Thứ Năm, 29 tháng 8, 2019

NHỮNG “TỬ HUYỆT” CỦA “TRUNG HOA MỘNG” ( Phần 1)


Phạm Viết Đào.

Các nhà khoa học đã chứng minh được: vó ngựa của đế quốc Nguyên-Mông sở dĩ tung hoành được từ Á sang Âu, do nhờ yếu tố thời tiết khí hậu tại đất nước này thay đổi. Do khí hậu của đất nước Mông Cổ giai đoạn đó đột nhiên ấm lên, nó đã tác động tích cực vào thiên nhiên - con người đất nước Mông Cổ, tạo nên những phát triển đột biến của hệ sinh thái.
Điều này được phát hiện thông qua việc nghiên cứu các vòng sinh trưởng của các loài cây cổ thụ ngàn năm tuổi tại nước này. Các nhà khoa học đã phát hiện ra: vòng sinh trưởng của cây cối giai đoạn đế quốc Nguyên Mông có sự tăng trưởng đột biến so với các giai đoạn trước và sau do sự tác động của yếu tố khí hậu…Nhờ sự thay đổi khí hậu, quốc gia thảo nguyên mênh mông này trở nên trù phú hơn. Do mưa thuận gió hòa, gia súc sinh sôi nhiều hơn, phát triển mạnh hơn nhờ cây cỏ phát triển…Từ sự phát triển của đồng cỏ, thảo nguyên, đại gia súc…nên Mông Cổ trở nên thịnh vượng…
Từ sự phát minh ra động cơ chạy bằng máy hơi nước, cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ nhất vào đầu thế kỷ XVIII đã biến nước Anh từ một đại công trường thủ công, với nền kinh tế giản đơn, quy mô nhỏ, dựa trên lao động chân tay được thay thế bằng một nền công nghiệp và chế tạo máy móc quy mô lớn.
Từ công nghệ phát triển phục vụ đời sống sản xuất dân sinh, lan sang cả ngành công nghệ quốc phòng. Việc phát triển sản xuất máy bay, tàu chiến tạo điều kiện cho quân đội của đế quốc Anh tràn ra khắp thế giới. Và không chỉ đế quốc Anh, hàng chục quốc gia châu Âu, nhờ vào cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật bùng nổ từ nước Anh, đã trở thành các đế quốc thực dân đưa quân đi xâm chiếm các thuộc địa tại các châu lục khác…

Tóm lại, các đế quốc được hình thành trong tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại khởi nguồn từ những giá trị vượt trội của bản thân đế quốc đó. Do sự đột biến tăng trưởng, đột biến các giá trị do bởi thời tiết, khoa học công nghệ, thể chế chính trị… mà các các đế quốc này bành trướng ra ngoài lãnh thổ nước mình. Việc xuất khẩu nhằm gia tăng thêm giá trị thặng dư, làm giàu có sung túc thêm các giá trị vượt trội của quốc gia mình…Chính Khổng Tử (Trung Quốc) cũng đã từng đúc kết ra định đề: Tu thân - Tề gia - Trị quốc - Bình thiên hạ…
Vào giữa tháng 5/2017, Tập Cận Bình đã đón tiếp 28 vị lãnh đạo nhà nước và chính phủ tới Bắc Kinh, dự một bữa tiệc mang tính “giới thiệu” nhằm chào mừng sáng kiến ​​”Vành đai và Con đường” (BRI)[1]. Đó là chính sách đối ngoại đầy tham vọng của Trung Quốc được bắt đầu vào năm 2013. Chính sách này liên quan đến việc Trung Quốc bảo lãnh vay hàng tỷ đô la để đầu tư cho cơ sở hạ tầng ở các quốc gia dọc theo “Con đường Tơ lụa” cổ. Dự án này sẽ nối liền quốc gia này với châu Âu với mục tiêu đại nghĩa: tạo điều kiện cho sự gia tăng sự giao thương, kích thích sự tăng trưởng kinh tế thế giới. 
