Thứ Hai, 1 tháng 4, 2019

“HÙM XÁM ĐƯỜNG SỐ 4” ĐẶNG VĂN VIỆT: ĐƯỜNG LỐI THEO ĐUÔI TRUNG CỘNG, HỦY DIỆT NHÂN TÀI ( Phần kết)

                                                     Ghi chép của Phạm Viết Đào.

Bài liên quan:



          Trung tá Đặng Văn Việt: “Trong chúng ta đây, người nào cũng có tiềm năng rất lớn. Như tôi là một con người không học quân sự mà phải đi đánh nhau, không học văn mà lại đi viết sách, không học chính trị mà phải tham gia chính trị. Nếu tôi làm chính trị tôi tin mình không kém hơn Donald Trump; mình mà làm tổng thống mình sẽ hơn nó nhiều…
          Với ý thức là một thanh niên trí thức trẻ hồi năm 1945, tham gia cách mạng từ đầu, hôm nay được đến đây gần gũi với các anh, trong cuộc đời tôi tôi cố gắng làm được cái gì có ích, có lợi cho đất nước thì tôi đã làm. Nhưng tôi cũng đã lấy làm tiếc là: Đường lối chính trị của mình không phát huy được tài năng của con người. Tôi nhìn thấy dân tộc Việt Nam này rất thông minh, rất chịu khó; Nếu cái Đảng này nó khéo lãnh đạo, nó thông minh một tý thì đất nước mình có nhiều sự phát triển ghê gớm.

          Tôi tin trận đá bóng ngày mai, nó sẽ thắng, ( trận U 23 Việt Nam gặp đội Qatar tại Thường Châu đầu năm 2018). Tôi không học quân sự mà tôi đánh thắng, tôi đã bắt sống hàng vạn tù binh và giải phóng hàng ngàn km2. Mấy anh cầu thủ của mình người nhỏ bé nhưng nó thông minh, nó khéo, nó nhanh, nó luồn lách giỏi. Hôm nay đây, bạn nào cược với tôi tôi sẽ cược trận ngày mai, đội Việt Nam sẽ thắng. Tôi tin nói (đội Việt Nam) sẽ thắng, mình không đảm bảo 100%. Với khí thế cả nước đang động viên nó như thế…
          Các anh thấy ý kiến tôi như thế nào?”


          Vĩ thanh
          Trung tá Đặng Văn Việt sinh ra trong một gia đình quan lại, bố ông cụ Đặng Văn Hướng (1887 – 1954) “là quan nhà Nguyễn, từng giữ chức Thị lang Bộ Công, Tham tri Bộ Hình triều đình nhà Nguyễn, Tuần vũ Hà Tĩnh, Tổng đốc Nghệ An thuộc Chính phủ Trần Trọng Kim. Sau năm 1945, từng là Quốc vụ khanh đặc trách công tác ở 3 tỉnh Thanh- Nghệ - Tĩnh trong Chính phủ Hồ Chí Minh…”( WikiPedia)
          Chiến thắng của trận Đông Khê, mở màn chiến dịch biên giới do 2 trung đoàn 174 và 209 trực tiếp tham chiến; Đặng Văn Việt chỉ huy Trung đoàn 174 đã mở toang cánh cửa phía bắc, tạo bước ngoặt cho cuộc kháng chiến chống quân đội viễn chinh Pháp chuyển từ giai đoạn cầm cự sang tổng phán công. Chiến thắng Đông Khê tạo ra sự đột phá, bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống quân viễn chinh Pháp. Chiến công này phải ghi công cho Đặng Văn Việt, một người không qua trường lớp quân sự nào mà đánh thắng được một quân đội nhà nghế, quân viễn chinh Pháp.


         Nếu tính về các đụng độ quân sự lớn trước năm 1950 giữa bộ đội Việt Minh và quân viễn chinh Pháp, phải kể đến chiến dịch thu đông 1947.
          Sau khi chiếm vùng đồng bằng Bắc Bộ và các đô thị lớn tại miền Bắc, theo chiến lược "Đánh nhanh thắng nhanh", quân Pháp mở cuộc tấn công mới lên chiến khu Việt Bắc nhằm tiêu diệt đầu não kháng chiến của Việt Minh đang đóng tại đây, hoàn tất việc tái chiếm Đông Dương.
          Kế hoạch tấn công dự kiến chia làm hai bước:
·       Bước 1: Mang mật danh Léa (Lê-a), mục tiêu đánh chiếm là khu tam giác Bắc Cạn  Chợ Đồn  Chợ Mới.
·       Bước 2: Mang mật danh Ceinture (Xanh-tuy), tức là "Siết chặt vành đai", quân Pháp sẽ tập trung lực lượng càn quét khu tam giác: Bắc Cạn - Chợ Chu – Chợ Mới, lấy vùng Chợ Chu làm mục tiêu trọng điểm."
  • ( Chiến thắng Điên Biên Phủ, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội 2004. Chương 2)
          Cuộc hành quân mệnh danh là LÉA, lấy tên một ngọn đèo cao 1362 mét trên đường thuộc địa số 3 giữa Bắc Kạn Cao Bằng. Mục tiêu của Pháp là: "Diệt và bắt cơ quan đầu não của Việt Minh, tìm diệt chủ lực, phá tan căn cứ địa Việt Bắc, bịt kín, khóa chặt biên giới Việt–Trung, ngăn chặn không cho Việt Minh tiếp xúc với Trung Quốc và loại trừ mọi chi viện từ bên ngoài vào. Truy lùng Việt Minh đến tận sào huyệt, đánh cho tan tác mọi tiềm lực kháng chiến của họ…" (Thời điểm của những sự thật -trích hồi ký Nava về Điện Biên Phủ/ Herri Navarre. Nguyễn Huy Cầu; 1994; Nhà xuất bản Công an nhân dân.)
          Đây là chiến dịch quân sự phục kích và tập kích quân viễn chinh Pháp tấn công ra vùng căn cứ địa. Rừng núi đã giúp cho bộ đội Việt Minh ẩn dầu lực lượng, tạo ra những trận phục kích bất ngờ. Còn chiến dịch giải phóng biên giới lại triển khai theo một dạng thực khác: Tấn công vào những đồn bốt được xây dựng bố phòng cẩn thận của quân viễn chinh Pháp.
                  Cụm cứ điểm Đông Khê nằm trong hệ thống phòng thủ Cao Bắc Lạng, trực thuộc phân khu Thất Khê. Lực lượng Pháp có 2 đại đội thuộc tiểu đoàn 2 trung đoàn 3 bộ binh lê dương trấn giữ và 1 trung đội bảo an do đại úy Allioux chỉ huy, quân số khoảng 350. Vũ khí có 2 đại bác 105mm, 2 súng cối 81mm, 2 cối 60mm, 2 pháo 57mm, 2 pháo 20mm. Bố trí thành 2 khu vực chính là khu trung tâm và ngoại vi. Cứ điểm Đông Khê có hoả lực mạnh, công sự kiên cố. các cứ điểm được xây dựng liên hoàn, có thể chi viện hỗ trợ nhau.”
          Vào thời điểm 1950, trung đoàn là đơn vị chính quy lớn nhất của quân đội Việt Nam; Theo nhiều nguồn sử liệu: thời điểm đó, Việt Nam mới thành lập được 3 trung đoàn cơ động, ngoài ra chỉ là các tiểu đoàn độc lập, phân tán. Trận tập kích cứ điểm Đông Khê là trận vận động chiến đấu tiên của quân đội Việt Nam.
          “Lần đầu tiên Quân đội Nhân dân Việt Nam áp dụng thành công chiến thuật công kiên có hiệu quả ở cấp trung đoàn. Thắng lợi của trận Đông Khê đã tạo điều kiện quan trọng cho chiến dịch, đồng thời mở ra một giai đoạn chiến đấu mới: chuyển từ cách đánh du kích sang đánh chính quy.
          Chiến thắng Đông Khê đã chặt đứt một mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng thủ đường số 4, khiến phòng tuyến của địch bị cắt ra làm đôi. Đây là trận chiến đấu công kiên có quy mô tương đối lớn, có hiệp đồng giữa các binh chủng, tập trung tiêu diệt 1 cứ điểm lớn của Pháp bố trí phòng ngự trong công sự kiên cố, hoả lực mạnh, quân số đông ở địa hình rừng núi hiểm trở.”( WikiPedia)
          Trong cuốn “Hùm xám đường số 4” Đặng Văn Việt cho biết: ông không chỉ chỉ huy tham gia nhổ hết hệ thống đồn bốt dọc biên giới Cao Bắc Lạng, Trung đoàn 174 còn hoàn thành nhiễm vụ tiểu phỉ, truy quét tàn quân Quốc dân đảng, giúp Trung Quốc giải phóng các huyện giáp giới Việt Nam, không cho quân Quốc dân Đảng mượn đường Việt Nam chạy sang Đài Loan.
          Như vậy, Trung đoàn 174 có công với cả Chính phủ Bắc Kinh. Một trung đoàn trưởng tài năng và công lao như vậy, đích thân ông Hồ Chí Minh đến tận nơi đốc chiến trận Đông Khê đã viết thơ ca ngợi: ”Quân ta khí mạnh nuốt ngưu đẩu” thế mà chịu cảnh giam lỏng tài năng, sự nghiệp trong suốt cuộc đời mình giống như Hàn Tín…

          Trong bài “Người anh hùng chưa được vinh danh” của GS Nguyễn Lân Dũng có những đoạn đáng chú ý sau đây:

          “Đánh giá về ông, anh hùng La Văn Cầu đã phải thốt lên: “Nếu tôi được phong anh hùng một lần thì tôi nghĩ Thủ trưởng Việt phải được phong nhiều lần”.
          Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng đánh giá: “Ở Việt, về tài và đức là điều không cần bàn đến: Sáng tạo về quân sự, vững vàng về chính trị, khả năng thể hiện trong văn học thật dồi dào”.
          Đại tướng Chu Huy Mân ( nguyên Chính trị viên Trung đoàn 174 trận Đông Khê) đánh giá: “Tôi kính trọng và hiểu Đặng Văn Việt. Đây là một nhà chỉ huy đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, trong quan hệ với đồng đội. Tôi xác nhận điều này, vì khi Việt giữ chức Trung đoàn trưởng tôi là Chính trị viên Trung đoàn 174”.
          Đại tướng Lê Trọng Tấn nhận xét: “Anh Đặng Văn Việt luôn nhanh chóng tìm ra những cách đánh sáng tạo, thích hợp với thực tiễn chiến trường của trận đánh và của chiến dịch. Quyết định đánh Đông Khê trước khi nổ ra Chiến dịch Biên giới là một quyết định đầy trí tuệ và đầy tinh thần trách nhiệm...” (ý kiến của Đại tướng Lê Trọng Tấn, người đồng cấp trung tá với Đặng Văn Việt 1950, là ý kiến phủ nhận có sức thuyết phục ý kiến của La Quý Ba cho rằng: chủ trương đánh Đông Khê là của Trần Canh)
          Đặng Văn Việt là một quân nhân cách mạng, suốt cuộc đời có quá nhiều bão táp, nhưng lúc nào cũng tươi cười và sáng tạo trong khi còn nhiều thiếu thốn”. Đại tướng Văn Tiến Dũng chia sẻ: “Khi tôi ở Cục Chính trị (hồi đầu thời kỳ chống Pháp) tôi đã được biết tài và đức của anh Việt. Anh Việt nhẫn nại lắm, vững vàng lắm. Anh Việt giỏi lý luận, giỏi chỉ huy. Thật đáng kính”.
          Thượng tướng Hoàng Minh Thảo xác nhận: “Đặng Văn Việt là nhà chỉ huy có tầm quốc gia. Mặc dầu anh chỉ là trung tá. Anh có tầm quốc gia bởi vì anh rất giỏi phân tích thực tiễn chiến trường và biết đưa ra những quyết định sáng suốt làm giảm xương máu và giảm sự hy sinh của chiến sĩ. Anh Việt còn là nhà lý luận cừ khôi của Quân đội cách mạng”.
          Thiếu tướng Cao Pha tâm sự, bạn vong niên với ông ở Huế: “Đường số 4 như một tấm Huân chương gắn lên ngực Đặng Văn Việt để xác nhận: Việt đánh giặc giỏi, ít tốn xương máu của chiến sĩ… Tinh thần cao thượng, tấm gương sáng của Việt làm cho tôi và nhiều đồng đội xúc động tận đáy lòng”.
(http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/nguoi-anh-hung-chua-duoc-vinh-danh-tintuc371181)
Kết quả hình ảnh cho "Cụ Đặng Văn Hướng"
         Các tướng lĩnh, đồng đội cũ tới thăm Cụ Đặng Văn Việt đang dưỡng bệnh
 Bên cạnh vầng hào quang của sự đánh giá, khen tặng tài năng quân sự của Đặng Văn Việt, chúng tôi không thể không viết về nỗi đau khác ngoài nổi đau tài năng quân sự của ông không được trọng dụng. Ông không bị mất mạng như Hàn Tín nhưng cha ông, cụ Đặng Văn Hướng đã bị chính quyền Việt Minh Nghệ An cho đấu tố, giam cho đến chết vì nóng và đói năm 1954; mặc dù ông là “Quốc vụ khanh đặc trách công tác ở 3 tỉnh Thanh- Nghệ - Tĩnh trong Chính phủ Hồ Chí Minh..”
          Theo nhà thơ Thái Bá Tân, người cùng làng với cụ Đặng Văn Hướng, thân sinh của Trung tá Đặng Văn Việt, cụ bị bức tử chết giống như Lữ Hậu bức tử Thích phu nhân …Cụ bị giam trong một cái nhà kho nên đã bị đói, nóng và chết khát bởi cái nắng nóng, gió Lào xứ Nghệ.
          Viết lại cuộc đời của Đặng Văn Việt, người đeo lon Trung tá từ 1950 cho đến nay khi ông gần 100 tuổi, để thấy cái bi kịch của nhân tài Đất Việt, khi phải hứng chịu hệ lụy của việc theo đuôi các đường lối của Trung Cộng của nhà cầm quyền?
          Chừng nào Việt Nam chưa thoát khỏi gông xiềng, những chiếc “vòng kim cô” ác nghiệt “made in China”, chừng ấy sẽ còn biết bao nhân tài phải chịu chung chịu số phận bi phẫn như Hàn Tín, Đặng Văn Việt…
          Tài năng và gia thế của Đặng Văn Việt được các tướng lĩnh cùng thời với ông thừa nhận, cảm phục; bản thân ông Hồ Chí Minh là người quá biết rõ, trực tiếp chứng kiến tài năng quân sự của ông, thế mà số phận của trung tá Đặng Văn Việt vẫn phải quằn quại, không làm sao thoát ra khỏi “cái vòng kim cô” ác nghiệt “made in China”…
          Đặng Văn Việt không là số phận cá biệt!

Phạm Viết Đào.

Không có nhận xét nào: