Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2019

Phạm Trần - Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Trung Quốc vào Tư Chính là để thách đố Mỹ và Việt Nam

Lời giới thiệu : Trung Quốc đã bất chấp luật pháp Quốc tế để đem tầu Hải Dương 8 vào thăm dò dầu khí bên trong vùng Đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam ở khu vực bãi Tư Chính, cách Vũng Tầu khoảng 370 cây số về hướng Đông nam, từ ngày 03/07/2019
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Trung Quốc vào Tư Chính là để thách đố Mỹ và Việt Nam

Việt Nam đã khẳng định chủ quyền vùng biển này và đòi Trung Quốc rút lui, nhưng Trung Quốc vẫn ở lại và còn quả quyết đây là lãnh thổ của họ.
Vậy Hoa Kỳ, cường quốc số một Thế giới, đang đứng ở đâu trong cuộc tranh chấp này, và liệu chính quyền Donal Trump có sẵn sàng đối đầu với Bắc Kinh ở Biển Đông ?

Để trả lời cho câu hỏi này và vì sao đã không có biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam, xin mời bạn đọc theo dõi toàn văn bài Phỏng vấn của tôi với Giáo sư ngoại hạng (Professor Emeritus), Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng, người từng giảng dậy nhiều năm về Quan hệ Quốc tế tại Đại học George Mason, gần Thủ đô Hoa Thịnh Đốn.


Giáo sư Hùng là Học giả cao cấp bất thường trú của Trung tâm nghiên cứu Chiến lươc và quan hệ Quốc tế ở Washington, D.C. (Center for Strategic and International Studies, CSIS). Ngoài ra ông còn là Học giả vãng lai hai niên khóa 2015-2016 tại viện nghiên cứu nổi tiếng ISEAS-Yusof Ishak Institute, Tân Gia Ba.
Các bài nghiên cứu của ông, phần lớn về Á Châu và Đông Nam Á được đăng trên các Tạp chí chuyên môn (professional journals) như World Affairs, Asian Survey, Pacific Affairs, Global Asia, The Diplomat, Asia Pacific Bulletin và CogitAsia.

***********

Sau đây là toàn văn Bài Phỏng vấn:

TẠI SAO TƯ CHÍNH ?

H: Thưa Giáo sư, tại sao Trung Quốc chọn vùng biển bãi Tư Chính mà không phải nơi khác để tìm kiếm dầu khí vào thời điểm này?
Đ: Trung Quốc đưa tầu thăm dò địa chất Hải Dương 8 vào vùng biển bãi Tư Chính với mục đích áp lực không cho Việt Nam khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và áp đặt chủ quyền của Trung Quốc trên vùng biển nằm trong đường lưỡi Bò của Trung Quốc, một đòi hỏi căn cứ trên lịch sử sai lầm (theo Bill Hayton của viện nghiên cứu Chatham House) và trái với luật quốc tế (Luật Biển 1982 và phán quyết của Tòa án Trọng tài Thuờng trực Quốc tế năm 2016).

(Chú thích: Hình lưỡi Bò,còn được gọi là Đường 9 đoạn, chiếm ¾ của diện tích 3.447.000 cây số vuông Biển Đông).

Trong liền hai năm, 2017 và 2018, Trung Quốc đã thành cộng trong áp lực không cho Việt Nam khai thác dầu khí ở hai lô (lô 136/03 và 07/03) thuộc vùng biển bãi Tư Chính. Lần này, Việt Nam khởi động khoan dầu ở một lô khác, lô 06/01, cũng trong vùng biển bãi Tư Chính nên Trung Quốc lại tìm cách ngặn chặn.

H: Việc Trung Quốc đem tầu thăm dò dầu khí Hải Dương 8 vào bên trong vùng đặc quyền kinh tế 200 Hải lý của Việt Nam có ý nghĩa chính trị và địa lý như thế nào đối với tham vọng chủ quyền Biển Đông của Bắc Kinh?

Đ: Trung Quốc muốn áp đặt chủ quyền của mình và khai thác tài nguyên trên vùng biển trong đường lưỡi Bò bằng chính sách “tầm ăn dâu.” Sau khi đã đặt được chân đứng trong quần đảo Trường Sa, Trung Quốc bắt đầu xây 7 đảo nhân tạo của họ từ năm 2014. Sau đó, với việc cải tạo bồi đắp và quân sự hóa đá Chữ Thập, bãi Vành Khăn và bãi Xu Bi năm 2017 Trung Quốc đã đạt được thế thượng phong để áp dụng chiến thuật mà giáo sư Carl Thayer gọi là “chiến thuật vùng xám” (grey zone tactics) phối hơp các phương tiện chính trị, kinh tế và quân sự, đặc biệt là dùng các tầu đánh cá dân sự được hỗ trợ bởi các tầu Hải giám và lực lượng Dân quân biển để biến vùng biển thuộc chủ quyền các nước khác thành vùng tranh chấp. Trung Quốc đã làm việc ấy đối với Philippines ở vùng biển đảo Thị Tứ hồi tháng 3, với Malaysia ở vùng biển đảo bãi Luconia hồi tháng 5, và với Việt Nam bây giờ.


H: Ông lý giải ra sao về việc Bộ Ngoại giao Việt Nam phải đợi cho đến ngày 19/07 (2019), tức sau 16 ngày sau khi Trung Quốc đem tầu tìm dầu và các tầu có võ trang hộ tống vào vùng Tư Chính hoạt động (từ ngày 03/07/019), mới chính thức lên án Trung Quốc “vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông” và “yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam” ?

Đ: Việt Nam bắt đầu khoan dầu tử tháng 5. Đầu tháng 7 Trung Quốc mới đưa tầu Hải Dương 8 đến khảo sát địa chất. Hai bên vờn nhau cả tuần nhưng không bên nào cộng bố vì không muốn làm lớn chuyện. Cho đến khi Việt Nam thấy cần cộng khai lên tiếng chỉ trích Trung Quốc “vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam”, và đòi Trung Quốc rút toàn bộ tầu ra khỏi vùng này. Đó là tiến trình tự nhiên, theo thứ tự thời gian.

TỪ HẢI DƯƠNG 981 ĐẾN HẢI DƯƠNG 8

H: Nếu so với vụ Trung Quốc đem tầu Hải Dương 981 vào thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam năm 2014 (từ ngày 01 tháng 52014 - 16 tháng 72014) thì Giáo sư đánh giá vụ Hải Dương 8 vào vùng Tư Chính năm 2019 có mức độ nghiêm trọng như thế nào ?


Đ: Sự kiện năm 2014 nghiêm trọng hơn. Năm ấy, tầu HYSY 981 được khoảng 100 tầu lớn nhỏ của Trung Quốc bảo vệ trong số đó có 7 tầu quân sự; tầu hai bên xô xát và bắn nước vào nhau dữ dội, cộng thêm với các cuộc biểu tình và bạo động ở trên đất liền. Lần này, tầu Hải Dương 8 lúc đầu chỉ được hai tầu hải giám hộ tống, Ngoài ra, lần này việc khoan dầu được Việt Nam trao phó cho cộng ty Rosneft, một cộng ty mà chính phủ Nga là một cổ đông. Và thế của Rosneft mạnh hơn thế của công ty tư nhân Repsol của Tây Ban Nha.

H: Khi xẩy ra vụ Hải Dương 981, người Việt Nam cả trong và ngoài nước, kể cả giới trí thức, không phân biệt chế độ chính trị, đã lên tiếng phản đối Trung Quốc. Nhiều cuộc biểu tình chống các Cộng ty của Trung Quốc cũng đã xẩy ra ở Việt Nam. Ngược lại, năm nay (2019) người dân đã không có phản ứng như thế sau vụ Tư Chính.

Giáo sư nghĩ sao về sự kiện này? Chẳng lẽ tinh thần “bài Trung”, trước hiểm họa chủ quyền lãnh thổ và biển đảo bị mất vào tay Bắc Kinh đã mờ nhạt trong tâm trí người Việt? Hay là vì bị Chính quyền đàn áp trong các vụ biểu tình chống Tầu trong qúa khứ mà người dân đã làm ngơ, mặc cho nhà nước lo?

Đ: Không phải không có chỉ trích chính quyền, nhưng biểu tình lớn thì không có. Mệt mỏi và chán nản như ông nghĩ cũng có lý. Ngoài ra, có thể có nhiều lý do khác:
Thứ nhất, cuộc khủng hoảng lần này không nghiêm trọng bằng lần trước.

Thư hai, chính quyền Việt Nam đã học được bài học và kinh nghiệm đối phó với Trung Quốc cũng như đối với ngươi dân. Lần này, họ công khai chống đôi Trung Quốc. Họ nêu đích danh Trung Quốc để chỉ tr ích trước thế giới và trên diễn đàn khu vực ASEAN chứ không còn phải nấp sau từ “tầu lạ” hay “hũu nghị viển vông.”

Thư ba, nội bộ đảng Cộng sản không chia rẽ trầm trọng như 5 năm trước để người ngoài có thể dễ khai thác.

Thứ tư, một số nhân vật có quá khứ cách mạng và uy tín có thể gây cảm hứng và làm lá chắn cho các cuộc biểu tình hoặc đã qua đời hoăc quá già.

Thư năm, trong thởi điểm này không có các c ông ty Trung Quốc ở Việt Nam có hành động gây căm phẫn biến họ thành cái đích rõ rệt để chống đối và bạo động.

MỸ VÀ BIỂN ĐÔNG

H: Vào ngày 20/7 (2019) vừa qua, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ (MORGAN ORTAGUS) đã đưa ra lời tuyên bố lên án hành động của Trung Quốc trong vụ Tư Chính, có lợi cho lập trường ở Biển Đông của Việt Nam. Giáo sư có nghĩ rằng khi Chính quyền Mỹ lên tiếng như thế là họ muốn kéo Việt Nam ra khỏi qũy đạo của Trung Quốc, hay vì lý do nào khác?

Đ: Với tuyên bố ấy, họ vừa chỉ trích và răn đe Trung Quốc vừa hỗ trợ lập trường của Việt Nam đồng thời khuyến khích Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á mạnh dạn chống sự bắt nạt và cưỡng chế của Trung Quốc. Trươc đó, tháng 10 năm ngoái trong một cuộc phỏng vấn với Hugh Hewitt khi còn là cố vấn an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, John Bolton coi việc Trung Quốc quấy nhiễu tầu tuần tra của Mỹ ở Biển Đông là hành động“nguy hiểm,” và khẳng định Hoa Kỳ không chấp nhận để Trung Quốc biến vùng này thành “một tỉnh của Trung Quốc.” Ông còn tuyên bố “chúng tôi sẽ tim cách khai thác thêm các tài nguyên khoáng sản ở Biển Đông dù có hay không có sự hợp tác của Trung Quốc.”

Đối với Việt Nam, dự án khai thác dầu khí Cá Voi Xanh ở lô 118, cách Việt Nam 88 cây số và nằm ngoài đường lưỡi bò, sẽ là thử nghiệm xem lời nói của Hoa Kỳ có đi đôi vơi việc làm hay không. Từ tháng 3 năm 2017, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn ExxonMobil của Mỹ đã ký kết thỏa thuận hơp tác trong dư án mỏ khí Cá Voi Xanh. Năm tháng sau, Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc thúc dục ExxonMobil “chính thức khởi động” dự án này để đánh dấu thời điểm lịch sử khi Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump thăm Việt Nam và dự Hội nghị Thương Đỉnh Họp tác Kinh tế Á châu Thài Binh Dương (APEC) vào tháng 11 năm 2017 (tại Đà Nẵng). Lúc ấy cựu Chủ Tịch ExxonMobil ( Rex W. Tillerson) đang là Ngoại trưởng Hoa Kỳ nhưng tập đoàn này không nhúc nhích. Phải đợi một ngày sau khi hội nghị bắt đầu, đương kim chủ tịch của tập đoàn Exxon Mobil mới thông báo dư án sẽ hoàn thành “thủ tục ban đầu vào cuối năm nay (2017), và năm 2018 sẽ chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật cần thiết. Đến 2019, dư án sẽ đưa vào khai thác mỏ này.” Chỉ còn 4 tháng là hết năm 2019. Thử xem Hoa Kỳ sẽ làm gì để hỗ trợ cam kết của ExxonMobil.

H: Xin Giáo sư đánh giá chính sách ở Biển Đông của Chính quyền Trump trước sự bành trướng ảnh hưởng kinh tế và quân sự của Trung Quốc ở Á Châu-Thái Bình Dương dưới thời Tập Cận Bình?

Đ: Mỹ muốn đóng vai trò trội yếu và không muốn Trung Quốc độc chiếm Biển Đông. Để thực hiện mục tiêu này, chính quyền Obama (năm 2008) đưa ra chính sách “xoay trục” về Á châu Thái Bình Dương được hỗ trợ bằng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP, Trans-Pacific Partnership), tái phối trí lực lượng quân sự từ Trung Đông sang Á châu, tăng cường hợp tác chiến lược với các đối tác Á châu, và các cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải. Chính quyền Trump đưa ra chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương nhằm lôi kéo Ấn Độ vào chính sách ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc và muốn có cái tên khác với tên do chính quyền Obama đặt ra.

Ngay từ đầu, chính sách này vấp phải hai điều bất lợi. Việc đơn phương rút khỏi hiệp định TPP khiến Hoa Kỳ mất một đòn bẩy kinh tế của chiến lược quân sự đồng thời làm xói mòn lòng tin của các đồng minh và đối tác của mình về quyết tâm và khả năng giúp họ chống lại sức ép của Trung Quốc. Hành động này tạo khoảng trống giúp Trung Quốc cơ hội khai thác vai trò lãnh đạo kinh tế khu vực của mình với chủ trương thương mại tư do và kế hoạch “một vòng đai, một con đường” nối liền Á châu với Âu Châu và Phi Châu mà trung tâm là Trung Quốc. Ngoài ra, việc Trung Quốc thành công trong việc cải tạo bồi đắp và quân sự hóa tam giác đá Chữ Thập-bãi Vành Khăn-bãi Xu Bi đã tạo được thế thượng phong chiến lược của Trung Quốc trong vùng biển này khiến Tư Lệnh Lực Lượng Thái Binh Dương của Mỹ, Đô đốc Philip Davidson phải kết luận rằng “Ngày nay, Trung Quốc có khả năng kiểm soát Biển Đông trong mọi tình huống trừ khi có chiến tranh với Hoa Kỳ.”

Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương là một chiến lươc mà nội hàm đang được khai triển nên phải theo dõi kỹ. Có những điểm cần để ý sau đây:

Thứ nhất, vì kinh nghiệm và khả năng cá nhân, Tổng Thống Donald Trump quan tâm đến quyền lợi kinh tế, đến việc buôn bán và đổi chác (making deals) hơn là quan tâm chiến lược.

Thứ hai, hầu hết các tuyên bố cứng rắn đố với Trung Quốc từ phía Hoa Kỳ đều do giới quân sự phát biểu, nhưng vị Tổng tư lệnh tối cao của họ lại tập trung vào việc chỉ trích Trung Quốc về chính sách kinh tế trong khi vẫn ve vuốt, khen ngợi Chủ tich Trung Quốc Tập Cận Bình, ngay cả cách ông này đối phó với cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hồng Kông.

Gần đây, nhất là sau vụ bãi Tư Chính, có một số thay đổi trong các tuyên bố của Mỹ. Bên ngoài thì, cùng với bộ Quốc phòng, cả bộ Ngoại Giao và Quốc Hội Mỹ đều nhập cuộc, lên án hành động “bắt nạt” của Trung Quốc ở Biển Đông. Bên trong Nhà Trắng, một số cố vấn Tổng Thống, như đại diện thuơng mại Robert Lighthizer và cố vấn thương mại Peter Navarro đều có thái độ cứng rắn với Trung Quốc.

Thư Ba, hành động đơn phương, và đôi khi dường như bất nhất của Tổng Thống Trump làm xói mòn lòng tin và, do đó, sự hợp tác chân thành của các đồng minh và đối tác của Mỹ trong việc đối phó với Trung Quốc.

Thư tư, quan hệ đặc biệt của Tổng Thống Trump với lãnh đạo Do Thái và Á Rập cuốn Mỹ vào tranh chấp với Iran. Nếu Mỹ bị sa lầy ở Trung Đông thì chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương khó có thể thực hiện đến nơi đến chốn.

Thư năm, trước áp lực của giới tư bản và nông dân Mỹ bị thiệt hại vì cuộc “chiên tranh thương mại” Mỹ-Trung và vì nhu cầu tranh cử năm 2020, chính quyền Trump cần một nhân nhượng của Trung Quốc để có một cái gọi là thắng lợ ngoại giao, Tổng Thống Trump có thể đổi chác để bám lấy thị trường Trung Quốc. Đổi chác ấy, nếu có, sẽ thiệt hại cho ai?

NGA-ASEAN-BIỂN ĐÔNG

H: Nước Nga trong thời đại của Vladimir Putin có tạo được ảnh hưởng gì với Mỹ, Trung Quốc và ASEAN trong nỗ lực giải quyết tranh chấp ở Biển Đông?

Đ: Sức mạnh quân sự và kinh tế của Nga thua xa Mỹ. Putin chỉ có khả năng làm kẻ phá bĩnh (a spoiler), gây khó khăn cho Mỹ ở cả Á châu và Âu châu. Đối với Biển Đông, vì mối quan hệ đặc biệt với cả Trung Quốc và Việt Nam, Putin, có thể giúp Việt Nam tăng cường khả năng quân sự, và nếu Trung Quốc đồng ý, có thể đóng vai trò con thoi, can gián, và làm trung gian hòa giài giữa Việt Nam và Trung Quốc

H: Thưa Giáo sư, tôi không thấy có nước nào trong khối ASEAN 10 quốc gia lên tiếng về vụ Tư Chính của Việt Nam. Tại sao?

Đ: Chỉ trích Trung Quốc thì có, nhưng họ chỉ nói đến sự xâm phạm của Trung Quốc tới vùng biển của họ, như Phi luật Tân đối với vùng biển đảo Thị Tứ (tháng 3) và bãi Scarborough (tháng 7), Malaysia với vùng biển bãi Luconia (tháng 5), chứ không lên án Trung Quốc về vụ bãi Tư Chính. Ngay cả thông cáo chung ngày 31 tháng 7 của ASEAN cũng chẳng đả động đến vụ bãi Tư Chính, chẳng chỉ đích danh Trung Quốc mà chỉ nói mù mờ về “những sự cố nghiêm trọng đang diễn ra trên Biển Đông”. Đó là thái độ “cháy nhà hàng xóm bình chân như vại,” nghi ngờ quyết tâm bảo vệ của Mỹ, không muốn làm mếch lòng Trung Quốc với hy vọng được nươc này ban riêng cho một nhượng bộ nào đó.

Riêng Phi luật Tân, Tổng Thông Rodrigo Duterte đã nói rõ ông không tin vào cam kết của Mỹ dù họ đã ký hiệp ước phòng thủ chung với Phi, vì thế Phi phải hòa hoãn với Trung Quốc. Ông tuyên bố một mình Phi không đánh nổi Trung Quốc, và thách thức nếu Hoa Kỳ thực sự muôn đẩy Trung Quốc ra khỏi Biển Đông thì hãy “đưa toàn thể Hạm đội 7 vào Biển Đông.” Lúc ấy Phi” sẽ theo ngay sau lưng Hoa Kỳ” và còn hô hào đánh bom tan nát hạm đội Trung Quốc.

Nói tóm lại, quyền lợi ích kỷ, áp lực và chính sách chia để trị của Trung Quốc cùng với sự nghi ngờ về khả năng và quyết tâm của Hoa Kỳ khiến cho các quốc gia trong khối ASEAN không dám bênh nhau để cùng đương đầu vơi Trung Quốc. -/-

Phạm Trần

Không có nhận xét nào: