(Bạn đọc) - Với những vụ việc mà người dân và doanh nghiệp khiếu kiện tại các cơ quan, bộ, ngành, địa phương được truyền thông đăng tải trong thời gian qua, có thể thấy bộ máy hành chính nhà nước đang ngày một phình to, tỷ lệ nghịch với hiệu suất lao động và đang tiêu tới 2/3 ngân sách nhà nước, thậm chí ăn cả vào nguồn vốn dành cho phát triển, hay nói cách khác là kéo lùi sự phát triển của đất nước (Theo chuyên mục “Đánh giá và lọai bỏ” của VTV1). Vậy thì, cứ với đà này thì ngân sách nào kham nổi?
Như chúng ta biết, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh giải quyết vụ kiện tranh chấp đất đai kéo dài gần 20 năm tại huyện Bình Chánh chỉ trong 1 giờ và Thanh tra Chính phủ cũng chỉ cần chừng ấy thời gian để xử lý vụ khiếu nại liên quan tới dự án treo 14 năm qua tại Đồng Nai. Qua hai vụ việc này, dư luận đánh giá cao sự quan tâm của lãnh đạo thanh tra Chính phủ hay Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh đối với những vấn đề bức xúc của người dân và doanh nghiệp. Song, qua hai vụ việc trên, có thể thấy những yếu kém hạn chế của bộ máy hành chính, một bộ phận không nhỏ đội ngũ cán bộ, công chức vẫn ì ạch, không chịu thay đổi trong tư duy cũng như cung cách làm việc của mình.
Những vấn đề bức xúc, đòi hỏi của người dân và doanh nghiệp đều phải được giải đáp, giải quyết đúng mực. Có thể vấn đề này các cán bộ không thể giải quyết ngay được nhưng cần phải giải thích cho rõ, dù đó chỉ gói gọn trong một lá thư, một cú điện thoại hay một văn bản của doanh nghiệp và người dân. Không thể chấp nhận một thái độ phục vụ mà người dân gửi đơn lên cơ quan hàng chục năm trời mà các vị lại ngâm từ tháng này qua năm khác, mãi không giải quyết cho người ta được. Chỗ này đất đai cần giải quyết, chỗ kia dân bất bình vẫn diễn ra hàng ngày là rất vô lý. Một hệ thống cán bộ, giải quyết công việc hành chính như thế thì sao dân tin được. Chính điều này đặt ra hai câu hỏi, kiến thức, trình độ của cán bộ thế nào? Trách nhiệm của công chức ra sao? Cho dù ở vị trí nào thì cũng phải bị xử lý.
Thử hỏi, trong bộ máy hành chính có bao nhiêu phần trăm công chức khi cầm trên tay hồ sơ của người dân, họ thực sự coi đó là trách nhiệm của mình? Liệu có bao nhiêu phần trăm trong họ có suy nghĩ phải xử lý hồ sơ thật nhanh, thật đúng để người dân kịp thời giải quyết công việc cá nhân, gia đình của họ, doanh nghiệp sớm được đi vào hoạt động, kinh doanh?
Có một câu chuyện mà mọi cuộc họp của Chính phủ, Thủ tướng đã nói đi, nói lại là thực hiện tinh giản biên chế, nhưng có lẽ, người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo 10 nhưng các cơ quan ban ngành chưa làm được 1. Qua một báo cáo giám sát mới nhất, kết quả cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2016, tổng số lượng người làm việc vượt biên chế tại các tổng cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là 3.137 người (vượt 3,5%), còn tại các cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là 1.234 người (vượt 8,6%). Chỉ tính riêng theo từng cơ quan vẫn còn 7 bộ sử dụng quá số biên chế được giao ở các tổng cục, 14 bộ, cơ quan ngang bộ sử dụng quá số biên chế được giao ở các vụ, cục. Trong đó, đặc biệt có những bộ sử dụng vượt tỷ lệ rất cao từ 1/3 – 1/2 số biên chế được giao. Còn tại các địa phương, tình trạng phá vỡ chỉ tiêu biên chế càng tệ hại hơn, khi có 31/63 tỉnh, thành sử dụng vượt tổng số 6.375 biên chế tại các đơn vị hành chính, cơ quan thuộc UBND cấp tỉnh.
Từ những con số cụ thể trên, có thể thấy công cuộc tinh giản biên chế mới dừng ở mức “biển hiệu” mà chưa thấy có “biểu hiện” nào cả. Thực tế trong nhiều năm qua, nhà nhà, người người đều cố gắng chạy suất biên chế, vì cái tâm lý vào làm cơ quan nhà nước là được ổn định, chỉ cần sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về, cuối tháng nhận lương. Thậm chí, bổng lộc còn cao hơn lương vì nhờ vào việc hạch sách, nhũng nhiễu, tư tưởng xin cho, thói quen ban phát chứ không phải là nghĩa vụ thực hiện đối với người dân.
Thủ tướng đã khẳng định: “Những cán bộ Nhà nước không chịu thực hiện chủ trương cải cách hành chính thì phải đưa ra khỏi bộ máy và phải truyền thông mạnh mẽ để nêu gương”.Sự chỉ đạo của Thủ tướng cho thấy người đứng đầu Chính phủ đang nóng lòng muốn thay đổi, song bộ máy hành chính có thay đổi hay không là một vấn đề đáng bàn.
Bởi, lâu nay người dân hay nói vui nhưng lại quá đúng, muốn tinh giản bộ máy hành chính cứ xử lý các “ệ” này được là thành công: hậu duệ, quan hệ, tiền tệ. Nhưng để xử lý được các “ệ” trên quả thực là vô cùng khó khăn. Hậu duệ là con cháu các ông, các cụ, nào ai dám đuổi, quan hệ thì không giảm được rồi, bởi anh tuyển con cháu tôi, tôi tuyển con cháu anh, chúng ta đổi chéo cho nhau cho thiên hạ đỡ soi. Ngay những người vào biên chế bằng tiền tệ thì có tinh giản cũng đâu có dễ, tiền đã trót cầm của người ta rồi. Cách quản lý chằng chịt kiểu quan hệ ngang dọc, há miệng mắc quai rất nhiều vấn đề, ai cũng hùng hồn phải thế này thế kia nhưng đi vào cụ thể lại khó vì nó là lợi ích, quan hệ ràng buộc.
Có thể thấy, dù quá trình cải cách, tổ chức bộ máy hành chính diễn ra được một thời gian, song nhiều bộ còn lớn, các ngành vẫn phình, thậm chí có tình trạng lãnh đạo nhiều hơn cả nhân viên. Như Bộ Tài chính có 19 vụ, cục, 6 tổng cục, số lượng phòng thuộc vụ là 53, số phòng thuộc cục là 51, số công chức thuộc vụ cá biệt có nơi lên đến 50-70 người, số công chức thuộc phòng phần lớn tương đương số công chức thuộc vụ; Bộ Tư pháp có 22 đầu mối vụ, cục, có 8 vụ được tổ chức 35 phòng… Tỷ lệ công chức giữ chức danh lãnh đạo từ cấp phó phòng trở lên ở Bộ Công Thương là 3/4, Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Nội Vụ là 3/5…ở Hà Giang là 3/4; Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Kiên Giang là 1/2…
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từng thẳng thắn chỉ ra gánh nặng khổng lồ mà ngân sách phải cáng đáng để chi lương cho cán bộ nhà nước: “Bộ máy nhà nước của chúng ta hiện nay có khoảng 2,8 triệu cán bộ, công – viên chức. Nếu cộng cả đối tượng nghỉ hưu, các đối tượng khác hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách nhà nước, con số này lên tới 7,5 triệu người, chiếm 8,3% dân số cả nước. Còn nếu cộng toàn bộ số người hưởng lương và mang tính chất lương từ ngân sách thì con số này lên tới 11 triệu người”.
Sự cồng kềnh của bộ máy hành chính, công chức làm việc không hiệu quả, trong khi đó số cán bộ mới lại có dấu hiệu tăng lên thì thực sự đáng lo ngại. Bởi, trong những năm gần đây, từ ngân sách nhà nước chi thường xuyên đã gấp 4 lần chi đầu tư phát triển đất nước. Điều này cho thấy các nỗ lực cắt giảm ngân sách nhà nước chủ yếu nhằm vào việc giảm đầu tư kinh tế, tăng trưởng dài hạn, còn chi thường xuyên, nhân tố được coi là ít có đóng góp lại được chú trọng hơn. Như PGS.TS Phạm Thế Anh – Đại học Kinh tế quốc dân nhấn mạnh:“Cần phải nhận thức rõ ràng thâm hụt ngân sách trong những năm gần đây là do chúng ta chi tiêu quá nhiều chứ không phải do thâm hụt”.
Việc phải nuôi một bộ máy hành chính quá cồng kềnh đã khiến ngân sách nhà nước trở nên eo hẹp, không những thế còn kéo lùi sự phát triển của đất nước. Chính bộ máy hành chính đã khiến không ít những dự án phát triển, đầu tư công mất rất nhiều thời gian mới được triển khai, dẫn đến tình trạng chất lượng cơ sở hạ tầng không đáp ứng tốc độ phát triển nhanh của nền kinh tế. Trong thời gian qua, Chính phủ đã bỏ nhiều vốn đầu tư vào những dự án quan trọng, nhưng kết quả đạt được không như mong muốn vì cỗ máy hành chính rườm rà, bị hoành hành bởi tham nhũng.
Để khắc phục tình trạng nói trên thì phải xác định, làm rõ chức năng, nhiệm vụ để định hình tổ chức bộ máy sao cho mỗi đầu việc chỉ có một bộ, ngành, cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm. Trong mỗi cơ quan phải nghiêm túc kiểm tra lại vị trí, việc làm của từng người xem có hoàn thành nhiệm vụ hay không, xác định cần bao nhiêu vị trí làm việc để từ đó sắp xếp cán bộ, công chức chính xác, không thừa cũng không thiếu. Chắc chắn, khi thực hiện việc tinh giản sẽ đụng chạm đến nhiều vị trí, nhưng bây giờ chúng ta phải thay đổi, con ông cháu cha mà làm không được thì cũng cho nghỉ việc, không có vùng cấm.
Như ở đất nước Nhật Bản, có một cách làm cương quyết rất đáng tham khảo: họ đưa ra “trò chơi tổng luôn bằng không”, quy định bộ nào, địa phương nào muốn lập thêm cơ quan thì phải giảm một cơ quan, tăng thêm bao nhiêu biên chế cũng được nhưng bắt buộc phải giảm bằng ấy số người xin tăng. Như vậy rốt cuộc số tăng giảm bộ máy và công chức luôn bằng không.
Có những vụ việc nhỏ, không quá lớn đến mức Thủ tướng phải chỉ đạo, giải quyết. Thế mà, sau khi báo chí lên tiếng, phanh phui, Thủ tướng phải chỉ đạo thì các bộ, ngành, địa phương mới bắt đầu tìm hiểu. Điển hình là vụ quán cà phê Xin Chào, các cán bộ tại thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh đã chèn ép quyền tự do kinh doanh của người dân, Thủ tướng đã nhanh chóng đưa ra cách thức xử lý, giải tỏa nỗi bức xúc của người, những công chức sai phạm đều bị kỷ luật; hay việc Thủ tướng gọi điện tới Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện yêu cầu cho thôi chức Cục trưởng Biểu diễn Nghệ thuật đối với ông Nguyễn Đăng Chương trong việc rà soát, cập nhật, bổ sung danh mục các ca khúc đã phổ biến, gây hiểu nhầm trong dư luận mà cấp phép phổ biến cho các ca khúc cách mạng, Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh BÌnh Định chỉ đạo cơ quan chức năng điều tra, làm rõ việc phá rừng tại xã An Hưng, huyện An Lão và xử lý nghiêm vi phạm…
Nói như thế để thấy rằng, người đứng đầu Chính phủ đang bị địa phương, các bộ, ngành đùn đẩy cho quá nhiều công việc. Vậy nên, đã đến lúc phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Thiết nghĩ, một khi không hoàn thành nhiệm vụ, gây hậu quả nặng nề thì người đứng đầu cơ quan đó phải bị cách chức, không thể sau khi sai phạm, thiếu năng lực, trình độ thì các vị lại được điều chuyển công tác sang đơn vị khác được. Tin chắc rằng, chỉ đến lúc ấy thì người dân mới hết bị làm phiền, công việc ở các cơ quan công quyền mới không bị ách tắc. Và hành động này cũng được cán bộ, công chức các nước như Mỹ, Anh, Pháp, Hàn Quốc… thực hiện khi thấy không đủ năng lực, chuyên môn, cũng như khi sai phạm.
Bên cạnh đó, cần chấm dứt việc các bộ, ngành, cơ quan làm kinh tế, để cán bộ, công chức chuyên tâm, dành thời gian, nguồn lực vào việc quản lý, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp sản xuất, làm ăn. Thời gian qua, đã có nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước thành lập công ty con và đầu tư vào những lĩnh vực ngoài nhiệm vụ chính được giao như: Tập đoàn dầu khí (PVN), Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Cao su, Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN)… Nhưng do kiểm soát thiếu chặt chẽ, đầu tư dàn trải, phân tán nên việc các hoạt động đầu tư như vậy đều không phát huy hiệu quả, thậm chí còn tác động xấu đến kinh tế của đất nước.
Không những thế, việc cổ phần hóa cũng nên đẩy mạnh, bởi khi để các doanh nghiệp tư nhân vào đầu tư thì chắc chắn công tác quản lý sẽ thay đổi rất nhiều từ cách tư duy, đến sản xuất, kinh doanh, cũng như trong khâu tuyển dụng nhân viên. Thử đưa ra một ví dụ cụ thể: có 2 người đến xin việc tại một doanh nghiệp tư nhân, một người giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, và một người thiếu năng lực, yếu kém nhưng cầm trên tay 100 triệu “đi đêm”. Nếu là chủ doanh nghiệp tư nhân đó thì nên chọn người nào để giúp công ty làm ăn phát triển?
Hiểu rõ những tiêu cực kể trên, để giải quyết một cách cơ bản bộ máy hành chính cồng kềnh, thiếu hiệu quả, thời gian qua, Thủ tướng đã chủ động nỗ lực xây dựng “Chính phủ kiến tạo”, quyết tâm cải cách mạnh mẽ bộ máy hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo động lực cho đất nước phát triển. Người dân cũng biết người đứng đầu Chính phủ đã luôn đôn đốc, nhắc nhở, sốt ruột như thế nào trước sự chuyển động chậm chạp của bộ máy hành chính. Nhưng rõ ràng sức ỳ của các cán bộ công chức vẫn còn quá lớn, không chịu thay đổi trong tư duy cũng như cung cách làm việc của mình. Bộ máy hành chính cồng kềnh kéo theo bao nhiêu hệ lụy, trước hết đó là ngân sách nhà nước phải dành một khoản chi quá lớn để trả lương cho đội ngũ làm việc kém hiệu quả.
Hi vọng thời gian tới, Chính phủ sẽ đẩy mạnh, siết chặt hơn nữa trong việc cải cách thể chế, luật lệ, để không còn tình trạng nhũng nhiễu, thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong công việc. Chính điều đó là minh chứng rõ ràng nhất cũng như thể hiện sự quyết tâm cải cách bộ máy hành chính nhà nước. Và, chúng ta cần nhớ một điều rằng, người dân đang nộp thuế để trả lương cho những cán bộ, công chức.
Bạn đọc Minh Thư
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét