Thứ Ba, 13 tháng 11, 2018

Tiểu thuyết Điện Biên Phủ, tình yêu trong chiến tranh Đông Dương

Tiểu thuyết Điện Biên Phủ, tình yêu trong chiến tranh Đông Dương
 
Marc Alexandre Oho Bambe, tác giả cuốn tiểu thuyết Điện Biên Phủ- NXB Sabine Wespieser, 2018.Thanh Hà/RFI

    Tháng 9/2018 cuốn tiểu thuyết đầu tay của nhà văn người Cameroun Marc Alexandre Oho Bambe Điện Biên Phủ - nhà xuất bản Sabine Wespieser, được trao tặng giải văn học Louis Guilloux. Giải thưởng mang tên văn sĩ người vùng Bretagne này vinh danh những sáng tác đậm tình người.

    Điện Biên Phủ kể về câu chuyện của Alexandre, 20 năm đã trôi qua từ khi từ giã Đông Dương và mãi mãi rời xa vòng tay của Mai Lan. Nhưng "Đông Dương và Mai chưa bao giờ lìa xa" anh. Bị thương nặng trên cầu Long Biên, Alexandre được một người lính thuộc địa Senegal cứu mạng.
    Chính tại "địa ngục" Đông Dương, nhân vật chính trong truyện là Alexandre đã tái sinh.

    Je suis mort ici, en Indochine,
    Avant de renaître, puis mourir encore.
    Dans le regard de Mai.
    Il y a vingt ans.
    C'était la guerre. (trang 11)
    (...)
    Blessés graves ou légers
    Vies traumatisées
    Terre immaculée
    Cadavres
    Destins empêchés
    Espoirs assassinés
    La mort a mille visages, qui interrogent
    La conscience
    De l'Homme (trang 72)
    Tàn cuộc chiến, Alexandre mang thương tích trở về Pháp, nối lại cuộc hôn nhân với người vợ trẻ là Mireille. Giữa đôi vợ chồng này là 57 ngày đêm Điện Biên Phủ, là bóng hình của Mai Lan : "một thân hình mảnh khảnh" với gương mặt như trăng rằm, Mai Lan là "tia sáng mặt trời duy nhất trong màn đêm".
    Điện Biên Phủ không là cuộc chiến của Alexandre hay của Alassane Diop, người lính từ Senegal bị phái sang Đông Dương, của ông bộ đội già mang tên Chô mà Alexandre đã gặp được ở Hà Nội sau này.
    20 năm sau Điện Biên Phủ, Alexandre nay là một nhà văn, là một nhà thơ, một trí thức dấn thân, trở lại Việt Nam và Điện Biên Phủ để "viết nốt chương cuối của cuộc đời".
    Bằng thể văn xuôi, có vần có điệu như một bài thơ, Điện Biên Phủ của Marc Alexandre Oho Bambe không viết về chiến tranh Việt Nam, về thời kỳ đô hộ hay về cuộc đấu tranh giành lại độc lập của các quốc gia bị chiếm đóng nhưng tất cả những đề chủ đề ấy đã được tác giả người Cameroun này "thai nghén trong hai thập niên" và anh đã mất bốn năm để hoàn tất cuốn tiểu thuyết đầu tay.
    Không chỉ là là một nhà văn, Marc Alexandre Oho Bambe còn là một nhà thơ, từng đoạt giải thưởng Paul Verlaine của Viện Hàn Lâm Pháp- Académie Française năm 2015 với tập thơ Le Chant des Possibles. Anh chính là sứ giả đưa thơ ca của mình lên sân khấu, dưới nghệ danh Capitaine Alexandre.
    Nhân dịp tiểu thuyết Điện Biên Phủ được trao tặng giải thưởng văn học Louis Guilloux, RFI Việt Ngữ đã mời Marc Alexandre Oho Bambe đến phòng thu nói chuyện về tác phẩm văn học đầu tay của mình.
    RFI : Thân chào Marc Alexandre Oho Bambe, câu hỏi đầu tiên duyên cớ nào thôi thúc anh chọn viết cuốn tiểu thuyết đầu tay về Điện Biên Phủ, một vùng đất xa ngàn trùng với Doula, Cameroun nơi anh sinh ra ?
    Marc Alexandre Oho Bambe : Đối với tôi, câu trả lời đơn giản và gần như là một điều hiển nhiên : đã mang tình người thì không có gì xa lạ đối với tôi. Điều này tôi được mẹ dậy, bà vốn là một thầy giáo môn triết và văn chương ở Cameroun. Bên cạnh đó thì từ năm 15 tuổi, tôi đã bị âm tiết từ ba chữ "Điện Biên Phủ" làm mê hoặc. Cho dù là thời ấy tôi không hề biết Điện Biên Phủ ở chân trời nào, chuyện gì đã xảy ra ở đấy. Mãi khi lớn lên, qua bài học về lịch sử và sự tò mò, tôi mới tìm tòi để hiểu thêm về trận đánh ấy. Từ đó tôi muốn viết về chính sách thực dân, về những cuộc đấu tranh để giành lại độc lập ... Chủ đề này rất gần gũi với Cameroun bởi nước tôi cũng đã trả giá cho trận đánh ấy. Sau Điện Biên Phủ đến lượt Algeri, và nhiều nước Phi châu đã vùng lên đòi độc lập".
    RFI : Trong Điện Biên Phủ, dù không phê phán chiến tranh, hay chính sách thuộc địa của Pháp nhưng qua hành trình nội tâm của những nhân vật trong truyện thí dụ như Alassane Diop người lính Senegal bị điều động sang Đông Dương hay ngay chính Alexandre và cả người lính Việt Nam anh đặt cho cái tên là "Ông Chô" đều phải thốt lên rằng, Điện Biên Phủ không phải là cuộc chiến của họ. Họ là những người lính bị đẩy vào vòng xoáy của bạo tàn. Nhưng trong địa ngục trần gian đó, tình người là chiếc phao cứu họ ra khỏi bùn lầy. Tình người ở đây thể hiện qua tình yêu, qua tình bạn. Điện Biên Phủ là cái cớ để kể về một câu chuyện tình giữa một anh lính và một cô gái bản xứ ? Về một cuộc hôn nhân đã âm thầm đổ vỡ, về nỗi cô đơn, trống trải của mỗi con người ?
    Marc Alexandre Oho Bambe : "Không biết có phải là cái cớ hay không, nhưng điều chắc chắn là từ lâu, tôi đã muốn viết về tình yêu. Tôi đã đưa tình yêu vào thi ca nhưng chưa bao giờ kể một câu chuyện dài, chưa bao giờ thám hiểm nhiều khía cạnh phức tạp của tình yêu, về muôn mặt và muôn vạn sắc màu trong cái tình cảm ấy. Điện Biên Phủ cho phép tôi đi đến tận cùng, đạt đến đích đã vạch ra. Đó là mối tình Alexandre dành cho Mai Lan, một cô gái Bắc Kỳ luôn đồng hành với anh trong tâm tưởng suốt 20 năm sau khi từ giã Điện Biên Phủ. Đấy cũng là tình yêu chân thực nhưng rất cô đơn giữa Alexandre với vợ là Mireille, là chuyện tình của ông Chô và người vợ. Đó là những mối tình trong chiến tranh".
    RFI : Anh đã đến Điện Biên Phủ lần nào chưa ?
    Marc Alexandre Oho Bambe : Có chứ, tôi luôn có mặt ở Điện Biên Phủ mỗi lần đọc lại những dòng văn trong cuốn tiểu thuyết cùng tên trên sân khấu ! Đùa vậy thôi, tôi chưa từng được đặt chân đến chốn này, nhưng tôi đã đến Việt Nam và hy vọng là sẽ được toại nguyện trong một tương lai không xa, bởi tôi đang có dự án sang Việt Nam, đến Hà Nội và Điện Biên Phủ chia sẻ với bạn đọc về cuốn sách này.
    Có thể là chuyến đi sẽ diễn ra vào năm 2019, nhân kỷ niệm trận đánh Điện Biên Phủ. Thật tình là khi viết sách, tôi không dám mơ là sẽ được cả phía Việt Nam lẫn phía Pháp mời đến Điện Biên Phủ. Nhưng tôi rất hãnh diện được chia sẻ sách của mình với độc giả, với khán giả, vì đấy là bằng chứng cho thấy bất luận màu da, mỗi chúng ta cười hay khóc bằng chung một ngôn ngữ : đó là ngôn ngữ của tình người. Từ rất lâu tôi đã biết là mình có hẹn với Điện Biên Phủ !
    RFI : Cảm ơn Marc Alexandre Oho Bambe, tác giả cuốn tiểu thuyết Điện Biên Phủ, giải thưởng văn học Louis Guilloux 2018.

    Không có nhận xét nào: