Thứ Hai, 5 tháng 11, 2018

"LUẬT AN NINH MẠNG": TRÁI HIẾN PHÁP, MÂU THUẪN VỚI LUẬT TỔ CHỨC CHÍNH PHỦ,LẤN SÂN VÀ MÂU THUẪN VỚI LUẬT BÁO CHÍ VÀ TRÁI LUẬT QUỐC PHÒNG ?

Phạm Viết Đào.

Sau khi thông tin internet được thiết lập tại Việt Nam, sức lan tỏa nhanh chóng của nó đã đặt ra hàng loạt vấn đề thuộc phạm vi trách nhiệm của công tác quản lý nhà nước; Bên cạnh mặt hữu ích, tiện lợi nó đồng thời cũng nảy sinh mặt trái của xã hội internet. Có 2 vấn đề nổi cộm hiện nay đang phát sinh trong “xã hội” internet:
-Đã hình thành một loạt tội phạm trong xã hội này, danh từ chuyên môn gọi là hacker; Những tội phạm này sử dụng kỹ thuật chuyên môn để tán phát những mã độc nhằm thâm nhập, phá hoại, ăn cắp dữ liệu của các cư dân cộng đồng mạng;
- Sử dung không gian mạng phát tán những thông tin xấu độc, không đúng sự thật có khả năng làm bất an, rối loạn xã hội…
Từ đặc điểm tình hình đó, rất nhiều quốc gia, các tập đoàn kinh tế lớn đều có chính sách, biện pháp, hàng rào…để bào vệ hệ thống thông tin mạng của mình, bảo vệ cuộc sống, bình yên, bảo vệ môi trường pháp lý. Việt Nam cũng không ngoài quỹ đạo đó trong các biện pháp, chính sách ứng phó với mặt trái của xã hội internet.

Bộ Công an “rách trời rơi xuống” soạn Luật An ninh mạng

Theo Hiến pháp và các văn bản pháp luật đã ban hành thì Bộ Công an là cơ quan được nhà nước giao trọng trách canh cửa bộ Luật Hình sự.
Hiện tại, Bộ Thông tin truyền thông là cơ quan được Chính phủ giao trách nhiệm quản nhà nước chuyên ngành về công nghệ và các hoạt động thông tin internet.
Căn cứ theo Luật Báo chí và Nghị định 72/NĐ-CP/2013 thì Bộ Thông tin-Truyền thông là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý lĩnh vực thông tin mạng tới các trang thông tin điện tử do Bộ này cấp giấy phép.
Như vậy, xã hội thông tin mạng ví như cộng đồng facebooker,blogger, tweet đang hoạt động tại Việt Nam hiện đang “ ngoài vòng pháp luật”, nghĩa là chưa thuộc quyền quản lý của bộ quản lý nhà nước nào.

Muốn đưa hoạt động của cư các dân của xã hội mạng này vào khuôn phép quản lý của một bộ quản lý chuyên ngành nào, đòi hỏi Chính phủ phải ban hành một nghị định để giao cho ai, cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý nhà nước hoạt lĩnh vực này. Khi được Chính phủ giao bằng nghị định thì lúc đó bó mới có thẩm quyền soạn luật trình Quốc hội và các văn bản kèm theo để thực hiện chức năng quản lý.
Nếu muốn ban hành một bộ luật riêng bảo vệ an ninh không gian mạng thì Chính phủ phải cho thành lập tại Bộ Thông tin-Truyền thông 1 cục có chức trách quản lý nhà nước về hoạt động mạng xã hội...Giống Bộ Văn hóa đã thành lập Cục Văn hóa cơ sở để quản lý, hướng dẫn các hoạt động văn hóa văn nghệ quần chúng.
Việc Bộ công an đường đột soạn Luật An ninh mạng trình Quốc hội, trong đó có nhiều điều luật cố tình lấn sân, ôm bao về mình nhiều chức trách của cơ quan khác. Hành vi đó là hành vi vi phạm hiến pháp, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật…
Việc soạn trình bộ luật An ninh mạng của Bộ Công an là không hợp pháp vì chưa có điều luật nào giao cho Bộ Công an quản lý nhà nước về lĩnh vực thông tin và kỹ thuật mạng ?!
Hành vi trên Bộ Công an đã vi phạm Điều 2, mục 3 của Hiến pháp 2013:” Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp…”
Vi phạm Điều 7 của Luật Báo chí đã quy định: Cơ quan quản lý nhà nước về báo chí
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về báo chí.
2. Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về báo chí.
3. Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện quản lý nhà nước về báo chí.
Nội dung quản lý nhà nước về lĩnh vực thông tin internet là của Bộ Thông tin-Truyền thông. Chưa được phân công bằng văn bản luật pháp như Hiến pháp quy định mà Bộ Công an nhảy vô soạn luật và ôm về mình việc thực thi luật là trái hiến pháp?

Với Luật An ninh mạng, sẽ bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận của công dân 
Điều 25 của Hiến pháp quy định:”Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.
Quyền tự do ngôn luận quy định tại Điều 25 được thể chế bằng Điều 11 của Luật Báo chí 2016: “Quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân
1. Phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới.
2. Tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
3. Góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác…”
Quyền tự do ngôn luận của công dân còn được đảm bảo, thể chế trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước tạiĐiều 13. “Trách nhiệm của Nhà nước đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân
1. Nhà nước tạo Điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình.
2. Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân.
3. Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng.
Quyền tự do ngôn luận của người dân trong Hiến pháp 2013 được thể chế bằng điều 11 và 13 của Luật Báo chí sẽ bị các điều luật sau đây của Luật An ninh mạng buộc trói tại Điều của Luật An ninh mạng: “Biện pháp bảo vệ an ninh mạng
1. Biện pháp bảo vệ an ninh mạng, bao gồm:
a) Thẩm định an ninh mạng;
b) Đánh giá điều kiện an ninh mạng;
c) Kiểm tra an ninh mạng;
d) Giám sát an ninh mạng;
đ)  Ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng;
e) Đấu tranh bảo vệ an ninh mạng;
g) Sử dụng mật mã để bảo vệ thông tin mạng;
h) Ngăn chặn, yêu cầu ngừng cung cấp thông tin mạng; đình chỉ, tạm đình chỉ các hoạt động thiết lập, cung cấp và sử dụng mạng viễn thông công cộng, mạng viễn thông dùng riêng, mạng internet, việc sản xuất và sử dụng thiết bị phát, thu phát sóng vô tuyến theo quy định của pháp luật;
i) Yêu cầu xóa bỏ, truy cập, xóa bỏ thông tin trái pháp luật hoặc thông tin sai sự thật trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội;
k) Thu thập dữ liệu điện tử liên quan tới hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên không gian mạng;
l) Phong tỏa, hạn chế hoạt động của hệ thống thông tin; đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin, thu hồi tên miền theo quy định của pháp luật;
m) Khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, biện pháp thu thập chứng cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự;
n) Các biện pháp khác theo quy định của pháp luật về an ninh quốc gia, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính…”
Trong khi báo chí được Luật Báo chí quy định không bị kiểm duyệt mà Tổng Biên tập tự duyệt bài in và tự chịu trách nhiệm; Trong khi đó, boo công an lại được quyền xóa, đình chỉ, tạm đình chỉ những hành vi thực hiện quyền tự do ngôn luận của công dân

Điều 5 của Luật An ninh mạng gần như sao chép nguyên xi từ Điều 9 Nghị định 72/2013/NĐ-CP quản lý cung cấp sử dụng dịch vụ Internet…Chỉ có khác xử lý hành vi được cho là vi phạm đối với các trang tin điện tử, báo chí do Thanh tra Bộ thông tin truyền thông; Còn xử lý các chủ trang mạng xã hội là công an?

Như vậy theo Hiến pháp thì tiêu chí nhà nước pháp quyền đã bị vi phạm bởi bộ Luật An ninh mạng.

Một nhà nước pháp quyền là nhà nước mọi quan hệ trong đời sống xã hội trước tiên phải được tiếp cận, xử lý, điều chỉnh bằng quạn hệ dân sự, hành chính… Chỉ khi nào công dân có hành vi có dấu hiệu hình sự thì các cơ quan chuyên trách chuyên ngành mới chuyển sang cơ quan công an điều tra, truy tố trước pháp luật…

Đối với đời sống của xã hội mạng, Luật An ninh mạng đã hình sự hóa việc quản lý, giám sát, điều chỉnh các hành vi thay cho các cơ quan dân sự. Khi một Chính phủ dùng lực lượng công an can thiệp sâu, tràn lan vào các hoạt động xã hội dân sinh thông thường như internet thì chính phủ đó, nhà nước đó đã tự biến mình thành “ công an trị”…

Rất nhiều các quy định tại Điều 17 đã lấn sáng sáng các hoạt động dân sự được điều chỉnh bằng các bộ luật chuyên ngành nhưcác điều tại điểm c: “Xâm phạm bí mật cá nhân dẫn đến người bị xâm phạm tự sát, uy hiếp hoặc gây thiệt hại về tinh thần của người khác; tiết lộ hoặc cố ý sử dụng các thông tin đã chiếm đoạt, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm, lợi ích hợp pháp của người khác; đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc sở hữu của người khác trái quy định của pháp luật;
d) Kinh doanh đa cấp, giao dịch tài sản, huy động vốn, trò chơi cho nhận, quy đổi, đầu tư ủy thác trái phép trên không gian mạng; mua bán, trao đổi, tặng, cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó; mua bán tiền giả, bằng cấp giả, chứng chỉ giả qua mạng…”

Điều 20 của Luật An ninh mạng: “Phòng, chống chiến tranh mạng

1. Phòng, chống chiến tranh mạng là trách nhiệm của hệ thống chính trị và toàn xã hội, Nhà nước huy động mọi lực lượng tham gia phòng, chống chiến tranh mạng.
2. Bộ Quốc phòng chủ trì phòng, chống chiến tranh mạng.”
Điều luật này vi phạm  Điều 88 của Hiến pháp 2013 và Luật Quốc phòng. Điều 88 của Hiến pháp quy định:
Chủ tịch nước có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
5. Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh,…; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội hoặc của Ủy ban thường vụ Quốc hội, công bố, bãi bỏ quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh; căn cứ vào nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, ra lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp; trong trường hợp Ủy ban thường vụ Quốc hội không thể họp được, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương…”

P.V.Đ.

Không có nhận xét nào: