Ngày nay đàn ông Miến vẫn trung thành với trang phục truyền thống Photo courtesy Phạm Trường Giang |
Phạm Trường Giang
Chủ Nhật, ngày 12/2/2017 - 02:30
Chỉ cách nhau mấy năm giữa hai khoảng thời gian tôi đến Myanmar, khi chuyển từ chế độ quân sự độc tài sang dân chủ, đất nước này đã chuyển mình một cách thần kỳ.
Tôi đặt chân đến Myanmar lần đầu tiên đầu năm 2012, khi đó bà Aung San Suu Kyi còn đang bị quản thúc và chính quyền quân sự của tướng Than Swe vẫn đang nắm giữ chính quyền. Myanmar lúc đó vẫn được xem là một trong những quốc gia bí ẩn nhất thế giới nên việc đặt chân vào đây bao gồm cả tò mò, háo hức pha lẫn chút sợ sệt.
Căng thẳng, ngột ngạt
Dĩ nhiên, ấn tượng đầu tiên ở Myanmar là sự bất ổn với rất nhiều đoàn xe quân sự thường chạy rầm rập trên đường phố, trên xe binh lính, súng ống chĩa ra như sẵn sàng nã đạn. Mặc dù một vài người lính nhoẻn miệng cười khi tôi hướng ống kính vào họ, phần đông còn lại vẫn giữ khuôn mặt cau có hoặc mệt mỏi, căng thẳng hay chán chường khi lướt qua. Không biết họ chuyển quân đi đâu, có đụng độ quân sự hay không. Thỉnh thoảng một vài người lính, không rõ binh chủng nào một mình đeo súng chạy xe rảo trên đường, trông khá căng thẳng.
Một bầu không khí dè dặt với những du khách như tôi. Trừ những người làm việc buôn bán vốn quen tiếp xúc với du khách, những người còn lại thường nhìn tôi với ánh mắt tò mò pha lẫn sự xa lạ, dè dặt. Khi dừng chân trước một bệnh viện (BV), tôi bước vào với ý định tìm nhà vệ sinh đồng thời với việc cũng muốn khám phá bên trong. BV trang thiết bị rất nghèo nàn nhưng được cái không có chuyện một giường mấy bệnh nhân. Ban đầu tôi định chụp lại nhưng lại thôi và có lẽ điều đó đã tránh những rắc rối sau này.
Khi tôi quay ra cổng thì một nhóm người đã đứng chờ sẵn. Trong đó có ông giám đốc BV dáng cao lớn, tóc bạc, đeo kính cận và gương mặt đẹp lão của ông đang nhìn tôi đầy vẻ thiếu thiện cảm. Ông mời tôi đến bằng tiếng Anh rất dễ nghe nhưng khi tôi đến trước mặt thì ông quắc mắt, cất giọng đầy vẻ giận dữ:
- Tại sao anh vào chụp ảnh trong BV của chúng tôi?
- Thưa ông, tôi không chụp ảnh.
- Không chụp ảnh thì anh vào đây làm gì? Anh có biết việc anh làm sẽ gây rắc rối cho chúng tôi thế nào không?
- Tôi chỉ đi vệ sinh thôi.
Chắc ông ta cũng không tin nên tôi liền tháo cái máy ảnh trên vai xuống, mở hình ảnh cho ông xem: “Đây, ông có thể thấy đây là những hình ảnh cuối cùng mà tôi chụp, đều là trước BV, tôi không chụp ảnh khi vào trong BV”.
Đến đây gương mặt ông giám đốc giãn ra, nhẹ nhõm, lần này ông nói bằng giọng rất nhẹ nhàng: “Lần sau anh có thể đi vệ sinh ở đây bất kỳ khi nào anh cần nhưng đừng chụp gì cả là được, mong anh hiểu cho chúng tôi”. Tất nhiên là tôi thông cảm với nỗi lo lắng của ông. Đi qua một trường học, tôi lại vờ đi vào toilet để quan sát trường học. Nhưng lần này còn nhanh hơn, một thầy giáo trẻ đợi tôi ngay cửa nhà vệ sinh để tươi cười, vừa nói chuyện vừa kè tôi ra tận cổng để tiễn mới thôi. Chẳng lẽ học sinh cũng được căn dặn phải báo tin khi có người lạ vào trường?
Sự hiếu khách, nhiệt tình truyền thống của người Myanmar đã thay bằng sự cẩn thận, dè chừng như thế với người nước ngoài.
“Lột xác” nhanh chóng
Khi đất nước trở nên dân chủ, những quy định ngặt nghèo của chế độ quân sự bị bãi bỏ thì người Myanmar đã nhanh chóng hòa nhập và thay đổi để hớng ra thế giới. Họ vẫn giữ những nét văn hóa truyền thống nhưng cũng sẵn sàng tiếp thu những cái mới và dung hòa chúng. Và họ có thể thay đổi rất nhanh, ở rất nhiều thứ.
Đàn ông Myanmar mặc váy và ăn trầu. Chuyện ăn trầu tuy có vẻ gì đó vừa lạ lùng vừa quen thuộc với người Việt nhưng mặt khác lại kéo theo một hệ lụy: Đường phố Myanmar cực kỳ bẩn vì toàn dính nước bã trầu mà người ta phun ra khi vừa đi đường vừa ăn trầu. Vỉa hè vốn đã ít được cọ rửa, nay bết lại với các lớp nước bã trầu chồng lên nhau xỉn xỉn. Những lớp màu đỏ nâu bầm lại chảy thành vệt từ vỉa hè xuống đường, thoạt nhìn như những vết máu khô, nhìn vào rùng cả mình.
Vậy mà chỉ vài năm sau tôi quay lại Myanmar, đường phố sạch sẽ hơn nhiều, vỉa hè vẫn còn nước bã trầu nhưng rất ít. Ở các TP lớn, ít gặp hơn những người đàn ông vừa đi vừa nhai trầu bỏm bẻm như trước. Ngay khi mở cửa, Myanmar đã phát động phong trào hạn chế ăn trầu và phun nước bã trầu khi ra đường, chỉ ăn trầu khi ở trong nhà, nhiều gia đình đã tập cho trẻ con không bắt chước ăn trầu. Thật khó tin là chỉ trong vài năm, người Myanmar có thể hạn chế được một thói quen có truyền thống từ rất lâu như vậy. Một khi họ được giáo dục rằng đấy là hành động mất vệ sinh, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị, gây sự khó chịu cho du khách nước ngoài…, người dân Myanmar đã hưởng ứng rất nhanh chóng và rộng khắp.
Đất nước Phật giáo bình an, hướng đến làm giàu
Trong các nước ASEAN, Myanmar là đất nước có mối tương quan giai cấp xã hội bình yên nhất. Nếu ở các nước khác sự phân biệt giai tầng, căm ghét người giàu thường xuyên xảy ra và thậm chí gay gắt thì ở Myanmar người nghèo không hề ganh tị và ganh ghét người giàu. Lý do họ sùng đạo Phật và tin rằng những người giàu có là do kiếp trước họ tu nhân tích đức, làm nhiều việc thiện nên kiếp này họ được sung sướng. Vì vậy họ không ghen tị mà cố gắng sống tốt, làm việc thiện để kiếp sau được sung sướng như những người giàu kia.
Trong chuyến taxi về Hpa-an, một thị xã hẻo lánh ở vùng Đông Nam ít du khách lui tới, tôi làm quen với một hành khách bản địa đi cùng là Lin Nay Wyn, anh là một kỹ sư nông nghiệp ở Yangon, về Hpa-an để hợp tác thuê đất làm một trang trại trồng trái cây lớn bán lên Yangon và có thể xuất khẩu qua Thái Lan. Khi tôi tò mò hỏi anh là theo đạo Phật rất tốt cho tâm tính nhưng cũng có một trở ngại là đạo Phật kêu gọi diệt dục, mà khi tiêu diệt lòng tham, sống thanh bần có thể tốt cho sự an ninh xã hội nhưng về kinh tế sẽ chậm phát triển… Nay Wyn đã cười và giải thích với tôi rằng chỉ những người theo đạo Phật mà không có điều kiện mới hài lòng với cuộc sống thanh bần, còn với những người như anh, diệt dục chỉ là diệt lòng tham không đáy, thích sống xa hoa trên sự nghèo khổ của người khác mới là tội lỗi.
Theo Nay Wyn, anh muốn bản thân và gia đình được sống trong điều kiện tốt, cuộc sống tiện nghi, du lịch nước ngoài… nhưng anh không đặt mục tiêu làm giàu cho mỗi bản thân và gia đình. “Tôi luôn dành ra một phần tiền kiếm được hằng tháng để dâng tặng chùa và gửi giúp các tổ chức từ thiện. Tháng nào có nhiều tiền gửi nhiều, có ít thì gửi ít” - Nay Wyn nói.
Tôi kể cho Nay Wyn về lần đầu tiên đến Myanmar, tôi không tìm được nhiều thứ gì để mua làm kỷ niệm.Vì ngoài hàng hóa Trung Quốc, những sản phẩm thủ công mỹ nghệ địa phương rất ít, cuối cùng chỉ mua được mấy con búp bê gỗ nhỏ xíu. Nhưng chuyến thứ hai, tôi không đủ sức mua vì hàng mỹ nghệ, đặc biệt là các tượng gỗ liên quan đến Phật giáo được sản xuất và bày bán rất nhiều và đa dạng cho du khách. Nay Wyn nói rằng nhiều người Myanmar đang nhạy bén hơn, họ cấp tốc học hỏi về kinh doanh để tìm cách đáp ứng các nhu cầu của nền kinh tế đang lên.
Myanmar đã phát triển rất nhanh chỉ trong vài năm qua, chỉ số tự do báo chí tăng hơn 40 bậc, lượng du khách tăng trung bình tới 42% mỗi năm và theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nền kinh tế Myanmar sẽ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm khoảng 9,5% vào năm 2030, trở thành một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới.
Phạm Trường GiangNguồn: Báo Pháp Luật
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét