Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2017

Tổng thống Trump có ý gì khi nói tôn trọng chính sách ‘một Trung Quốc’?; Trung Quốc không thể lạc quan quá lâu khi ông Trump thay đổi chiến thuật

trump
Bắc Kinh khả năng sẽ không thoải mái quá lâu sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận chính sách ‘một Trung Quốc’ vì ‘nhiều trận chiến vẫn còn đó’, theo nhận định của Reuters.
Bằng nỗ lực ngoại giao, Bắc Kinh đã thu xếp được cuộc điện đàm đầu tiên giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình vào hôm 9/2, sau khi giới quan sát bắt đầu băn khoăn rằng vì sao tân Tổng thống Mỹ lại lạnh nhạt với người đồng cấp Trung Quốc.
Reuters cho biết, nền móng cho cuộc gọi là sự tham gia sôi nổi của ông Dương Khiết Trì, cựu Đại sứ Trung Quốc tại Washington và là một nhà ngoại giao hàng đầu thông thạo tiếng Anh, với cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn của Tổng thống Trump.
“Trung Quốc rất thực tế và kiên nhẫn. Họ tiến hành mọi nỗ lực để làm trơn tru mối quan hệ, và họ đã được đền đáp,” theo ông Jia Qingguo, Hiệu trưởng Trường Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, người tư vấn cho chính phủ Trung Quốc về chính sách đối ngoại.
Theo đề nghị của ông Tập trong cuộc điện đàm, ông Trump đã thay đổi chiến thuật và đồng ý tôn trọng chính sách ‘một Trung Quốc’, một chủ đề mà Bắc Kinh đã thể hiện rõ là ‘không thể thương lượng’. Trước đó, ông Trump khiến mối quan hệ Mỹ-Trung chấn động khi nhận cuộc điện đàm của lãnh đạo Đài Loan và để ngỏ khả năng xem xét lại chính sách ‘một Trung Quốc’.
Reuters cho biết phiên bản quốc tế của tờ Nhân dân Nhật báo của Đảng Cộng sản hôm nay đã có một bài bình luận lạc quan về cuộc gọi giữa ông Tập và ông Trump.
Tuy nhiên, Reuters nhận định, rủi ro đối với Bắc Kinh là chiến thắng ngoại giao của họ về ‘một Trung Quốc’ sẽ không tồn tại lâu, vì ông Trump sẽ không muốn bị coi là kẻ thua cuộc.
“Điều mà ông ấy thể hiện với người Trung Quốc là ông ấy sẵn sàng động chạm đến ‘chủ đề kiêng kỵ’ trong mối quan hệ Mỹ – Trung”, theo ông Dean Cheng, chuyên gia về Trung Quốc tại Quỹ Di sản (Heritage Foundation) ở Washington.
Ông cho rằng: “Bắc Kinh không thể dự đoán được ông ấy sẽ làm gì tiếp theo – mà ông ấy mới chỉ nhậm chức có 3 tuần. Liệu ông ấy sẽ làm gì đối với thương mại và các vấn đề kinh tế khác?”
Hai cường quốc thế giới vẫn còn rất nhiều bất đồng xoay quanh các vấn đề quan trọng như chính sách tiền tệ, thương mại, Biển Đông và Bắc Triều Tiên.
Các quan chức Mỹ nói rằng lời khẳng định về chính sách ‘một Trung Quốc’ là một nỗ lực để mối quan hệ trở lại lộ trình và tiến về phía trước.
Tuy nhiên, Bắc Kinh có thể lại nhìn nhận rằng việc thay đổi chiến thuật của ông Trump là một sự lùi bước, Reuters cho biết ý kiến của ông Tom Rafferty, Giám đốc về Trung Quốc của Economist Intelligence Unit, một doanh nghiệp tư vấn của tập đoàn truyền thông The Economist Group của Anh.
Ông Rafferty cảnh báo: “Ông Trump rất thất thường và sẽ không đánh giá cao ý kiến nào cho rằng ông ấy mềm yếu.”
Mai Lan
trump

Tổng thống Trump có ý gì khi nói tôn trọng chính sách ‘một Trung Quốc’?

Mối quan hệ song phương giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất nhì, thường được cho là quan trọng nhất trên thế giới. Do vậy, nhiều người nín thở khi Tổng thống Donald Trump dường như lựa chọn một lập trường hiếu chiến đối với chính quyền Trung Quốc trước khi ông nhậm chức.
Đầu tiên ông Trump đã phá vỡ nguyên tắc ngoại giao lâu đời bằng việc nhận một cuộc điện thoại chúc mừng từ lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Sau đó ông nói rằng chính sách nhạy cảm “một Trung Quốc” có thể phải xem xét lại trong bối cảnh một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Một số nhân vật cứng rắn về Trung Quốc, bao gồm nhà kinh tế Peter Navarro và nhà tài chính Wilbur Ross, đã được bổ nhiệm vào các vị trí kinh tế và thương mại trọng điểm của Mỹ. Ông Rex Tillerson, Bộ trưởng Ngoại giao của Tổng thống Trump, nói với Thượng viện rằng Mỹ cần cứng rắn hơn với Trung Quốc về Biển Đông, và phải “gửi tới Trung Quốc một tín hiệu rõ ràng rằng, thứ nhất, hoạt động xây dựng đảo phải chấm dứt, thứ hai, các ông sẽ không được phép tiếp cận các hòn đảo này.”
Nhưng khi Tổng thống Trump và lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc gọi điện đàm đầu tiên vào ngày 09/2, Tổng thống Hoa Kỳ dường như đã cẩn trọng để tránh một cuộc tranh cãi và đối đầu.
Trong cuộc điện thoại này, “theo đề nghị của Chủ tịch Tập, Tổng thống Trump đã đồng ý tôn trọng chính sách ‘một Trung Quốc'”, theo tuyên bố từ Nhà Trắng.
Ngôn từ và cách diễn đạt của bản tuyên bố cho thấy khả năng đã có một thỏa thuận nào đó giữa ông Trump và ông Tập, theo các nhà phân tích. Nhờ vậy, ông Trump sẽ có được một khoảng trống linh hoạt cho các cuộc đàm phán trong tương lai, còn ông Tập có thể tiếp tục tập trung vào giải quyết các vấn đề trong nước.
Bản tuyên bố mập mờ từ Nhà Trắng “đủ để làm hài lòng Bắc Kinh trong khi vẫn làm yên tâm Đài Bắc rằng Washington không có ý định sửa lại lập trường chính thức của mình”, theo ông J Michael Cole, một nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Chính sách Trung Quốc, Đại học Nottingham (Anh Quốc), trong một bài viết trên tạp chí Taiwan Sentinel, nơi ông là tổng biên tập.
Chính sách “một Trung Quốc” của Mỹ đồng nghĩa với việc Mỹ từ bỏ quan hệ ngoại giao chính thức với nước Trung Hoa Dân Quốc (hay Đài Loan) vào năm 1979, thay vào đó công nhận nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là chính quyền duy nhất của Trung Quốc và Đài Loan. Chính sách “một Trung Quốc” này là một trụ cột cho mối quan hệ Mỹ -Trung như hiện nay.
Chính quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc và chính quyền Đài Loan dân chủ cũng nói rằng chỉ có một Trung Quốc, nhưng họ không đồng ý là bên nào là điều hành đất nước.
“Chính sách ‘một Trung Quốc’ của Hoa Kỳ thừa nhận vị thế của Bắc Kinh”, nhưng “nó không đồng thuận hay khóa cứng bản thân vào điều gì cả”, ông Cole viết cho Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh
Ông Cole nói thêm rằng Hoa Kỳ “được tự do quyết định rằng chính sách ‘một Trung Quốc’ có nghĩa gì đối với họ, và những gì được phép trong đó”. Điều này không khác biệt với thực tế là các nước khác “có xu hướng để ý đến vị thế của Bắc Kinh hơn là ủng hộ, hỗ trợ, hay đồng tình với” chính quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Cole nhận định.
“Những bậc thầy về ngôn ngữ gắn rất nhiều tính linh hoạt vào trong cách diễn đạt (của họ)”, ông Cole kết luận.
Ông Ming Chu-cheng, một giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Đài Loan, cũng cho rằng bản tuyên bố của Nhà Trắng là mơ hồ, và lời khẳng định của ông Trump về “một Trung Quốc” theo đề nghị của ông Tập Cận Bình có thể được diễn giải theo hai cách.
Thứ nhất, ông Trump đã nói rằng tất cả các chính sách về Mỹ-Trung đều có thể được xem xét lại cho đến khi chính quyền Trung Quốc thật sự cải cách hoạt động tiền tệ và thương mại của họ”. Vì vậy, chính quyền Trung Quốc có thể đã có một số nhượng bộ” ngay từ đầu để thu xếp cuộc điện thoại.
Ngược lại, nếu ông Trump chỉ đơn thuần là đồng ý nói chuyện với ông Tập Cận Bình mà không đòi hỏi và nhận được nhượng bộ nào, thì Trung Quốc có thể sẽ cho rằng ông Trump quá dễ bị “bắt nạt”. Đó là kịch bản “tồi tệ nhất”, ông Ming nói.
Từ vị trí của Chủ tịch Trung Quốc, việc ông Trump không gây sức ép về chính sách “một Trung Quốc” sẽ cho phép ông Tập Cận Bình dồn nỗ lực vào việc thanh trừng phe chính trị đối lập của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân, và củng cố quyền lực của mình.
Mặc dù ông Giang đã nghỉ hưu từ lâu, nhưng phe cánh quyền lực mà ông ta cài cắm từ trước vẫn đang nắm giữ những chức vụ quan trọng. Trong những năm qua ông Tập đang từng bước xử lý phe đối lập và ra dấu hiệu từ bỏ một di họa đàn áp mà ông Giang để lại, vốn bị cộng đồng quốc tế gồm cả Hạ viện Mỹ lên án gay gắt.
Ông Ming cho rằng Hoa Kỳ đã lặng lẽ ủng hộ ông Tập trong những năm qua, và rằng ông Trump có thể giữ nguyên trạng điều này khi nói tôn trọng chính sách “một Trung Quốc”.
Hệ quả của việc này có thể là “ông Tập Cận Bình sẽ có nhiều tính cơ động hơn” để tiếp tục ưu tiên chính trị của mình.
Larry Ong, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh
Mai Lan tổng hợp
Xem thêm:

Không có nhận xét nào: