Thứ Sáu, 19 tháng 5, 2017

Học Bác về thái độ trước cái xấu; Uỷ viên Bộ Chính trị được ở biệt thự đến 500 m2

Ngôi nhà sàn "nguyên gốc" khi Cụ Hồ đang sống ở trong khu Phủ Chủ tịch rộng khoảng 50 m2...

Học Bác về thái độ trước cái xấu

19/05/2009 09:08 GMT+7
Không chỉ kiên quyết trước cái xấu, Bác Hồ còn căn dặn “không được bắt luật pháp dành quyền ưu tiên cho mình”.
Học Bác về thái độ trước cái xấu Phóng to
1. “Diệt sâu mới cứu được cây”
Một buổi chiều giữa tháng 6 ba năm trước, tại Hội trường Ba Đình, bộ trưởng Bộ Công an đã phải lúng túng trước những câu hỏi của Quốc hội về lý do tại sao không điều tra vụ Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Lâm quên va ly chứa nhiều phong bì tiền ở sân bay, tại sao “tha” một số quan chức Tổng Công ty Dầu khí vì lý do tuổi tác trong vụ cảng Thị Vải,... Chủ tịch Quốc hội (khi đó là ông Nguyễn Văn An) nói thẳng: “Bộ Công an thì có quyền đề nghị viện kiểm sát và các cơ quan hữu quan (không xử lý quan chức dầu khí vì tuổi cao - PV) nhưng quyền ấy phải theo pháp luật. Nếu quyền mà không đúng pháp luật thì sẽ mất lòng tin. Không phải có quyền thì ta muốn làm gì cũng được. Cho nên nếu theo luật hình sự... “tuổi cao, về hưu, có sự cống hiến cho ngành” đấy là yếu tố giảm nhẹ chứ không (là yếu tố - PV) loại trừ”.
Hơn 60 năm trước, Bác Hồ đã dự liệu về những chuyện như thế. Trong thư gửi những người dự Hội nghị Tư pháp toàn quốc (tháng 2-1948), Bác căn dặn: “Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn cần phải nêu cao cái gương phụng công, thủ pháp, chí công vô tư cho nhân dân noi theo”.
Hai năm sau (1950), đại tá Trần Dụ Châu - Cục trưởng Cục Quân nhu bị phát hiện lợi dụng chức quyền tham ô ăn chơi, bị kết án tử hình. Trước ngày thi hành án, Trần Dụ Châu gửi đơn lên Bác xin được khoan hồng. Phút cuối, ông Trần Đăng Ninh đến gặp Bác Hồ xin ý kiến, Bác chỉ cho xem một cây xoan héo lá, úa ngọn và hỏi lý do tại sao cây sắp chết. Ông Ninh trả lời: “Dạ, vì thân cây bị sâu đục một lỗ rất to, chảy hết nhựa!”. “Thế theo chú muốn cứu cây thì phải làm gì?”. “Dạ, phải bắt và giết hết những con sâu ấy đi ạ”. Bác gật đầu: “Chú nói đúng đấy, với loài sâu mọt đục khoét nhân dân cũng vậy. Nếu phải giết đi một con mà cứu được cả rừng cây thì việc đó là cần thiết, hơn nữa là nhân đạo”.
Sau một đêm trắng, Hồ Chủ tịch ký bác đơn của Trần Dụ Châu và bản án được thi hành.
2. Tôn trọng lợi ích của dân
Dư luận TP Hải Phòng những ngày này đang hết sức nóng bỏng vì phiên tòa phúc thẩm vụ “ăn” đất ở Quán Nam sắp diễn ra. Nóng bỏng vì có đến ngót 1.000 lô đất công được chia chác trái phép cho ít nhất 420 cán bộ các ngành của TP, bất chấp nhiều đối tượng chính sách xã hội đang thiếu chỗ ở, bất chấp việc nhiều cán bộ được đất đã có nhà cao cửa rộng. Trước đó, vụ chia chác đất công ở Đồ Sơn (cũng ở Hải Phòng) đã gây phẫn nộ trong dư luận. Cả nước quan tâm chỉ vì sự chia chác đặc quyền, đặc lợi này diễn ra công khai, bằng giấy trắng mực đen và văn bản nghị quyết... Trong những vụ này, quyền lợi chính đáng của người dân đã bị một số cán bộ công quyền bỏ qua.
Học Bác về thái độ trước cái xấu Phóng to
Tháng 9-1949, trong ngày khai giảng lớp lý luận dài hạn khóa II, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới thăm trường Đảng và ghi vào cuốn Sổ vàng nhà trường - Ảnh tư liệu
Còn nhớ khi điều hành nhà nước cách mạng non trẻ, Bác đã rất quan tâm giáo dục cán bộ về chuyện này. Cuối năm 1954, Chính phủ có chủ trương thu hồi tiền của cách mạng phát hành trước đây để đổi lại cho nhân dân tiền Đông Dương ngân hàng. Tháng 2-1955, luật sư Nguyễn Thành Vĩnh từ miền Nam ra gặp Bác báo cáo kết quả, trong đó có chuyện (so với số tiền đã phát hành thì) thu về còn thiếu khoảng 600 ngàn đồng. Bác nghiêm giọng: “Vậy là chú đã “quỵt” của bà con Nam bộ 600 ngàn đồng. Chú đã phạm đến quyền lợi của nhân dân”. Luật sư vội giải thích: Đồng bào Nam bộ không chịu đổi lại vì trên giấy bạc Việt Nam có in ảnh Bác. Bà con giữ lại để biểu thị quyết tâm theo Bác đến cùng”.
Nghe vậy, Bác rất xúc động nhưng vẫn dặn dò: “Mỗi việc làm của các chú, bất cứ việc gì đều phải quan tâm đến quyền lợi chính đáng của nhân dân chứ không được hứa suông. Bất luận việc gì đã hứa với dân là phải tìm cách làm cho được, không làm được phải xin lỗi dân. Chính quyền ta của dân, vì dân thì phải như vậy”.
3. Không bắt luật pháp phải ưu tiên
Ba năm trước, người đứng đầu cơ quan chống tham nhũng của Chính phủ là ông Quách Lê Thanh cũng đã hết sức lúng túng khi phải trả lời tại sao không giao nộp và báo cơ quan điều tra khi cấp dưới (vụ phó Vụ II Thanh tra Chính phủ Lương Cao Khải) ba lần đến nhà đưa hàng trăm triệu đồng tiền hối lộ. Tổng Thanh tra Quách Lê Thanh trả lời đã báo cáo Đảng nhưng đại biểu Quốc hội tỏ thái độ không đồng ý. Chủ tịch Quốc hội đã “phải nói thêm” là “Đảng lãnh đạo, nên có yêu cầu báo cáo trong nội bộ Đảng. Nhưng báo cáo với Đảng không có nghĩa là không báo cáo với Chính phủ, với Quốc hội. Thủ trưởng cơ quan hành chính phải làm đúng theo luật pháp, tuân thủ các quy định của nhà nước”.
Còn với Bác, tuân thủ luật pháp là đức tính nổi bật ngay từ ngày đầu quản lý đất nước. Trong cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên năm 1946, tại Hà Nội nơi Bác ứng cử có 118 chủ tịch UBND và đại biểu các giới, làng xã ra một bản đề nghị: “Yêu cầu cụ Hồ Chí Minh không phải ra ứng cử trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới. Chúng tôi suy tôn và ủng hộ vĩnh viễn cụ Hồ Chí Minh là Chủ tịch của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Nhiều nơi trong cả nước cũng đề nghị Bác không cần ra ứng cử và đồng thanh nhất trí cử Bác vào Quốc hội. Thế nhưng Bác đã viết một bức thư ngắn: “Tôi là một công dân của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nên tôi không thể vượt qua khỏi thể lệ Tổng tuyển cử đã định. Tôi ra ứng cử ở Hà Nội nên cũng không thể ra ứng cử ở nơi nào nữa...”.
Trong đời sống, sự tôn trọng kỷ cương được Bác thực hành hàng ngày. Có lần Bác đến một ngôi chùa cổ, vị sư trụ trì ra đón và khẩn khoản xin Bác đừng cởi dép khi vào trong chùa. Bác không đồng ý và lặng lẽ làm đúng quy định như khách thập phương đến lễ chùa. Trên đường về thành phố, xe Bác đến một ngã tư thì vừa lúc đèn tín hiệu đỏ bật sáng. Sợ phố đông, xe dừng lâu, đồng chí bảo vệ định chạy lại đề nghị công an giao thông bật đèn xanh để Bác đi. Bác hiểu ý ngăn lại: “Các chú không được làm như thế, phải tôn trọng và gương mẫu chấp hành luật lệ giao thông. Không được bắt luật pháp dành quyền ưu tiên riêng cho mình”.
***
Tháng 7-1969, Bộ Chính trị họp ra nghị quyết về việc tổ chức bốn ngày lễ lớn của năm sau: ngày thành lập Đảng, ngày Quốc khánh, ngày sinh Lênin và ngày sinh của Bác. Báo Nhân Dân đăng nghị quyết này, Bác đọc liền cho mời mọi người đến: “Bác không đồng ý đưa ngày 19-5 là ngày kỷ niệm lớn trong năm sau. Hiện nay, các cháu học sinh đã sắp bước vào năm học mới, giấy mực, tiền bạc dùng để tuyên truyền về ngày sinh của Bác thì các chú nên dành để in sách giáo khoa và mua dụng cụ học tập cho các cháu, khỏi lãng phí”. Và tại kỳ họp 6 Quốc hội khóa II, khi chuẩn bị sinh nhật Bác, các đại biểu nhất trí đề nghị Quốc hội trao tặng Bác Huân chương Sao Vàng. Bác rất cảm động nhưng nhất quyết từ chối vì tự xét mình chưa có công huân xứng đáng.
Hiện nay toàn Đảng đang thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. GS-TS Hoàng Chí Bảo, thường trực Hội đồng lý luận Trung ương, tâm sự với người viết: “Cuộc vận động lần này phải gắn với những điều cuộc sống hôm nay đang đòi hỏi. Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật là một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang thoái hóa, biến chất, thậm chí phạm tội. Chuyện tham nhũng nhà đất, trù úm dân chúng, lợi dụng chức quyền mưu lợi cá nhân... là rất xa lạ với đạo đức Hồ Chí Minh. Cho nên muốn gây dựng được niềm tin trong dân chúng thì trước hết phải kiên quyết xử lý những hành vi tiêu cực, hư hỏng thoái hóa ngay từ trong Đảng”.
Theo GS Bảo, cách hành động thiết thực là yêu cầu cán bộ, đảng viên “lời nói đi đôi với việc làm” như tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
PHAN LỢI - Báo Pháp Luật TP.HCM


Uỷ viên Bộ Chính trị được ở biệt thự đến 500 m2

Sẽ có hai loại nhà công vụ là biệt thự và nhà chung cư được cấp cho cán bộ tuỳ theo chức vụ và hệ số lương...

Uỷ viên Bộ Chính trị được ở biệt thự đến 500 m2
Quyết định còn quy định tiêu chuẩn trang bị nội thất nhà ở công vụ với mức kinh phí trang bị nội thất cơ bản cho biệt thự, căn hộ chung cư tại khu vực đô thị là từ 120 - 250 triệu đồng, với căn nhà ở khu vực nông thôn từ 75 - 120 triệu đồng.
NGUYÊN HÀ
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ban hành quyết định quy định tiêu chuẩn nhà ở công vụ trong đó nêu rõ tiêu chuẩn diện tích sử dụng và định mức trang bị nội thất nhà ở công vụ.

Theo đó, các biệt thự loại A có diện tích đất từ 450 - 500 m2, diện tích sử dụng là 300 - 350 m2 được bố trí cho Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Biệt thự loại B với diện tích đất tối đa 350 - 400 m2, diện tích sử dụng từ 250 - 300 m2 được bố trí cho các chức danh có hệ số lương khởi điểm từ 10,4 trở lên, trừ chức danh Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. 

Nhà công vụ là căn hộ chung cư loại 1 tại khu vực đô thị, có diện tích sử dụng 140 - 160 m2, được bố trí cho các chức danh có hệ số lương khởi điểm từ 9,7 trở lên đến dưới 10,4.

Tương tự, căn hộ chung cư loại 2 có diện tích sử dụng từ 100 – 115 m2 được bố trí cho các chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,3 trở lên; trung tướng, thiếu tướng trong các lực lượng vũ trang; nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đặc biệt quan trọng theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và các chức danh tương đương.

Nhà công vụ là căn hộ chung cư loại 3 tại khu vực đô thị hoặc căn nhà loại 1 tại khu vực nông thôn có diện tích sử dụng từ 80 - 90 m2 được bố trí cho các chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,7 đến dưới 1,3; chuyên viên cao cấp (A3); giáo viên, bác sĩ và nhân viên y tế có chức danh tương đương đến công tác tại khu vực nông thôn xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo; đại tá, thượng tá, trung tá trong các lực lượng vũ trang; nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đặc biệt quan trọng theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và các chức danh tương đương.

Các căn hộ chung cư loại 4 tại khu vực đô thị có diện tích sử dụng 60 - 70 m2 hoặc căn nhà loại 2 tại khu vực nông thôn có diện tích sử dụng 55-65 m2 sẽ được bố trí cho các chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,2 đến dưới 0,7; chuyên viên chính (A2); giáo viên, bác sĩ và nhân viên y tế có chức danh tương đương đến công tác tại khu vực nông thôn xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo; thiếu tá, đại uý trong các lực lượng vũ trang. 

Các căn hộ chung cư loại 5 có diện tích sử dụng từ 25 - 45 m2 tại khu vực đô thị hoặc căn nhà loại 3 tại khu vực nông thôn có diện tích sử dụng 40 - 45 m2 được bố trí cho các chức danh chuyên viên (A0, A1) hoặc chức danh tương đương; chủ tịch hội đồng nhân dân cấp xã, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã; giáo viên, bác sĩ và nhân viên y tế có chức danh tương đương đến công tác tại khu vực nông thôn xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo; sĩ quan từ thiếu úy đến thượng úy trong các lực lượng vũ trang, quân nhân chuyên nghiệp.

Căn nhà loại 4 tại khu vực nông thôn có diện tích sử dụng 25 - 35 m2  được bố trí cho các chức danh công chức loại B, C, quân nhân chuyên nghiệp; giáo viên, bác sĩ và nhân viên y tế có chức danh tương đương đến công tác tại khu vực nông thôn xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo.

Ngoài ra, quyết định còn quy định tiêu chuẩn trang bị nội thất nhà ở công vụ. Theo đó, mức kinh phí trang bị nội thất cơ bản cho biệt thự, căn hộ chung cư tại khu vực đô thị là từ 120-250 triệu đồng, với căn nhà ở khu vực nông thôn từ 75 - 120 triệu đồng.
(http://vneconomy.vn/bat-dong-san/uy-vien-bo-chinh-tri-duoc-o-biet-thu-den-500-m2-2015071107321734.htm)

Không có nhận xét nào: