Thứ Tư, 14 tháng 6, 2017

Người Dao, người Mông Vị Xuyên vẫn quyết bám núi, giữ đất biên cương …

Phạm Viết Đào.

Đền tưởng niệm các liệt sĩ Vị Xuyên tại điểm cao 468

Chiều 18/6/2016, sau khi ghé qua khu đền tưởng niệm được xây dựng tại điểm cao 468, từ khuôn viên ngôi đền, tôi nhìn qua cao điểm 685, được mệnh danh là “ Lò vôi thế kỷ” và cao điểm 772, được mệnh danh là “ Đồi thịt băm”, thấy lác đác mấy chục ngôi nhà sàn nằm rải rác trên sườn núi và những khu ruộng bậc thang xen kẽ; tôi nẩy ra ý định phi xe theo sườn núi theo đường mòn sẵn để đến tận 772, nơi chú em tôi đã ngã xuống và để xem bà con sinh cơ lập nghiệp ra sao…

Nhà đồng bào người Dao trên sườn Cao điểm 772-Đồi thịt băm...

Từ khu vực ngã ba Thanh Thủy, bằng phương tiện xe máy, lên được lên đây tôi luôn phải cài xe số 1 và số 2 vì đường thường dốc 45 độ…
Từ độ cao 468, đường đã được rải bê tông, còn từ 468, con đường men tới cao điểm 772 thì chỉ là đường đất được san ủi, xe máy có thể đi được khi trời nắng ráo.
Ruộng bậc thang dưới chân Cao điểm 685-Lò vôi thế kỷ
Xe đi vòng qua dãy đồi 600, gần cao điểm 772, tôi liếc nhìn đồng hồ báo xăng thì thấy xăng sắp hết, tôi hoảng quá, nếu xe hết xăng tại đây thì làm cách nào mà đẩy xe xuống được. Tôi ước để vượt cung đường vòng muốn tới được khu “đồi thịt băm” phải leo dốc vòng khoảng vài ba km… Tôi đành dừng lại tiếc nuối, không đi tiếp được, đành hẹn lần sau…
Chú em tôi, Ls Phạm Hữu Tạo là Trung đội trưởng của Đại đội 2 tiểu đoàn 1 trung đoàn 876, sư 356, được giao nhiệm vụ đánh chiếm lại Cao điểm 772 trong trận 12/7/1984.
Đầu năm 1985, khi nghe tin chú hy sinh, tôi đã lên thành phố Hà Giang, đến tận tiểu đoàn 1, gặp lại các chiến sĩ từng đánh trận 12/7/1984 để tìm hiểu về chú hy sinh như thế nào. Khi tôi đến đơn vị, lúc đó đóng quân ở khu vực Phương Độ; tại tiểu đoàn 1 khoảng 300-400 người, tôi chỉ gặp được 3 chiến sĩ có tham gia trận đánh 12/7 biết chú em tôi, số còn lại là lính mới điều chuyển tới…
Tôi được biết tiểu đoàn 1của trung đoàn 876 được giao nhiệm vụ vòng sang phía giáp với Trung Quốc để chặn đường rút lui và tiếp viện của lính Trung Quốc…Tiểu đoàn 1 là tiểu đoàn chịu thiệt hại nặng nề nhất; Sau này qua nhiều nguồn tin, trung đoàn 876 thuộc 356 được đưa vào đánh trận này hy sinh mất hơn 600 chiến sĩ…
                    Cao điểm 772-Đồi thịt băm giờ là ruộng bậc thang

Một đồng đội cho biết: khi đơn vị áp sát chiến hào 1 của Trung Quốc cách quãng 300 m thì không tiến lên được vì “ vành đai lửa” của pháo binh Trung Quốc dăng lên dày đặc…
Tạo chỉ huy 1 trung đội của Đại đội 2, là trung đội phía sau, Tạo thấy phía trước không tiến lên được, sốt ruột bò lên, khi sắp lên đến tuyến trên thì anh em thấy một quả ĐK của Trung Quốc nổ trùm nơi Tạo bò lên; khói tan, anh em chỉ thấy còn thấy chiếc mũ cối, chiếc thắt lưng da và khẩu AK bị quăn lại và chiếc hố to; vì 1 quả ĐK có chiều dài 1,2 m khi phát nổ không khác gì bom…
Tôi có ý định lên 772 chủ yếu để tưởng niệm, thực ra đi một mình cũng khó có khả năng tìm được chỗ an nghỉ cuối cùng của chú vì khu đồi mênh mông hiện đã được san làm ruộng bậc thang…
Nhà vợ chồng Trương thị Bìu
Tôi đành ghé thăm một gia đình một vợ chồng trẻ người Dao để hỏi thăm bà con sinh sống làm ăn như thế nào…Trương Thị Bìu, một phụ nữ người Dao, sinh năm 1977, lên đây đã 2 năm, ở trong ngôi nhà còn đơn sơ, Bìu cho biết: trước đây gia đình sống ở vùng này, chiến tranh nổ ra nên đã sơ tán xuống Bắc Mê, bây giờ hòa bình rồi, quay lại làng bản cũ để sinh cơ lập nghiệp…
Trương Thị Bìu cho biết: hiện đã có khoảng 50 hộ các gia đình phần lớn là người dân tộc từng sinh sống ở đây quay lại sinh cơ lập nghiệp sau khi đã được bộ đội rà phá bom mìn. Nhà Bìu đối diện với khu trường học, nhà trẻ mới được chính quyền cho xây dựng trên khuôn viên khoảng 1000 m2 để tạo cơ sở an cư cho dân…
Đối với người miền xuôi: quê hương là cây đa, bến nước, sân đình; Còn đối với người Mèo, người Dao Vị Xuyên-Hà Giang, mảnh đất thiêng của họ là những vách đá tai mèo nơi gửi gắm năm này qua năm khác những hốc ngô; những chân ruộng bậc thang kỳ vĩ, những gốc chè đứng chon von bên sườn núi đá nuôi sống họ…
Đó là những thứ không mang lại nhiều giá trị trao đổi nhưng họ không thể sống thiếu chúng; ngàn đời nay cha ông của họ từng sống thế; họ tiếp tục sống bám núi, bám đá giữ đất.
Những gia đình đi đợt đầu, chính quyền đã cấp cho mỗi gia đình 20 triệu để làm nhà sàn: gỗ chặt tại rừng, phần lớn lợp bằng tấm lợp phibrô xi măng…
Hàng ngày, họ phải phát rẫy để làm lúa nương, trồng chè và nuôi gia súc, lợn gà…Ai có sức làm được bao nhiêu thì làm, không hạn chế. Nhìn qua tôi nhận thấy đất ở đây có vẻ tốt…
Vợ chồng Bìu cho biết, trước khi lên đây, đã được bộ đội cho rà phá bom mìn nhưng chưa hết nên thỉnh thoảng vẫn có người, gia súc bị vướng bom mìn, bị thương…
Vì cuộc sống nên bà con vẫn phải bám núi, bám bản, bám đất để canh giữ đất của cha ông…
Bìu cho biết: Thỉnh thoảng gà, gia súc vẫn lăn đùng ra chết vì ăn phải cây cỏ mọc lên từ đất nhuốm nặng thuốc bom đạn…
Nước thì bà con xuống con suối Thanh Thủy chảy ở dưới chân, dùng máy bơm bơm lên; Bà con dùng thủy điện nhỏ bằng máy móc Trung Quốc để tạo nguồn sáng đủ để thắp và xem được TV…
Tôi hỏi: bà con ở gần Trung Quốc thế này không sợ sao ? Ở đây có nhiều bộ đội hy sinh, đêm có sợ ma không ?
Vợ chồng Bìu đếu nói là không sợ, chỉ sợ bom mìn còn sót lại thôi. Hiện bà con mới làm ruộng làm nương rẫy men men theo 2 ngọn đồi 772 và 685, còn chưa men tới Cao điểm 1509…Đã có một vài bà con vào khu vực 1509 nhưng bị lính Trung Quốc đe dọa, đuổi đi, mặc dù theo hiệp định phân định biên giới mới, mé sường 1509, từ bình độ 1200 là của Việt Nam…
Ngọn núi có mây che phủ là đỉnh của Cao điểm 1509...

Bà con người Dao, người Mông lên đây còn ít, đất rừng còn mênh mông, bà con lên chưa đông vì đường sá đèo dốc và e ngại bom đạn còn sót lại. Theo vợ chồng Bìu cho biết: hiện mà con làm nương rẫy thỉnh thoảng vẫn nhặt được xương cốt của bộ đội ta và cả những khẩu AK còn nguyên…
Tôi hỏi: Thế gia đình có đặc sản gì tự sản xuất ra bán được không? Hai vợ chồng chìa chè ra cho biết: đây là chè họ tự trồng, tự sao; Tôi bảo pha uống thử xem ? Thấy khá ngon, tôi bảo vợ chồng bán cho tôi 1 kg, cả 2 vợ chồng rất mừng?
Tôi gợi ý: vận động bà con trồng nhiều chè và ghi vào nhãn bao bì “Chè 1509” hoặc “Chè Lão Sơn”, “ Chè 772” hoặc “ Chè 685”, chắc chắn sẽ nhiều người mua…Vì những cây chè mọc độ cao trên 1000 m có vị rất đặc trưng và đất tại 772 và 685 có vẻ hợp với đất chè…
Trên đường quay lại Hà Giang, tôi nẩy ra sáng kiến, vả lại xăng trong bình đã cạn: không nổ máy, cài số 0 và cho xe cứ thế lao xuống; Xe từ trên 772 lao tới tận “suối oan hồn” mà không phải nổ máy, thật thú vị…
Suối oan hồn...
Con suối oan hồn nằm ở cửa ngõ vào khu ngã ba Thanh Thủy giáp thôn Nậm Ngặt, thời chiến tranh khu vực ngã ba Thanh Thủy được gọi đây là “ Cối xay thịt”, vì ngày đêm pháo Trung Quốc bắn phá ác liệt để chặn việc tiếp tế từ Hà Giang lên các cao điểm tranh chấp…
Còn suối sở dĩ mang tên là “suối oan hồn” vì thời chiến tranh, bộ đội bị thương trên các cao điểm tranh chấp được cáng về đều phải qua con suối này; nhiều thương binh do khát uống quá nhiều nước nên đã gục chết nhiều tại bờ suối này…

Những người Dao, người Mông Vị Xuyên hiện đang ngày đêm bám trụ để giữ núi, giữ đất quê hương bản quán với bao thách thức, hiểm nguy rình rập thì có bao nhiêu kẻ đem “bờ xôi ruộng mật” của quốc gia bán tống bán tháo cho các tập đoàn cá mập Trung Quốc…
Ngã ba Thanh Thủy-"Cối xay thịt" nhìn từ trên núi

Đồi cô X. một địa điểm giao tranh ác liệt


P.V.Đ.

Không có nhận xét nào: