TS Vũ Thị Sao Chi vi phạm liêm chính học thuật một cách có hệ thống
PNTĐ-TS Sao Chi đã thản nhiên cưỡng đoạt công sức trí tuệ của nhiều người, làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng và uy tín của Tạp chí Ngôn ngữ.
Với quyền điều hành hoạt động của Tạp chí trong tay, TS Sao Chi thản nhiên cưỡng đoạt công sức trí tuệ của nhiều người, làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng và uy tín của Tạp chí Ngôn ngữ.
Sau khi bài báo "Báo động tình trạng liêm chính học thuật theo kiểu "không hướng dẫn, vẫn... có quyền đứng tên chung" được đăng tải, Báo Phụ nữ Thủ đô đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía quý độc giả, bạn đọc đã cung cấp thêm cho PV nhiều bằng chứng về vi phạm của TS Vũ Thị Sao Chi – Phó Tổng biên tập Tạp chí Ngôn ngữ (Viện Ngôn ngữ học, thuộc Viện Hàn lâm KHXHVN). Điều đó thôi thúc chúng tôi tiếp tục điều tra sâu về vấn đề liêm chính học thuật này.
Một nhà ngữ học siêu phàm?
Trong một số báo PNTĐ trước đây, chúng tôi đã bày tỏ nghi ngờ về hàng loạt các bài báo khoa học đăng trên tạp chí Ngôn ngữ mà TS Vũ Thị Sao Chi đứng tên viết chung với một tác giả khác. Làm sao không đặt dấu hỏi sao được khi mà các bài viết này thuộc đủ các thể loại của ngôn ngữ học: từ phong cách học, ngôn ngữ hành chính, ẩn dụ, tu từ học, đến ngữ dụng học, địa danh học… Có lẽ không một nhà ngôn ngữ học hàng đầu thế giới nào lại dám liều lĩnh "bao sân" nhiều lĩnh vực nghiên cứu đến vậy!Hay bà Chi là một nhà ngữ học siêu phàm? Nếu quả đúng vậy thì vì sao bà Chi lại phải liên danh với hàng loạt các tác giả khác?
Uẩn khúc của câu hỏi này thực ra đã được hé lộ một phần từ các số báo trước đây mà PNTĐ đã đăng tải.Theo đó, bà Chi ngang nhiên sử dụng các công trình của đồng nghiệp, của thầy hướng dẫn, và của các học viên không do bà hướng dẫn. Khi những tác giả này đăng bài trên tạp chí Ngôn ngữ, nơi bà Chi đang điều hành hoạt động với chức danh Phó Tổng biên tập phụ trách, bằng một cách nào đó, bà Chi đột nhiên trở thành... đồng tác giả.
Vi phạm liêm chính học thuật có hệ thống
Chúng tôi chưa có dịp để điều tra hàng tá các bài viết theo dạng "đồng tác giả" của TS Vũ Thị Sao Chi. Tuy nhiên, chỉ mới nhặt ra vài ba tác phẩm kiểu như vậy thì những uẩn khúc đã hoàn toàn sáng rõ.
Sau bài "viết chung" tai tiếng dài 2 kì với học viên cao học Phạm Thị Thu Thùy đăng trên tạp chí Ngôn ngữ năm 2013, đến tháng 1 năm 2015, bà Chi lại tiếp tục "liên danh" với NCS Nguyễn Thị Thanh Huệ "lấn sân" sang lĩnh vực... ngữ dụng học với bài viết "Về khái niệm hành vi ngôn ngữ nịnh trong tiếng Việt" công bố trên tạp chí Ngôn ngữ (số 1/2015).
Điều đáng nói là vào thời điểm đó, bà Nguyễn Thị Thanh Huệ là NCS của Học viện Khoa học Xã hội do PGS.TS Phạm Hùng Việt hướng dẫn luận án với đề tài "Hành vi nịnh trong tiếng Việt". Như vậy, bà Chi hoàn toàn không có liên quan gì đến luận án của NCS Huệ.Tháng 11 năm 2014, bà Huệ đưa luận án của mình ra bảo vệ ở cấp cơ sở và nhận được đánh giá tích cực từ các thành viên trong Hội đồng thẩm định. Tác giả của luận án đã cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng mình.
Chỉ khoảng 2 tháng sau ngày NCS Huệ bảo vệ luận án cấp cơ sở, bài viết "Về khái niệm hành vi ngôn ngữ nịnh trong tiếng Việt" được công bố trên tạp chí Ngôn ngữ như là một điều kiện bắt buộc trước khi luận án được đưa ra bảo vệ chính thức.Thế mà, bỗng dưng, cái tên "Vũ Thị Sao Chi" đột ngột "từ trên trời rơi xuống" ngang nhiên xen vào thành "đồng tác giả" của bài viết. Trớ trêu và chua xót hơn, tên của bà Chi lại còn trồi lên trước cả tên của NCS Huệ trong bài viết này.
Vậy, TS Vũ Thị Sao Chi có đóng góp gì cho bài viết kể trên? Nếu so sánh văn bản luận án mà NCS Huệ đã bảo vệ ở cấp cơ sở vào tháng 11 năm 2014 và bài viết trên tạp chí Ngôn ngữ nêu trên, chúng tôi khẳng định bà Vũ Thị Sao Chi hoàn toàn không có một đóng góp gì trong bài viết chung với bà Huệ. Nói cách khác, toàn bộ các luận điểm khoa học, lí lẽ, dẫn chứng mà NCS Huệ đã trình bày trong luận án cấp cơ sở của mình đều được sử dụng trong bài viết nêu trên.(xin quý vị độc giả xem đường link phần đối chiếu tư liệu ở cuối bài viết).
Điểm khác biệt giữa luận án của bà Huệ và bài viết trên tạp chí chỉ là những câu chữ thuộc về biên tập và phong cách hành văn. Chẳng hạn, bà Huệ, trong luận án viết "ví dụ" thì trong bài viết được (hay là bị?) chuyển thành... "thí dụ" (?!), "hành vi" thành "hành vi ngôn ngữ" v.v...
Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định (và bạn đọc có thể kiểm chứng ở đường link cuối bài này) toàn bộ các luận điểm nghiên cứu và tư liệu cũng như phần phân tích tư liệu trong bài viết "liên danh" kia hoàn toàn trùng khớp với luận án của bà Huệ.
Cần kiên quyết xử lí vấn nạn "tham nhũng học thuật"
Rõ ràng, chỉ cần nhặt ra một vài công trình viết chung, có thể thấy rõ bà Vũ Thị Sao Chi đã vi phạm nghiêm trọng liêm chính học thuật một cách có hệ thống. Bà Chi ngang nhiên cưỡng đoạt thành quả nghiên cứu của nhiều người bằng cách tự tiện xen vào trở thành "đồng tác giả".
Tuy nhiên, câu hỏi lớn hơn đặt ra là vì sao bà Chi lại có thể thực hiện được trót lọt được các vụ việc vị phạm liêm chính học thuật theo kiểu này? Vì sao các tác giả thực sự của chúng không lên tiếng? Phải chăng, bà Chi tự cấp cho mình cái quyền được chèn tên mình vào bài viết của một số nghiên cứu sinh gửi bài cho tạp chí dù cho bà chẳng phải đổ bất cứ một giọt mồ hôi công sức nào nghiên cứu? Cần phải nói rõ bà Chi, với tư cách là Phó TBT Tạp chí Ngôn ngữ, là người nắm trong tay quyết định có duyệt đăng những bài viết kiểu nàyhay không, trong khi nhiều NCS lại cần có bài viết trên tạp chí chuyên ngành để đủ điều kiện bảo vệ luận án chính thức.
Chính cái quyền hành tối thượng này đã khiến cho nhiều bài viết đùng một cái bị thay đổi tác giả.Chỉ với vài ba thao tác biên tập câu chữ, bà Chi "biên tập" luôn cả... tên tác giả bài viết, ngang nhiên cướp đoạt mồ hôi, công sức, trí tuệ của người khác. Đó là một biểu hiện rõ rệt của việc vi phạm liêm chính học thuật .Đối với trường hợp của TS Chi, nó có thể còn ở mức độ cao hơn: đó là vấn nạn tham nhũng trong học thuật.Với quyền điều hành hoạt động của Tạp chí trong tay, TS Sao Chi thản nhiên cưỡng đoạt công sức trí tuệ của nhiều người, vi phạm liêm chính học thuật một cách có hệ thống, làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng và uy tín của Tạp chí Ngôn ngữ.
Xin hỏi, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Viện Ngôn ngữ học còn im lặng đến bao giờ? Thiển nghĩ việc vi phạm liêm chính học thuật của TS Vũ Thị Sao Chi đã rất nghiêm trọng, không thể để kéo dài, cần sớm được xử lý nghiêm, trả lại môi trường trong sạch cho Tạp chí Ngôn ngữ!
Sau đây là đường link để bạn đọc kiểm tra và thấy được sự vi phạm liêm chính học thuật của bà Sao Chi. link
Nguyễn Minh Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét