Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2018

HANG NÀ CÁY-VỊ XUYÊN, TRẠM PHẨU TIỀN PHƯƠNG, DẤU TÍCH XƯƠNG MÁU CỦA HÀNG NGÀN LIỆT SĨ, THƯƠNG BINH…

 Bút ký Phạm Viết Đào.


         Kính viếng linh hồn CCB- Tô Việt Hùng, Đại Đức Thích Đức Tuệ vừa qua đời tại thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang, Hà Giang...
CCB-Đại Đức Thích Đức Tuệ Tô Việt Hùng là một trong những người đã giúp tôi thu thập thông tin viết bài bút ký này...



Lời dẫn:

 

Theo quốc lộ số 2 từ thành phố Hà Giang ngược lên cửa khẩu Thanh Thủy, tới cây số 18, bên trái dước Hà Giang lên có tẩm biển chỉ địa chỉ hang Nà Cáy…

Trong giai đoạn chiến tranh ác liệt từ 1984-1989, hang Nà Cáy được sử dụng làm trạm phẩu thuật tiền phương do có địa hình thuận lợi, cách khu vực chiến sự ác liệt có khoảng 2 km. Hang Nà Cáy nằm phía vách núi dựng đứng nên pháo Trung Quốc không thể câu qua…

Trong chuyển thăm Hà Giang năm 2011, các CCB Hà Giang đã đưa tôi lên thăm hang Hà Cáy, nơi in dấu tích xương máu của hàng ngàn liệt sĩ, thương binh trong những năm tháng ác liệt..

Hiện nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên đặt ở xã Đạo Đức quy tập 1700 hài cốt liệt sĩ, phần lớn trước tiên được quy tập về Nà Cáy, sau đó mới chuyển về Nghĩa trang Đạo Đức…

Ở Vị Xuyên, có 3 nơi đã được lập đền thơ để các CCB và du khách thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ: Nghĩa trang Vị Xuyên ở xã Đạo Đức; Đền thờ ở cao điểm 468, nơi quân ta tập kết chuẩn bị các trận đánh chiếm lại cao điểm 685, 772, 1509…Đến thờ này do các CCB tự bỏ kinh phí ra để lấy chỗ thắp hương…

Có một am thờ được xây dưới Hang Dơi. Nơi đây từng dấu tích một quả pháo kích giết chết 47 bộ đội đặc công của ta chuẩn bị xuất kích đánh chốt…

Bên cạnh 3 địa điểm trên, tại hang Nà Cáy, chính quyền, các cựu chiến binh cũng nên lập một cái am thờ làm nơi lui tới, hương khói cho nhiều vong linh vẫn còn lưu tán nơi đây chưa được đón về quê hương bản quán…

 

      CCB Tô Việt Hùng ( góc phải) P.V.Đ ( góc trái) nghe CCB Trần Tuấn Anh kể về chuyện rèn chông sắt rào biên giới...( Ảnh năm 2011)


 Nà Cáy, dấu tích xương máu của hàng ngàn liệt sĩ


 

          Sáng 24/10/2011, tôi thuê một chuyến tăxi để đi từ Hà Giang để đi lên thăm cửa khẩu Thanh Thủy, thăm những địa danh nổi tiếng của mặt trận Vị Xuyên Hà Giang trong cuộc chiến tranh biên giới chống quân Trung Quốc xâm lược từ năm 1981-1988.
          Dọc đường đi, anh Nguyễn Tiến Viên, nguyên pháo thủ của E (Trung đoàn ) 457, Sư 313, là người từng gắn bó với mặt trận này từ 1981-1988 làm hướng dân viên tình nguyện cho tôi.

          Trên xe ngoài anh Viên có anh CCB Tô Việt Hùng, Thượng tá, Chủ nhiệm Tổng Hậu cần Trung đoàn T 77, Nguyễn Xung Kích, Chánh văn phòng Mặt trận tổ quốc tỉnh Hà Giang; Họ đều là những cựu binh của Mặt trận Hà Giang.

Xe bon bon trên con đường đã rải nhựa phẳng lỳ khác với con đường mà tôi đã đi lên đây 2 lần; lần đầu là vào năm 1985, lúc đó chiến sự đang ác liệt và lần thứ hai cách đây 14 năm, năm1996…
          Vừa đi Nguyễn Tiến Viên vừa chỉ cho tôi chỗ này là vị trí của trận địa pháo 130, điểm kia là chỗ đặt lựu pháo 152; đến cây số 17, từ đây lên Cửa khẩu Thanh Thủy đường chim bay chưa tới 2 km, anh Viên đưa tôi ghé thăm hang Nà Cáy, đây là một trạm phẫu thuật tiền phương của mặt trận Vị Xuyên-HàGiang…Theo anh Nguyễn Tiến Viên, chiến tranh đã lùi xa gần 30 năm nhưng mỗi lần nghĩ về Nà Cáy, đi qua Nà Cáy anh lại thấy lạnh người và như có một luồng điện chạy qua sống lưng làm cho cả người anh run lên, nôn nao…
          Anh Viên cho biết: Nà Cáy là một địa chỉ thiêng của mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang, bởi nơi đây từng tập kết hàng ngàn thương binh, tử sĩ từ chiến hào, sau khi được sơ cứu tại chỗ thì được đưa vào đây.
          Từ đường nhựa đường đất đi vào khoảng 600-700 m, xe chỉ đi được quãng thì lùi lại vì không vào được, chúng tôi đi bộ vào. Anh Viên muốn giới  thiệu với chúng tôi vị trí cái sân của Hợp tác xã, là nơi tập kết các tử sĩ.Từ cái sân này, các thi hài của liệt sĩ sẽ được lau rửa và làm thủ tục khâm liệm, cho vào quan tài để chở về chôn cất ở nghĩa trang Đạo Đức, Vị Xuyên.
          Tôi đã đến Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, đã quy tập trên 1700 ngôi mộ chôn cất các liệt sĩ chống bành trướng Trung Quốc trong giai đoạn 1981-1991.
          Như vậy, hầu hết những thi thể của các liệt sĩ, trước khi đưa về nghĩa trang được đưa vào tập kết ở sân kho hợp tác xã trước cửa hành Nà Cáy…Còn thương binh thì được đưa vào trong hang để sơ cứu rồi mới chuyển sang tuyến sau.
          Hang Nà Cáy chỉ cách Trung Quốc không xa, khoảng 2 km đường chim bay, trong tầm cối có thể bắn tới…Đầu năm 1985, khi tôi lên Hà Giang, tôi chỉ lên  tới km số 4 là đã không dám ở lâu, vì đại bác Trung Quốc bắn cày xới ngày đêm xung quang rất nhiều. Tầm bắn của pháo 130 ly theo anh Viên có thể bắn tới 35 km.
          Hồi đó tôi lên tận Trung Đoàn 876, Sư 356 để tìm kiếm về tin tức hy sinh của chú em tôi là liệt sĩ Phạm Hữu Tạo, hy sinh trong trận 12/7 khi đánh lên Cao điểm 772. Trước khi lên đây, Nguyễn Xung Kích, Chánh văn phòng của Mặt trận tổ quốc tỉnh Hà Giang đã tìm cách liên hệ để cho tôi gặp và hỏi chuyện một số nhân chứng đã từng tham gia tắm rửa, khâm liệm tử thi liệt sĩ nhưng không liên hệ được vì họ ngại không muốn gặp tôi.
          Thời gian đó, theo anh Viên, chỉ bước mấy chục bước từ đường cái vào đã cảm nhận ra được cái âm khí lạnh lẽo âm u bao trùm.Khi các thi thể của liệt sĩ được tập kết được đưa về đây, nhiều khi những thi thể người chết bỏ lẫn với thân thể của người bị thương nặng nhưng chưa chết; một số thương binh do nhất thời bị choáng, khi đồng đội lên đưa về tưởng đã chết nên bị xếp lẫn với người đã hy sinh.
          Trên đường đi xe xóc, đau nên kêu lên nhưng lái xe không làm gì được. Rất nhiều thương binh được sơ cứu nhưng rồi cùng không qua khỏi nên đã trút hơi thở cuối cùng ở đây.Tóm lại, ở cái vùng Hang Nà Cáy này, là cái nơi lưu tụ hàng ngàn linh hồn liệt sĩ và là nơi mang dấu tích xương máu cũng của hàng ngàn thương binh mặt trận Hà Giang..
          Vừa đi anh Viên vừa hỏi thăm bà con dân tộc đang sống ở đây chỉ hộ vị trí của cái sân kho hợp tác xã; phải những người trên 40 tuổi mới biết được. Hồi đó bà con dân tộc sống ở Bản Nà Cáy đều sơ tán về xuôi hết. Một anh nông dân người Tày đang làm cỏ cho ngô, chỉ cho chúng tôi hướng của vị trí của sân kho.
Thế nhưng anh Viên không thể nào nhận ra ở đâu mà chỉ áng chừng vài vị trí chỉ để tôi chụp ảnh, bởi bây giờ cây cỏ mọc um tùm.Chúng tôi tìm đến hang Nà Cáy trước. Điều đập vào mắt chúng tôi, chiếc hang bây giờ đã được bà con biến thành cái chuồng nuôi dê. Anh Viên bất chợt thốt lên. Các anh ạ, tôi cảm thấy có rất nhiều các liệt sĩ đang xuất hiện ở cửa Hang, các anh rất vui khi thấy chúng ta đến thăm các anh.
Tôi có phần chột dạ, khi đi chúng tôi quên mua một nén hương. Cả đoàn quyết định quay vào ngôi nhà của một gia đình người Tày gần đấy, xin gia đình bán lại cho chúng tôi một thẻ hương để chúng tôi thắp hương gửi tới linh hồn các anh.
          Vào nhà tôi gọi mãi nhưng thấy ai có trong nhà mà chỉ nghe thấy tiếng Đài đang nói, một chốc sau chị Nguyễn Thị Dung là chủ nhà từ ngoài ruộng mới quay về. Chúng tôi xúm vào hỏi chuyện, trước hết xin mua lại một thẻ hương của nhà chị. Còn anh Viên hỏi thăm vị trí của cái sân kho. Chị Dung nói là không biết rõ lắm vì hồi đó chị mới 4 tuổi, chị Dung nhớ mang máng là nằm ở cạnh thửa ruộng.
         Chị Nguyễn Thị Dung, người dân tộc Tày, nhà trước cửa hang Nà Cáy, nay là bản Giang Nam, xã Thanh Thủy kể lại thỉnh thoảng đêm mơ thấy 2 chú bộ đội đi theo mình…
          Anh Viên nói cho chi Dung hiểu ở cái sân kho là nơi đã từng tập kết hàng ngàn thương binh liệt sĩ. Anh Hùng và anh Nguyễn Xung Kích hỏi: Chi Dung có biết không? Thế gia đình sống lâu ở đây có thấy hiện tượng gì không?
          Chị Dung cho biết: thỉnh thoảng đêm chị có ngủ mơ thấy có 2 chú bộ đội đuổi theo mình, còn không thấy gì thêm. Tôi hỏi: thế chỉ thấy trong mơ còn hàng ngày đêm tối chị có thấy gì không và có sợ không? Chị Dung cười lắc đầu nói là không sợ.

           CCB Nguyễn Tiến Viên và P.V.Đ tại sân kho Nà Cáy...

Chúng tôi cầm thẻ hương, mỗi người cầm vài nén bày tỏ tâm thành về việc đến để thắp hương, tưởng nhớ các liệt sĩ đã bỏ mình vì bảo vệ đất nước.

Vào tới trong hang Nà Cáy, điều làm cho chúng tôi bàng hoàng là trên vách hang vẫn còn sót lại nhiều cái sợi băng gạc buộc ở trên vách đá, tồn tại từ hồi chiến tranh vẫn đang còn. Theo anh Viên thì những sợi băng gạc này dùng để theo buộc các lọ huyết thanh để tiếp nước cho các thương binh nặng. Trên vách hang vẫn còn những sợi dây điện của điện thoại hữu tuyến vẫn còn buộc thắt.Lòng của chúng tôi se lại. Gần 30 mươi năm đã trôi qua nhưng cái hang vẫn còn nhiều di tích chiến tranh. Thế nhưng giờ đây đã biến thành cái chuồng nuôi dê. Linh hồn của hàng ngàn liệt sĩ vẫn còn lưu tụ ở đây, vẫn hàng ngày hàng giờ chung sống với đàn dê…
          CCB Tô Việt Hùng và CCB Nguyễn Xung Kích

           Chúng tôi có lẽ là những người duy nhất vào đây tìm kiếm và an ủi linh hồn các liệt sĩ mà không có một cấp chính quyền, cơ quan chức năng nào nghì đến việc biến cái địa điểm linh thiêng này thành một di tích. Không ai tính làm một cái gì đó để hương khói, an ủi cho những linh hồn tảo lạc của các anh đang cò lưu tụ ở đây chắc chắc là đói khát,không được ai chăm nom.Chúng tôi rất muốn lưu lại lâu lâu nhưng vì còn nhiều điểm phải đi thăm nên phải ngậm ngùi quay ra.
          Tôi quay ra gặp chị Dung và dặn gia đình nên dời cái chuồng dê vì đây là nơi an nghỉ của hàng ngàn linh hồn liệt sĩ; tôi về xuôi sẽ lên tiếng với với các cơ quan chức năng tìm cách đầu tư, tôn tạo điểm di tích này…

                                                  P.V.Đ.

Không có nhận xét nào: