17-8-2019
Ngày hôm qua 16/8, thêm chiếc hải cảnh 46111 đã xuống khu vực, tham gia vào nhóm tàu Haiyang Dizhi 8.
Theo dõi những tàu khả nghi trong nhiều ngày qua Marine Traffic, chúng tôi quan sát thấy chiếc hải cảnh 46111 này thật ra đã cùng với hải cảnh 46301 rời Hải Nam từ thứ Sáu tuần trước. 46111 sau đó đã neo đậu ở Hoàng Sa trong khi hải cảnh 46301 tiến xuống phía nam, tham gia vào nhóm tàu Haiyang Dizhi 8 và sau đó chuyển đến khu vực gần block 06.1 và Bãi Tư Chính, như chúng ta đã biết.
Cho đến ngày 15, 46111 cũng đã rời Hoàng Sa tiến xuống và chính thức tham gia vào nhóm tàu Haiyang Dizhi 8 vào ngày 16/8.
46111 là hải cảnh thuộc lớp tàu Zhaojun (Type 718B) – một trong ba lớp tàu hải cảnh chủ lực được trang bị pháo 76 mm. Tham khảo thêm và các lớp tàu hải cảnh chủ lực của Trung Quốc tại: Phân nửa lực lượng chủ lực của Hải cảnh Trung Quốc hăm dọa Việt Nam ở Biển Đông.
Sáng sớm nay, ngày 17/8, chiếc Haijing 37111 trong nhóm tàu Haiyang Dizhi 8 bất ngờ neo đậu trong nhiều giờ ở một thực thể nằm ở phía tây Đá Lát nơi Việt Nam đang đóng quân. GS Alexander Vuving đã xác định thực thể này là bãi ngầm Mỹ Hải (Jubilee bank) nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, và do vậy thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
Việc 37111 neo đậu ở bãi ngầm Mỹ Hải đã làm dấy lên những lo ngại từ nhiều nhà quan sát rằng Trung Quốc có thể chiếm một thực thể không người ở phía tây nam Trường Sa, một vị trí chiến lược của khu vực và nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Đến 18h cùng ngày, PGS Ryan Martinson cho biết chiếc hải cảnh 37111 đã rời khỏi bãi ngầm Mỹ Hải. Quan sát trên Marine Traffic có thể thấy 37111 tiếp tục tham gia chuyển động cùng nhóm tàu Haiyang Dizhi 8.
Tuy vậy vẫn cần phải tiếp tục theo dõi chặt chẽ các diễn biến tiếp theo.
Trong hai ngày hôm qua và hôm nay, đã có thể quan sát trên Marine Traffic hai tàu của Việt Nam đang bám đuổi chặn đường nhóm tàu Haiyang Dizhi 8. Chúng tôi hầu như không mua dữ liệu tàu Việt Nam vì thứ nhất là hầu hết các tàu Việt Nam không cho biết vị trí tàu, và thứ nhì là vì tài chính của Dự án còn eo hẹp, chỉ có thể trang trải được việc mua dữ liệu vệ tinh của tàu của Trung Quốc.
Ảnh 1: tàu 46111 tham gia vào đoàn Haiyang Dizhi 8 quấy nhiễu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và gần bãi ngầm Mỹ Hải ở phía tây Đá Lát. Tàu Việt Nam có màu xám trắng đang chặn đuổi nhóm tàu Trung Quốc. (Nguồn: Dự án Đại Sự Ký Biển Đông/Marine Traffic).
Cũng cần lưu ý rằng Marine Traffic chỉ ghi nhận được những tàu bật AIS. Có thể còn có những tàu khác của cả Trung Quốc và Việt Nam ở thực địa nhưng không bật AIS nên không thể theo dõi qua Marine Traffic.
Ảnh 2: tàu 37111 neo đậu ở bãi ngầm Mỹ Hải vào sáng nay (Nguồn: Dự án Đại Sự Ký Biển Đông/Marine Traffic).
Ảnh 3: Trưa và chiều nay, tàu 37111 đã rời khỏi bãi Mỹ Hải và tiếp tục tham gia chuyển động cùng nhóm tàu Haiyang Dizhi 8 (Nguồn: Ryan Martinson).
Bình Luận từ Facebook
Hai tàu hải quân Việt Nam ra đương đầu tại bãi Tư Chính
Nhà báo độc lập Chu Vĩnh Hải
Bãi Tư Chính của Việt Nam đang có những diễn biến rất quan trọng. Hai tàu chiến hiện đại của Hải quân Việt Nam đã có mặt tại bãi Tư Chính để đối đầu với các tàu hải cảnh và kiểm ngư của Trung Quốc. Lần đầu tiên kể từ năm 1994, Việt Nam đã đưa tàu chiến ra đối đầu với các loại tàu của Trung Quốc.
Trước đó, vào năm 1994, khi Trung Quốc âm thầm cấp phép cho hãng dầu Mobil của Mỹ hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí ở bãi Tư Chính, Việt Nam đã điều nhiều tàu chiến của Lữ đoàn 171 đóng tại Vũng Tàu thực hiện quyết liệt và mạnh mẽ xua đuổi khiến các tàu chiến Trung Quốc và tàu thăm dò địa chấn của Mỹ rút đi trong ê chề. Trước đó nữa, vào năm 1992, khi Trung Quốc âm thầm cấp phép cho hãng dầu của Mỹ là Crestone hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí ở bãi Tư Chính, Việt Nam đã điều động hai tàu chiến của Lữ đoàn 171 ra xua đuổi tàu thăm dò của Crestone và hai tàu chiến của hải quân Trung Quốc. Trước sự quyết liệt của hai tàu chiến Việt Nam, hai tàu chiến của Trung Quốc và tàu thăm dò của Crestone đã phải tháo lui.
Việc Việt Nam cho hai tàu chiến hiện đại Quang Trung và Trường Sa ra bãi Tư Chính, theo tôi, là một giải pháp hợp lý và mạnh mẽ. Quân đội được thành lập để bảo vệ chủ quyền và bảo vệ đất nước, và giờ chính là lúc hải quân phải có mặt để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc.
Tôi không cho rằng, việc Việt Nam cho hai tàu chiến hiện đại xuất hiện tại bãi Tư Chính có thể dẫn đến một cuộc xung đột vũ trang cục bộ với Trung Quốc. Trung Quốc âm thầm độc chiếm biển Đông theo cách mềm nắn rắn buông. Thực tế năm 1992 và năm 1994 đã cho thấy như vậy. Nếu Việt Nam quyết liệt, Trung Quốc sẽ chùn lại. Phía Trung Quốc sẽ không đẩy vụ việc bãi Tư Chính lên cao để tránh sự phản đối mạnh mẽ của các nước trong khối Asean và cộng đồng quốc tế. Và còn nữa, nếu Trung Quốc đẩy mạnh vụ việc bãi Tư Chính họ sẽ sợ Việt Nam ngay lập tức rời xa họ để nhanh chóng ngã vào vòng tay Mỹ và thế giới dân chủ.
Việt Nam không thể lùi bước trước Trung Quốc một lần nữa. Việt Nam không thể mất mát thêm được nữa.
Cách đây mấy tiếng đồng hồ, tin và hình ảnh được loan trên trang Twitter của ông Ryan Martinson, nhà nghiên cứu về Hải Quân Trung Quốc và là giảng viên tại Trường Hải Chiến Hoa Kỳ, hôm Thứ Bảy, 17 Tháng Tám, cho biết hình ảnh vệ tinh cho thấy hai tàu hải quân Việt Nam có tên Quang Trung và Trường Sa đang đi vào khu vực bãi Tư Chính. Xung quanh vẫn là những tàu hải cảnh Trung Quốc Haijing 37111 và Zhongguohaijing 33111. Cũng theo ông Ryan, chiến hạm Quang Trung đã rời cảng Cam Ranh từ ngày 15 Tháng Tám.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét