Vì sao ông Tập Cận Bình nói ‘trên đầu 3 thước có thần minh’?
Bắc Kinh gần đây công chiếu một bộ phim chính luận với một số phát biểu lần đầu tiên được công bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về văn hóa truyền thống.
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung, bộ phim này được phát sóng lần đầu vào ngày 28/8, trong đó cho biết ông Tập Cận Bình đã đi thăm nước ngoài 28 lần trong vòng 5 năm qua. Khi ông Tập Cận Bình tới Đức vào tháng 3 năm 2014, ông nói với các nhà Hán học Đức và các đại biểu thầy trò Viện Khổng Tử ở Béc-lin rằng làm lãnh đạo “không được đánh mất văn hóa văn minh 5000 năm của Trung Hoa”.
Bộ phim này cũng cho biết ông Tập Cận Bình phát biểu ngày 20/7 tại một hội nghị công tác chính trị, pháp luật của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ): “Đừng thấy anh hôm nay thoải mái vui vẻ, cẩn thận sau này phải thanh toán… Trên đầu 3 thước có thần minh, nhất định phải có lòng kính sợ”.
(“Thần minh” là tên gọi chung cho tất cả các Thần linh trong trời đất)
Câu nói ‘trên đầu 3 thước có thần minh’ có nghĩa rằng mọi việc làm của con người đều có Thần, Phật chứng giám, là câu nói mang hàm ý về ‘thiện ác hữu báo’ trong văn hóa truyền thống. Tuyên bố này của Chủ tịch Tập Cận Bình là một khác biệt to lớn với phát ngôn của các lãnh đạo Đảng trong quá khứ.
Bước đột phá
Việc ông Tập Cận Bình thúc đẩy văn hóa truyền thống cho thấy một bước đột phá đối với hình thái ý thức của ĐCSTQ, theo ý kiến của chuyên gia truyền thông Trung Quốc Hoàng Kim Thu (Huang Jinqiu).
Trong quá khứ các nhà lãnh đạo của ĐCSTQ đã phá hủy hàng loạt giá trị văn hóa truyền thống thông qua các cuộc vận động chính trị liên tiếp, đặc biệt là trong thời kỳ Đại cách mạng văn hóa.
Niềm tin về nhân quả báo ứng, Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín đã duy trì, ước thúc đạo đức của người dân suốt hàng nghìn năm thông qua văn hóa truyền thống với 3 dòng chảy chính là Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo. Tuy nhiên, những điều này nhanh chóng bị quên lãng chỉ sau vài chục năm của thời Cách mạng Văn hóa.
Một số người tiền nhiệm của ông Tập Cận Bình thậm chí từng có những tuyên bố không hề kính sợ đất trời. Cựu Chủ tịch Mao Trạch Đông nổi tiếng với câu nói: “Đấu với trời, đấu với đất, đấu với người thật sướng vô cùng”. Ông Đặng Tiểu Bình từng tuyên bố trong thời gian diễn ra vụ thảm sát sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989: “Chúng ta sẽ giết 200 nghìn người để đổi lấy 20 năm ổn định”.
Trái lại, ông Tập Cận Bình đã không ngừng từ trong văn hóa truyền thống, đặc biệt là tư tưởng Nho gia tìm các nguyên tố như Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín để tăng cường năng lực quản lý quốc gia, theo đánh giá của phó hội trưởng hội nghiên cứu cải cách thể chế hành chính ĐCSTQ Uông Ngọc Khải.
Trùng hợp hay hữu ý?
Ông Tập Cận Bình nói “trên đầu 3 thước có thần minh” đúng vào ngày 20/7, ngày mà trước đó tròn 18 năm cựu Tổng Bí thư Giang Trạch Dân phát động cuộc đàn áp đối với Pháp Luân Công, hay Pháp Luân Đại Pháp, môn khí công cổ truyền thuộc trường phái Phật gia.
“Những lợi ích về thể chất và tinh thần của Pháp Luân Đại Pháp khiến môn này phổ biến tới 114 quốc gia với hơn 100 triệu người theo tập“, theo tuyên bố của thành phố North Bay, Canada nhân ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới 2017.
Tuy nhiên, ông Giang Trạch Dân lại nhìn nhận môn tập ôn hòa này là một mối đe dọa cho quyền lực của ông ta khi chứng kiến số người tập Pháp Luân Công vượt quá số lượng Đảng viên vào cuối những năm 90.
Ngày 20/7/1999, theo lệnh của ông Giang, lực lượng an ninh trên toàn quốc Trung Quốc đồng loạt bắt bớ các học viên Pháp Luân Công, khởi đầu cho cuộc đàn áp gần hai thập kỷ với chỉ lệnh “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và huỷ hoại thể xác” những người tập Pháp Luân Công.
Sau khi lên nhậm chức, Chủ tịch Tập Cận Bình bất đắc dĩ phải tiếp quản di họa đàn áp Pháp Luân Công mà ông Giang để lại. Ông Tập cũng từng có một số phát biểu tương tự xung quanh các ngày liên quan đến cuộc đàn áp Pháp Luân Công, cho thấy tín hiệu dường như ông Tập muốn từ bỏ cuộc bức hại mà thế giới lên án.
Sự trùng hợp ngày 20/7 có khả năng là ông Tập muốn cảnh tỉnh những quan chức không có lòng kính sợ đối với thần linh, cần biết nhân quả báo ứng mà tự ước thúc bản thân, chớ coi thường trời đất, coi thường pháp luật.
Tuy nhiên, cuộc đàn áp vẫn diễn ra với những vi phạm nhân quyền từ đó đến nay, gồm hoạt động bắt giữ, tra tấn, cưỡng bức lao động, thậm chí mổ cướp nội tạngcủa các học viên. Chiến dịch đàn áp được biện minh bằng tuyên truyền tạo dựng và vu cáo rằng Pháp Luân Công là “tà đạo”.
Sự thật về lời tuyên truyền ‘tà đạo’
Pháp Luân Công không phải là một giáo phái, theo Luật sư nhân quyền David Matas. “Pháp Luân Công thậm chí còn không phải là một tổ chức, vì nó chỉ là một bộ các bài tập với nền tảng về tinh thần”, Luật sư Matas phát biểu tại Hội nghị Bàn tròn 2017 (The Coalition Roundtable).
Ông nói thêm: “Mọi thứ [về Pháp Luân Công] đều có trên mạng internet, bạn không phải trả chút tiền nào, bạn không phải đăng ký gì cả. Bạn có thể bắt đầu tập bất cứ khi nào bạn muốn, bỏ tập bất cứ khi nào bạn muốn. Bạn không phải nói với ai là bạn đang tập. Các nguyên tắc của họ rất đơn giản và đạo đức, tất cả những điều đó là sự thực.”
Bà Sara Cook, Chuyên gia Nghiên cứu Cấp cao về Đông Á của Tổ chức Ngôi nhà Tự do (Freedom House) cho rằng: “ĐCSTQ và các quan chức Trung Quốc thường khẳng định rằng cần phải cấm Pháp Luân Công vì đó là một ‘tà giáo’ có một ảnh hưởng bất chính đối với xã hội. Những cáo buộc này là vô căn cứ khi được xem xét tại Trung Quốc, cũng như khi xét đến sự phổ biến của Pháp Luân Công ở những nơi khác trên thế giới, bao gồm cả Đài Loan vốn có nền dân chủ.”
Cùng chung nhận định này, Giáo sư Wendy Rogers, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giá trị và Đạo đức, Đại học Macquarie (Australia) nói với Liên Minh Quốc Tế Chống Mổ Cướp Nội Tạng tại Trung Quốc trong một đoạn phỏng vấn vào tháng 1 năm 2017: “Không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy Pháp Luân Công là một giáo phái. Không có bằng chứng nào cho thấy họ có hành động chính trị nhằm lật đổ chính quyền Trung Quốc. Không có bằng chứng nào cho thấy điều gì ngoài một mong muốn sâu sắc là được làm theo niềm tin mà không bị bỏ tù và giết hại.”
Nhân quả báo ứng?
Tới nay, nhiều quan chức từng tham gia đàn áp Pháp Luân Công gặp phải những tai ương khiến nhiều người tự hỏi phải chăng nguyên lý thiện ác hữu báo trong văn hóa truyền thống là có thật.
Hàng chục quan chức trong ngành phát thanh truyền hình từng tuyên truyền bôi nhọ Pháp Luân Công liên tiếp gặp các tai nạn chết người, lãnh án tù, hoặc mắc bệnh ung thư, con cái gặp nạn, v.v.
Nhiều lãnh đạo trong hệ thống Phòng 610, cơ quan phụ trách đàn áp Pháp Luân Công, bị ung thư, chết bất đắc kỳ tử, tự sát, v.v. Các trường hợp xảy ra nhiều đến mức chức vụ ở Phòng 610 bị coi như một chức vụ tử thần.
Bản thân ông Giang Trạch Dân, người bị một tòa án Tây Ban Nha ra lệnh truy nã quốc tế vì những vi phạm nhân quyền với người Tây Tạng, nay phải đối mặt thêm tội diệt chủng liên quan đến hoạt động mổ cướp nội tạng của các Pháp Luân Công và các nhóm nạn nhân khác.
Có tin cho biết ông Giang đang bị liệt nửa người, sống nhờ trợ giúp y tế ở một bệnh viện ở Thượng Hải. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang lần lượt loại bỏ các quan chức thuộc phe Giang, rất nhiều trong số đó từng thăng tiến nhờ tham gia cuộc đàn áp Pháp Luân Công theo lệnh của ông Giang.
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung, cựu thứ trưởng bộ quốc phòng Đài Loan Lâm Trung Bân (Lin Zhongbin) nhận định cải cách lớn nhất mà ông Tập Cận Bình đang thực hiện chính là mở rộng tự do tôn giáo, khuyến khích văn hóa truyền thống; nếu xã hội Trung Quốc thực sự tìm về văn hóa truyền thống thì sẽ có được ổn định xã hội và đạo đức thăng hoa.
Bình luận viên thời sự New York Chu Minh nói rằng nếu ông Tập Cận Bình thực sự có thể khôi phục văn hóa truyền thống thì công đức vô lượng, nhưng nếu chỉ mượn văn hóa truyền thống để duy trì quyền lực chính trị mà không thật sự thay đổi, thì sẽ như “dùng rổ múc nước”, không thu được gì.
Mai Lan
( Đại Kỷ Nguyên )
( Đại Kỷ Nguyên )
Xem thêm:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét