Thứ Hai, 5 tháng 11, 2018

Xin hỏi Bộ trưởng Bộ 4T định lên kế hoạch sản xuất IoT:biến VN thành cường quốc an ninh mạng với Luật ANM quốc gia như trên liệu có khách mua?

Hiệu Minh - Luật ANM và miếng bánh ICT 5,6 ngàn tỷ đô la

Đăng bởi: Tiểu Nhi on Thứ Hai, 5 tháng 11, 2018 | 5.11.18

Thị trường ICT thế giới sẽ đạt 5,6 ngàn tỷ đô la vào năm 2021. Liệu ICT Việt Nam có chia được miếng bánh này không nếu luật ANM được thực thi.


Luật ANM

Tin cho hay, Bộ Công an vừa công bố dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật ANM để lấy ý kiến đóng góp từ ngày 2/11 đến 2/12.

Dự thảo đề xuất, các doanh nghiệp nước ngoài phải lưu trữ dữ liệu khi đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam. Cụ thể, đối tượng phải lưu trữ dữ liệu khi mở chi nhánh tại Việt Nam là những doanh nghiệp có hoạt động cung cấp một trong các dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng sau: dịch vụ viễn thông; dịch vụ lưu trữ, chia sẻ dữ liệu trên không gian mạng; cung cấp tên miền quốc gia hoặc quốc tế cho người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam; thương mại điện tử; thanh toán trực tuyến; trung gian thanh toán; dịch vụ kết nối vận chuyển qua không gian mạng; mạng xã hội và truyền thông xã hội; trò chơi điện tử trên mạng; thư điện tử.

Điều 24 dự thảo quy định dữ liệu về thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam như: họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi sinh, quốc tịch, nghề nghiệp, chức danh, nơi cư trú, địa chỉ liên hệ, địa chỉ thư điện tử, số điện thoại, số chứng minh nhân dân, mã số định danh cá nhân, số căn cước công dân, số hộ chiếu, số thẻ bảo hiểm xã hội, số thẻ tín dụng, tình trạng sức khỏe, hồ sơ y tế, sinh trắc học.

Dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra, gồm: thông tin chọn tải lên, đồng bộ hoặc nhập từ thiết bị. Dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam, gồm: bạn bè, nhóm mà người sử dụng kết nối hoặc tương tác.

Xem trên VNE

Chiếc bánh gato 5,6 ngàn tỷ đô

Theo báo cáo hồi tháng 4 của Trung tâm Dữ liệu Quốc tế (International Data Corporation - IDC), thị trường ICT thế giới sẽ đạt 5,6 ngàn tỷ đô la vào năm 2021.

Vào năm 2021, nền tảng công nghệ thế hệ 3 bao gồm Internet of Things (IoT – Internet vạn vật), người máy, in ba chiều, thực tế ảo… sẽ chiếm khoảng 23% (cỡ nghìn tỷ đô). Nếu tính thêm tính toán đám mây, di động, dữ liệu lớn và mạng xã hội thì số tiền chiếm tới 70% cỡ gần 4 ngàn tỷ đô.

Phần IoT hiện đã chiếm tới 15% tương đương với gần ngàn tỷ đô, gấp 4 lần GDP của Việt Nam năm 2017.

Theo dự báo của Gartner, đến 2020 toàn thế giới sẽ có khoảng 20 tỷ kết nối Internet, IoT là nền tảng cho cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong phát biểu gần đây, Bộ trưởng Bộ 4T rất hồ hởi về tiềm năng của VN về IoT, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh kế, đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia và làm cho xã hội sáng tạo, con người sống thông minh hơn.

Ông cho rằng, Việt Nam đang là quốc gia có rất nhiều lợi thế trong tiến trình phát triển này khi phát biểu tại Hội thảo và Triển lãm quốc tế Smart IoT Việt Nam 2018 với chủ đề “Hiện thực hóa tiềm năng và khai phá thị trường IoT của Việt Nam”.

Theo ông, Việt Nam có thuận lợi rất lớn so với các quốc gia khác vì đang sở hữu hạ tầng viễn thông tốt, có một số doanh nghiệp viễn thông mạnh, có khả năng đầu tư trước về hạ tầng phủ sóng toàn quốc, ông nhấn mạnh khi ước mong VN đi trước một bước là sản xuất IoT.

Vài lời bình và mấy câu hỏi

Nếu IoT bao gồm phần cứng và phần mềm nhúng vào phần cứng chỉ để dùng trong nước thì OK, nhưng muốn xuất khẩu ra thị trường thế giới thì độ tin cậy, an toàn nhất an toàn thông tin khách hàng là vô cùng quan trọng.

Nếu có một hệ thống IoT dùng cho gia đình riêng bao gồm an ninh canh cửa, duyệt khách ra vào, tắt mở điều hòa, bật nồi cơm điện, rất nhiều chức năng chỉ dùng cho gia đình riêng.

Hệ thống trung tâm sẽ ghi lại tất cả các tương tác vào máy chủ và đương nhiên người mua dịch vụ đó không muốn các thói quen của mình bị một bên thứ 3 biết được.

Khách hàng chỉ mua IoT đó nếu biết chắc chắn chủ dịch vụ không phản bội và lộ thông tin khách hàng cho người khác.

Xin hỏi Bộ trưởng Bộ 4T định lên kế hoạch sản xuất IoT cho thế giới, biến VN thành cường quốc an ninh mạng với Luật ANM quốc gia như trên liệu có khách mua?

Mới nhậm chức, Bộ trưởng có nhiều giấc mơ về ICT, CN4.0 kể cả IoT trong chiếc bánh toàn cầu gần 6 ngàn tỷ đô. IoT hàng ngàn tỷ đô là không hề nhỏ mà người Việt chỉ cần làm ra 1-2% đã quá thành đạt.

Gần đây Bộ trưởng mong một kiểu quản lý Sandbox như thế giới đang tiếp cận. Đó là cái gì chưa biết quản thế nào thì để cho phát triển chứ không theo kiểu cổ hủ “không quản được thì cấm”.

Không hiểu Bộ 4T đã tham vấn Bộ CA về những hệ lụy của luật ANM đối với tương lai phát triển ICT Việt Nam.

Hiệu Minh

(Blog Hiệu Minh)

Không có nhận xét nào: