Mỹ cho phép 8 nước tiếp tục mua dầu của Iran, không có Trung Quốc
- Yên Sơn
- •
- Thứ Bảy, 03/11/2018 • 639 Lượt Xem
Hôm thứ Sáu (2/11) chính phủ Mỹ đã thông báo rằng họ sẽ tạm thời cho phép 8 nhà nhập khẩu tiếp tục được mua dầu của Iran khi các chế tài mà Washington áp lên ngành năng lượng Tehran có hiệu lực vào thứ Hai (5/11). Bộ Ngoại giao Mỹ không nêu tên 8 nước được miễn trừ, nhưng các nguồn tin rò rỉ cho thấy Châu Âu và Trung Quốc không có trong danh sách này.
Trong thông báo hôm thứ Sáu (2/11), vài ngày trước khi chế tài có hiệu lực – thời hạn đã được Tổng thống Donald Trump đặt ra từ hồi tháng Năm, Nhà Trắng gọi các biện pháp này là “chế tài khắc nghiệt nhất từ trước tới nay” và nói thêm rằng động thái này sẽ cắt đứt dòng tiền đổ về chế độ Iran mà họ đang dùng để tài trợ cho các nhóm khủng bố và các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Ngoại trưởng Mike Pompeo hôm 2/11 đã đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo chế tài Iran và cho biết Washington sẽ tạm thời cho phép 8 nhà nhập khẩu mà ông gọi là ‘đối tượng tài phán’ (jurisdiction) được tiếp tục nhập khẩu dầu của Iran sau khi các chế tài có hiệu lực.
Ngoại trưởng Pompeo không nêu rõ tên của 8 nhà nhập khẩu được miễn trừ, nhưng theo Reuters với việc đề cập thuật ngữ ‘đối tượng tài phán’, Đài Loan có thể là bên được miễn trừ vì Mỹ chưa coi hòn đảo tự trị này là một quốc gia.
Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) và Nhật Bản là những nước nhập khẩu dầu hàng đầu của Iran. Trong khi, Đài Loan cũng thỉnh thoảng mua dầu của chế độ Tehran nhưng không phải là khách hàng chính.
Ông Pompeo không tiết lộ danh sách các ‘đối tượng tài phán’ được miễn trừ, nhưng lưu ý rằng toàn bộ 28 thành viên của Liên minh Châu Âu (EU) sẽ không có trong danh sách này.
Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ nói với báo giới rằng họ được thông báo sẽ vẫn tạm thời được phép nhập khẩu dầu của Iran. Ba quan chức Iraq giấu tên nói với Reuters rằng họ cũng tiếp tục được mua dầu của Iran miễn là không trả bằng đồng USD.
Một nguồn tin giấu tên nói với Reuteres rằng cả Ấn Độ và Hàn Quốc cũng có tên trong danh sách miễn trừ. Theo luật Mỹ, thời hạn miễn trừ kéo dài trong 180 ngày.
Ngoại trưởng Pompeo giải thích rằng việc 8 nhà nhập khẩu được miễn trừ “chỉ bởi vì họ đã cho thấy cắt giảm đáng kể việc nhập dầu từ Iran và hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác”. Ông Pompeo nói thêm rằng 2 trong 8 nhà nhập khẩu được quyền miễn trừ đã dừng nhập khẩu dầu của Iran và 6 bên còn lại sẽ tiến hành cắt giảm đáng kể.
Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh rằng mục tiêu cuối cùng vẫn là ngăn chặn hoàn toàn Iran xuất khẩu dầu. “Chúng tôi cuối cùng sẽ chặn hoàn toàn Iran xuất khẩu dầu thô. Chúng tôi sẽ mất vài tháng để thực hiện điều đó. Chúng tôi có thể làm điều đó theo cách không gây ảnh hưởng lớn đến giá dầu thô thế giới. Đó là điều tốt cho người tiêu dùng Mỹ”, ông Pompeo nói với hãng tin Fox News.
Phản ứng trước thông báo của Mỹ, Iran cho biết họ sẽ không gặp vấn đề gì với các chế tài tái áp đặt từ Washington.
Phát biểu trên truyền hình nhà nước, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi cho hay: “Mỹ sẽ không thể thực hiện bất kỳ biện pháp nào chống lại đất nước vĩ đại và dũng cảm của chúng ta… Chúng tôi có kiến thức và khả năng để quản lý các vấn đề kinh tế của đất nước này”.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cũng nói rằng Washington đã thông báo với cơ quan thông tin tài chính SWIFT có trụ sở tại Brussels về việc Mỹ đã dự định cắt kết nối với tất cả các thể chế tài chính Iran mà họ liệt vào danh sách đen từ ngày 5/11. Ông Mnuchin từ chối nêu tên các thể chế tài chính bị nhắm mục tiêu.
Ngoại trưởng Pompeo khẳng định Mỹ coi Iran là “chế độ ngoài vòng pháp luật” và cáo buộc các lãnh đạo của chế độ này thực hiện các hoạt động tài chính bất hợp pháp, đe dọa tới an ninh hàng hải, mạng trực tuyến, lạm dụng nhân quyền và tàn phá môi trường.
Liên minh Châu Âu, Pháp, Đức và Anh, những bên cùng ký thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 và đang cố gắng duy trì thỏa thuận này, đã lên tiếng bày tỏ họ lấy làm tiếc về quyết định tái áp đặt chế tài Iran của Washington. EU được cho là đang tạo cơ chế đặc biệt để vượt qua các chế tài tài chính của Mỹ áp lên Tehran.
Yên Sơn
Xem thêm:
- Mỹ sắp cấm Iran xuất dầu, nhưng miễn trừ cho một số đồng minh
- Mỹ hủy hiệp ước thân thiện 1955, tố Iran đe dọa phái đoàn Mỹ tại Iraq
Mỹ thành lập Ban Chuyên án xử lý việc Trung Quốc vi phạm bản quyền
- Thanh Vân
- •
- Thứ Bảy, 03/11/2018 • 823 Lượt Xem
Hôm thứ Năm (01/11), Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions đã công bố việc thành lập Ban Chuyên án Chống gián điệp kinh tế của đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Sessions (Jeff Sessions) hôm thứ Năm (01/11) đã công bố thành lập Ban Chuyên án chống gián điệp kinh tế của ĐCSTQ để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ (Ảnh: Getty Images)
Tại buổi họp báo vào buổi chiều thứ Năm (1/11), ông Sessions phát biểu rằng Bộ Tư pháp Mỹ sẽ ra mắt một chương trình hành động mới, theo đó thành lập Ban Chuyên án nhằm tích cực xử lý tình trạng Trung Quốc ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ, “Chúng tôi phải sử dụng mọi nguồn lực tư pháp Mỹ để chống lại gián điệp kinh tế Trung Quốc hiệu quả và nhanh chóng”, ông nói.
Vạch trần những thủ đoạn bất chính của ĐCSTQ
Ban chuyên án này do trợ lý Kiểm sát trưởng Bộ Tư pháp Mỹ John Demers lãnh đạo, các thành viên khác bao gồm các quan chức cấp cao của Cục Điều tra Liên bang (FBI), năm vị luật sư liên bang và các quan chức cao cấp khác của Bộ Tư pháp, trong đó có trợ lý Kiểm sát trưởng Hình sự Brian Benczkowski. John Demers cũng là người đứng đầu Bộ phận An ninh Quốc gia (National Security Division) của Bộ Tư pháp Mỹ.
Sessions cho biết, kể từ khi Trump nhậm chức Tổng thống, vào tháng Giêng năm ngoái, Chính phủ Liên bang đã tích cực ứng phó với các hoạt động gián điệp kinh tế có hệ thống được các chính phủ nước ngoài tổ chức tinh vi, đặc biệt là “thủ đoạn đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ khét tiếng của ĐCSTQ”.
Ông cho biết, năm ngoái Đại diện Thương mại Mỹ đã tổ chức điều tra, đã xác định trong hơn chục năm qua ĐCSTQ dùng tin tặc, mua chuộc chuyên gia trong nội bộ doanh nghiệp Mỹ để đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ, cộng thêm thủ đoạn thương mại bất bình đẳng gây thiệt hại kinh tế lớn cho Mỹ, đe dọa đáng kể đối với tài sản cũng như khả năng cạnh tranh của Mỹ. “Mặc dù mức độ nghiêm trọng của vấn đề phát triển nhanh chóng, nhưng do chúng tôi quan tâm nhiều hơn về mối đe dọa từ chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo hay chủ nghĩa khủng bố ở Nga, khiến ĐCSTQ có thể ẩn trong bóng tối và mối đe dọa này đã trở nên nguy hiểm hơn”, Sessions cho biết.
Đặc biệt, ông chỉ ra rằng các gián điệp ĐCSTQ xâm nhập Mỹ với phạm vi ngày càng rộng rãi hơn, không chỉ trong các cơ quan quốc phòng và tình báo, còn bao gồm các tổ chức học thuật như phòng thí nghiệm và trường đại học: “Chúng ta đã phát giác tuyên truyền của Trung Quốc (ĐCSTQ) trong hoạt động thâm nhập giới học thuật của chúng tôi”.
Dùng tất cả các công cụ chính sách để xử lý
Tại cuộc họp báo hôm thứ Năm, ông Demers tán dương việc Bộ Thương mại đưa tập đoàn Kim Hoa tỉnh Phúc Kiến (JHICC) vào danh sách chế tài, vì vậy mà công ty này không thể nhập khẩu nguyên liệu cần thiết để sản xuất tấm bán dẫn. Demers cho biết, Chính phủ Liên bang sẽ sử dụng tất cả các công cụ chính sách để chống lại các hành động bất hợp pháp, bảo vệ các công nhân Mỹ và các công ty Mỹ.
Demers nhấn mạnh, trong vài tháng qua Bộ Tư pháp Mỹ đã tập trung toàn lực xử lý các hành động gián điệp của ĐCSTQ.
Vào ngày 30/10, Mỹ đã khởi tố tổng cộng 10 người thuộc cơ quan tình báo và tin tặc của ĐCSTQ, trong đó có hai nhân viên tình báo của Văn phòng An ninh tỉnh Giang Tô (JSSD). Theo cáo trạng, những người này cùng tấn công vào nhà thầu quốc phòng và hàng không vũ trụ của cả châu Âu và Mỹ để ăn cắp bí mật thương mại, để Trung Quốc phát triển động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt (Turbofan Engine).
Vào đầu tháng Mười, Phó Giám đốc Văn phòng An ninh tỉnh Giang Tô là Từ Diên Quân (Yanjun Xu) đã bị dẫn độ từ Bỉ tới Mỹ, bị buộc tội che giấu danh tính liên lạc với một nhân viên nhà thầu của Lầu Năm Góc, đánh cắp bí mật thương mại về động cơ phản lực không khí (Jet engine)
Vào cuối tháng Chín đã khởi tố một công dân Trung Quốc tại Mỹ là Kỳ Siêu Quần (Ji Chaoqun), vốn là nhân viên tình báo tại Văn phòng An ninh Quốc gia Giang Tô.
Vào tháng Tám, khởi tố người đàn ông 56 tuổi người Trung Quốc tên Trịnh Hiếu Thanh (Xiaoqing Zheng), bị cáo buộc về tội trộm cắp kỹ thuật Turbo của Công ty General Electric cung cấp cho công ty Trung Quốc.
Sessions: ĐCSTQ nên tuân thủ pháp luật
Sessions nói: “Ngày hôm nay chúng tôi cho ĐCSTQ biết: hãy dừng lại, chúng tôi sẽ không tha thứ, đây là điều không thể chấp nhận. Bây giờ là lúc để ĐCSTQ tham gia vào cộng đồng quốc gia tuân thủ pháp luật, thương mại quốc tế có lợi cho Trung Quốc, nhưng ĐCSTQ phải chấm dứt thủ đoạn gian lận”.
“Chúng ta phải đẩy mạnh hơn hợp tác thực thi pháp luật, Trung Quốc (dưới sự cai trị của ĐCSTQ) không thể trở thành một thiên đường cho những kẻ phạm luật, cho phép những kẻ phạm tội vào trốn ở Trung Quốc, để tránh bị dẫn độ”.
Demers cho biết, những bản án này sẽ giúp giáo dục công chúng Mỹ và nhắc nhở các công ty Mỹ về những thủ đoạn mà Chính phủ Trung Quốc đã làm, bao gồm mua chuộc nhân viên nội bộ của doanh nghiệp Mỹ, xâm nhập máy tính để ăn cắp công nghệ của Mỹ.
Ngoài đưa ra công lý các hoạt động gián điệp kinh tế của Trung Quốc, Sessions cho biết Ban An ninh Quốc gia do ông chịu trách nhiệm còn hợp tác cùng Ủy ban Đầu tư nước ngoài để bảo vệ công nghệ nhạy cảm của Mỹ; và sử dụng “Luật đăng ký Đại diện nước ngoài” cùng các công cụ dân sự và hình sự liên quan để phát huy tốt nhất tính minh bạch, tránh sự xâm nhập của chính phủ nước ngoài.
Theo Demers, để ngăn chặn hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của ĐCSTQ, Bộ Tư pháp cùng các ban ngành chính phủ và khu vực tư nhân sẽ theo kế hoạch hành động này để cùng nhau chống lại hành vi nguy hiểm của ĐCSTQ.
Sessions thì đặc biệt đề cập cụ thể rằng ĐCSTQ phải tiếp nhận công dân Trung Quốc vi phạm luật nhập cư Mỹ, đang ở Mỹ chờ ngày hồi hương.
Cũng hôm thứ Năm, Bộ Tư pháp Mỹ công bố khởi tố công ty Phúc Kiến Kim Hoa của Trung Quốc, công ty UMC của Đài Loan, và ba người Đài Loan, cáo buộc họ ăn cắp bí mật thương mại của Micron Technology, và lần đầu tiên truy tố về tội hình sự.
Thanh Vân
Axios: Ông Trump sẽ không lùi bước, muốn Trung Quốc nếm mùi đau khổ
- Thứ Sáu, 02/11/2018 • 3.0k Lượt Xem
Theo trang tin Axios, Tổng thống Mỹ Donald Trump không có ý định sẽ xuống thang căng thẳng trong chiến tranh thương mại với Trung Quốc.
Dẫn 3 nguồn thạo tin giấu tên về các cuộc thảo luận riêng tư của ông Trump, Axios nói ông Trump tin rằng Mỹ sẽ tiếp tục cần phải “cho lãnh đạo Trung Quốc nếm thêm mùi đau khổ từ các đòn thuế”.
Theo Axios, một nguồn tin nói rằng ông Trump “muốn họ thấm đòn hơn”, quan điểm của Tổng thống Mỹ là đánh thuế càng lâu, ông càng có đòn bẩy trong các cuộc thương lượng thương mại sau này.
Mỹ hiện đang áp thuế từ 10 đến 25% lên 250 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc. Trung Quốc cũng đáp trả nhưng đánh thuế trên số lượng nhỏ hơn.
Một nguồn tin khác nói với Axios rằng cuộc chiến thương mại kiểu “ăn miếng trả miếng” hiện nay chỉ là “bắt đầu của bắt đầu”. Điều này có thể cho thấy cuộc gặp Trump-Tập bên lề G20 sắp tới ở Buenos Aires sẽ không tạo ra giải pháp đột phá giảm căng thẳng.
“Đó là một cuộc gặp lãnh đạo quốc gia, không phải cuộc gặp về thương mại”, Axios dẫn lời một nguồn tin của họ nói.
“Trump đang nhìn cuộc gặp này với quan điểm của một cá nhân muốn nối lại quan hệ với Chủ tịch Tập, không phải một cuộc gặp mà sẽ tiến triển đến các thảo luận chi tiết hơn”, một nguồn khác nói.
"Hai bên đang ở rất xa nhau… ngay bây giờ, họ không có cơ sở chung để tiến hành thảo luận”.
Tối qua 1/11 (giờ Mỹ), ông Trump đã có cuộc điện đàm “dài và tốt đẹp” với Chủ tịch Tập. “Tôi vừa có một cuộc trò chuyện dài và tốt đẹp với Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc. Chúng tôi nói về nhiều chủ đề, đặc biệt chú trọng vào thương mại. Các cuộc thảo luận tiến hành tốt đẹp với cuộc gặp được lên kế hoạch tại G-20 Argentina. Chúng tôi cũng có một cuộc thảo luận tốt về Bắc Hàn!”
Tin tức tích cực về cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo đã khiến thị trường chứng khoán toàn thế giới quay đầu tăng điểm mạnh. Tuy nhiên theo Bloomberg, có các nguồn tin trong Nhà Trắng tiết lộ nếu cuộc gặp Trump-Tập lần này không có kết quả, Mỹ sẽ đánh thuế lên toàn bộ hàng hóa của Trung Quốc vào ngay đầu tháng 12.
Ngoài ra, các tin tức cho thấy ông Trump đang đặc biệt quan tâm tới các phiên bán tháo cổ phiếu tại Trung Quốc năm nay – chẳng hạn chỉ số Shanghai Composite giảm hơn 30% từ đỉnh cao cuối tháng Một. Ông Trump cũng tin rằng áp lực lên thị trường chứng khoán sẽ khiến giới quan chức Bắc Kinh phải quay lại bàn đàm phán.
“Một điểm cơ bản mà ông Trump khẳng định với những phụ tá của mình, theo một nguồn thạo tin rằng ‘chúng ta thì mạnh còn họ thì yếu’,” trang Axios viết.
Thứ Sáu tuần trước, Bắc Kinh công bố một loạt các biện pháp kích thích kinh tế mới nhằm hỗ trợ thị trường chứng khoán. Các biện pháp này tương tự với những gì họ đã thực hiện trong những đợt thị trường Trung Quốc suy giảm mạnh hồi 2015 và 2016.
Cùng với chứng khoán suy giảm, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cũng giảm xuống 6,5% trong tháng 9/2018, theo con số thống kê chính thức của chính phủ Trung Quốc. Đây là kết quả yếu nhất từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
Bộ Tài chính Mỹ đã liên lạc với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc để trao đổi thông tin, tuy nhiên chưa có gì có thể gọi là đàm phán song phương về thương mại, theo nguồn tin của Axios.
“Có chút liên hệ với quan chức tầm trung Trung Quốc, không có gì nhiều… Tôi sẽ không đánh giá cao tiến trình này”, nguồn tin nói. Nhóm đàm phán của bộ Trưởng Tài chính Steven Mnuchin đã nói với Trung Quốc rằng việc Trung Quốc hứa hẹn mua thêm hàng hóa Mỹ để giảm thâm hụt thương mại không có ý nghĩa gì cả, bởi vì các vấn đề cốt lõi là đánh cắp tài sản trí tuệ và quyền tiếp cận thị trường mới là ưu tiên của Mỹ.
Đức Trí
Xem thêm:
Xem thêm:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét