Thứ Bảy, 9 tháng 2, 2019

CHẤT “LÃO THỰC” TRONG THƠ THẠCH QUỲ

   Phạm Viết Đào.
 
           Thạch Quỳ xuất thân là một giáo viên dạy toán cấp 3, tên tuổi của ông bắt đầu nổi lên trong giai đoạn Mỹ mở rộng chiến tranh, dùng không quân đánh phá miền bắc. Nghệ An là một trong những địa điểm bị không quân Mỹ ném bom trong trận bom đầu ngày 5/8/1964…Không quân Mỹ ồ ạt mở rộng đánh phá miền bắc từ 26/3/1965, hồi đó chính mắt tôi chứng kiến không quân Mỹ đánh Đồi Si, một doanh trại quân đội nằm trên đất xã Trung Sơn, cách nhà Thạch Quỳ quảng 4 km và cách nhà tôi 3 km, cách con song Lam, nhà tôi bên này sông Lam.
          Hồi đó, Nghệ An là một túi bom, một trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân Mỹ. Mỹ muốn ngăn chặn các cuộc chuyển quân, chuyến hàng từ miến bắc tiếp tế, chi viện cho chiến trường miền nam. Chiến tranh là một đề tài lớn vì: nó không chỉ làm rung chuyển đất trời mà còn đụng chạm tới thể xác tinh thần của hàng vạn con người.
          Nhà của Thạch Quỳ ở Trung Sơn Đô Lương, gần những trọng điểm bị không quân Mỹ đánh phá: đó là con đường 15, đường 7 và đập nước baraj Đô Lương, đập do Pháp xây chặn dòng nước sông Lam để dồn nước phục vụ cho vựa lúa Diễn Chau- Yên Thành- Quỳnh Lưu của Nghệ An…Để bảo vệ đập nước này, phía ta bố trí quãng 1 trung đoàn pháo canh giữ. Ngày nào cũng xảy ra các cuộc ném bom và chống trả không quân Mỹ của pháo binh ta; Còn đêm thì không quân Mỹ đuổi bắn những đoàn xe vận tải…
          Thạch Quỳ cũng giống với bao người dân xứ Nghệ, bị cuốn vào thời cuộc và là người gắn bó máu thịt với quê hương, cho tới nay tôi vân cón nhớ những vần thơ ứa máu, xót đau của Thạch Quỳ trước cảnh bom đạn, chiến tranh cày xới quê hương mình: “Có thành phố nào như thành phố này không; Chưa thấy lò cao đã chói lọi sắc hồng; Chỉ thấy sắc hồng cười trong gạch vụn…” ( Gạch vụn thành Vinh)
          Hay: “Tre bãi bom là tre cụt ngọn; Như tầm vông sắc nhọn chĩa lên trời; Mảnh bom giặc còn găm trong thịt đất; Tôi rú lên và thấy máu đất tươi” ( Gom nhặt trên bãi bom B. 52)
          Tôi theo dõi thơ Thạch Quỳ, nhưng thơ của ông không thấy có bài nào viết theo kiểu ca ngợi, thi vị hóa cuộc chiến tranh theo kiểu: Đường ra trận mùa này đẹp lắm... Dùng thơ ngợi ca những những người cấm súng, chủ thể của cuộc chiến tranh, mặc dù ông hàng ngày, hàng đêm ông sống và chứng kiến những trận đánh ác liệt giữa bộ đội ta và không quân Mỹ và nhận thông tin về những tấm gương hy sinh, quả cảm.
          Có rất nhiều nhà văn nhà thơ từ miền bắc vào vào đất lửa để viết ngợi ca những tấm gương anh hùng, quả cảm. Phải chăng ông là kẻ “nghễnh ngãng” với cuộc chiến tranh máu lửa này, có thể ông đã viết nhưng không thành công, không đọng lại được…Thạch Quỳ có vẻ giống như một ông già nghễnh ngàng trong một bài thơ:

Chạy đến ga cuối cùng con tàu dừng lại
Ông già không xuống tàu
Người lái tàu hỏi ông già về đâu?
Ông già hỏi con tàu về đâu?
Ga cuối, ga đầu
Ga đầu, ga cuối
Ông già nói lảm nhảm
Người bán vé tàu, cứ bán?
Chạy đến ga cuối cùng, con tàu quay lại
Chạy về ga đầu tiên, quy lại con tàu
Người lái tàu không hỏi thêm nữa
Rằng ông già nghễnh ngãng
Đi đâu?
Về đâu ?...
( ÔNG GIÀ NGHỄNH NGÃNG)…

          Thạch Quỳ không chỉ nghễnh ngãng với đề ta chủ nghĩa anh hùng trong chiến tranh, ngợi ca những người cầm súng, ông còn tỏ ra nghễnh ngãng với chuyện danh lợi cuộc đời. Thế nhưng Thạch Quỳ lại đắm đuối mê say với từng nhành cây, ngọn cỏ hòn đá quê ông.. Mọi tâm huyết rung cảm Thạch Quỳ đem chia sẻ với thiên nhiên cây cỏ nơi của mảnh đất ông sinh ra ngay cả khi chiến tranh bom đạn đang xảy ra ác liệt

Tôi chẳng còn điều chi chờ đợi
Chẳng có cơ chi để dừng lại hành trình
Tôi chỉ có từ trong túi vải
Mấy câu thơ cứ lẽo đẽo theo mình
(LỜI CUỐI TẬP)

          Bút danh Thạch Quỳ của ông được lấy từ tên ngọn núi quê ông Rú Cuồi hay còn gọi là Rú Quỳ Sơn. Phải có tình yêu mê say như thế nào với thiên nhiên, cây cỏ, Thạch Quỳ mới viết nên những vần thơ về mảnh đất Đô Lương quê ông:

Vải mật Thanh Lưu chín mọng đầu cành
Đồng Vân Tràng lưu luyến gió màu xanh..
Con chìa vôi chờn vờn trên bãi cỏ
Con tu hú gọi trời trưa nắng đổ
Dòng sông dài bóng phượng vút trôi nhanh…

Đào đá lên, nơi nào cũng đỏ
Đập đá ra, có ánh lửa ngời
Mạch đất ấy biết xanh từ ngọn cỏ
Nắng tuôn vàng sân lúa ai  phơi…
( ĐẤT ĐÔ LƯƠNG)
          Thạch Quỳ mê đắm thiên nhiên cây cỏ, đất đá của mảnh đất sinh ra ông, ông không mặn mà với loại thơ anh hùng ca cuộc chiến, nhưng đừng nghĩ ông nghễnh ngàng thờ ơ với thế cuộc. Bài thơ “VỚI CON” là một bài thơ thế sự xuất sắc, nhuẫn nhuyễn và tinh tế của ông được công bố trên Văn Nghệ 6/1979, sau khi Trung Quốc phát động cuộc chiến tranh đưa 60 vạn quân xâm lược biên giới phía bắc tháng 2/1979. Bài thơ đã gây cho ông nhiều chuyện rắc rối bởi cơ quan an ninh xứ Nghệ…
          Trên FB của Thạch Quỳ cách đây vài năm, ông có kể một chuyện vui về một cuộc trò chuyện giữa ông và nhà thơ Quang Huy, cũng là một nhà giáo làm thơ từ cái nôi Nghệ An. Thạch Quỳ báo cho Quang Huy: Trung Quốc nó đánh ta rồi đấy…Quang Huy tưng tửng trả lời Thạch Quỳ theo Thạch Quỳ thuật lại: Nó đánh không sợ, chỉ sợ nó hàng…Cái sợ của Quang Huy được Thạch Quỳ ghi lại bây giờ ngẫm ra có lý…
          Bài thơ “VỚI CON” được viết ra sau cái sự kiện Trung Quốc, một quốc gia bao năm nay vẫn tự xưng là đồng chí, anh em tự dưng trở mặt, đem 60 vạn quân đánh Việt Nam. Hành động chiến tranh này đã làm lộ mặt bao giá trị ảo về quan hệ Việt-Trung về người bạn vàng chí cốt bấy lâu nay tô vẽ. Thời điểm “VỚI CON” còn liên quan tới một sự kiện động trời khác: Việt Nam chuẩn bị cử Phạm Tuân tham gia du hành vũ trụ năm 1980? Thế là, cái ông nhà thơ không chịu viết những câu thơ ngợi ca những tấm gương anh hùng trong chiến đấu, có viết thì cũng buông ra vài câu chiếu lệ, gượng gạo trong khi đó là buông ra những câu thơ cay chua:

Con ơi con nàng Bạch Tuyết trong mơ
Không thể nào yêu con thay mẹ được
Và vì thế, nếu khuy áo con bị đứt
Thì nói lên để mẹ khâu cho.

Và con ơi trên ấy ngân hà
Có thể rồi con sẽ lên đến được
Nhưng đêm nay thì con cần phải học
Bốn phép tính cộng trừ hay đọc một trang thơ.
( VỚI CON)
          Người đọc sau thời gian suy ngẫm về đời thơ Thạch Quỳ, của đáng tội, Thạch Quỳ không thuộc loại phủ nhận sạch trơn, quay lưng phủ nhận hết thảy mà do cái tạng của ông không hợp, do vậy nếu buộc ông phải viết thì người ta thấy Thạch Quỳ viết một cách gượng gạo, viết cho có một cách tội nghiệp:
Mẹ hát lời cây lúa để ru con
Cha cày đất để làm nên hạt gạo
Chú bộ đội ngồi trên mâm pháo
Bác công nhân quai búa, quạt lò.
( VỚI CON)

          Và gặp lúc bí quá, không biết làm cách nào thì Thạch Quỳ tương luôn vào thơ ông cả một câu khẩu hiệu để tỏ ra mình cũng vững lập trường lắm đây: ”Gái Đô Lương đảm đương cánh đồng năm tấn; Quần xắn cao ngang gối dục trâu cày” ( ĐẤT ĐÔ LƯƠNG-Bài này hình như được giải của báo Văn Nghệ)
          Vậy tạng thơ của Thạch Quỳ là gì? Theo tôi đó là chất “LÃO THỰC”; Đấy là cái chất làm nên tên tuổi Thạch Quỳ, nó giúp ông được dùng ngòi bút nói lên nhưng rung cảm thật của trái tim ông, một “ ÔNG ĐỒ” xứ Nghệ! Ông không dối lòng bằng thơ...
          Xin giới thiệu một số bài thơ bộc lộ “chất LÃO THỰC” của thơ Thạch Quỳ!

TÔI

          Không nhỏ bé tầm thường không vĩ đại
Có thể vứt đi trong xó tối u buồn
Có thể đứng trên hai chân vững chãi
Tôi một mình, tôi lớp lớp triều dâng.
Hạnh phúc và khổ đau. Vốn thế
Như môi trường, như cuộc sống của tôi
Cả cái chết đợi chờ tôi trước mặt
Hù dọa tôi, tôi chấp nhận lâu rồi!

Tôi lo lắng, như cây lo trái quả
Như đất đen trăn trở trước mầm chồi
Tôi muối mặn với cuộc đời dân dã
Tôi áo cơm no đói với ngày thường.

Nhưng ví thử, ngôi sao kia biết nói
Sóng biển kia biết hát nên lời
Ngôn ngữ ấy với tôi chẳng bao giờ xa lạ
Ngôi sao và sóng biển cũng là tôi.

Tôi đầy ứ thẳng căng, tôi mạnh khỏe
Tôi cao hơn đất đá mọi công trình
Tôi không phải sơ đồ bản vẽ
Tôi cao hơn người máy, thần linh

Những đau khổ không làm tôi gục xuống
Tôi lần tìm đầu mối các nguyên nhân
Những hạnh phúc niềm vui được thưởng
Tôi một mình dạo mát ở ngoài sân.

Từng đối mặt với bạo tàn, chết chóc
Máu trào tuôn, sẹo đóng tự trong hồn
Tôi mệt mỏi đến không còn sợ chết
Nhưng vẫn lòng ham sống thật tôi hơn…


VỚI CON

Con ơi con thức dậy giữa ngày thường
Nghe chim hót đừng nghe mê mải quá
Qua đường đất đến con đường sỏi đá
Cha e con đến lớp muộn giờ.

Con ơi con nàng Bạch Tuyết trong mơ
Không thể nào yêu con thay mẹ được
Và vì thế, nếu khuy áo con bị đứt
Thì nói lên để mẹ khâu cho.

Và con ơi trên ấy ngân hà
Có thể rồi con sẽ lên đến được
Nhưng đêm nay thì con cần phải học
Bốn phép tính cộng trừ hay đọc một trang thơ.

Con ơi con, nếu thầy giáo dạy con
Có ánh sáng bảy màu trong ánh sáng
Thì con hỡi hãy khêu cho rạng
Ngọn bấc đèn con hãy vặn lên to.

Con ơi con, trái đất thì tròn
Mặt trăng sáng cũng tròn như đĩa mật
Tất cả đấy đều là sự thật
Nhưng cái bánh đa tròn, điều đó thật hơn!

Mẹ hát lời cây lúa để ru con
Cha cày đất để làm nên hạt gạo
Chú bộ đội ngồi trên mâm pháo
Bác công nhân quai búa, quạt lò.

Vì thế nên, lời cha dặn dò
Cũng chưa hẳn đã là điều đúng nhất
Cha mong con lớn lên chân thật
Yêu mọi người như cha đã yêu con.
(6/1979)

CÔ TÔI

Một quãng thời gian đi qua
Động vào trong mái tóc hoa trên đầu
Bao nhiêu tích cũ dài lâu
Qua lời cô, lại có màu cổ hơn
Một thời cái tráp sơn son
Chùm cau đỏ, lá trầu thơm, hội hè
Khoảng thời gian ngỡ chìm đi
Cô ngồi khêu lửa, thầm thì giữa đêm
Cháu nghe màu nắng hiện lên
Tiếng đôi guốc gộc quai mềm sợi mây
Dáng ông trên mảnh ruộng cày
Bà phơi áo, dáng bàn tay lần lần
Dáng người trong hội mùa xuân
Đu làng bay với chiếc khăn màu điều
Cái thời không chữ- thuộc Kiều
Thanh Minh trong những xòm nghèo đi qua
Để cháu đến với ông bà
Để cháu đến với người xa trước mình
Là khi cô ngồi lặng thinh
Hòn than tro bếp rụng thành lửa hoa…
Suốt đời cô chưa đi xa
Không quen những chốn sân ga bến tàu
Suốt đời canh cửi, tằm dâu
Suốt đời đồng cạn, đồng sâu cấy cày
Tám mươi-vóc có hơi gầy
Mà trên gương mặt, nét mày vẫn tươi
Về đêm, cô ít ngủ rồi
Tấm lọng lại bốn phương trời cháu con…
Như vầng trăng xế về non
Chưa lặn khuất thì hãy còn sáng trong
Chuyện dài-Bếp lửa mùa đông
Cháu con nối với cha ông. Còn dài
2/1982

TIẾNG CHIM
...Tiếng chiền chiện không tan vào lặng im mà hạt lúa thấm dần vào bụng sữa
Tiếng dú dị trầm đều như đất thở
Buổi cày trưa bìm bịp gọi trong lùm
Tiếng khướu đất hót từ cái mỏ khum khum
Tiếng gà gáy cong như vòi hái
Con sáo hót làm đầu ta ngoái lại
Chùm quả đa đỏ lửa mắt nhìn
Tiếng vàng anh tròn như đồng tiền
Gieo tít tận trời cao gieo xuống
Tiếng chim rót và mầm cây mở uống
Sắc màu xanh, tiếng hót cũng xanh
Tiếng chim treo trong quả chín rung cành
Che suốt đường em đi cùng anh
Nghe chăng em ?
Đất nước chúng mình
Tiếng chim hót lẫn trong lời mẹ kể
Con mách khách nhảy cành cam qua cành khế
báo trưa nay có khách đến nhà
Tiếng con chim kẹt võng, nhớ lời bà
Con cú rúc sôi tròn như thắng mật
Bà bảo cháu : Lúa mùa này chắc hạt !
Nếu gõ kiến lại kêu " kéc, kéc"
Là mùa sau thóc lép, cháu ơi !
Giữa cuộc đời lẫn lộn cả buồn vui
Tiếng chim cũng tiếng lành, tiếng dữ
Con hét kêu đêm, mẹ ra đóng cửa
Con quạ kêu ngày, bà lo đàn gà toi
Tiếng chào mào ríu rít những trưa vui
Em có nhớ lớp học mình nắng như tấm khăn dù choàng lên cây mật đỏ ?
Tiếng chim hót suốt hàng cây tuổi nhỏ
Trái đa xanh, đa tím rụng ao làng
Lúa chín sẫm trên lưng con cu vày hót xù lông cổ
Nắng lên rồi, tu hú gọi bâng khuâng...

HÓNG GIÓ TRÊN CÁNH ĐỒNG LÀNG

Gò đất cong. Ngả dép tạm ngồi
Bên mép lúa, khỏa chân vào trong sóng
Của im lặng bốn bề cao rộng
Rất mịn màng gió lúa thấm qua tôi

Tiếng giêng hai, gié lúa bận sinh sôi
Rễ lúa bám bùn sâu âm ỉ hút
Trong đất thẳm, ngày và đêm, chăm chút
Từ vô sinh xòe dây sắc non tươi

Nước trong veo, com cá quả no mồi
Lượn đủng đỉnh chào thăm từng gốc lúa
Con cá ngửi vết chân bùn bỡ ngỡ
Nổi mắt tròn ngơ ngác nhận ra tôi

Vòi bơm rung thở trắng khói mù hơi
Lúa cứ ùn lên, cây lúa sôi
Quẫy lên sóng là bàn chân con gái
Đạp trên guồng tre nước của quê tôi

Nghe âm thầm tiếng nước thấm đất nâu
Rễ lúa ẩm xuyên bùn xóe giá trắng
Ôi! Cai sự nẩy sinh vô cùng im lặng
Cái cần cù trong đất của loài cây!

Bùn nước nghìn năm hòa trộn cùng lân, đạm hôm nay
Cho ta đủ niềm tin vào cây lúa
Ta tin đất với nụ chồi đang nhú
Lúa tươi xanh, xanh mãi trái đất này…

LAU BIÊN GIỚI

Những bông lau trên đỉnh Lão Sơn
Xào xạc lá và phất phơ trong gió
Những bông lau bên cột mốc biên cương
Bao xương trắng và máu người đã đổ?

Đất nước tôi nhành cây, ngọn cỏ
Cũng nghìn năm xương trắng máu hồng
Những bông lau xạc xào trong gió
Lau trắng nói điều gì ai có nghe không/

Một giải biên cương núi hiền, sông vắng
Lau trong chiều gió thổi vẫn phát phơ
Nghìn nấm mộ trong nghĩa trang im lặng
Trước ngàn lau bạc trắng ở bên bờ…

CÁC NHÀ THƠ NỮ

Quỳnh mất lâu rồi
Hương đang phiêu bạt
Mỹ Dạ bây giờ nhớ nhớ quên quên
Bạn bè tới thăm không gọi được tên!

Có sợi len dài hơn cả đời người
Dễ đã mười năm không in thơ trên báo
Dễ đã mười năm tạm biệt Hội Nhà văn
Chiều tà bóng xế
Người đàn bà lặng lẽ
Tiếp tục ngồi đan (1)
1.    Người đàn bà ngồi đan-Tên tập thơ của Ý Nhi


TRÁI TIM

          Cứ lặng lẽ trong ngực người đập khẽ
Hết đêm sâu không hết trái tim mình
Đều đặn đập
Bảy mươi lần một phút
Xâu thời gian thành chuỗi hóa đời anh…

Chớ tưởng trái tim dễ dãi
Cứ đều đều đạp mãi thế thôi
Chớ tưởng trái tim rồi sẽ
Theo thời gian năm tháng cũng dần nguôi.

Tôi đã sống mấy mươi năm có lẻ
Chưa một lần yên tĩnh trái tim tôi
Và tôi nói-có gì rắn hơn em được nữa
Lặng lẽ âm thầm đến thế, tim ơi.

Tôi đã yêu và tự làm rối quẫn
Nhưng trái tim không nhầm lẫn bao giờ
Trái tim nói những điều hệ trọng
Cả những điều ta tưởng rất vu vơ…

Ta đã sống
Và đôi khi, thú thực
Chẳng còn nghe nổi trái tim mình
Khi nhòa lẫn vào chân trời trước mặt
lúc lạc vào vụn vặt bốn chung quanh.

Có thể là linh cảm trái tim
Vẫn lặng lẽ dõi theo dòng ý thức
Cũng có thể thời gian vùi khuất
Tiếng nói chìm vão cõi lặng im

Những nếu ngủ không quá dày chăn đệm
Không quá mức say ngon, không quá thể yên lành
Thì đêm đến trái tim trong ngực
Chẳng bao giờ nỡ lãng quên anh.

Năm tháng đi qua có thể sẽ thanh tranh
Sẽ thành nhạc, thành thơ, thành điệp khúc
Trái tim chỉ một lời thiết thực
Mọi tình người ấm áp nở từ đây

Rồi trí óc sẽ có ngày mệt mỏi
Ý chí ta có thể sẽ tận cùng
Vẫn nhỏ nhoi trái tim trong ngực
Trước cuộc đời đích thực mãi ngân rung…

 1/1987

LỜI CUỐI TẬP

Tôi chẳng còn điều chi chờ đợi
Chẳng có cơ chi để dừng lại hành trình
Tôi chỉ có từ trong túi vải
Mấy câu thơ cứ lẽo đẽo theo mình

Tạm biệt rồi, thơ ấu những xa xanh
Tạm biệt nhé! Hàng cây thời tuổi trẻ
Xin tạm biệt những tháng ngày quãnh quẽ
Tôi một đời yêu bóng của tình yêu

Trái đất đây-Chính thực con tàu
Nào có đâu ga cuối-chẳng ga đầu
Vững chắc thế mà hóa ra lơ lửng
Bay triệu vòng cũng chẳng về đâu…

Xin tạm biệt cả đất đai yêu mến
Nếu như tôi có thể vượt ra ngoài
Ở đâu đó xa xăm trong vũ trụ
Hư vô là ấm áp của hồn tôi…


Thơ rút từ trong ‘TUYỂN TẬP THƠ THẠCH QUỲ”

NXB NGHỆ AN vừa xuất bản.

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Nên có những bài viết thế này, dù ngắn nhưng xúc tích về một nhà thơ trong hàng ngàn nhà thơ.
ngày nay mọi thứ đều được lập trình. Tốt thôi, nhưng cũng cần có những điểm khác ngoài phần mềm có sẵn./.