Ẩn dấu đằng sau “mục tiêu đại nghĩa”, cộng sự hào phóng mở hầu bao, là âm mưu và tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc. Sáng kiến “Một vành đai một con đường” (BRI) nhằm mục đích biến các chính phủ tiếp nhận tiền của Trung Quốc thành những con nợ của những dự án sử dụng tiền đầu tư, cho vay không hiệu quả. Những quốc gia dính “bẫy cò ke”, tiền đầu tư cho hạ tầng này trở thành miếng mồi của “cái bẫy nợ”, cái bẫy này đã siết cổ các chính phủ, biến nhiều quan chức sở tại thành những kẻ tôi đòi; họ bị khống chế do việc gật gù đồng ý cho Trung Quốc đút tiền vào túi chính phủ mình và bản thân họ…
Vậy Trung Quốc thực chất đã “tề gia - trị quốc…” được tới đâu rồi mà đã vội tung ra chiêu “bình thiên hạ”? Vị trí, vị thế của Trung Quốc đang định vị ở cái tọa độ nào trong bản đồ địa chính trị của thế giới?


       Nội trị rối ren, tăm tối; đối ngoại đầy cuồng vọng
Bức tranh nội trị Trung Quốc được trình bày trong “Báo cáo chính trị…” được Tổng bí thư Tập Cận Bình đọc tại phiên khai mạc Đại hội Đảng CS Trung Quốc lần thứ 19 ngày 18/11/2017. Tại Phần I. CÔNG TÁC 5 NĂM QUA VÀ NHỮNG THAY ĐỔI MANG TÍNH LỊCH SỬ đã đúc kết:
…Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc đã bước vào thời đại mới, mâu thuẫn chủ yếu của xã hội Trung Quốc đã chuyển hóa thành mâu thuẫn giữa nhu cầu ngày càng tăng của nhân dân về một đời sống tốt đẹp với sự phát triển không cân bằng, không đầy đủ. Trung Quốc đã giải quyết ổn định vấn đề ấm no cho hơn 1 tỷ dân; nhìn chung đã thực hiện khá giả và sẽ sớm hoàn thành xây dựng toàn diện xã hội khá giả, nhu cầu về đời sống tốt đẹp của nhân dân ngày càng rộng, không chỉ có những đòi hỏi cao hơn đối với đời sống vật chất văn hóa, mà còn có cả những đòi hỏi ngày càng tăng về dân chủ, pháp trị, công bằng, chính nghĩa, an ninh, môi trường...” (BCTCB - ĐH19 - Bản dịch của VOV)[2] 
Những lời  hoa mỹ trong đoạn trích kể trên thực chất lớp “voan mỏng”, “màn thưa”, lớp hỏa mù che lấp những “tử huyệt” của thể chế XHCN nói chung và cái thế chế XHCN mang màu sắc Trung Quốc nói riêng…Cho dù, trong Báo cáo Tập Cận Bình đã sử dùng những mỹ từ rắn rỏi, đanh thép, bóng lộn và chói lóa: “Toàn Đảng cần tự giác hơn nữa kiên trì nguyên tắc tính Đảng, dũng cảm đối mặt trực tiếp với các vấn đề, dám “nạo xương trị độc”, xóa bỏ mọi nhân tố làm tổn hại đến tính tiên tiến và tính trong sạch của Đảng, loại bỏ tất cả những mầm bệnh gặm nhấm cơ thể mạnh khỏe của Đảng; không ngừng tăng cường năng lực lãnh đạo chính trị, năng lực dẫn dắt tư tưởng, năng lực tổ chức quần chúng, năng lực hiệu triệu xã hội của Đảng; bảo đảm Đảng Cộng sản Trung Quốc mãi mãi tràn đầy sức sống và sức chiến đấu mạnh mẽ.
Cuộc đấu tranh vĩ đại, công trình vĩ đại, sự nghiệp vĩ đại, giấc mơ vĩ đại có mối liên hệ chặt chẽ, xuyên suốt với nhau, thúc đẩy lẫn nhau, trong đó công trình vĩ đại mới xây dựng Đảng có vai trò quyết định. Thúc đẩy công trình vĩ đại cần kết hợp với thực tiễn của cuộc đấu tranh vĩ đại, sự nghiệp vĩ đại, giấc mơ vĩ đại; bảo đảm Đảng luôn đi đầu thời đại trong tiến trình lịch sử với tình hình thế giới biến đổi sâu sắc; luôn là trụ cột của toàn dân trong tiến trình lịch sử ứng phó với các rủi ro và thách thức trong và ngoài nước; luôn là hạt nhân lãnh đạo kiên cường trong tiến trình lịch sử kiên định và phát triển chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc…”
Tất cả những lớp chữ hào nhoáng được các tay “thợ kim hoàn chữ nghĩa” siêu đẳng gọt rũa, mục đích để ngụy trang che dấu khá kỹ cái “hộp đen”: Đảng Cộng Sản Trung Quốc duy trì quyền lãnh đạo tuyệt đối đối với bộ máy nhà nước. Bản thân nội bộ Đảng Cộng Sản Trung Quốc với hết thảy mọi hoạt động từ các ủy viên Bộ Chính trị cho tới toàn bộ bộ máy từ trung ương tới địa phương, từ người già tới trẻ con phải cam kết trung thành với ông Tập Cận Bình.
Mọi hoạt động của cả guồng máy phải chịu sự chi phối bởi từ trường “Tập hạt nhân” với cái “Hộp đen” đó tải chứa bên trong toàn bộ cái “giây chuyền công nghệ - hệ điều hành quản trị” mệnh danh là “CNXH mang màu sắc Trung Quốc”.
Mặc dù ông Tập Cận Bình tuyên bố chủ thuyết của ông không sao chép bất cứ một mô hình nào, nhưng tư tưởng Tập Cận Bình về thực chất là một “nồi lẩu” thập cẩm, một thứ lý luận được chế tác, sao chép từ 3 nguồn: Marx - Mao - Giang…Sự lai ghép này tạo ra một thứ sản phẩm bắt mắt, từa tựa như những chiếc điện thoại, những iphone mang nhãn “made in China” đang bán đầy tại thị trường Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới.
Trong các hoạt động sáng tạo thuộc thượng tầng kiến trúc như văn học - nghệ thuật, triết học, khoa học công nghệ…người ta chỉ ghi nhận, thừa nhận giá trị của các sản phẩm thuộc bản gốc, còn những thứ sao chép dù tinh vi, tinh quái đến đâu cũng đều vô giá trị…
Có đúng mâu thuẫn chủ yếu của XHCN Trung Quốc hiện chỉ còn là loại mâu thuẫn thuộc “phạm trù thẩm mỹ - đạo đức” như Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 19 đã nêu? Phải chăng xã hội Trung Quốc đã đạt tới trình độ giống như thời Nghiêu-Thuấn? Trong cái xã hội đó, Đảng và nhà nước Trung Quốc chỉ còn phải quan tâm, chăm lo, hóa giải những mâu thuẫn thuộc thượng tầng kiến trúc, đó là phạm trù thẩm mỹ - đạo đức, hai cái lõi cốt của văn hóa phát triển?
Vấn đề cơm, áo, gạo, tiền…không còn là vấn đề phải quan tâm nhiều đối với 1,3 tỷ dân trong xã hội Trung Quốc, giai đoạn ông Tập Cận Bình chấp chính? Phải chăng triều đại Tập Cận Bình đã hóa giải, xóa xong những mâu thuẫn gay gắt về quyền, lợi ích giữa các tầng lớp, sắc tộc, vùng miền của xã hội Trung Quốc?
Liệu con số mà BCTCB nêu về lượng người nghèo của Trung Quốc là chưa vượt quá 100 triệu/1,3 tỷ người có đáng tin cậy?
Hiện nay ngay một số nước Bắc Âu, tuy họ đã được coi là họ đã thành công trong việc thiết kế xây dựng được một thế chế dân chủ - xã hội, thế nhưng họ cũng chưa dám tuyên bố đã hóa giải xong các mối xung đột về lợi ích giữa các giai tầng trong xã hội. Thế mà Trung Quốc, một đất nước có trên 1,3 tỷ dân lại tuyên bố trong Diễn văn khai mạc đại hội của Đảng cầm quyền “mâu thuẫn chủ yếu của xã hội Trung Quốc đã chuyển hóa thành mâu thuẫn giữa nhu cầu ngày càng tăng của nhân dân về một đời sống tốt đẹp với sự phát triển không cân bằng, không đầy đủ...”?

Hãy đi vào một số đặc điểm đáng chú ý của cái thể chế này được trình bày trong BCTCB: Tích cực phát triển chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa, quản lý đất nước theo pháp luật toàn diện; việc xây dựng chế độ thống nhất hữu cơ giữa sự lãnh đạo của Đảng, người dân làm chủ và quản lý đất nước theo pháp luật được thúc đẩy toàn diện; cơ chế, thể chế lãnh đạo của Đảng không ngừng hoàn thiện, dân chủ xã hội chủ nghĩa không ngừng phát triển, dân chủ trong Đảng được phát huy rộng rãi; dân chủ hiệp thương xã hội chủ nghĩa được triển khai toàn diện, mặt trận yêu nước thống nhất được củng cố và phát triển; công tác dân tộc, tôn giáo được thúc đẩy một cách sáng tạo. Lập pháp khoa học, chấp pháp nghiêm chỉnh, tư pháp công minh, toàn dân tuân thủ pháp luật được thúc đẩy; việc xây dựng đất nước pháp trị, chính phủ pháp trị, xã hội pháp trị tương hỗ lẫn nhau; hệ thống pháp trị chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc ngày càng hoàn thiện; quan điểm pháp trị trong toàn xã hội được tăng cường rõ rệt…”
Phải chăng xã hội Trung Quốc đã đạt chuẩn phổ cập “hạng người quân tử” trên phạm vi quốc gia? Đó là xã hội mà con người ứng xử với nhau: “Quân tử dụ ư nghĩa, tiểu nhân dụ ư lợi”; (Quân tử hiểu rõ chưng nghĩa, tiểu nhân hiểu rõ chưng lợi - Luận Ngữ: Lý Nhân, IV); “Quân tử thành nhân chi mỹ, bất thành nhân chi ác; tiểu nhân phản thị”; (Quân tử gây thành cái hay cho người ta, không gây thành cái ác cho người ta; tiểu nhân không thế - LuậnNgữ: Nhan Uyên, XII); Quân tử thực vô cầu bão, cư vô cầu an, mẫn vu sự nhi thận vu ngôn” (Người quân tử ăn không cầu no, ở không cầu an ổn, chăm làm mà cẩn trọng trong lời nói -Luận Ngữ – Học Nhi)
Chúng ta hãy thử đi sâu, bàn luận một số khái niệm được BCTCB nêu:
Có nhà lãnh đạo nào mà chỉ lãnh đạo chung chung mà không quản lý, làm chủ cái giây chuyền công nghệ do mình lắp đặt vận hành?
Có nhà quản lý nào mà lại chỉ quản lý chung chung không biết gì về lãnh đạo và làm chủ?
Có ông chủ nào mà cũng lại làm chủ trên giấy tờ, khẩu hiệu không quản lý, quản trị cái dây chuyền công nghệ đó?
Cái dây chuyền công nghệ suy tôn cả ba chủ thể trên, về thực chất là một thứ “bánh vẽ” bởi sự phi lý lộ ra ở cái trật tự không tưởng: Tất cả đều là “ông chủ” thì ai là lính, ai là thợ?
Dây chuyền công nghệ Bắc Âu và ở các nước công nghiệp phát triển không phải không phát sinh loại mâu thuẫn xung đột về lợi ích, công năng giữa các giai tầng, vị trí trong quá trình vận hành. Nhưng hệ điều hành của mô hình xã hội dân chủ này đã hóa giải các mâu thuẫn đó không theo quy trình tùy thuộc vào ý chí của một đảng độc tôn lãnh đạo, ý chí của một đảng nắm toàn bộ binh quyền trong tay…
Thị trường XHCN dân chủ Bắc Âu bằng sự đa nguyên chính trị, bằng một nền chính trị luôn chịu sự tác động của sự cạnh tranh và đào thải thường trực, chọn lọc tự nhiên…Đảng CS Trung Quốc không tìm cách thuyết phục, quy phục sự đồng thuận của quảng đại người dân bằng các lý tưởng, cương lĩnh và chương trình hành động khoa học, tân tiến mà lại tìm cách pha trộn theo lối lẩu. Đó là món ăn đặc sản có nguồn gốc Trung Quốc: chủ nghĩa Marx - Lê Nin, tư tưởng Mao Trạch Đông, thuyết ba đại diện và tư tưởng “Đảng nắm binh quyền” đã làm nên chủ thuyết Tập Cận Bình..
Tất cả mớ hỏa mù đó của chủ thuyết lại được đặt cược, được thăng hoa dựa vào cái nền tảng nghe sướng tai hơn nhạc bolero, gọi là “giấc mộng Trung Hoa” đầy huyễn hoặc, mông lung…
Ước mơ vốn dĩ là một trong những khát vọng, đặc quyền thuộc tính người. Nhờ giấc mơ mà đôi khi con người trở nên thánh thiện hơn, trách nhiệm hơn với mình với xã hội, với những người thân cạnh mình và dám hy sinh những quyền lợi trước mắt, thiển cận…
Giấc mơ, ước mơ thường là những điều con người ta thường hướng tới những điều vượt qua khả năng thường ngày. Tỷ như một người chỉ có khả năng kiếm tiền hàng tháng có mức thu nhập toàn gia ở mức 10-20 triệu đồng và mơ ước có ngày sẽ có biệt thự, xe ôtô sang đi làm…
Giấc mơ đó rất có thể sẽ có ngày trở thành hiện thực may nhờ một sự run rủi nào đó của số phận, tỷ dụ: bỗng dưng anh ta trúng số độc đắc, trúng xổ số lô tô hay trúng lô đề chẳng hạn; hay có người bà con nước ngoài bỗng dưng nhớ tới chuyển cho 1 khoản tiền…
Chúng ta thường nghe nói tới “giấc mơ Mỹ”. Đó là khái niệm đưa ra bởi các cư dân không sống trên lãnh thổ nước Mỹ mà của những người ở ngoài nước Mỹ. Còn bản thân đời sống thường nhật của người dân Mỹ, xã hội Mỹ không được lập trình, kiến tạo bằng “thể chế giấc mơ” mà trên nền tảng của các giá trị được xác lập trong Tuyên ngôn độc lập năm 1776 từng được ông Hồ Chí Minh trích dẫn trong Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam đọc ngày 2/9/1945: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúcLời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do…”
Bản thân người dân Mỹ từ tổng thống đến người dân, từ người thợ đến các nhà tư bản, họ lập trình việc làm ăn, sinh sống, phát triển tài sản…không dựa vào các giấc mơ, các ảo vọng mà họ dựa vào một thể chế được luật hóa bằng Hiến pháp 1787, một bộ hiến pháp được đánh giá là tiến bộ, khoa học và không bị sửa từ khi ra đời đến nay.
Những người lập trình cuộc đời mình dựa vào nền tảng các giấc mơ, thường là dân chơi lô đề, xổ số, lô tô…Do vậy nên họ thường chăm cầu cúng đền chùa, hương khói tổ tiên để sớm được sự phù trợ của số phận để giấc mơ sớm thành hiện thực…
Xưa nay, người ta chỉ có thể để cập tới “thiết chế giấc mơ”, lập trình thiết chế này cho mỗi cá nhân, cho gia đình. Ngay đối với một dòng tộc độ dăm bảy trăm nóc nhà cũng ít ai dám tìm cách nuôi dưỡng giấc mơ, thiết kế “giấc mơ vĩ đại”…
Điều ngạc nhiên, Đảng Cộng Sản Trung Quốc, một đảng duy vật, một đảng vẫn tôn thờ chủ nghĩa Marx - Lê lại thiết kế một đường lối, cương lĩnh chính trị dựa trên nền tảng giấc mơ, “giấc mộng Trung Hoa”…
Trong một số cộng đồng xã hội, tại nhiều quốc gia nghèo khổ nhiều người hay nói tới “giấc mơ Mỹ”, nhưng đó là giấc mơ dành cho cá nhân. Để có thể đạt được giấc mơ Mỹ, nhiều gia đình tại nhiều nước đã dồn tiền của cho con học giỏi để tìm cách vào học, có học bổng tại các trường danh tiếng Mỹ. Để rồi ra trường, tìm được công ăn việc làm tại Mỹ, có được thẻ xanh để bảo lãnh được người thân sang Mỹ để có được suất trợ cấp thất nghiệp…Không có một quốc gia nào định hướng cho mình đạt giấc mơ Mỹ, tìm cách sát nhập, hòa đồng, xin cấp thẻ xanh cho cả quốc gia mình nhằm đạt “giấc mơ Mỹ”…
Thế mà, tại diễn đàn Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 19, thế giới bỗng nghe thấy cái cương lĩnh, thiết chế “giấc mơ Trung Hoa” được công bố, quảng bá cho cả một quốc gia có trên 1,3 tỷ dân…
P.V.Đ.
( Còn nữa...) 

Rút từ Biên khảo:

" VỊ XUYÊN & THẾ SỰ VIỆT-TRUNG"
Biên khảo gồm các chương mục chính:
-Phần một: "VỊ XUYÊN KHÚC CA BI TRÁNG"-250 trang
Gồm nhiều bút ký, hồi ức, nhật ký, ghi chép của nhiều CCB từng chiến đấu
tại chiến trường Vị Xuyên giai đoạn 1979-1991
-Phần thứ hai: "TƯ LIỆU-PHÓNG SỰ - ĐIỀU TRA"-260 trang
Nhiều thông tin bình luận, điều tra của chuyên gia  trong và ngoài nước viết
về cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược của Việt Nam...
- Phần thứ ba: "THẾ SỰ VIỆT - TRUNG"
Bình luận-nhận định-đánh giá về quan hệ Thế sự-Việt Trung...
Biên khảo dày gần 800 trang...
Liên hệ chia sẻ qua email: Hoanghtham9@gmail.com
ĐT: 0382598746






[1] BRI: Belt and Road initiative: Sáng kiến Vành đai và con đường ( BRI ), còn được gọi là Một Vành đai Một con đường ( OBOR : One Belt One Road ) là một chiến lược phát triển được chính phủ Trung Quốc áp dụng liên quan đến đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng tại 152 quốc gia và các tổ chức quốc tế ở Châu Âu , Châu Á , Trung Đông, Châu Mỹ Latinh và Châu Phi. (Wikipedia)
[2]BCTCB - ĐH19 - Bản dịch của VOV: Báo cáo Tập Cận Bình – Đại Hội 19 – Bản dịch của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV- Voice of Vietnam). Từ sau đây gọi là “BCTCB


Không có nhận xét nào: