Cập nhật lúc 19:10, Thứ hai, 15/06/2020 (GMT+7)
(Thanh tra) - Đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) Trương Trọng Nghĩa cho rằng, khi người dân phản ứng với chính sách, hành động của chính quyền thì đừng vội quy kết họ là thế lực thù địch để đối phó.
ĐBQH tranh luận về “chưa bao giờ niềm tin tư pháp Việt Nam thấp như bây giờ”?
ĐBQH tranh luận: "Không làm sai, làm trái thì ai chống phá ta được"
Từ vụ Hồ Duy Hải, ĐBQH tranh luận: “Không nên qua vài trang giấy, bình luận để quyết định”?
Tranh luận: Việt Nam công bố hết dịch Covid -19 được chưa?
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: TN
Người dân phản ứng với chính quyền, cán bộ phải tự vấn “vì sao”
Phát biểu tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội, ngân sách chiều 15/6, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) đề cập, một bài học xưa nhưng không bao giờ cũ.
Đó là, khi chủ trương, đường lối của Đảng hợp với lợi ích và nguyện vọng của nhân dân, thì dù phải hy sinh xương máu hay tài sản như trong hoàn cảnh chiến tranh, hay việc hạn chế tự do, giảm thu nhập, mất việc làm, nghỉ học, đảo lộn cuộc sống thường ngày của từng gia đình như trong cuộc chiến chống Covid-19 vừa qua, thì nhân dân vẫn hưởng ứng, ủng hộ và sẽ không có thế lực thù địch nào có thể phá hoại được.
"Do đó, mỗi khi người dân phản ứng với chính sách hành động của chính quyền, cán bộ công chức phải tự vấn, tự kiểm vì sao lòng dân không đồng thuận, đừng vội quy kết họ là thế lực thù địch để đối phó. Vì làm như vậy là làm cho Đảng xa dân, đẩy dân về phía thế lực thù địch. Cách làm đó trái với tư tưởng Hồ Chí Minh, tôn chỉ, mục đích của Đảng, Nhà nước", ông Nghĩa nói.
Theo ĐB đoàn TP Hồ Chí Minh, tất nhiên phải tìm cho ra, cho đúng thế lực thù địch để nghiêm trị song "không nên mượn bóng ma của chúng để công kích những người góp ý cho mình, dù đó là dân thường, doanh nghiệp, trí thức hay ĐB dân cử".
"Tôi dám khẳng định không ít trường hợp, ví dụ trong Hội trường Diên Hồng này, nếu có thế lực thù địch thì nó chỉ tồn tại trong suy nghĩ của những người quy chụp mà thôi, chứ không ở đâu cả", ông Nghĩa thẳng thắn phát biểu.
Theo ĐB Nghĩa, trong thể chế chính trị của chúng ta, một cơ quan lập pháp, đồng thời là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất vững mạnh “là tiền đề và điều kiện thiết yếu để tăng sức mạnh, hiệu quả cho hành pháp và tư pháp và cả hệ thống chính trị".
Từ đó, ông kiến nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng bào cử tri quan tâm xây dựng một QH mạnh hơn nữa, tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa trong cuộc bầu cử QH khóa 15 tới đây.
ĐB Nghĩa cũng bày tỏ điểm đồng tình với ý kiến phát biểu của Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân về việc công bố hết dịch để tìm giải pháp khôi phục nền kinh tế.
"Chúng ta phải nắm chắc và phân tích tình hình dịch bệnh, xác định chủ trương định hướng cho từng quốc gia, từng thị trường, từng lĩnh vực, tập đoàn kinh tế để có đối sách, quyết sách kịp thời. Thế giới đã và đang chuyển sang giai đoạn bình thường mới, không thể và không còn như trước. Nếu làm đúng thì ta sẽ khai thác hiệu quả cơ hội, nâng cao vị thế, tạo tiền đề vững chắc cho hội nhập bền vững trong kỷ nguyên mới của loài người - kỷ nguyên hậu Covid-19 đang diễn ra", ĐB Nghĩa nhấn mạnh.
“Xuất hiện nhiều cán có biệt phủ, xe sang, giàu rất nhanh từ đất”
Quan tâm đến vấn đề đất đai, ĐQBH Đinh Duy Vượt (đoàn Gia Lai) cho rằng, đây là một trong những lợi thế quan trong của nhiều tỉnh, thành, nhưng là nguồn lực hữu hạn của đất nước.
ĐQBH Đinh Duy Vượt. Ảnh: TN |
Tuy nhiên, theo ĐB, vấn đề đất đai hiện đang có nhiều vấn đề phức tạp, bất ổn, cần phải có chủ trương, quyết sách, thậm chí của cuộc cách mạng.
“Hiện nay, xuất hiện nhiều tỷ phú, triệu phú từ đất. Đồng thời cũng có nhiều cán bộ có biệt phủ, xe sang, giàu rất nhanh, bất thường, thậm chí, sự nghiệp của nhiều người đi lên từ đất, nhưng cũng không ít người lụi tàn là các đồng chí đã bị lộ”, ĐB Vượt nói.
Đi cùng với đó, theo ĐB Đinh Duy Vượt, là tỷ lệ khiếu kiện đông người, hàng trăm người bị lừa đảo tăng lên.
Ông Vượt còn lo ngại nhiều điểm nóng, tương lai sẽ rất nóng do các chính sách thu hồi đất, giao cho doanh nghiệp theo kiểu “tay không bắt giặc”, “lấy mỡ nó rán nó”. Doanh nghiệp được giao đất với giá bèo để làm cả khu đô thị.
“Vấn đề này lây lan như đại dịch Covid-19 nhưng chưa có thuốc đặc trị, tiềm ẩn cho các ngân hàng nhiều rủi ro. Do vậy, cần có sự vào cuộc của các cơ quan tư pháp nghiên cứu kịp thời bịt kẽ hở pháp luật này”, ĐB Đinh Duy Vượt nói.
ĐB đoàn Gia Lai cho hay, với các tỉnh miền núi có lẽ đất đai là nguồn lực duy nhất. Song lại có tình trạng lãng phí về đất đai sử, dụng kém hiệu quả. QH đã giám sát vấn đề này, có kiến nghị nhưng chưa có nhiều chuyển biến.
“Một số doanh nghiệp nông, lâm trường để hàng ngàn hecta cây trồng lay lắt, hàng ngàn hecta hoang hóa chờ sang nhượng vườn cây”, ông Vượt nói.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp có tiềm lực, có tâm lại tiếp cận rất khó vì không có đất sạch; đồng thời còn nhiều hộ đồng bào thiếu đất, gây không ít bức xúc tiềm ẩn, âm ỉ tại nhiều địa phương hiện tại và tương lai.
Từ đó, ông Vượt đề nghị, không hỗ trợ mà giao đất không thu tiền sử dụng đất với những hộ còn sức lao động, coi đây là chính sách đặc thù cho đồng bào miền núi.
“Không quy hoạch phê duyệt các dự án có thu hồi đất của đồng bào khi chưa bố trí được đất tái định canh, định cư hợp lòng dân, có cơ chế góp vốn, hưởng lợi bằng giá trị sử dụng đất và các doanh nghiệp liên quan để dân không mất đất”, ông Vượt nêu.
“Người có thu nhập cao hay là thấp, nghe tăng lương ai cũng vui”
Chính phủ đề xuất, chưa tăng lương cơ sở từ 1/7. Theo Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Đinh Văn Nhã (ĐBQH đoàn Phú Yên), có nhiều người sẽ buồn với quyết định này, đặc biệt là người đang hưởng lương hưu.
Bởi theo ông, người hưởng lương hưu (chưa nói đến người hưởng trợ cấp xã hội) là người có thu nhập thấp trong xã hội.
“Với tất cả chúng ta, dù là người có mức thu nhập cao hay là người thu nhập thấp, mỗi khi nghe nói đến tăng lương, nhất là vào thời điểm tăng lương, thì ai cũng vui”, ông nói và đề nghị Chính phủ xử lý vấn đề này hợp tình, hợp lý.
Theo Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Đinh Văn Nhã, trong vấn đề trên, Chính phủ nên phân làm 2 nhóm đối tượng. Đối tượng là người nghỉ hưu, hưởng trợ cấp xã hội, người có công… thì nên vẫn được tăng lương từ ngày 1/7 tới.
Với trường hợp người nghỉ hưu, nếu Chính phủ tính toán không cân đối đủ nguồn vốn thì áp dụng tăng lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995. Bởi theo ĐB, người người nghỉ hưu từ năm 1995 trở về trước là người có thu nhập rất thấp.
Còn với nhóm đối tượng là người còn đang làm việc, ĐB đoàn Phú Yên thống nhất với việc tạm thời chưa tăng lương từ ngày 1/7.
Tuy nhiên, ông Nhã cho rằng, đến tháng 10, nếu tăng trưởng kinh tế đạt 4,9% trở lên thì Chính phủ nên cân đối tăng lương từ ngày 1/1/2021 cho nhóm đối tượng này.
|
Hương Giang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét