Có hiện tượng các doanh nghiệp vận động nhà sử học, xã hội học nói tốt cho rượu, bia
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế đã thẳng thắn cho biết như vậy khi dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ được Bộ trưởng Bộ Y tế trình trước Quốc hội vào ngày hôm nay (9/11).
Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia sắp trình ra Quốc hội |
Theo ông Quang, dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có ba mục tiêu gồm: kiểm soát quảng cáo; giảm tính sẵn có của rượu bia; tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, tăng giá bán rượu bia.
Tuy nhiên, để phản đối việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cũng như các quy định hạn chế tính sẵn có của rượu, bia có trong dự thảo Luật, vừa qua có hiện tượng các doanh nghiệp bỏ tiền ra để tổ chức hội thảo, mời các nhà xã hội học, nhà văn hóa, nhà sử học… đến để “nói tốt” cho rượu, bia, ca ngợi tác dụng của các loại đồ uống có cồn.
Thực tế này thể hiện khá rõ trong quan điểm của nhà xã hội học Phạm Bích San, đến từ Viện Nghiên cứu tư vấn và Phát triển, khi mới đây ông San đã ca ngợi rượu, bia như sau: Rượu, bia làm tăng khả năng giao tiếp giữa con người với nhau, giúp người ta dễ bỏ qua những khiếm khuyết, khúc mắc với người khác, làm giải tỏa căng thẳng trong đời sống cá nhân.
Hội thảo về cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến phòng, chống tác hại của rượu, bia (Ảnh: T.H) |
Thậm chí ông San còn “giải thích khoa học” sự gia tăng tỷ lệ tiêu thụ rượu bia trong thời gian qua ở Việt Nam là dấu hiệu của sự tiến bộ, là phát minh vĩ đại mà tất cả các xã hội đều có với chức năng cơ bản là tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau trong xã hội.
Vụ trưởng cho biết, trong 3 tháng kể từ khi dự thảo Luật được đưa ra lấy kiến rộng rãi, nhiều cuộc hội thảo, thảo luận diễn ra tại các diễn đàn. Điều đáng nói, tại các buổi thảo luận này có sự “giằng xé” giữa lợi ích về mặt sức khỏe và lợi ích kinh tế trong dự thảo Luật.
“Hãy nhìn các đại biểu, ai đóng góp ý kiến cho sức khỏe, ai đóng góp ý kiến cho kinh tế là thấy ngay. Những người coi trọng lợi ích về kinh tế thì sẽ phát biểu coi nhẹ lợi ích về sức khỏe và ngược lại. Theo tôi việc bảo vệ sức khỏe của người dân phải đặt lên cao nhất trong luật. Vì sức khỏe của người dân tốt thì kinh tế trong nước mới phát triển bền vững”, ông Quang nhấn mạnh.
Ông Quang cũng nhấn mạnh, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu bia luôn phản ứng trái chiều với các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia; hạn chế địa điểm bán rượu và quy định độ tuổi sử dụng rượu bia; kiểm soát quảng cáo khuyến mại tài trợ.
Nhận định về dự thảo Luật, ông Quang nêu quan điểm: “Trong quá trình đánh giá tác động mục tiêu chính sách đối với công tác phòng, chống tác hại rượu, bia thì các quy định trong dự thảo Luật so với quốc tế không phải là quy định mang tính nghiêm khắc để chúng ta có thể thực hiện được các cam kết với quốc tế. Bước đầu, dự thảo Luật mang tính tuyên ngôn, quan điểm của Nhà nước với phòng, chống tác hại rượu bia, giảm tỷ lệ mắc bệnh không lây nhiễm trong đó có tim mạch, ung thư, tâm thần… Luật này coi như một nội dung truyền thông mạnh mẽ nhằm thay đổi hành vi uống rượu bia, bảo đảm sức khỏe người dân. Bên cạnh đó, Luật cũng làm tăng ý thức doanh nghiệp về kinh doanh rượu bia, cửa hàng bán rượu bia nếu không nghiêm túc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, quảng cáo sẽ bị xử lý".
Xem thêm |
Thế giới Tiếp thị
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét