Không còn ‘vùng cấm thời gian’
Có một độ chênh khác hẳn nhau trong 11 tháng qua: vụ bắt Đinh La Thăng xảy ra sau Hội nghị trung ương 6 và kỳ họp quốc hội tháng 11/2017, còn vụ ‘bắt thêm’ ở MobiFone lại diễn ra cùng lúc với kỳ họp quốc hội tháng 11/2018.
Độ chênh đó có ý nghĩa gì?
Phải chăng sau khi chính thức trở thành chủ tịch nước ngay đầu kỳ họp quốc hội cuối năm 2018, Nguyễn Phú Trọng muốn phát đi thông điệp ‘không có vùng cấm thời gian’?
‘Vùng cấm’ là khái niệm mà giới quan chức được xem là ‘chống tham nhũng’ thường hô hào về tâm thế ‘quân pháp bất vị thân’, nhưng thực tế của những vụ án lớn lại rất thường chỉ dừng ở việc xử lý cấp cán bộ trung và thấp mà ít đụng chạm được số cán bộ cao cấp, hoặc có tỏ ra ‘pháp luật nghiêm minh’ như đối với trường hợp Đinh La Thăng thì lại mang dáng dấp một vụ ‘đốt củi rừng’ chứ không phải là ‘củi nhà’.
Còn ‘vùng cấm thời gian’ là quan niệm không phải được đưa ra bởi giới ‘đốt lò’ mà bởi giới quan chức tham nhũng. Những quan chức ăn đậm này, cùng với đội ngũ dư luận viên của họ, đã tuyên truyền theo cách rỉ tai nhau rằng chiến dịch ‘đốt lò’ của Nguyễn Phú Trọng không thể làm liên tục mà phải tránh những sự kiện chính trị quan trọng của đảng như các hội nghị trung ương và các kỳ họp quốc hội…
Nhưng vào lần này, vụ ‘bắt thêm’ ở MobiFone rõ ràng đã phạm vào ‘vùng cấm thời gian’. Họp cứ họp, bắt vẫn bắt.
Cùng lúc, dư luận xã hội rộ lên một số đồn đoán có cơ sở ‘biện chứng lịch sử’ về khả năng sắp tới, thậm chí ngay trong thời gian Quốc hội còn họp, cựu bộ trưởng thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son - kẻ bị cho là đã ăn đậm đến hàng ngàn tỷ đồng trong vụ AVG - sẽ phải tra tay vào còng. Đồng thời, vụ ‘ăn đất Thủ Thiêm’ đang có chiều hướng ‘cẩu đầu trảm’ đối với một số quan chức cao cấp ở Sài Gòn như Tất Thành Cang, Lê Thanh Hải. Chỉ ít ngày sau vụ ‘bắt thêm’ ở MibiFone, một cựu phó chủ tịch chính quyền TP.HCM là Nguyễn Hữu Tín bị khởi tố thêm tội danh, còn Phó bí thư thường trực thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang bị Ủy ban Kiểm tra trung ương kết luận sai phạm ‘rất nghiêm trọng’ - tín hiệu chính thức mở màn cho chiến dịch ‘đốt lò’ ở thành phố này.
Không biết vô tình hay hữu ý, toàn bộ những động thái mới mẻ và ngày càng sôi sục trên diễn ra chỉ khoảng 2 tháng sau cái chết đột biến của nhân vật chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Thời ‘Hậu Quang’ có vẻ đang bắt đầu. Sau ‘tang thương’ là đắc thắng.
‘Hậu Quang’
Gần hai năm trước là thời ‘Hậu Dũng’, sau cái đại hội 12 đã trở nên trọn vẹn đến khó ngờ và quá khó tả cho kịch bản nhân sự ‘bất cứ ai trừ Nguyễn Tấn Dũng’ và cho riêng Nguyễn Phú Trọng.
Vào thời ‘Hậu Dũng’, có thể nhận rõ là giai đoạn “chống tham nhũng” đầu tiên của Nguyễn Phú Trọng - có thể được tạm đặt cái tên là “Việc cần làm ngay” - đã mất một khoảng thời gian gần một năm rưỡi, từ tháng Sáu năm 2016 đến tháng Mười Một năm 2017, khá lặng lẽ và nhu nhược, chủ yếu là hô hào về chủ trương mà thiếu hẳn hành động cụ thể và quyết liệt. Chẳng khác gì một kẻ bất lực.
Chỉ sau Hội Nghị Trung Ương 6 vào tháng Mười năm 2017 mà đã bị nhiều cựu thần và cách mạng lão thành lên tiếng chỉ trích về não trạng “đập chuột sợ vỡ bình,” “nói không đi đôi với làm” và “nhát gan,” Nguyễn Phú Trọng mới có hành động đột biến chỉ đạo bắt giam Đinh La Thăng vào tháng Mười Hai năm 2017. Thời điểm đó cũng có thể được xem là mốc khởi đầu cho giai đoạn 2 của chiến dịch “chống tham nhũng” mang tên “Đốt lò”.
Nhưng nếu chiến dịch “chống tham nhũng” của ông Trọng có hai tên gọi thì cũng có hai giai đoạn bị chùng xuống một cách bất ngờ và khó hiểu: Khoảng thời gian sau Hội Nghị Trung Ương 5 - từ tháng Sáu đến tháng Mười năm 2017, và khoảng thời gian gần Hội Nghị Trung Ương 7, tức là tháng Năm năm 2018.
Tại Hội Nghị Trung Ương 7 đã không có bất kỳ xử lý một quan chức nào, thậm chí kết quả này còn tệ hơn cả Hội Nghị Trung Ương 6 vào tháng Mười năm 2017, khi hội nghị này còn kỷ luật và loại khỏi Ban Chấp Hành Trung Ương nhân vật bí thư của Đà Nẵng là Nguyễn Xuân Anh.
Còn Hội nghị trung ương 8 vào tháng Mười năm 2018 thì có thể ‘không tính’ về độ chùng của ‘đốt lò’, bởi hội nghị này trong khi không xử lý được quan chức đáng giá nào thì còn phải lo toan một việc lớn hơn nhiều: làm thế nào để Tổng bí thư Trọng trở thành chủ tịch nước một cách ngọt ngào mà ít gây phản ứng nhất về hành vi ‘tham vọng quyền lực’, cho dù cách gọi trước đó có là ‘hợp nhất hai chức danh’ hay ‘nhất thể hóa’, hoặc ‘giải pháp tình huống’ như chính ông Trọng biện bạch sau đó.
Thực ra, thời ‘Hậu Quang’ đã có thể chính thức ‘có hiệu lực’ vào tháng Tám năm 2018, ngay từ khi Trần Đại Quang vừa hoàn tất chuyến công du ‘xin tiền’ ở Nhật Bản và vẫn còn sống sờ sờ với lịch làm việc khá dày đặc - chi tiết cho thấy ông ta thậm chí còn tự tin với lịch sống thêm nhiều năm nữa của mình. Khi đó, Nguyễn Phú Trọng đã giành được một thắng lợi không chỉ quan trọng mà là đặc biệt quan trọng trên bàn cờ nhân sự nội bộ: ngày 10/8/2018, Bộ trưởng công an Tô Lâm đặt bút ký hai quyết định liên tiếp bổ nhiệm chức danh Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đối với Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an; và bổ nhiệm chức danh Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đối với Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an.
Có thể cho rằng đó là một lần hiếm hoi cấp thứ trưởng Bộ Công an trực tiếp mang chức trách thủ trưởng cơ quan điều tra. Lại càng hiếm hơn nữa khi cả hai thứ trưởng Bùi Văn Nam và Lê Quý Vương - được giới quan sát chính trị đánh giá là ‘cận thần’ của Tổng bí thư Trọng - cùng lúc tiếp quản hai ghế thủ trưởng của hai cơ quan điều tra xương sống của Bộ Công an.
Hai cơ quan Cảnh sát điều tra và An ninh điều tra được xem là là hai cục đặc biệt quan trọng trong Bộ Công an, mang quyền ‘sinh sát’ đối với các bộ ngành khác và khối các tỉnh thành ở Việt Nam. Đặc biệt từ khi chiến dịch được xem là ‘chống tham nhũng’ của Nguyễn Phú Trọng chính thức chuyển sang giai đoạn ‘đốt lò’ từ tháng Tám năm 2017 với hàng loạt vụ bắt bớ nhiều quan chức ngành dầu khí, đại gia ngân hàng Trầm Bê và gây chấn động bởi vụ bắt ủy viên bộ chính trị Đinh la Thăng, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã lập nhiều ‘chiến công vang dội’ - như cách mô tả của ‘báo ngành’ Công An Nhân Dân.
Với việc chiếm lĩnh được hai cứ điểm lợi hại trên, đây là thắng lợi thứ tư của Tổng bí thư Trọng trong quy trình ‘tiếp quản’ ngành công an tính từ tháng Mười năm 2016. Khỏi phải nói, ông Trọng đã nắm gọn trong tay hai thanh kiếm sắc bén và cả sắc máu, để nếu cần, hoặc luôn luôn cần trong tình thế nước sôi lửa bỏng hiện thời, thì tiến hành ‘cách mạng chuyên chính vô sản’.
Cũng khỏi phải nói, việc chiếm lĩnh hai cứ điểm trên cùng hỏa lực tiềm tàng còn ẩn giấu trong hai cứ điểm này sẽ tác động đến phần lớn mặt trận chính trị Việt Nam. Vào năm 2017 và đầu năm 2018, khi chưa ‘nắm’ được Bộ Công an mà ‘đốt lò’ còn làm hoảng loạn giới quan chức tham nhũng đến thế, thì sắp tới tình cảnh than khóc sẽ dậy trời đến thế nào!
(Còn tiếp một phần)
Phạm Chí Dũng
Blog VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét