Buổi lễ tại Quảng Xá. Photo courtesy Trương Huy San |
Trương Huy San
Buổi chiều, vào lúc 16:00, Chính quyền phường Đông Vệ đã tổ chức buổi lễ trang trọng đặt trong khuôn viên phường một phiến đá quý, lấy từ quê ngoại của nhà thơ, khắc bài thơ TRE VIỆT NAM; bài thơ ông bắt đầu viết vào năm 1971. Không chỉ có nhà thơ Nguyễn Duy, dân làng và bạn bè đều rất xúc động.
Chúng tôi gọi đây là "Giải Thưởng Làng", giải thưởng cao quý nhất mà nhà thơ Nguyễn Duy nhận được. Đó là giải thưởng của nhân dân cho một người canh cánh với quê hương đất nước, một người mà ngay cả khi say sưa nhấm ly rượu làng Quảng "Ngọt ngào một chút men quê", vẫn thấy "Cay tê cả lưỡi, đắng tê cả lòng".
Vấn Đề: Trong khi Hội nhà văn tổ chức "ngày thơ" đầy tai tiếng tại Văn Miếu thì Quảng Xá tuy nhỏ bé, quê mùa không "sang trọng như "Văn Miếu" đã làm được điều mà các nhà thơ nên xấu hổ khi được nêu tên giữa cái chợ người Hà Nội.
Khánh thành bia thơ kỷ niệm trên quê hương nhà thơ Nguyễn Duy: Tôn vinh giá trị, nhân cách Việt
Chiều 12.2, tại làng Quảng Xá, phường Đông Vệ, TP. Thanh Hóa đã diễn ra lễ khánh thành “Bia thơ kỷ niệm” khắc bài thơ “Tre Việt Nam” nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Duy.
Đây là sự vinh danh, tri ân của quê hương với nhà thơ, đồng thời cũng là dịp khẳng định, tôn vinh giá trị, nhân cách Việt.
Tri ân người con yêu tú
Nhà thơ Nguyễn Duy tên thật là Nguyễn Duy Nhuệ. Ông sinh ngày 7.12.1948, tại quê ngoại huyện Hà Trung, lớn lên theo cha về sống tại làng Quảng Xá, xã Đông Vệ, huyện Đông Sơn, nay là phường Đông Vệ, TP. Thanh Hóa. Nguyễn Duy là nhà thơ, nhà văn hóa lớn của Việt Nam. Ông làm thơ từ rất sớm, khi đang học cấp 3 trường chuyên Lam Sơn, đến nay, gia sản thơ của ông thật đáng kính nể. Trong số đó, bài “Tre Việt Nam” được chọn dạy trong chương trình phổ thông nhiều thập kỷ qua, là bài thơ nằm lòng của nhiều thế hệ, là biểu trưng bất hủ của khí chất, tâm hồn con người Việt.
Nhân kỷ niệm 150 năm di tích đình Quảng Xá, đặc biệt kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của nhà thơ và 10 năm nhà thơ đạt Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Đông Vệ đã tổ chức khắc bài thơ “Tre Việt Nam” trên tấm bia đá xanh nặng 1,7 tấn với chiều cao 2,35m, rộng 1m. Bia có hình búp măng được tạc từ đá có nguồn gốc từ huyện Hà Trung, vùng chiêm trũng quê ngoại nhà thơ. Bia thơ kỷ niệm được đặt trang trọng trong khuôn viên công sở phường Đông Vệ, chỉ cách ngôi nhà - nơi nhà thơ lớn lên vài trăm mét.
Bia đá khắc bài thơ "Tre Việt Nam" đặt trang trọng trong khuôn viên công sở phường Đông Vệ, TP. Thanh Hóa. Ảnh: X.H |
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Việt Hùng – Chủ tịch phường Đông Vệ - xúc động cho hay, việc khánh thành bia kỷ niệm là hành động trân trọng, tôn vinh, biết ơn nhà thơ – người con trân quý của quê hương, đồng thời cũng mong muốn “các thế hệ hôm nay và mai sau luôn mang theo mình hành trang cuộc sống trong từng suy nghĩ, trong từng việc làm của mình những phẩm chất truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam được Nguyễn Duy khái quát trong bài thơ “Tre Việt Nam”.
Lễ khánh thành bia thơ kỷ niệm diễn ra đơn giản, mộc mạc, chân tình mà tràn đầy ý nghĩa: Không băng rôn biểu ngữ, không văn nghệ chào mừng, không rềnh rang giới thiệu, đánh bóng. Sau lễ khánh thành, nhà thơ Nguyễn Duy xúc động bày tỏ sự cảm ơn tới quê hương, chính quyền, bè bạn đã dành cho ông tình cảm sâu nặng ân tình.
“Đây là món quà bất ngờ, thật sự là vinh dự với tôi. Đây là bài thơ tôi viết kính tặng quê hương, nhân dân của mình, nay lại được quê hương vinh danh, tôi vô cùng xúc động” – nhà thơ Nguyễn Duy nói. Theo nhà thơ, bài “Tre Việt Nam” được ông ấp ủ từ lúc còn rất trẻ, khởi thảo từ năm 1969, khi đó nhà thơ 22 tuổi và đang là bộ đội thông tin, đến năm 1971 mới hoàn thành. Bài thơ đã được giải Nhất cuộc thi thơ của Tuần báo Văn nghệ năm 1972 – 1973.
Trả lời Lao Động, TS Chu Văn Sơn – nhà nghiên cứu văn học, giảng viên Khoa Ngữ văn ĐHSP Hà Nội - bày tỏ sự xúc động, tự hào sâu sắc bởi ông cũng được sinh ra trên quê hương xứ Thanh, được cùng học dưới mái trường chuyên Lam Sơn danh tiếng với nhà thơ lớn Nguyễn Duy. TS Chu Văn Sơn đánh giá cao nghĩa cử của chính quyền, nhân dân dành cho nhà thơ Nguyễn Duy. “Cả nước có hàng vạn nhà thơ, nhưng mấy ai được trân trọng, vinh danh như Nguyễn Duy và cái cách vinh danh cũng rất đáng trân trọng” – TS Chu Văn Sơn nói.
TS Chu Văn Sơn, nhà nghiên cứu văn học, giảng viên Ngữ văn ĐHSP Hà Nội bình bài thơ "Tre Việt Nam". Ảnh: X.H |
Tôn vinh giá trị, nhân cách Việt
Sau khi em Nguyễn Thị Trang – học sinh Trường THPT chuyên Lam Sơn - đọc diễn cảm, sâu lắng bài “Tre Việt Nam”, NSND Thanh Hoài đã ngâm bài thơ với tất cả sự trân trọng, ân tình. Dứt tiếng ngâm, tiếng vỗ tay còn vang mãi. Đôi lời nhận xét về bài thơ tại buổi lễ, TS Chu Văn Sơn cho hay, nếu dân tộc Nga lấy cây bạch dương để thể hiện phẩm chất, phong cách của mình thì cây tre chính là biểu trưng cho cốt cách, tâm hồn Việt.
Nhà nghiên cứu Chu Văn Sơn khẳng định, bài thơ “Tre Việt Nam” sở dĩ nó có sức sống mạnh mẽ, lâu bền trong lòng rất nhiều thế hệ và chắc chắn còn tiếp tục sức sống ấy lâu bền hơn nữa vì nó đã thể hiện được cốt cách, tâm hồn và nhân cách Việt. Bất kỳ ai, công chức, nông dân, công nhân, văn nghệ sĩ, trí thức…, ai cũng thấy phần con người mình khi đọc “Tre Việt Nam”.
Kết thúc bài phát biểu của mình, TS Chu Văn Sơn khẳng định: “Tre hôm nay và mai sau luôn luôn là biểu trưng đầy đủ nhất cho tinh thần người Việt. Nhà thơ Nguyễn Duy đã thể hiện điều đó một cách tuyệt vời. Chừng nào tình yêu Việt còn tồn tại thì chừng ấy dân tộc Việt còn tồn tại, chừng nào dân tộc Việt còn tồn tại, chừng ấy người Việt còn thấy mình trong hình ảnh cây tre”.
Nhà thơ Nguyễn Duy đứng cạnh nghe NSND Thành Hoài ngâm bài thơ "Tre Việt Nam". Ảnh: X.H |
Đây cũng là dịp hy hữu bởi dự lễ khánh thành bia kỷ niệm có nhiều nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ, nhà văn hóa nổi tiếng. Có thể kể đến ngoài Bắc có nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên; nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình Ngô Văn Giá; nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình Ngô Thảo; nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình Đào Tuấn Ảnh; TS Chu Văn Sơn; nhà văn Nguyễn Thành Phong, NSND Thanh Hoài… Trong Nam ra có nhà báo, nhà văn Thế Thanh, nhà báo Lê Thanh Phong, nhà báo Trọng Chức, nhà thơ Nguyễn Phong Việt, nhà văn Nguyễn Quang Lập, nhà báo Huy Đức…
Đông đảo bạn bè là các nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu nổi tiếng đến chung vui cùng nhà thơ Nguyễn Duy. Ảnh: X.H |
Theo đánh giá của GS.TS Chu Văn Sơn, có thể gọi buổi gặp gỡ trên xứ Thanh hôm nay là buổi gặp gỡ của những kẻ sĩ hiện đại. Những người bạn đến dự lễ hôm nay không chỉ nổi tiếng về chuyên môn, trên báo chí, văn chương mà còn nổi tiếng về nhân cách được kẻ sĩ trong nước nể trọng. Cũng theo TS Chu Văn Sơn, nhà thơ Nguyễn Duy là người rất cá tính, là một nhân cách lớn nên những người bạn có mặt hôm nay là những kẻ sĩ hàng đầu của Việt Nam.
Đêm thơ nặng ân tình
Tối cùng ngày, tại đình làng Quảng Xá diễn ra đêm thơ, nhạc cổ truyền với tựa đề “Về làng”. Ngay từ đầu tối đã có hàng trăm người làng và những người yêu thơ Nguyễn Duy tề tựu. Không gian âm nhạc truyền thống được phục dựng với sân khấu chính là hè đình. Rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng tham gia đêm thơ nhạc như một cách bày tỏ sự kính trọng, yêu mến thơ và con người Nguyễn Duy.
Tại đêm thơ, bà con dân làng, bạn bè của nhà thơ được thưởng thức các bài thơ nổi tiếng và tiết mục chèo cổ bất hủ. NSND Thanh Hoài ngâm bài “Tre Việt Nam”, “Thời gian”; NSND Xuân Hoạch hát chầu văn bài “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” và hát “Xẩm ngọng”; NSND Minh Gái trình bày trích đoạn nhạc tuồng; các nghệ sĩ trình bày các trích đoạn chèo nổi tiếng như “Thị Màu”, “Thị Kính”, “Mẹ Đốp”, “Xúy Vân”; hát văn hầu đồng “Tôi và em và thánh thần”…
Các nghệ sĩ biểu diễn ngay cửa đình làng Quảng Xá. Ảnh: X.H |
Với tài năng của mình, các nghệ sĩ đã đem lại không gian sân khấu nhạc cổ truyền đậm đà, giàu tình nghĩa. Cụ Nguyễn Thanh Điều (68 tuổi) cho hay: “Lâu lắm rồi tôi mới được xem một buổi ca nhạc cổ truyền hay như thế, tôi như sống lại thuở ngày xưa”.
Nhà thơ Nguyễn Duy xúc động khi đọc bài thơ "Cầu Bố". Ảnh: X.H |
Nhà thơ Nguyễn Duy trình bày một số tác phẩm nổi tiếng của mình, trong đó có bài “Cầu Bố” và “Đò Lèn” như một cách tri ân quê nội cạnh cầu Bố và quê ngoại Hà Trung có đò Lèn. Khi đọc đến đoạn viết về người cha thân sinh trong bài “Cầu Bố”, nhà thơ Nguyễn Duy nghẹn ngào xúc động. Bà con dân làng liên tục vỗ tay cổ vũ, chia sẻ với nhà thơ.
Đông đảo bà con đến dự đêm thơ "Về làng". |
Đêm thơ nhạc đậm tình nặng nghĩa kết thúc với những cái ôm, những lời thăm hỏi và cả những hẹn hò…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét