Thứ Năm, 9 tháng 2, 2017

" KHOÁN HỘ" CỦA BÍ THƯ VĨNH PHÚ KIM NGỌC ĐƯỢC " TIẾP NHẬN" TỪ MÔ HÌNH QUẢN LÝ BÒ CỦA MỘT NÔNG DÂN ROMANIA; TRƯỜNG CHINH NHÀ LÃNH ĐẠO KIỆT XUẤT...

Blog Phạm Viết Đào:

Biết tôi từng học tại Romania, trong một lần gặp nhau tại Hội nhà văn Việt Nam, nhà văn Lê Phan Nghị sinh năm 1944 cho biết: Khi ông là thư ký của Bí thư tỉnh Vĩnh Phú Kim Ngọc, một lần ông Kim Ngọc đã kể cho nhà nhà văn L.P.N: Mô hình khoán hộ trong nông nghiệp là kinh nghiệm nuôi bò sữa mà ông tiếp nhận từ một nông trang ở Romania, trong một chuyến thăm nước này...
Chủ nhiệm nông trang này kể với Kim Ngọc về cung cách khoán hộ việc nuôi bò sữa đã đưa tới những kết quả tốt của nông trang này...
Từ mô hình khoán hộ chui của Kim Ngọc, sau này  Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị khóan 10, khoán 100... đã tạo một bước ngoạt trong quản lý nông nghiệp...
Với sự thay đổi cung cách quản lý trong nông nghiệp đã đưa Việt Nam từ một nước thiếu gạo trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu của thế giới...
Tôi có trao đổi vui với nhà văn Lê Phạn Nghị: Quan chức Đảng ta mới giao lưu, học, tiếp nhận kinh nghiệm của một anh nông dân Romania mà đã tạo ra một bước ngoặt trong nông nghiệp...
Nếu lãnh đạo Đảng mà có điều kiện, không mặc cảm " tự hào có trăm tay ngàn mắt" thái quá, chịu khó tiếp cận học các bác nông dân Tây Âu, Mỹ...thì chắc đất nước còn khá hơn nữa...
Nhân báo chí đang suy tôn nhà lý luận kiệt xuất của Đảng, ông Trường Chinh; Blog P.V.Đ đưa lại một phần đời và những thăng trầm của ông Kim Ngọc do ông học cách quản lý bò của của một nông dân Romania !
Nhà văn Lê Phan Nghị-Hội viên HNVVN

Ông Kim Ngọc có bị kỷ luật, tù tội?


Ảnh: Lễ bàn giao hài cốt Kim Ngọc từ Phú Thọ về Vĩnh Phúc năm 2004.
                    Bí thư tỉnh Vĩnh Phúc Trịnh Đình Dũng (trái) và Bí thư tỉnh ủy Phú Thọ 
                    Nguyễn Hữu Điền đưa tiễn hài cốt về quê. 
  
(Dân trí) - Xung quanh việc ông Kim Ngọc bị “kỷ luật” có khá nhiều dư luận. Người ta đồn rằng ông đã từng bị bỏ tù oan vì làm khoán hộ, rồi chết trong tù. Cũng có người kể rằng, khi ông Kim Ngọc đã bị mất chức Bí thư Tỉnh uỷ và nằm viện, một vị lãnh đạo cao cấp của Đảng lúc ấy vào thăm, ông Kim Ngọc nằm quay mặt vào tường không tiếp chuyện...
Để làm rõ sự thật, chúng tôi đã về Vĩnh Yên, gặp các nhân chứng còn sống và khẳng định: Ông Kim Ngọc không bị đi tù vì khoán hộ, nhưng số phận của khoán mà ông đã từng khởi xướng đã phải trải qua biết bao sóng gió, thăng trầm của lịch sử.

CNXH là phải “ăn ngon, mặc đẹp, ở sang”

Ông Kim Ngọc tên thật là Kim Văn Nguộc, sinh ngày 10/10/1917 trong một gia đình nông dân nghèo. Ông chỉ học hết lớp 5, rồi tự học để lên được lớp 7, nhưng những tư duy đổi mới của ông vào thời đó có thể nói là ít người sánh kịp.

Năm 1947, ông lấy bà Lê Thị Liên và sau đó lần lượt sinh được 6 người con (cả 6 người con của ông bây giờ đều thành đạt). Ông Ngọc tham gia hoạt động cách mạng từ  năm 1939, đến năm 1954 ông đã là Phó Chính uỷ Quân Khu Việt Bắc.

Năm 1958 ông về làm Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc, quê hương ông. Suốt 24 năm ông làm bí thư tỉnh uỷ đều  gắn với hạt lúa của người nông dân, nhất là gắn với những thăng trầm của khoán hộ.

Ông Nguyễn Thành Tô, thư ký riêng nhiều năm liền cho ông Kim Ngọc kể: Ngay từ hồi những năm 60, khi mà sự giáo điều trong nhận thức lúc đó còn hết sức nặng nề về “ăn ngon, mặc đẹp, ở sang” (đồng nghĩa với sự sùng bái vật chất tư bản chủ nghĩa), nhưng ông Kim Ngọc phát biểu trong Đảng bộ tỉnh đã khẳng định một chân lý có thể nói là cực kỳ táo bạo về sự phấn đấu của người đảng viên là làm sao để: “Dân luôn được: ăn ngon, mặc đẹp, ở sang, học hành chữa bệnh không mất tiền”. Ông nói, đấy chính là mục tiêu của CNXH.

Một con người chỉ học hành hết lớp 7, vậy mà tư duy đã thật đi rất xa so với thời gian. Chính những năm 65-67, khi Vĩnh Phúc làm khoán hộ, đời sống của người dân khấm khá hẳn lên. Ông Trường Chinh về thăm Vĩnh Phúc đã phải tặng bài thơ: “Phù Lập làm phân thật khác thường/Phương Trù thuỷ lợi đáng nêu gương/Chăn nuôi tập thể Hoà Loan giỏi/Cây rợp bên đường bóng Lạc Trung” (các địa danh ở Vĩnh Phúc) (ký bút danh Sóng Hồng).

Nỗi đau âm thầm

Như số trước, bạn đọc đã biết, sau khi làm khoán hộ, ông Kim Ngọc bị buộc phải làm bản kiểm điểm và phải tự nhận là “có sai lầm nghiêm trọng trong khoán hộ”. Nhưng sau đó trong Đại hội Đảng bộ, ông Kim Ngọc vẫn trúng chức vụ Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Vĩnh Phú  (năm 68 sáp nhập Vĩnh Phúc với  Phú Thọ thành Vĩnh Phú) và đến năm 76, tại đại hội đảng bộ khoá IV của tỉnh Vĩnh Phú ông Kim Ngọc mới làm đơn xin nghỉ và đến năm 1977 ông mới nghỉ hẳn.

Ông Nguyễn Thành Tô, thư ký của ông Kim Ngọc kể: Mặc dù làm đơn xin nghỉ nhưng khi ông Lê Duẩn (lúc đó là Tổng Bí thư) về dự họp, ông Ngọc có gặp ông Lê Duẩn và nói: Tôi đã cao tuổi, xin phép được nghỉ. Ông Lê Duẩn nói ngay: T.Ư chưa để anh nghỉ được, anh vẫn còn khoẻ.

Thực ra thì ông Ngọc đã từng mắc bệnh đau dạ dầy nhiều năm trước đó, đã có lần phải mổ cấp cứu. Có lần ở Việt Bắc ông bị sét đánh suýt chết. Sau này, khi khoán hộ bị cấm, ông buồn nhiều hơn là vui. Có nhiều lúc ông đi trên những cánh đồng trước đây thực hiện khoán hộ lúa xanh tốt, nay trở lại khoán quản nên tiêu điều, về nhà ông lại buồn. Có lúc ông mời những cán bộ cũ đến nhà để bàn về việc tiếp tục khoán hộ, nhưng lúc ấy đã có lệnh cấm của T.Ư, các quan chức lúc đó chẳng ai còn dám nghe ông nữa, chỉ có mỗi người dân là vẫn âm thầm làm khoán hộ, bất chấp tất cả lệnh cấm.

Năm 1979, ông Ngọc yếu nhiều, sau đó ông được đưa lên BV Việt Đức để chữa bệnh, nhưng do bệnh nặng ông mất ngày 26/5/1979. Đám tang của ông, theo bà Liên kể, có rất nhiều người nông dân đưa tiễn. Họ lặng lẽ đi sau linh cữu của ông, họ hiểu rằng họ đang đưa tiễn người cha của khoán hộ, khoán đã mang lại sự no đủ cho họ về nơi an nghỉ cuối cùng.
Ông Nguyễn Thành Tô khẳng định, ông Kim Ngọc chưa bao giờ bị kỷ luật, kể cả trong khoán hộ mà chỉ bị làm bản kiểm điểm và tự phê bình nghiêm túc, sau khi có chỉ đạo của ông Trường Chinh.

Bà Lê Thị Liên, vợ ông Kim Ngọc kể: Ngay sau khi làm đơn xin nghỉ, ông ấy (chỉ ông Kim Ngọc) và tôi có ra Hà Nội thăm ông Trường Chinh, qua mấy vọng gác mới vào gặp được ông ấy. Ông Kim Ngọc trong cuộc nói chuyện khi đề cập đến khoán hộ, ông vẫn bảo lưu ý kiến, khẳng định sự đúng đắn của khoán hộ và cho rằng khoán quản mới là xa rời mục tiêu xã hội chủ nghĩa.

Thời đó, dám cãi vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước (ông Trường Chinh là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng - Thủ tướng bây giờ) là một việc vô cùng bạo gan. Nhưng vì cái đúng, ông Ngọc vẫn không ngại bầy tỏ quan điểm, đó mới là sự dũng cảm của người cộng sản.  Sau này trước khi mất một thời gian, ông Trường Chinh có hối hận về một số sai lầm trước đây trong đó có việc kìm hãm khoán hộ của ông Kim Ngọc.

Ông Hoàng Quy, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ, sau này là Bộ trưởng Bộ Tài Chính cũng nói: “Anh Kim Ngọc là người thông minh, dám nghĩ, dám làm, dám bảo lưu ý kiến...”. Ông Trần Lưu Vị, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc (được bầu sau ông Kim Ngọc và ông Hoàng Quy) cũng nói: “Cấp uỷ rất ân hận về chuyện anh Kim Ngọc”.

Bà Lê Thị Liên, vợ ông Kim Ngọc cho biết: Cách đây một thời gian bà có gặp ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT. Dưới thời ông Kim Ngọc, thì ông Ngọ là Giám đốc Sở Nông nghiệp, người đã thực hiện khoán hộ, để hỏi ông Ngọ về việc làm hồ sơ tôn vinh ông Kim Ngọc danh hiệu anh hùng, ông Ngọ hứa là đang làm. Rất tiếc, về Hà Nội chúng tôi liên lạc được với ông Ngọ, đặt vấn đề này nhưng không nhận được sự ủng hộ của ông Ngọ.

Thật lạ, một người mà tôi đã từng rất kính trọng như ông vì dám làm đơn xin từ chức khi cán bộ cấp dưới của mình vi phạm pháp luật trong vụ án Lã Thị Kim Oanh, một người cũng dám nghĩ, dám làm, dám xông xáo vì khoán hộ, nay lại dè dặt trong việc trả lời báo chí về việc ông Kim Ngọc.

Bài học của sự thật và dám nhìn vào sai lầm


Năm 1996, để tỏ lòng biết ơn ông, 2 ngôi trường nơi ông sinh ra ở xã Bình Định, huyện Yên Lạc được đặt tên ông.

Năm 2005, một trong  những con đường đẹp nhất của Vĩnh Phúc cũng được mang tên ông.


Tôi đứng trước bàn thờ ông Kim Ngọc và di ảnh ông, thắp nén hương. Ông có vầng trán cao và đôi mắt thật sáng, thông minh. Năm 2004, tỉnh uỷ Vĩnh Phúc tặng gia đình ông bức tượng tạc ông bằng đồng nặng tới 45 kg để biểu thị lòng kính trọng ông.

Bà Liên, vợ ông kể: Sau khi ông Ngọc mất ít lâu, có đoàn tỉnh đảng bộ Bến Tre (là tỉnh kết nghĩa với Vĩnh Phúc) ra thăm, tất cả đều đứng trước mộ ông mà khóc. Có người còn đề nghị, phải lập đền thờ cho ông, bởi ông thật sự là người có công với đất nước.

Tôi bỗng nhìn thấy bên mé bàn thờ ông có một tấm phướn đề câu thơ: “Ruộng đất công bằng nghĩa hiệp, thăng trầm người mở lối. Ý tưởng tuyệt vời của ông Kim Ngọc còn mãi với thời gian”. Hoá ra đó là mấy câu thơ của các cháu tổ bán báo “Xa Mẹ” ở Hà Nội dâng tặng. Có rất nhiều thư đã gửi về gia đình ông bày tỏ niềm kính trọng và biết ơn đến với ông. Nhiều người gọi ông là cha đẻ của khoán hộ, cha đẻ của đổi mới trong nông nghiệp.

Bà Lê Thị Liên kể: Năm bác Giáp (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) 90 tuổi, tôi đến chúc thọ Đại tướng. Bác Giáp khi đó nói chuyện với rất nhiều người, biết tôi là vợ ông Kim Ngọc, bác nói: Đất nước phải biết ơn anh Kim Ngọc. Một người tâm huyết dám đưa ra cái mới, đến bây giờ đất nước có phát triển là nhờ có lúa gạo mà anh Ngọc đã đi tiên phong...”.

Năm 1988, ông Nguyễn Văn Linh, khi đó là Tổng Bí thư, một trong những vị lãnh đạo nổi tiếng dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới về thăm Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) nhắc đến ông Kim Ngọc cũng nói: Công lao của anh Kim Ngọc thật lớn, cần phải dựng tượng để tỏ lòng biết ơn con người như anh Kim Ngọc”. 

20 năm sau khoán hộ của ông Kim Ngọc, năm 1988, nghị quyết về khoán hộ của Bộ Chính trị chính thức được ban hành (được gọi tắt là khoán 10). Nghị quyết này hoàn toàn dựa trên những kinh nghiệm đúc kết của nhiều tỉnh thành đã âm thầm áp dụng khoán hộ của ông Kim Ngọc.

Năm 1990, có nghĩa chỉ sau 2 năm áp dụng Nghị quyết 10, đã có sự thay đổi kỳ diệu trong nông nghiệp. Lần đầu tiên ta đã không phải nhập khẩu lương thực để cứu đói. Một năm sau, 1991, ta đã chủ động xuất khẩu được gạo và đến nay là nước đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu gạo với việc năm 2005 xuất khẩu tới 4 triệu tấn gạo. Trên tất cả các cánh đồng hiện nay, đều áp dụng cách khoán mà 40 năm trước ông Ngọc đã từng áp dụng.
  Mộ ông Kim Ngọc

Tôi đứng trước mộ ông, trên ngọn đồi cao và suy ngẫm: Giá như không có sự dũng cảm của ông, không biết vận mệnh đất nước đến nay sẽ ra sao? Mục tiêu của CNXH là làm cho dân no ấm, nhưng trên thực tế dân chỉ có nghèo đói thì làm sao dân có thể tin vào những mục tiêu cao cả này được. Ông Kim Ngọc là con người đã biết đi trước thời gian!

Tôi không muốn nhắc lại việc ông đã từng phải làm bản kiểm điểm, nhưng tôi viết loạt bày này trước thềm Đại hội Đảng với mong muốn: Liệu Đảng có coi đây là một trong những bài học quý giá hay không? Và chúng ta có dám dũng cảm điểm lại những bài học trong lịch sử cách mạng mà chúng ta đã phải trả những giá vô cùng đắt vì sai lầm hay không?

Có dũng cảm như vậy, chúng ta mới dám thừa nhận và ủng hộ cái mới và tránh được những sai lầm chúng ta đã từng mắc phải trong quá khứ. Có như vậy thì Nghị quyết của Đảng sắp tới mới thực sự đi được vào lòng dân.

(còn tiếp)

Đức Trung


Tổng Bí thư Trường Chinh - nhà lý luận xuất sắc, nhà lãnh đạo kiệt xuất, một nhân cách lớn của cách mạng Việt Nam

Thứ Ba, 07/02/2017, 21:30:07
 Font Size:     |        Print
 
 Font Size:     |  
GS, TS Trần Đại Quang
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam
Tổng Bí thư Trường Chinh, người cộng sản kiên cường mẫu mực, nhà lý luận tài năng, nhà lãnh đạo kiệt xuất, một trong những học trò xuất sắc và cộng sự gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, tấm gương sáng về tính nguyên tắc và tổ chức kỷ luật, một trí tuệ lớn của cách mạng Việt Nam, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tám mươi mốt tuổi đời, sáu mươi ba năm hoạt động cách mạng liên tục, sôi nổi và phong phú của đồng chí Trường Chinh gắn liền với những chặng đường đấu tranh vô cùng gian khổ, nhưng rất đỗi tự hào của nhân dân ta. Hơn bốn mươi sáu năm giữ các trọng trách Quyền Tổng Bí thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đồng chí đã cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào cách mạng Việt Nam; xây dựng và lãnh đạo thực hiện thắng lợi đường lối, chiến lược, sách lược với phương pháp và nghệ thuật chỉ đạo linh hoạt, lập nên những kỳ tích vẻ vang trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí mãi mãi được khắc ghi vào lịch sử vẻ vang của Đảng, của dân tộc, được thể hiện rõ nhất trong những bước ngoặt lịch sử của đất nước đòi hỏi có sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược.
Ngay từ năm 1930, khi bị giam cầm trong các nhà tù thực dân, đồng chí Trường Chinh luôn thể hiện bản lĩnh kiên trung, bất khuất trước đòn roi tàn bạo của kẻ thù, biến nhà tù thành trường học lý luận để học tập văn hóa, chính trị, trau dồi lý tưởng cách mạng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Biến cái rủi thành cái may, các đồng chí ta đã lợi dụng những ngày tháng ở tù để hội họp và học tập lý luận. Một lần nữa, việc đó lại chứng tỏ rằng chính sách khủng bố cực kỳ dã man của kẻ thù chẳng những không ngăn trở được bước tiến của cách mạng, mà trái lại nó đã trở nên một thứ lửa thử vàng, nó rèn luyện cho người cách mạng càng thêm cứng rắn”(1).
Từ năm 1939, trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có những chuyển biến hết sức nhanh chóng, Ban lãnh đạo Đảng chưa lập lại được, vượt qua sự truy lùng gắt gao của kẻ thù, đồng chí Trường Chinh đã có công lao to lớn trong việc tổ chức lại Ban Chấp hành Trung ương và được bầu làm Quyền Tổng Bí thư tại Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 11-1940) và sau đó làm Tổng Bí thư tại Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 5-1941). Dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và đồng chí Trường Chinh là người khởi thảo văn kiện, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết lịch sử, hoàn chỉnh chủ trương cách mạng giải phóng dân tộc, phát triển lý luận về cách mạng vô sản ở một nước thuộc địa, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc - giai cấp, dân tộc - quốc tế, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên trên hết, đánh dấu sự chuyển hướng chiến lược rất cơ bản của cách mạng Việt Nam. Hội nghị đã đề ra chủ trương đoàn kết tất cả các giai cấp, các tầng lớp yêu nước trong Mặt trận Việt Minh, xây dựng căn cứ địa, chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Sau Hội nghị, trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Trường Chinh đã cùng Trung ương Đảng chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết, mở rộng Mặt trận Việt Minh, củng cố các an toàn khu (ATK), tổ chức lực lượng vũ trang và thành lập khu giải phóng.
Thời kỳ này, cùng với việc lãnh đạo củng cố toàn diện phong trào cách mạng, với các tác phẩm Đề cương về văn hóa Việt Nam (năm 1943), Chủ nghĩa Mác về văn hóa Việt Nam (năm 1943), đồng chí Trường Chinh đã có những đóng góp to lớn trong việc hình thành cơ sở lý luận cho việc xây dựng một nền văn hóa, văn nghệ cách mạng Việt Nam theo phương châm dân tộc, khoa học, đại chúng và lãnh đạo tổ chức thực hiện đường lối văn hóa của Đảng. Đồng chí còn chỉ đạo thành lập và trực tiếp viết bài cho Tạp chí Cộng sản - Cơ quan lý luận chính trị của Trung ương Đảng; Báo Cứu quốc - Cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Việt Minh; Báo Cờ Giải phóng - Cơ quan tuyên truyền, cổ động của Trung ương Đảng... nhằm truyền đạt đến cán bộ, đảng viên, nhân dân về những biến đổi mau chóng của tình hình và đường lối, chủ trương của Đảng, Mặt trận Việt Minh; vận động, tổ chức các tầng lớp nhân dân vùng lên đấu tranh chống thực dân Pháp và phát-xít Nhật...
Tại Hội nghị mở rộng của Ban Thường vụ Trung ương Đảng (ngày 9-3-1945), với tư duy khoa học, tầm nhìn chiến lược, nhạy bén, đồng chí Trường Chinh cùng Ban Thường vụ Trung ương đã nhận định, phân tích chính xác tình hình, dự báo đúng diễn biến thời cuộc và ban hành Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, Chỉ thị “Phá kho thóc của Nhật để chia cho dân đói”; kịp thời chuyển hướng khẩu hiệu và phương pháp đấu tranh, nhanh chóng dấy lên cao trào chống phát-xít Nhật cứu nước. Đồng chí đã chỉ đạo thực hiện thành công một chủ trương sáng tạo độc đáo của Đảng ta là tiến hành khởi nghĩa từng phần ở nhiều nơi, thành lập các khu giải phóng, nắm bắt thời cơ, tiến tới Tổng khởi nghĩa, giành thắng lợi vĩ đại trong Cách mạng Tháng Tám lịch sử.
Sau Cách mạng Tháng Tám, chính quyền cách mạng non trẻ của ta ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”, đồng chí Trường Chinh là một trong những cộng sự gần gũi và tin cậy của Bác Hồ, đã cùng tập thể Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân ta đấu tranh vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giữ vững chính quyền nhân dân, tranh thủ thời cơ, chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến lâu dài, toàn dân, toàn diện chống thực dân Pháp xâm lược. Tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi của đồng chí Trường Chinh đã góp phần định hướng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta kiên cường kháng chiến, vượt lên mọi gian khổ, hy sinh và vững tin vào thắng lợi cuối cùng.
Năm 1951, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có những biến chuyển mới có lợi cho cách mạng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh đã cùng Trung ương Đảng tập trung công sức, trí tuệ chuẩn bị tốt Đại hội lần thứ II của Đảng, nhất là chuẩn bị các văn kiện quan trọng. Giá trị lý luận và thực tiễn của các văn kiện Đại hội cũng như vai trò lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị tổ chức Đại hội của Tổng Bí thư Trường Chinh là rất to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Thành công của Đại hội đánh dấu bước phát triển vượt bậc và toàn diện về đường lối cách mạng và kháng chiến trong giai đoạn mới. Tại Đại hội này, đồng chí Trường Chinh tiếp tục được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng; cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng bổ sung, hoàn chỉnh lý luận về cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, kịp thời giải quyết những vấn đề do thực tiễn đặt ra, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi hoàn toàn, mở ra một thời kỳ phát triển mới của cách mạng Việt Nam.
Trong thời kỳ đất nước ta thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ miền bắc và giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng chí Trường Chinh đã cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Sau ngày đất nước thống nhất, trên các cương vị Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đồng chí đã có những đóng góp to lớn trong việc xây dựng nhà nước kiểu mới, một nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; tham gia chỉ đạo xây dựng nhiều đạo luật quan trọng.
Thời kỳ trước đổi mới, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội diễn ra ngày càng trầm trọng, sản xuất trì trệ, lạm phát phi mã, đời sống nhân dân hết sức khó khăn, đồng chí Trường Chinh là một trong những nhà lãnh đạo kiên trì khảo nghiệm thực tiễn, chỉ đạo từng bước thực hiện đổi mới, trước hết là đổi mới tư duy, đặt nền móng cho việc hình thành đường lối đổi mới của Đảng. Tại Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa V), trên cơ sở phân tích, làm rõ những sai lầm, khuyết điểm trong việc duy trì quá lâu cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp, đồng chí Trường Chinh đã rút ra kết luận: “Chúng ta phải triệt để xóa bỏ tập trung quan liêu, bao cấp, chuyển sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Song về sách lược, trong mỗi bước đi cần có tính toán, cân nhắc thận trọng”(2).
Sau khi đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn qua đời, ngày 14-7-1986, tại phiên họp đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Trường Chinh đã được bầu làm Tổng Bí thư. Với tư duy lý luận sắc sảo, nhạy bén, bám sát thực tiễn, sâu sát tình hình ở địa phương, cơ sở, đồng chí đã sớm nhận rõ được xu thế của thời đại, thực trạng của đất nước và nguyện vọng của nhân dân, dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, chỉ đạo toàn Đảng “phải đổi mới tư duy, thay đổi cách nghĩ, cách làm, dám thừa nhận và thay đổi những quyết định sai lầm trước đây của chính mình, dám dũng cảm xử lý những việc phức tạp”(3). Trong quá trình trực tiếp chỉ đạo chuẩn bị các văn kiện Đại hội lần thứ VI của Đảng, đồng chí nhấn mạnh: “Cần thấy rõ tính chất phức tạp, khó khăn của quá trình đổi mới. Đây là cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, cái tiến bộ và cái lạc hậu. Cái khó nhất là ở chỗ: Đây là cuộc đấu tranh trong nội bộ Đảng và cơ quan nhà nước, đấu tranh giữa những người đồng chí, đấu tranh với chính bản thân mình”(4).
Đồng chí Trường Chinh đặc biệt quan tâm công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh khi cho rằng: “Làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ quan trọng nhất trong công tác xây dựng Đảng, chỉ có như vậy thì Đảng ta mới đủ sức lãnh đạo cách mạng nước ta trong thời gian tới. Khôi phục, giữ vững và nâng cao tính chiến đấu của Đảng là yêu cầu bức thiết hiện nay. Công tác cán bộ phải gắn liền với công tác xây dựng Đảng”(5).
Tại Đại hội lần thứ VI của Đảng, đồng chí Trường Chinh đã trình bày Báo cáo chính trị có ý nghĩa lịch sử, trong đó nêu rõ: “Thái độ của Đảng ta trong việc đánh giá tình hình là nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”(6); khẳng định: “Bài học lớn rút ra từ những năm qua là trong điều kiện Đảng cầm quyền, phải đặc biệt chăm lo củng cố sự liên hệ giữa Đảng và nhân dân; tiến hành thường xuyên cuộc đấu tranh ngăn ngừa và khắc phục chủ nghĩa quan liêu. Mỗi đảng viên cộng sản phải thật sự vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Mọi chủ trương, chính sách của Đảng phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng và khả năng của nhân dân lao động, phải khơi dậy được sự đồng tình, hưởng ứng của quần chúng”(7). Đồng chí chỉ rõ: “Phải đổi mới, trước hết là đổi mới tư duy, chúng ta mới có thể vượt qua khó khăn, thực hiện được những mục tiêu do Đại hội lần thứ VI đề ra... Điều quan trọng là phải coi trọng công tác lý luận nhằm cung cấp nội dung khoa học cho việc đổi mới tư duy”(8).
Đại hội lần thứ VI của Đảng có ý nghĩa trọng đại, đánh dấu bước ngoặt mang tính đột phá chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc, được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao, trong đó đồng chí Trường Chinh với trọng trách Tổng Bí thư, là kiến trúc sư của sự nghiệp đổi mới, đã có những đóng góp to lớn trong việc chuẩn bị văn kiện và tổ chức thành công Đại hội.
Sau Đại hội lần thứ VI của Đảng, trên cương vị Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Bộ Chính trị cử làm Trưởng Tiểu ban soạn thảo Cương lĩnh, đồng chí đã dồn hết tâm trí và sức lực, tích cực đóng góp xây dựng Cương lĩnh, Chiến lược kinh tế - xã hội và chuẩn bị nội dung cho Đại hội lần thứ VII của Đảng.
Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Trường Chinh đã nêu tấm gương sáng về lối sống trong sạch, lành mạnh, giản dị, khiêm tốn, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, luôn sâu sát thực tiễn, gần gũi với nhân dân, được nhân dân tin yêu, đùm bọc, kính trọng. Đồng chí là một nhà lãnh đạo mẫu mực của Đảng, Nhà nước về tính nghiêm túc, thái độ tôn trọng nguyên tắc làm việc, chu đáo, cẩn thận đến từng chi tiết; đặc biệt để lại dấu son chói lọi về thái độ tự phê bình và phê bình.
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trường Chinh là dịp để chúng ta ôn lại, tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những công lao, đóng góp to lớn của đồng chí với cách mạng Việt Nam. Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nhân tố bất trắc, khó lường, trong nước còn khó khăn, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đẩy mạnh đồng bộ, toàn diện công cuộc đổi mới, thì lời phát biểu của Tổng Bí thư Trường Chinh trong quá trình chuẩn bị Đại hội VI: “Đối với nước ta, đổi mới là yêu cầu bức thiết, là vấn đề sống còn” mãi khắc ghi trong lòng nhân dân ta, cổ vũ, động viên chúng ta vững bước đi lên.
Học tập và noi gương Tổng Bí thư Trường Chinh, chúng ta nguyện giữ vững sự đoàn kết thống nhất, ra sức khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, đưa sự nghiệp đổi mới mà đồng chí là một trong những người tiên phong khởi xướng tiếp tục giành được những thành tựu to lớn hơn nữa, mở ra thời kỳ phát triển mới, vẻ vang, tốt đẹp của đất nước, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 12, tr. 402.
(2) Trường Chinh: Tuyển tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t. 3, tr. 921.
(3) Trường Chinh: Tuyển tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t. 3, tr. 1.201.
(4) Trường Chinh: Tuyển tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t. 3, tr. 1.207.
(5) Trường Chinh: Tuyển tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t. 3, tr. 1.232.
(6) Trường Chinh: Tuyển tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t. 3, tr. 1.292.
(7) Trường Chinh: Tuyển tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t. 3, tr. 1.308.
(8) Trường Chinh: Tuyển tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t. 3, tr. 1.403 - 1.404.

Không có nhận xét nào: