TP - Phòng làm việc của một lãnh đạo có thể gợi lên nhiều suy ngẫm. Nó phản ánh nhiều điều về con người, phong cách của chủ nhân. Nhiều khi, nó mang trong mình cả một truyền thống, một lịch sử.
… Rồi tôi cũng có được một cái hẹn với Bí thư Đinh La Thăng tại phòng làm việc ở số 56 Trương Định, TP Hồ Chí Minh.
Căn phòng thoáng nhưng chả phải là rộng lắm. Phía dưới bức màu dầu hay thuốc nước khổ lớn vẽ cảnh sen hạc là bộ sa lông màu gụ dùng tiếp khách. Đối diện là cái bàn làm việc rộng phía sau đường bệ một chiếc ghế màu gụ. Đằng sau là bức sơn dầu cảnh một đa đề lụ khụ. Ông Thăng cho biết nhiều đời bí thư thành ủy đã từng ngồi đây, và nội thất căn phòng này khi ông tiếp nhận đã vậy rồi. Tân Bí thư chỉ dịch một chút chỗ bàn ghế cho cân và nhường chỗ cho không gian đa đề của bức sơn dầu.
Hồi BT Thăng mới vô nhậm chức, coi một tờ báo mạng thấp thoáng đằng sau ông tân bí thư Thành ủy có một cặp… ngà voi! Ông bạn đồng nghiệp của tôi vốn là một fan của BT Thăng nhắn vội cái tin là giả thật gì không biết nhưng cất ngay cái cặp ngà ấy đi.
Sau hỏi ra mới biết có cặp ngà ấy thật nhưng nó hiện diện ở một cơ quan công quyền khác mà ông Thăng đến làm việc!
Một cái bàn bên bày lọ hoa trên có mấy xấp báo lộn xộn. Chợt nhớ Bí thư Thăng đọc báo cũng chăm như đọc tin nhắn trên điện thoại trong những chặng đi dài. Thường ngay cạnh chiếc ghế trên xe là một xấp báo trong ngày những Thanh Niên, Tuổi trẻ, Nhân Dân, Tiền Phong…
Mé bên tay phải gần bộ sa lông gụ có mấy ô kệ hơi rỗng. Chắc chủ cũ đã mang sách vở hoặc đồ đạc gì đó đi? Giờ nhiều ô trống nổi bật bức tượng nhỏ Phật Bà quan âm bằng gỗ và tượng Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Để ý có một quả cầu bằng thủy tinh hay thạch anh gì đó. Cũng chả rõ có phải để dùng cho phong thủy hay trấn trạch gì đó?
Ngó thêm góc trong có một cái cửa mở vào một phòng nhỏ đến ngạc nhiên, trong đó kê một cái giường con đơn sơ như giường lính. Chỗ ngả lưng của các đời bí thư thành phố?
Tin báo lại khách Hàn Quốc sắp đến. Mà BT Thăng vừa đi thẳng từ sân bay về đây để tiếp chúng tôi sau khi rời phòng họp Diên Hồng của Quốc hội ở Hà Nội. Câu chuyện của BT Thăng với chúng tôi cũng là quanh chuyện Quốc hội, cụ thể là việc các đại biểu vẫn ngồi khi các yếu nhân tuyên thệ. BT Thăng nói rằng theo ông, lẽ ra nên điều chỉnh liền sau khi có ý kiến các đại biểu nên đứng thì nghi thức thủ tục ấy thêm phần trang trọng!
Vẫn là chất… Đinh La Thăng! Thấy nên và cần là làm liền.
Một tờ báo mạng có lần không biết làm cách nào đó đã gạ và moi được ở ông Thăng những lời bộc bạch thế này.
Có một thứ không bao giờ thay đổi ở tôi, đó là thói quen thích làm những việc khó và không bao giờ biết chán nản hay nao núng ý chí. Trong tôi, có một ngọn lửa thời trai trẻ lúc nào cũng cháy rực. Tôi luôn đặt mình vào điểm nóng, vào thử thách và hối thúc, cuốn gọi những người cùng làm việc với mình, cùng tận hiến. Đó là cá tính của tôi, biết thế là nhọc nhằn và vất vả nhưng không thể làm khác được.
Tôi ngờ hành văn trầm bổng là của người viết, nhưng nhưng rõ ra là ý gan ruột của người được phỏng vấn?
Nhớ nhiều thời điểm nơi này nơi khác và ngay cả trong QH rộ lên những ý kiến khuyên Bộ trưởng Thăng là nên ngồi ở nhà nhiều hơn, chứ không nên chạy ra đường giải quyết mấy vụ việc cụ thể. Vị trí BT không phải ở chỗ ấy, mà thông qua bộ máy, thông qua cấp dưới. Anh phải tạo ra cơ chế chứ đừng nên đi giải quyết vụ việc cụ thể. Nếu ở đâu người ta cũng kêu BT, không có đường đi, đường xấu, đường xuống cấp người ta lại kêu thì làm sao anh giải quyết hết được? Làm sao anh có thể suốt ngày ra đường chặn bắt xe quá tải được? vv… và vv…
Không hiếm các chuyên gia thành thật khuyên BT Thăng nên chú ý mảng vĩ mô thay cho vi mô, nghĩa là ít ra đường thì càng tốt! Nhưng tôi lẩn thẩn nghĩ đến câu của Nguyễn Du đã nói rất hay về hiệu ứng của phương pháp trực tiếp trực diện dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng. Còn nhà thơ Sóng Hồng (Trường Chinh) từng thành thực về hiệu quả thực tế nhiều khi ý nghĩ lớn/ vụt ra lúc đi đường.
Bây giờ, BT (Bí thư chứ không phải Bộ trưởng) Thăng mỗi khi mỗi lúc vuột ra khỏi 56 Trương Định này, đến thăm căn nhà xập xệ của Mẹ Việt Nam anh hùng, đi truy cho ra nhẽ sao nông dân lại không có hợp đồng bán sữa…, cứ cho là liên miên đi, liệu ông có đủ sức tới hơn 300 cấp xã, gần 30 cấp huyện và ngót nghét 20 sở ngành với hàng ngàn, vạn cơ sở của thành phố Hồ Chí Minh tít tắp, mênh mang? Có những câu hỏi na ná như vậy nhưng cũng có những câu tự hóa giải tương tự cho việc BT Thăng “vi hành’’ rằng, BT đi vào những cái nhỏ như vậy, trước hết dân được nhờ cái nhỏ, nhưng cái được lớn hơn là cho bộ máy.
Đó là sự cảnh tỉnh, nhắc nhở các cơ quan trong cả hệ thống chính trị của thành phố rằng đây là việc của mình, đáng ra phải làm tốt, nhưng chưa làm hoặc làm chưa tốt thì nhanh chóng mà khắc phục, mà làm cho tốt. Rằng qua cái cách đi kiểu này buộc cấp dưới phải suy nghĩ, phải hành động, phải lo sợ đến trách nhiệm của mình. Và những vị chức việc đứng đầu của bấy nhiêu cấp công quyền toàn thành phố sẽ chuyển mình theo kiểu hành xử của Bí thư và không có lý gì lại không có sự thay đổi nào đó?
Cũng xin thưa với những ai đương sốt ruột rằng, chả riêng xứ mình mà xứ người, cú hích của cá nhân có sức nặng lắm? Vấn đề cá nhân cụ thể phải là ai, ân uy thế nào? Không dám nghi ngờ vô vàn hình thức công văn chỉ thị điện thoại giao lưu trực tuyến nhưng hiệu quả vẫn khó bằng sự trực tiếp? Và tôi chắc rằng xứ mình cũng như thành phố này không thiếu những lãnh đạo luôn bị hút về phía dân như thế.
Căn nhà cùng căn phòng năm sáu Trương Định này như thứ gia phả chưa kịp biên chép?
Thành phố năm 1978 như là vận bĩ chất chồng bao khó khăn thiếu thốn cùng bất an của nhân tâm, Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt quyết định gặp gỡ giới trí thức thành phố. Với hy vọng có được sự chia sẻ từ những người Sài Gòn vốn được coi là có cảm tình với “Cách mạng”, ông Sáu Dân hay tay chắp lại, chân thành: “Anh em cố gắng ở lại, trong vòng ba năm nữa, nếu tình hình vẫn không thay đổi, tôi sẽ đưa anh em ra phi trường”. Không khí lặng phắc hồi lâu. GS Nguyễn Trọng Văn, một trí thức cũ, đứng lên: “Chúng tôi sẵn sàng ở lại, nhưng nếu ba năm nữa mà tình hình không thay đổi thì tôi cho rằng người nên ra đi phải là các anh”.
Tối hôm ấy, tại nhà 56 Trương Định, Thường vụ mở rộng, hầu hết ý kiến phát biểu đều phê phán GS Văn gay gắt. Nhiều người đề nghị: “Bắt!”. Bí thư Võ Văn Kiệt cặp mắt đăm chiêu với cái nhìn buồn khôn tả. “Sau khi nghe anh Văn nói, tôi cũng bị sốc, rất sốc. Nhưng rồi suy nghĩ, tôi thấy, anh Văn đã phát biểu rất nghiêm túc. Tôi cho rằng, nếu ba năm nữa mà tình hình không thay đổi thì người ra đi không thể là các anh ấy”. Kết luận của ông Kiệt khiến cho mọi người im lặng.
Cái ghế khổ lớn kê sát tường sau cái bàn làm việc rộng rinh kia, hình như đang thấp thoáng cái dáng lòng khòng thư thả, đôi khi phải ngả lưng chốc lát bởi công việc lúc nào cũng lu bu của Anh Mười Cúc Nguyễn Văn Linh - Bí thư thành phố giai đoạn bảy lăm - bảy sáu rồi tám mốt - tám sáu thế kỷ trước? Câu chuyện của ông Lê Đình Thụy - GĐ Nhà máy thuốc lá Sài Gòn kể lại mà mới như hôm qua.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh cho gọi gần 20 giám đốc nhà máy đang thậm thụt xé rào cơ chế bao cấp để bung ra, trong đó, ngoài ông Thụy có bà Ba Thi lúa gạo, lên nhà 56 Trương Định rồi ngồi nghe họ hơn hai ngày. Rồi cũng chính ông Bí thư Thành ủy Mười Cúc có sáng kiến rinh tất tật hơn hai chục điển hình có vấn đề ấy lên Đà Lạt. Không phải nghỉ mát mà nhân các cụ Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công,… đang nghỉ ở Đà Lạt, ông Mười Cúc muốn các cụ nhân có thời gian rảnh nghe tường tận, nghe hết những việc bung ra cứu mình trước khi trời cứu của những giám đốc từng mang tiếng là kém ngoan từng có những việc xé rào kia! Đó là thời điểm tháng 7/1986. Một hội nghị, nói đúng hơn một cuộc gặp kéo dài mấy ngày mà báo chí thời điểm ấy chưa có dịp tường thuật?
May cho ông Mười Cúc. Các cụ lúc đầu bất ngờ nhưng đã lắng nghe. Toàn những chuyện những thông tin chối tai ngôn trung nghịch nhĩ nhưng càng nghe càng thấy phải? Mấy ngày ở Đà Lạt như là sự tích tụ năng lượng để sau đó góp phần bùng phát tư tưởng ĐỔI MỚI tại Đại hội của Đảng tháng 12 năm 1986. Người được ĐH bầu Tổng Bí thư với số phiếu cao tại Đại hội là ông Mười Cúc!
Rồi bên cái ghế khổ rộng kia từng là cái dáng vậm vạp hiền khô của Bí thư Thành ủy Võ Trần Chí, Anh Hai Chí. Từ năm 1986 đến năm 1996, mười năm liền, Anh Hai đóng chức Bí thư Thành ủy. Năm 1994, người viết bài này có một kỷ niệm khó quên. Dư luận xôn xao khi Viện KSND thành phố ra quyết định khởi tố một tờ báo. Có một cuộc họp của Ban Nội chính Trung ương tổ chức…
Vì là tác giả bài báo của tờ báo bị khởi tố ấy nên tôi có mặt tại cuộc họp trọng đó. Tất cả hướng cái nhìn nghiêm cẩn hồi hộp về phía khách mời là Chủ tịch nước Lê Đức Anh, người mới vừa bước vào phòng họp. Khi phát biểu, Chủ tịch hướng cái nhìn buồn rầu nghiêm khắc về phía anh Hai khởi tố để làm gì? Dạ thưa anh Sáu Nam là để truy tìm người cung cấp tài liệu cho báo chí.
Sau cái cười bất ngờ bao dung thông cảm, phát biểu dù ngắn thôi của Chủ tịch nước hôm đó về vụ việc khiến dư luận thở phào nhẹ nhõm. Bởi việc chỉ thị cho Ban Cán sự Đảng Viện KSND Thành phố rút lệnh khởi tố - sự cố mọn ở tờ báo tuy nhỏ thời điểm ấy nhưng là một dấu mốc lớn của tiến trình dân chủ ngày một đổi mới.
Căn nhà 56 này cũng chứng kiến một nhiệm kỳ của Bí thư Thành ủy Trương Tấn Sang từ năm 1999 đến năm 2000.
Người viết bài này cũng may mắn được chứng kiến, tham dự những việc những cuộc có mặt anh Sáu Phong Nguyễn Minh Triết, nguyên là Bí thư Trung ương Đoàn, người đóng chức Bí thư thành ủy ở nhà năm sáu Trương Định 6 năm.
Cả hai bí thư Trương Tấn Sang, Nguyễn Minh Triết đều trở thành Chủ tịch nước.
Chủ nhân của nhà năm sáu trước Bí thư Thăng là anh Hai Lê Thanh Hải.
Một chút bồi hồi. Đúng ngày Báo chí Việt Nam 21-6 năm 2005, tại Washinhton DC, một cuộc gặp thân mật với anh em báo chí trong nhóm báo chí tháp tùng chuyến thăm hữu nghị chính thức Hoa Kỳ của Thủ tướng Phan Văn Khải đã được tổ chức, mặc dù công việc lu bu. Hơn 10 anh chị em ký giả trong nhóm báo chí tháp tùng rất cảm động bởi tình thế hoàn cảnh này mà chu đáo được như thế. Thêm nữa, từ Thủ tướng đến các yếu nhân của thành viên đoàn thăm như Phó Thủ tướng Vũ Khoan, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng và nhiều vị khác đã tới dự động viên anh em. Ông Nguyễn Xuân Phúc khi đó là Chủ tịch Quảng Nam, thành viên chính thức đoàn thăm cũng có mặt. Mãi sau chuyến thăm, cánh báo chí mới biết người đứng ra tổ chức cuộc gặp rất ấm áp nghĩa tình kiêm cả việc lo quà cho anh em báo chí là ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND thành phố, thành viên đoàn thăm Thủ tướng.
… Câu chuyện giữa BT Thăng và chúng tôi đang tiếp cái đoạn từ năm 2005 đến nay, TP Hồ Chí Minh vẫn luôn giữ vị trí đầu tàu kinh tế, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với GDP tăng trưởng gấp 1,7 lần bình quân cả nước. Dưới sự lãnh đạo của Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải và các đồng sự đã biến những vùng đất đầm lầy hoang vắng thành các khu đô thị hiện đại và sang trọng bậc nhất như: khu đô thị Thảo Điền, Phú Mỹ Hưng, Thủ Thiêm…
Rồi Khu công nghệ cao TP HCM chính là thành tựu lớn của thành phố trong phát triển hạ tầng công nghiệp. Với tổng diện tích 913 hecta tại quận 9, Khu công nghệ cao với tổng đầu tư hơn 4,1 tỷ đô la, có sự góp mặt của các tập đoàn quốc tế lớn như: Intel, Midet, Sanofi, Datalogit Candinh, Samsung, Sodan… với giá trị xuất khẩu đạt hơn 3,1 tỷ.
Những thành tựu, những giá trị mà Bí thư Đinh La Thăng tiếp nhận và có nghĩa vụ phải đẩy lên tiếp từ những người tiền nhiệm.
… Ngó trên trần nhà sơn trắng phẳng lì của nhà 56 từng chứng kiến bao sự kiện của các ông chủ - các đời Bí thư từng ngồi ở cái nơi đặc biệt này tự dưng nghĩ trên bức tường kia nên có thứ gì na ná như ba chữ kỳ nghiêm hồ. Nghĩa là đáng sợ thay. Ba chữ ấy lấy trong câu của sách Đại học của thầy Tăng Tử: Thập mục sở thị, thập thủ sở chỉ, kỳ nghiêm hồ (Mười mắt nhìn vào, mười tay chỉ vào, đáng sợ vậy thay).
Người xưa chọn ba chữ ấy để treo để dặn con cháu, phải ngày ngày cố gắng tu thân, sống ở đời cần biết giữ gìn phẩm hạnh. Phải biết sợ dư luận, phải biết xấu hổ, biết nể trọng xung quanh.
Dân còn thế, nữa là quan?
Nhọc nhằn, đáng ngại và đáng phục thay những cú hích của những nhân hiệu để làm nên một Thương hiệu thành phố đầu tàu- vị trí số Một, thành phố Hồ Chí Minh.
XUÂN BA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét