VietTimes -- Hội nghị cấp cao các nước ASEAN sắp họp, dự kiến vấn đề Biển Đông sẽ là một chủ đề trọng điểm. Trong khi đó, truyền thông quốc tế đưa tin Trung Quốc đang tìm kiếm việc đưa vào bộ Chuẩn tắc hành vi ở Biển Đông một điều khoản đặc biệt, nhưng yêu cầu của họ đã bị các nước ASEAN từ chối. Một hiệp định chung về cùng khai thác dầu khí trên Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines cũng có thể không được ký trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Manila vào tuần tới.
Đề án của Trung Quốc về COC bị phản đối
Theo trang tin Hoa ngữ Đông Phương (DWNews) ngày 12.11, Hãng tin Kyodo Nhật cùng ngày đưa tin, ngày 13.11, Hội nghị cấp cao ASEAN+3 (Trung Quốc, Mỹ, Nhật) sẽ diễn ra tại Singapore và kéo dài trong 3 ngày. Hội nghị cấp cao này sẽ thảo luận vấn đề trọng điểm là tình hình Biển Đông. Tổng thống Mỹ Donald Trump vắng mặt tại hội nghị, người thay mặt ông tham dự là Phó Tổng thống Mike Pence.
Về vấn đề Biển Đông, tại Hội nghị ngoại trưởng các nước ASEAN và Trung Quốc họp hồi tháng 8.2018 tại Manila (Philippines) đã đề ra bản dự thảo khung Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) để ngăn ngừa xảy ra tranh chấp, xung đột. Giới ngoại giao ASEAN cho rằng “việc thương thảo với Trung Quốc đang diễn ra thuận lợi và có hiệu quả”. Dự kiến ngày 14.11, các nước ASEAN và Trung Quốc sẽ tiến hành đàm phán về bộ quy tắc ứng xử này, “thể hiện xu hướng tích cực, có tính xây dựng”.
Ngày 11.11, tờ Nihon Keizai Shinbun (Tin tức kinh tế Nhật Bản) đưa tin, xung quanh Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) mà Trung Quốc và các nước ASEAN đang thương thảo, phía Trung Quốc đã đề xuất đưa vào một điều khoản với nội dung “cấm các quốc gia ngoài khu vực thăm dò, khai thác dầu khí ở Biển Đông”. Điều này được coi là nhằm ngăn chặn Mỹ và một số nước khác mở rộng ảnh hưởng thông qua việc hợp tác khai thác tài nguyên. Nihon Keizai Shinbun cho rằng, nếu ASEAN phản đối đề án này của Trung Quốc thì việc đàm phán về bộ quy tắc có thể sẽ bị gác lại trong thời gian dài.
Theo Nihon Keizai Shinbun, một nguồn thạo tin tiết lộ, đề án này của Trung Quốc đã được đưa vào bản dự thảo COC hồi tháng 8, nhưng ASEAN đã yêu cầu loại bỏ điều khoản này ra khỏi COC vì nó “đi ngược lại những điều khoản quy định của Công ước Liên hợp quốc 1982 về luật Biển (UNCLOS)”.
Nihon Keizai Shinbun viết, Biển Đông có nguồn tài nguyên dầu lửa và khí đốt thiên nhiên phong phú, Trung Quốc, Việt Nam, Philippines và các nước xung quanh Biển Đông đang tích cực tìm kiếm cơ hội khai thác tài nguyên. Trừ Trung Quốc, các nước khác đều thiếu khả năng tự mình khai thác, cần phải nhờ vào sự hợp tác, giúp đỡ của các nước khác. Trung Quốc luôn “cảnh giác mạnh mẽ” với điều mà họ cho rằng “Mỹ lợi dụng cơ hội cùng khai thác (dầu khí) với các nước ASEAN để gia tăng ảnh hưởng ở Biển Đông”.
Theo Yomiuri Shinbun ngày 12.11, trong bản dự thảo Tuyên bố của Hội nghị cấp cao ASEAN có nội dung phê phán hành động lấp biển tạo đảo nhân tạo ở Biển Đông.
|
Ngoài ra, trong đề án của mình, Trung Quốc còn yêu cầu cấm các quốc gia ngoài khu vực tiến hành hoạt động diễn tập quân sự chung với các nước thành viên ASEAN. Đề xuất này lập tức bị Singapore và một số nước phản đối. Dự kiến, trong Hội nghị cấp cao giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông sẽ là một chủ đề bàn luận lớn. Trong số các nước thành viên ASEAN có 2 quốc gia (Lào và Campuchia) có quan hệ thân cận với Trung Quốc nên ý kiến của các nước ASEAN về Biển Đông khó có thể đạt được nhất trí. Đối với đề án của Trung Quốc cấm các quốc gia ngoài khu vực tham gia diễn tập quân sự chung, một bộ phận các nước thành viên đã thể hiện rõ thái độ phản đối.
Một cơ quan truyền thông khác của Nhật, tờ Yomiuri Shinbun ngày 12.11 viết, trong bản dự thảo Tuyên bố của Hội nghị cấp cao ASEAN mà báo này có được, có nội dung phê phán hành động lấp biển tạo đảo nhân tạo ở Biển Đông, cho rằng hành động này “làm gia tăng căng thẳng, gây tổn hại hòa bình”. Trong khi đó, chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương do Mỹ và Nhật cùng đề xướng thì trong dự thảo thể hiện thái độ hoan nghênh các quốc gia ngoài khu vực “trên cơ sở thảo luận thêm”.
Philippines sẽ không ký hiệp định cùng Trung Quốc khai thác chung dầu khí trên Biển Đông
Theo trang tin Đa Chiều, Bộ trưởng Năng lượng Philippines Alfonso Cusi nói, trong thời gian chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Philippines vào giữa tháng 11 này. Hai nước sẽ không ký kết hiệp định về việc cùng nhau thăm dò khai thác dầu khí ở Biển Đông. Theo tiết lộ của đại sứ quán Trung Quốc tại Manila, sau khi kết thúc tham gia Hội nghị cấp cao APEC, ông Tập Cận Bình sẽ tiến hành thăm chính thức Philippines từ 19 đến 21.11.
Ông Alfonso Cusi phát biểu trên tờ Philippines Business: “Theo tôi được biết thì không có thông tin về việc đó (ký kết). Tình hình cụ thể sẽ quyết định bởi sự phát triển của sự việc”. Ông cũng không thể xác nhận việc ký kết hiệp định về cùng nhau thăm dò khai thác dầu khí có trong chương trình hội đàm giữa lãnh đạo hai nước hay không.
Tin cho biết, hiện nay chính phủ Philippines đang thúc đẩy việc sửa lại Lệnh hành chính số 556 do cựu Tổng thống Maria Arroyo ký năm 2006. Lệnh này cấm mọi cơ quan chính phủ chuyển nhượng các hợp đồng về thăm dò khai thác dầu khí trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Ông Alfonso Cusi cho rằng, chỉ sau khi Lệnh 556 được sửa đổi, chính phủ Philippines mới có thể chuẩn bị ký kết các hiệp định kiểu đó.
Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc ngày 10.11 đưa tin, trước khi ông Tập Cận Bình tới thăm Philippines, hai nước đang thúc đẩy đạt được một hiệp định về cùng nhau khai thác dầu khí ở Biển Đông, nhưng do nội bộ Philippines phê phán nên việc này không tiến triển thuận lợi được.
Hiệp định về khai thác chung dầu khí trên Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines có thể không được ký trong chuyến thăm Manila của ông Tập Cận Bình do bị phản đối trong nội bộ Philippines.
|
Tờ SCMP ngày 10.11 cũng viết, những tiếng nói phê phán trong nội bộ Philippines không ngừng gia tăng về một hiệp nghị Trung Quốc chấp nhận được. Năm 2017, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị từng đề nghị với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hãy gác lại tranh chấp về chủ quyền ở Biển Đông để cùng khai thác tài nguyên dầu khí. Ông Rodrigo Duterte tỏ ý rất nhiệt tình về đề nghị này. Các quan chức cao cấp của Trung Quốc và Philippines cũng đã thảo luận về vấn đề này.
Bản dự thảo của hiệp định vốn dự định được phê chuẩn hồi tháng 9.2018, nhưng do ảnh hưởng của cơn bão lớn nên đã bị trì hoãn. Sau đó, người phụ trách việc đàm phán dự thảo hiệp định được thay bằng Ngoại trưởng Teodoro Locsin. Ngày 28.10, khi ông Vương Nghị tới thăm Philippines vẫn bày tỏ Trung Quốc đã chuẩn bị tốt cho việc xúc tiến cùng Philippines khai thác chung dầu khí trên Biển Đông.
Tuy nhiên, các chuyên gia về Biển Đông và giáo sư đại học của Philippines cho rằng, hai nước có vẻ chưa chuẩn bị đầy đủ cho việc ký kết hiệp định. Đợi đến khi ông Tập Cận Bình sang thăm Philippines, một số vấn đề hoặc chi tiết cụ thể được gác lại thì mới có cơ may đạt được một hiệp định bình thường.
Ông Teodoro Locsin bày tỏ trên mạng xã hội: sẽ không có hiệp định về khai thác chung dầu khí. Sau này có thể có, nhưng hiện nay thì không.
Trang tin Đa Chiều ngày 11.11 cho biết, trong tình hình đó, Trung Quốc đã sử dụng “chiến thuật vu hồi” bằng cách để Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) thu mua những công ty Philippines có quyền thăm dò khai thác dầu khí trên Biển Đông. Tuy nhiên các chuyên gia của Philippines đã chỉ ra rằng, cách làm đó có thể vi phạm hiến pháp của Philippines và phê phán chủ trương “gác lại tranh chấp, thúc đẩy cùng nhau khai thác” chỉ là một cái bẫy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét