Sau khi có phát biểu chất vấn gây tranh luận của đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, khi cho rằng “Vi phạm của cơ quan điều tra rất khủng khiếp”, kèm theo những con số không thụ lý tin tố giác 94%, chậm gửi quyết định cho VKS 86%, xử lý tin tố giác quá hạn 99,76%, vi phạm tống đạt 100%... Ngày 5/11 Bộ Công an đã chính thức lên tiếng xoay quanh vấn đề này.

Sáng 6/11, bên lề kỳ họp Quốc hội, trao đổi với PV về thông tin chính thức vừa được Bộ Công an phát đi, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho biết, đây là “đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của ngành công an đối với công việc đó, còn tôi đánh giá tỷ lệ vi phạm pháp luật của các cơ quan trong hoạt động tư pháp”. Theo ông, cái này đã được nêu trong một phụ lục báo cáo riêng.
“Hai cách nhìn nhận về hai vấn đề khác nhau, cho nên không thể lấy vấn đề của Bộ Công an để lý giải rằng, tôi nghĩ sai và có phát biểu sai về vấn đề này. Đây là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Đấy là vấn đề A, còn tôi nói về vấn đề B. Ở đây tôi nói so sánh tỉ lệ vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp của cơ quan này với cơ quan khác”, ông Nhưỡng nhấn mạnh.
ĐBQH nói gì về thông tin Bộ Công an vừa công bố? - ảnh 1

Bộ Công an lên tiếng về ý kiến của Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng

Sau ý kiến của đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng: "Vi phạm của cơ quan điều tra là rất khủng khiếp, không thụ lý tin tố giác 94%, chậm gửi quyết định cho VKS 86%, xử lý tin tố giác quá hạn 99,76%, vi phạm tống đạt 100%...", ngày 5/11 Bộ Công an đã chính thức lên tiếng.
Phó Trưởng Ban Dân nguyện cũng bày tỏ sự nhất trí với việc thông tin Bộ Công an đưa ra. “Điều này đã được đánh giá trong một báo cáo của Uỷ ban Tư pháp rồi và tôi cũng cho rằng, trong quá trình công tác, lực lượng công an đã có nhiều cố gắng. Nhưng theo báo cáo của Uỷ ban Tư pháp, thì một số chỉ tiêu của ngành vẫn chưa đạt yêu cầu Quốc hội đề ra”, ông Nhưỡng nói.
Điều ông Lưu Bình Nhưỡng băn khoăn, ông là người đưa ra ý kiến chất vấn đối với các bộ trưởng, trưởng ngành, nhưng “không hề nhận được thông tin phản hồi của các tư lệnh ngành. Đây là điều hết sức đáng tiếc.
Thứ hai, theo quy định khoản 2, điều 15, Luật Hoạt động Giám sát Quốc hội và HĐND việc chất vấn là quyền của đại biểu. Các chủ thể được chất vấn phải có trách nhiệm trả lời, thậm chí yêu cầu chúng tôi nêu ý kiến lại về vấn đề đó. Đây là câu chuyện chất vấn giữa đại biểu với các trưởng ngành, chứ đây không phải chuyện tranh luận giữ đại biểu này với đại biểu khác. Và đặc biệt đại biểu này không có quyền chất vấn đại biểu khác. Nếu chất vấn như thế là chúng ta chưa hiểu gì về vấn đề chất vấn và các quy định về chất vấn. Tôi rất đáng tiếc”, ông Nhưỡng nhấn mạnh.
Đại biểu đoàn Bến Tre cũng cho rằng, việc “đi trả lời thay cho thủ trưởng của mình”, dễ bị hiểu khác nào anh chiếm quyền của thủ trưởng? Đặc biệt, theo ông Nhưỡng, đối với nghị trường, phải tuân thủ sự điều hành của chủ tọa. “Khi chủ tọa yêu cầu các bên gặp nhau thì anh không nên cố gắng để giải quyết vấn đề cá nhân, phải tôn trọng kỷ luật chung”, ông nói.
“Nếu đã là tài liệu mật thì không được phép công bố. Đặc biệt với những người làm công tác pháp luật càng phải hết sức thận trọng trong việc công bố các tài liệu mật. Nếu đã công bố số liệu đó, có thể chưa gây hậu quả nhưng là vi phạm pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước”, đại biểu cho hay.
Trả lời câu hỏi, cách tính cơ học của đại biểu, dẫn đến thông tin có nhiều cách hiểu khác nhau và đại biểu có nghĩ đến việc đính chính không? Ông Lưu Bình Nhưỡng cho biết, hôm đó ông nêu ra 3 vấn đề đối với ba ngành. Chính vì “áp lực thời gian” nên ông không nói được đầy đủ, hết nghĩa. Nhưng buổi sáng hôm sau, khi có phát biểu của đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, ông đã nói lại rõ.
“Ở đây tôi chỉ nêu về tỷ lệ so sánh tỷ lệ vi phạm giữa các cơ quan trong hoạt động tư pháp và điều này có tiêu đề, báo cáo đoàng hoàng chứ không phải tự tôi nghĩ ra, tự tôi lấy số liệu này chia cho số liệu khác. Có thể tôi chưa nói được hết vấn đề thì ngày hôm sau tôi đã nói lại rồi. Không có chuyện tôi bịa ra tất cả những điều đó để làm gì", ông Nhưỡng nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 5/11, Cổng thông tin Bộ Công an phát "Thông báo của Bộ Công an về một số nội dung tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố liên quan đến công tác điều tra, xử lý tội phạm".
Theo Bộ Công an, tính trong 12 tháng báo cáo Quốc hội (từ 1/10/2017 đến 30/9/2018), các Cơ quan điều tra đã tiếp nhận và giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố tăng 4,57% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, Cơ quan điều tra trong CAND tiếp nhận và giải quyết là 118.731 tin chiếm 98,83%; (1,17% còn lại là tin báo, tố giác tội phạm do các Cơ quan khác tiếp nhận và giải quyết  như  Cơ quan điều tra Quân đội nhân dân; Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân; Cơ quan khác được giao tiến hành một số hoạt động điều tra như Hải quan, Cảnh sát Biển, Kiểm lâm...)...
Quan điểm của Bộ Công an là không chấp nhận các vi phạm trong hoạt động điều tra và đã tiến hành nhiều giải pháp nhằm hạn chế các vi phạm. Tuy nhiên, các ý kiến đánh giá cần khách quan, thận trọng, không chỉ nhìn ở khía cạnh tiêu cực mà cần đánh giá tổng thể để cử tri và nhân dân cả nước hiểu đúng vấn đề.
Bộ Công an cũng cho rằng, sau phát biểu của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, nhiều trang mạng xã hội đã trích dẫn, bình luận, xuyên tạc về đánh giá chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp trong đó có Cơ quan điều tra, gây dư luận không tốt. Do đó rất cần được thông tin một cách đầy đủ để công luận hiểu rõ vấn đề, đây cũng là ý kiến phát biểu của một số đại biểu Quốc hội sáng ngày 1/11/2018.