai mẹ con được Đại sứ Thôi Thiên Khải đón tiếp:
Clip Đệ nhất Cháu ngoại Tổng thống Donald Trump hát bài hát chúc mừng năm mới bằng tiếng Tàu. Clip này do mẹ của bé, cô Ivanka đưa lên Twitter hôm qua. Cô bé Arabella, 5 tuổi, con gái của Ivanka Trump, là người hát bài hát này. Ivanka Trump hiện là người mà Trump tin tưởng nhất, cô giữ vai trò tương đương với Đệ nhất Phu nhân trong Nhà Trắng, chồng cô, ông Jared Kushner là cố vấn thân cận của Trump:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét