Tàu thám hiểm "Hải Dương Địa Chất 8" của Cục Khảo sát Địa chất Trung Quốc (Ảnh: China Geological Survey)
Hơn một tháng kể từ khi đàn tàu của ‘đảng anh’ Trung Quốc xâm nhập Bãi Tư Chính như vào chốn vô chủ quyền kèm một cái tát nổ đom đóm, Bộ Chính trị ‘đảng em’ ở Việt Nam vẫn nằm nguyên trong cơn ác mộng giữa ban ngày mang tên ‘Cô đơn chiến lược’.
‘Cô đơn chiến lược’
Bất chấp giới chóp bu Việt Nam luôn ‘tự sướng’ về việc thủ đến chẵn một tá “đối tác chiến lược” trong túi, cho tới giờ này vẫn không một quốc gia nào có quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam chịu lên tiếng hỗ trợ chính thể này phản đối Trung Quốc.
Hy vọng ban đầu về phản ứng của Tây Ban Nha - một trong số các đối tác chiến lược của Việt Nam và là nạn nhân gián tiếp của Trung Quốc khi Repsol, công ty Tây Ban Nha là đối tác liên doanh khai thác dầu khí với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, bị tàu Trung Quốc vây bọc và gây sức ép đến hai lần tại Bãi Tư Chính vào tháng 7 năm 2017 và tháng 3 năm 2018 để buộc tập đoàn phải rút lui khỏi mỏ Cá Rồng Đỏ, đã hầu như tan vỡ. Không những Repsol phải cuốn cờ tháo lui khỏi những lô dầu khí màu mỡ chưa kịp khai thác và còn muốn bắt đền phía Việt Nam gần 300 triệu USD mà tập đoàn này đã ứng ra để thăm dò dầu khí, mà cả triều đình Madrid cũng lặng tăm trước Bắc Kinh.
Còn nước Nga - kênh quan hệ được xem là ‘truyền thống’ từ thời Xô viết với Việt Nam - thì sao?
Cho tới lúc này, Nhà nước Cộng hòa liên bang Nga vẫn chưa có bất kỳ một phản ứng công khai nào - dù thể hiện qua kênh ngoại giao hay kênh báo chí - đối với vụ Trung Quốc gia tăng áp lực ‘tống tiền’ tại mỏ dầu khí Lan Đỏ ở vùng biển đông nam Việt Nam, cho dù Lan Đỏ là dự án liên doanh giữa VietsoPetro của Việt Nam và Tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga, mà Rosneft là tập đoàn có cổ đông chính là chính phủ Nga.
Nếu Putin và Tập Cận Bình đã hoặc sẽ thỏa thuận được với nhau một lợi ích hoặc một điểm chung chính trị nào đó lớn hơn hẳn lợi nhuận từ mỏ Lan Đỏ, mà điều này thì rất dễ xảy ra, tương lai sẽ sập cửa trước Rosneft để tập đoàn này cũng sẽ phải cuốn cờ tháo chạy khỏi vùng chủ quyền Việt Nam như Repsol đã từng như thế.
Trong khi đó, điều trớ trêu đến tận cùng bi hài là Trung Quốc - vốn được giới chóp bu Việt Nam tụng ca như ‘đối tác chiến lược toàn diện quan trọng nhất’ - lại là con sói duy nhất luôn hăm he phanh xác con cừu Hà Nội.
Con cừu ấy đã phải chịu nhục tại Bãi Tư Chính đến lần thứ ba. Trong vòng 3 năm liên tiếp.
Trong hai lần tàu Trung Quốc vây bọc và gây sức ép tại Bãi Tư Chính vào tháng 7 năm 2017 và tháng 3 năm 2018 để buộc Repsol phải rút lui khỏi mỏ Cá Rồng Đỏ, đã hầu như chẳng thấy ‘người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam’ vung tay về phương Bắc, dù chỉ để ấp úng ‘phản đối’ như một lối đọc vẹt chẳng cần tới sách vở.
Vào thời gian trên, cho dù có muốn loan tải những thông tin trên kèm theo thái độ phẫn nộ, một số tờ báo nhà nước cũng bị Ban Tuyên giáo trung ương – cơ quan nổi tiếng với biệt danh “vòng kim cô” – cấm cản. Chính thể độc đảng ở Việt Nam đã giấu biệt thông tin được coi là quá sức nhạy cảm này và như co rúm trong nỗi sợ hãi của lịch sử “ngàn năm Bắc thuộc” lẫn và hiện tại “mười sáu chữ vàng”.
Nhớ lại 2014 là năm tung tóe vụ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xông thẳng vào vùng lãnh hải Việt Nam như chốn không người và như một cú vỗ mặt nảy đom đóm vào Bộ Chính trị Việt Nam. Trong cuộc khủng hoảng mang tên “Hải Dương 981” kéo dài từ tháng Năm đến tháng Bảy năm 2014, hầu hết các “đối tác chiến lược” của Việt Nam, kể cả nước Nga của Putin, đều thờ ơ hoặc quay lưng khi Việt Nam bị uy hiếp. Thế nhưng sau đó, giới chóp bu Việt Nam vẫn chưa tỉnh ngộ về thực chất “bạn vàng” là thế nào và vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách “đu dây chính trị” cho tới khi “té lộn đầu” trong ba lần khủng hoảng Bãi Tư Chính năm 2017, 2018 và 2019. Từ đó đến nay, đã không có bất kỳ một văn bản nào của Bộ Chính trị hay nghị quyết nào của Quốc Hội Việt Nam lên án hành vi xâm phạm của Trung Quốc.
Cũng từ đó đến nay, giới chóp bu Việt Nam chưa bao giờ cô đơn đến thế trên trường quốc tế, dù Việt Nam đã thủ đến chẵn một tá “đối tác chiến lược” trong túi, kể cả một “đối tác chiến lược” khác là Đức mà Việt Nam đã bị quốc gia này “tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam” ngay sau việc Nhà nước Đức cáo buộc mật vụ Việt Nam bắt cóc một nghi phạm kinh tế là Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin vào tháng Bảy năm 2017.
Ngay cả khi Việt Nam được đặt vào ghế ‘thành viên không thường trực của Hội đống bảo an Liên hiệp quốc’ vào năm 2019…
Không còn cách nào khác, tình trạng cô đơn cùng cực trên trường quốc tế cùng trạng thái mất ngủ lẫn mất ăn dầu khí đã khiến chính thể độc đảng ở Việt Nam phải tiến tới quyết định ‘bám Mỹ’, dù có muộn màng.
Ươn hèn mãn tính
Tháng 7 năm 2019, Hoa Kỳ đã trở thành quốc gia đầu tiên lên tiếng gián tiếp ủng hộ Việt Nam trong vụ Bãi Tư Chính, dù quốc gia này vẫn chưa phải là ‘đối tác chiến lược’ của Việt Nam.
Nhưng từ đó đến nay, người Mỹ vẫn không có động thái quân sự thực chất nào để ‘dằn mặt’ Trung Quốc tại khu vực Bãi Tư Chính. Hành động mới nhất của Washington là điều hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan - chạy bằng năng lượng hạt nhân của Hạm đội 7 Hoa Kỳ, với sức chứa lên đến hơn 70 máy bay phản lực siêu thanh F18, trực thăng và máy bay trinh sát - tới Biển Đông vào ngày 6/8/2019. Tuy nhiên chưa có gì chắc chắn là hàng không mẫu hạm này sẽ trực tiếp can thiệp hay có một tác động nào đó tới Bãi Tư Chính nếu đối chiếu với yêu cầu can thiệp sâu hơn nhiều của chế độ bị xem là ‘hèn với giặc, ác với dân’.
Hiện tượng trên là khá trái ngược với những năm gần đây khi, Mỹ không chỉ phản ứng bằng hành động ngoại giao mà còn cho máy bay chiến đấu và tàu chiến tuần tiễu, tàu khu trục vào vùng biển và không gian Biển Đông để răn đe hoạt động cường bá của Trung Quốc.
Vì sao vào lần này Mỹ có vẻ thay đổi thái độ mà không hoặc chưa có những hành đông cụ thể hỗ trợ Việt Nam?
Chung quy cũng tại thói du dây trả treo của Hà Nội.
Cho đến tận lúc này, não trạng ngả ngớn đu lắc và õng ẹo đu dây chính trị vẫn bị nén chặt trong những cái đầu bí bách và bế tắc của giới chóp bu Việt Nam. Não trạng luôn duy trì hy vọng đầy ảo tưởng vào tình cảm ‘bốn tốt’ và ‘mười sáu chữ vàng’ với Bắc Kinh đã dẫn đến hậu quả là cho đến nay, dù đã xảy đến ba lần bị Trung Quốc ‘tát tai’ ở Bãi Tư Chính, vẫn chẳng có bước tiến đáng kể nào trong mối quan hệ hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ, trong khi sự hiện diện của hải quân và không quân Hoa Kỳ tại quân cảng Cam Ranh lẽ ra đã phải được ưu tiên số một. Và lẽ ra tại Cam Ranh giờ đây đã phải có hình ảnh thường trú của một hàng không mẫu hạm Mỹ.
Giờ đây, người Mỹ còn phải chờ Hà Nội có dám tự đi trên đôi chân của mình hay vẫn theo thói đu dây chính trị kiểu ‘vừa lắc vừa quỳ’.
Thói ươn hèn mãn tính là tác nhân của căn bệnh nhũn não dài hạn và mất đứt lãnh thổ. Ngay cả lúc bị kẻ cướp xông vào nhà mà còn không dám la làng thì làm sao còn tinh thần chống giặc!
Nếu không chịu từ bỏ phần lớn chủ trương đu dây chính trị, biểu thị thái độ phản ứng dứt khoát đối với sự gây hấn của Bắc Kinh và xoay trục về phía Hoa Kỳ một cách thực chất, chính thể Việt Nam thậm chí sẽ không còn nhận được sự hỗ trợ ngoại giao và quân sự từ Washington, trong lúc cả tá đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam chắc chắn sẽ bất động và khiến Hà Nội lâm vào cảnh bị Bắc Kinh bắt nạt thậm tệ - không khác gì cái cách chính quyền Việt Nam thẳng tay đàn áp dân chúng tại quốc gia này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét