Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2019

NHỮNG “TỬ HUYỆT” CỦA “TRUNG HOA MỘNG” ( Phần 2)

Phạm Viết Đào.

Bài liên quan:

  • >NHỮNG “TỬ HUYỆT” CỦA “TRUNG HOA MỘNG” ( Phần 1)


    • Tử huyệt 1: THẾ GIỚI  - “HỆ ĐIỀU HÀNH NGUỒN LỰC MẠNH MỀM”; TRUNG QUỐC - ÁP ĐẶT “SỨC MẠNH CỨNG”…

      Hiện mô hình quản trị của thế giới đang có những chuyển biến vượt bậc so với thời kỳ thập niên 1960 nhờ vào cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ 4, Các chuyên gia thường gọi là “Cách mạng 4.0”. Với cuộc Cách mạng 4.0 thì quá trình tự động hóa, sử dụng robot hay những nhà máy thông minh, đang ngày càng được nhiều nhà nước, công ty lựa chọn nhằm tiết kiệm chi phí cũng như nâng cao năng suất.
      Tác động rõ rệt nhất của Cách mạng 4.0 là sự xuất hiện của robot có trí tuệ nhân tạo, với những tính năng có thể thay thế con người, thậm chí còn tối ưu hơn về khả năng tính toán, phân tích, ghi nhớ, cùng sức lao động bền bỉ, năng suất cao.
      Bên cạnh đó,các hệ thống trí thông minh nhân tạo sẽ dần thay thế con người trong nhiều hoạt động sản xuất, những vật liệu mới được phát minh đã cải tiến được các sản phẩm và nâng cao mức sống. Các phát minh mới về năng lượng giúp thúc đẩy hơn nữa quá trình phát triển năng lượng sạch, giảm phụ thuộc vào dầu mỏ cũng như kiểu sản xuất điện năng truyền thống.
      Thể chế Đảng Cộng Sản độc quyền lãnh đạo nhà nước.
      Theo dõi Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc kỳ thứ 19, khai mạc ngày 18 và bế mạc ngày 24/10/2017, dư luận thế giới không thể không sửng sốt trước một thông tin có thế nói là kinh hoàng, ngay cả Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình cũng chưa ngang nhiên làm điều đó:
      Theo Tân Hoa Xã, nghị quyết của Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 cho 89 triệu đảng viên đã đưa tư tưởng quân sự của Tổng Bí thư Tập Cận Bình và quyền lãnh đạo "tuyệt đối" của Đảng đối với lực lượng vũ trang vào Điều lệ Đảng.
      Nghị quyết nhấn mạnh, Đảng Cộng sản Trung Quốc cần duy trì quyền lãnh đạo tuyệt đối với quân đội và các lực lượng vũ trang nhân dân khác, cũng như thực hiện tư tưởng quân sự của Tổng Bí thư Tập Cận Bình về tăng cường sức mạnh quân đội.
      Ngoài ra, Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc sửa đổi chỉ rõ Chủ tịch Quân ủy Trung ương sẽ chịu toàn bộ trách nhiệm đối với hoạt động của cơ quan này. Bên cạnh đó, Quân ủy Trung ương sẽ phụ trách công tác Đảng và công tác chính trị trong các lực lượng vũ trang…”[1]

      Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 19 không chỉ đưa và mặc định tư tưởng quân sự Tập Cận Bình vào điều lệ của Đảng. Điều lệ còn quy định rõ “tư tưởng quân sự của Tổng Bí thư Tập Cận Bình và quyền lãnh đạo "tuyệt đối" của Đảng đối với lực lượng vũ trang; Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc sửa đổi chỉ rõ Chủ tịch Quân ủy Trung ương sẽ chịu toàn bộ trách nhiệm đối với hoạt động của cơ quan này. Bên cạnh đó, Quân ủy Trung ương sẽ phụ trách công tác Đảng và công tác chính trị trong các lực lượng vũ trang…”
      Với quy định này của Điều lệ Đảng Cộng Sản Trung Quốc khóa 19, Đảng Cộng Sản Trung Quốc không còn là một tổ chức chính trị, tập hợp các nhà hoạt động chính trị theo chủ thuyết Marx - Lê - Mao. Đảng Cộng Sản Trung Quốc nghiễm nhiên là một “Đảng quân phiệt”, một đám quân phiệt thống lĩnh quyền chỉ huy điều hành, sử dụng vũ khí hạt nhân, tàu ngầm nguyên tử, tên lửa vượt đại châu và các chiến hạm viễn dương…Đội quân lên tới hàng triệu binh sĩ ở quốc gia 1,3 tỷ dân?
      Với Điều lệ sửa đổi của Đại hội lần thứ 19, Đảng Cộng Sản Trung Quốc công khai việc: Toàn quyền dùng súng, lực lượng vũ trang để điều hành đất nước; Xây dựng XHCN mang màu sắc Trung Quốc; Thực hiện “giấc mộng Trung Hoa”!      
      Nếu đã thay đổi, bổ sung cái điều đó vào điều lệ thì: Đảng Cộng sản Trung Quốc, các đảng viên của đảng ngoài kiên định chủ thuyết Marx - Lenin, không tự chuyển hóa, tự diễn biến, không tham ô, tham nhũng còn phải thêm tiêu chuẩn giỏi bắn súng...
      Với điều lệ sửa đối vừa mới được thông qua cho thấy: thế giới đang đứng trước một sự thách thức, uy hiếp của một tập đoàn quân phiệt Trung Hoa mang danh Đảng Cộng Sản, nhân danh nhà nước thể chế cộng hòa?
      Với điều lệ sửa đổi này của Đại hội lần thứ 19, nó không chỉ thách thức trật tự thế giới xưa nay thường bị phân tranh bởi các tập đoàn cá mập, bây giờ thêm một đám quân phiệt mới ra lò nhân danh Đảng Cộng Sản Trung Quốc? Với quy định này của điều lệ còn là một sự thách thức đối với quyền dân chủ của người dân Trung Hoa 1,3 tỷ người…
      Theo dõi cách tổ chức, sắp đặt, lựa chọn bộ máy nhân sự của Đảng Cộng Sản Trung Quốc qua hình thức bầu chọn Ban lãnh đạo cao nhất của Đảng, Ban chấp hành TW qua thông tin báo chí cho thấy: Một tiểu ban do ông Tập Cận Bình đích thân làm Trưởng tiểu ban rà soát, xét duyệt, phê chuẩn đến từng nhân sự để đưa ra để Đại hội bầu chọn.
      Hãy đọc thông tin báo chí đưa về cách bầu cử của Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc: “Trong hai phiên họp chiều 22/10 và sáng 23/10, các đoàn dự Đại hội 19 đã chọn ra 222 ứng viên danh sách bầu Ban chấp hành trung ương. Hôm nay Đại hội 19 sẽ chọn ra 205 người từ danh sách này…”[2]
      Như vậy, số dư cho cuộc bầu này là 204/222, tức 18 người bị loại, chiếm 0,03 %. Điều này có nghĩa: Ban chấp hành TW Đảng Cộng Sản Trung Quốc khóa 19 thực chất là 1 ban chấp hành được chỉ định, áp đặt chứ không được bầu chọn dân chủ, công khai ngay trong nội bộ đảng. Người phê duyệt tối cao, cuối cùng là ông Tập Cận Bình?
      Với 1 đại hội có tới  2280 đại biểu mà cũng chỉ được làm cái nhiệm vụ bỏ phiếu thông qua, loại 18 ứng viên trong số 222 ứng viên do ông Tập Cận Bình phê chuẩn cho thấy sự tập quyền cao độ tới mức nào?
      Trong khi cả thế giới đang lo âu trước một Đảng Cộng Sản Trung Quốc được quân phiệt hóa, một đảng được quyền dùng súng điều hành nhà nước, xây dựng CNXH mang màu sắc Trung Quốc, giải quyết các quan hệ, tranh chấp đối ngoại…thì tại Việt Nam lại nghe thấy tiếng reo vui của một số người hình như “điếc không sợ súng”, coi mô hình Trung Quốc như một thứ khuôn vàng thước ngọc răm rắp làm theo…
      Khó tin một đất nước với 1,3 tỷ dân với ngàn năm văn hiến như đất nước Trung Hoa, từng chịu bao thảm cảnh "nồi da xáo thịt", đầy rẫy những bữa tiệc thịt người; Khó tin một thế giới ngày càng trở nên phụ thuộc với nhau nhiều chiều kích lại có thể cho phép một tập đoàn quân phiệt nào đó, có được đại quyền làm mưa làm gió bất kỳ đâu trên hành tinh này!
      Tàng thư thạch 270 triệu năm ở Quý Châu: Đảng CS Trung Quốc bại vong...

      Tử huyệt 2: “TẬP QUYỀN”- THỂ CHẾ “YỂU MỆNH” NGÀN ĐỜI TRÊN ĐẤT TRUNG HOA

      Trang Đa Chiều (Mỹ) cho hay: Ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc, Chủ nhiệm Phòng nghiên cứu chính sách Trung ương Trung Quốc Vương Hộ Ninh không phải là “hồng nhị đại” – hậu duệ của các nhà cách mạng Trung Quốc hay “quan nhị đại” – con cháu của các quan chức nước này.
      Ông Vương là điển hình của một phần tử trí thức cao cấp, một học giả và là giáo sư. “Hay gọi theo cách khác, ông Vương là một… tiên sinh”, Đa Chiều bình luận.
      Trang này tiết lộ, dù là một quan chức ít nổi bật, song Vương Hỗ Ninh lại được chính giới Trung Quốc ví như “quốc sư ba triều”. Là “quân sư”, cố vấn cho các cựu lãnh đạo Trung Quốc từ Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và là “hoa tiêu” của Chủ tịch Tập Cận Bình.
      Lý luận của Vương Hỗ Ninh có ảnh hưởng rất lớn đến đường hướng phát triển toàn diện của Trung Quốc trong thời điểm hiện tại và cả tương lai. Thậm chí có quan điểm đánh giá, “mô hình Trung Quốc” chính là “mô hình Vương Hỗ Ninh”.
      Tờ New York Times (Mỹ) hôm 30/9 cho hay: Vương Hỗ Ninh là thành viên thuộc nhóm tinh hoa trong Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông từng là giáo sư chính trị học tại Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, chuyên gia nghiên cứu xã hội Mỹ. Giai đoạn 1988-1989, Vương Hỗ Ninh là chuyên gia nghiên cứu tại Đại học Iowa và Đại học California - Berkeley, Mỹ. Trong quá trình nghiên cứu, ông quen biết với nhiều học giả Mỹ.
      Chủ thuyết “tập trung quyền lực” của Vương Hỗ Ninh
      Từ năm 1988, Vương Hỗ Ninh đã có bài viết “Phân tích phương thức lãnh đạo chính trị trong tiến trình hiện đại hóa”, đăng trên tờ “Phúc Đán học báo”, trong đó nhấn mạnh chính phủ Trung Quốc nên theo đuổi cơ chế lãnh đạo “tập quyền” chứ không phải “phân tán”.
      Theo ông Vương, cơ chế “lãnh đạo thống nhất” sẽ giúp Trung Quốc tránh được những xung đột không cần thiết giữa nhiều đường lối và quan niệm đối lập. “Mô hình này cho phép giới cầm quyền phản ứng nhanh, mạnh với các vấn đề đột biến, ngăn chặn sự phân hóa và biến động xã hội trong quá trình hiện đại hóa”, Vương Hỗ Ninh viết. Vương Hỗ Ninh nhận định: Trung Quốc cần mô hình lãnh đạo tập trung bởi điều này “giúp mở rộng chưa từng có phạm vi quyết sách của lãnh đạo chính trị”.
      Theo những thông tin ít ỏi mà Đa Chiều cung cấp, căn cứ vào hàng loạt các chính sách của Trung Quốc được ban hành những năm gần đây, nhất là từ khi ông Tập Cận Bình lên chấp chính, chúng ta thấy những chính sách này thấp thoáng bóng dáng của những chính sách “tập quyền” của Thừa tướng nhà Tần là Lý Tư và chủ trương đề cao pháp trị của Tả Thứ trưởng Vệ Ưởng - những “kiến trúc sư” của  nền chính trị triều Tần cuối thời Chiến quốc…

      Kế thừa chủ thuyết tập quyền của Lý Tư - Vệ Ưởng
      Theo WikiPedia: “Thương Ưởng  (khoảng 390 TCN-338 TCN), còn gọi là Vệ Ưởng hay Công Tôn Ưởng là nhà chính trị gia, pháp gia nổi tiếng, thừa tướng nước Tần của thời Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc”.
      Lý Tư là học trò của Tuân Tử và là bạn học cùng Hàn Phi Tử. Theo WikiPedia: “Vào năm 247 TCN, khi đến nước Tần, gặp lúc Trang Tương Vương chết, Lý Tư bèn cầu xin làm môn hạ của Văn Tín Hầu Lã Bất Vi, thừa tướng nước” Tần. Bất Vi cho là người hiền dùng làm quan "Lang". Lý Tư nhờ vậy có cơ hội du thuyết. Vua Tần Thủy Hoàng cho Tư làm trưởng sử, rồi khách khanh. Trong số 3000 người "khách" của Lã Bất Vi, Lý Tư nhanh chóng trở thành người nổi trội nhất.”
      Sử ký Tư Mã Thiên chép việc Lý Tư hiến kế cho Tần Thủy Hoàng: “- Cứ ngồi chờ đợi nay lần mai lữa thì sẽ bỏ mất thời cơ. Làm nên công lớn là ở chỗ biết lợi dụng chỗ sơ hở rồi mạnh dạn làm. Ngày xưa Tần Mục Công làm bá nhưng cuối cùng cũng không đi về đông thâu tóm cả sáu nước là tại làm sao? Bởi vì lúc bấy giờ chư hầu còn đông, đức của nhà Chu chưa suy; cho nên Ngũ bá kế tiếp nhau nổi lên nhưng cũng đều tôn nhà Chu…
      Vua Tần bèn cho Tư làm trưởng sử, nghe theo kế của Tư, ngầm sai mưu sĩ mang vàng bạc châu ngọc, đi du thuyết chư hầu. Xem các danh sĩ ở chư hầu người nào có thể mua chuộc bằng tiền thì cho tiền để liên kết với họ, còn người nào không nghe thì dùng kiếm sắc đâm chết, cốt để ly gián vua tôi của họ. Sau đó vua Tần mới phái tướng giỏi đem quân đến đánh.”
      Theo kế của Lý Tư, sau 20 năm, năm 221 trước công nguyên Tần Thủy Hoàng đã thống nhất được Trung Quốc, chấm dứt thời đại lịch sử “Chiến quốc” kéo dài 300 năm…
      Về chủ thuyết “tập quyền” thời Tần, Sử ký Tư Mã Thiên viết: “Năm thứ ba mươi tư đời Thủy Hoàng (năm 213 trước Công Nguyên), nhà vua sai đặt tiệc rượu ở cung Hàm Dương. Thuần Vu Việt người nước Tề tiến lên can:
      - Thần nghe: nhà Ân, nhà Chu làm vua hơn nghìn năm, phong các con em, các công thần để cho họ làm phên dậu giúp đỡ mình. Nay bệ hạ giầu có bốn biển nhưng con em vẫn là kẻ thất phu; nếu đột nhiên xảy ra việc như bọn Điền Thường hay bọn Lục khanh thì không ai giúp đỡ, làm sao có thể cứu nhau được. Trong công việc không bắt chước đời xưa mà có thể lâu dài là điều chưa hề nghe nói...”

      Thủy Hoàng đưa lời bàn của ông ta xuống thừa tướng. Thừa tướng Lý Tư cho thuyết ấy là sai, bèn dâng thư nói:
      “Ngày xưa thiên hạ rối loạn và phân tán, không ai thống nhất được. Do đó chư hầu tranh nhau; khi nói, mọi người đều đem chuyện đời xưa làm hại việc nay bày đặt nói những lời nói suông để làm loạn việc thực. Mọi người đều lấy cái học riêng của mình để chê bai những điều nhà vua làm. Nhưng nay hoàng đế đã thâu tóm cả thiên hạ, phân biệt trắng đen mà định ra điều duy nhất được tôn trọng. Trái lại, những kẻ học theo cái học riêng của mình cùng nhau chê cười pháp luật rồi đem dạy cho người ta. Khi nghe lệnh ban xuống tức thì họ đều lấy cái học riêng của mình để bàn tán. Khi vào triều thì trong bụng chê bai. Ra ngoài đường thì xúm bàn trong ngõ, chê vua để lấy tiếng, làm khác người để tỏ là cao, bày cho kẻ dưới phỉ báng. Nếu cứ như thế mà không cấm thì ở trên uy thế của nhà vua sẽ bị giảm sút; ở dưới các bè đảng sẽ nổi lên. Nên cấm là hơn.
      Việc định ra pháp độ rõ ràng, đặt luật lệ bắt đầu từ Thủy Hoàng. Thống nhất văn tự, xây các ly cung và các biệt quán khắp trong thiên hạ. Năm sau lại đi tuần thú, bên ngoài thì đánh dẹp từ di. Trong những việc này đều có công của Tư.”
      Một trong những cái lõi của chủ thuyết “tập quyền” đó là bóp nghẹt tự do tư tưởng; Tần Thủy Hoàng đã thi hành “đốt sách, chôn nho”. Về hành chính nhà Tần đặt chế độ quận, huyện trực thuộc triều đình, không cắt đất phong vương cho họ hàng con cháu.
      Công cuộc “Đả hổ diệt ruồi”, thiết lập kỷ cương ở Trung Quốc hiện nay là một chủ trương Tập Cận Bình học theo Vệ Ưởng, Lý Tư hiến kế với Tần Hiếu công, Tần Thủy Hoàng: "dĩ bạo trị quốc", tôn thờ biện pháp cai trị bằng vũ lực cả đối nội và đối ngoại…
      “Biến pháp Thương Ưởng” chính là "chuyên chế quân chủ" và "trung ương tập quyền" và nội dung cụ thể của “Biến pháp” từng được Dịch Trung Thiên giới thiệu trong cuốn "Từ Xuân Thu đến Chiến Quốc":
      - "Phế lĩnh chủ chế" - Đưa thần dân vốn thuộc sở hữu của quý tộc quy về trung ương, tức "dân là của vua".
      - "Phế phong kiến chế" - Thái ấp của các quan Khanh đại phu bị phân thành quận huyện, tức đất đai quy về sở hữu của vua.
      - "Phế thế tập chế" - Tất cả quan chức thông qua trung ương phân bổ, quyền lực nằm trong tay vua.
      Với sự bãi bỏ chế độ lĩnh chủ, phong kiến, thế tập như trên, cuộc cải cách của Thương Ưởng đã đưa đất đai, người dân và quyền lực thâu tóm về tay quân chủ. Cuộc cải tổ tập quyền triệt này cũng là mầm mống của sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể của thể chế cộng sản ở Trung Quốc sau này…
      Tuy phát triển rực rỡ, nhưng Tần Thủy Hoàng đã không đạt được 2 giấc mơ: xây dựng và bảo vệ “vạn thế Tần triều”. Nhà Tần chỉ tồn tại đến đời thứ 2 thì bị diệt vong. Còn việc tìm thuốc trường sinh, kéo dài tuổi thọ cho mình cũng trở nên hão huyền; theo nhiều sử sách: Tần Thủy Hoảng chết ở tuổi 49…
      Sự đoản mệnh của nhà Tần và của Tần Thủy Hoàng là “hậu quả” của “cái nhân”- thiết chế tập quyền bạo tàn, khắc bạc: “rải thây trăm họ làm công một người”.
      Thể chế đó vừa đẻ ra những kẻ ngu trung, khắc bạc, tôn thờ bạo quyền như Vệ Ưởng, Lý Tư, như Bạch Khởi [1]; Thể chế đó đồng thời cũng lại đẻ ra những kẻ phản trắc, đào mồ chôn chế độ như Triệu Cao, Kinh Kha và sau này là Lưu Bang, Hạng Vũ, Hàn Tín, Trương Lương…
      Cả Vệ Ưởng, Lý Tư, Triệu Cao và cả Tần Thủy Hoàng đều có kết cục cuộc đời hứng chịu thảm khốc không phải bởi số phận, mà do bởi cái guồng máy của thể chế tập quyền do họ “phát minh” ra đã đào mồ chôn họ…
      Sử ký Tư Mã Thiên ghi về lời nhận xét của Thái sử công: “Thương Quân (Vệ Ưởng) là người thiên tư khắc bạc”…
      Còn Tần Thủy Hoàng đột tử có ý kiến cho là do chính bởi hoạn quan Triệu Cao đầu độc. Đây là một giả thuyết có cơ sở tin cậy trong con mắt của hậu thế, nếu xem xét các dữ liệu liên quan thì chỉ có Triệu Cao mới có khả năng hạ độc thủ Tần Thủy Hoàng. Sử sách đã chép: mỗi khi ra khỏi nơi cung cấm, sự an toàn của Tần Thủy Hoàng hết sức coi trọng và bảo đảm tuyệt đối.
      Trung Quốc được ghi nhận là quê hương của 4 phát minh mang tính đột phá, cách mạng từ thời cổ đại: la bàn, thuốc nổ, giấy viết và kỹ thuật in ấn…Thế tại sao cái “đêm trung cổ” ở Trung Quốc kéo dài hơn tất cả các quốc gia khác ở Âu châu…Trong khi nước Anh chỉ có 1 phát minh là máy hơi nước mà đã biến nhiều quốc gia châu Âu trở thành các đế quốc đi xâm chiếm thuộc địa.
      Sự chậm lụt của Trung Quốc so với thế giới là do chủ thuyết tập quyền hủ bại. Chủ thuyết này được vũ trang bởi 2 chủ thuyết chính trị cải lương luân phiên nhau cai trị trên đất nước Trung Hoa: Nho gia và Pháp gia. Hiện tại “Chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc” là một tập hợp hổ lốn, chắp nhặt của Nho – Pháp. Mặc dù 2 phái này xung khắc nhau như nước với lửa nhưng có lõi vẫn là một thứ công cụ của thể chế tập quyền…
      P.V.Đ
        ( Cón nữa...)



      Rút từ Biên khảo:

      " VỊ XUYÊN & THẾ SỰ VIỆT-TRUNG"
      Biên khảo gồm các chương mục chính:
      -Phần một: "VỊ XUYÊN KHÚC CA BI TRÁNG"-250 trang
      Gồm nhiều bút ký, hồi ức, nhật ký, ghi chép của nhiều CCB từng chiến đấu
      tại chiến trường Vị Xuyên giai đoạn 1979-1991
      -Phần thứ hai: "TƯ LIỆU-PHÓNG SỰ - ĐIỀU TRA"-260 trang
      Nhiều thông tin bình luận, điều tra của chuyên gia  trong và ngoài nước viết
      về cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược của Việt Nam...
      - Phần thứ ba: "THẾ SỰ VIỆT - TRUNG"
      Bình luận-nhận định-đánh giá về quan hệ Thế sự-Việt Trung...
      Biên khảo dày gần 800 trang...
      Liên hệ chia sẻ qua email: Hoanghtham9@gmail.com

      ĐT: 0382598746



      [1]Bạch Khởi:  (? – 257 TCN) là tướng lĩnh quân sự Trung Quốc cổ đại, làm việc cho nước Tần thời Chiến Quốc. Bạch Khởi được xem là một trong 4 nhà cầm quân tài ba nhất thời Chiến Quốc. Khởi chỉ huy quân đội Tần hơn 30 năm, nhiều lần đánh bại Tam Tấn (tức 3 nước Hàn, Triệu, Nguỵ lân bang Tần) và Sở, đỉnh điểm là trận Trường Bình, tại đây Khởi đồ sát 45 vạn quân Triệu. Do Bạch Khởi giết nhiều người nên người đương thời gọi là Nhân đồ.(Theo Wikipedia)






      [1]Trích dẫn theo bài Bế mạc ĐH Đảng Trung Quốc: Đưa tư tưởng quân sự của ông Tập vào Điều lệ Đảnghttp://infonet.vn/be-mac-dh-dang-trung-quoc-dua-tu-tuong-quan-su-cua-ong-tap-vao-dieu-le-dang-post241580.info)


      [2] Trích dẫn theo bàiTrung Quốc bế mạc Đại hội 19, ngày mai ban lãnh đạo mới sẽ ra mắt http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Trung-Quoc-be-mac-Dai-hoi-19-ngay-mai-ban-lanh-dao-moi-se-ra-mat-post180649.gd 

      Không có nhận xét nào: