By The Observer
03/04/2016Biên dịch: Vũ Huy Quang
Bài liên quan: Phần 1
8.
Hỏi: Sau khi Nhật đầu hàng, chuyện gì xảy ra?
Đáp: Tháng Tám 1945, ngay sau khi Nhật đầu hàng Mỹ, Mao đi Trùng Khánh, thủ đô tạm thời của chính quyền Quốc dân Đảng. Mao ở đó tháng rưỡi, để có những cuộc tiếp xúc bí mật với Tưởng về chuyện tiếp tục sự cộng tác, và thành lập chính phủ liên hiệp. Kết quả cuộc nói chuyện được công bố ngày 10 tháng Mười, một Thông cáo Chung ghi những điều kiện duy trì hòa bình giữa Quốc dân Đảng và Đảng Cộng sản. Trong buổi ra mắt công chúng, Mao tỏ tình cảm, bằng cách hô lớn, “Tưởng thủ lãnh Quốc dân Đảng vạn tuế!” Ngay sau đó là một chuỗi những xung đột giữa 2 đảng. Tưởng đưa quân tấn công vào những làng mạc có quân du kích trú đóng. Để cố gắng ngăn ngừa nội chiến có thể bùng ra bất cứ lúc nào, Truman gửi đặc phái viên là George Marshall sang Trung Quốc.
Phần Tưởng đã lợi dụng thời gian đàm phán hoà bình để điều quân, với trợ giúp của Mỹ, là viện trợ máy bay, tàu chiến, thì trong nội địa Trung Quốc, các thị trấn lớn đã tổ chức các căn cứ chiến thuật thành những “vùng bình định” để củng cố thế lực cho Quốc dân Đảng. Tưởng triệt hết mọi phong trào quần chúng, nhất là các phong trào sinh viên.
Cuối 1946, khi Tưởng chuẩn bị xong kế hoạch quân sự để tấn công, chính phủ Quốc dân Đảng công khai đóng mọi cánh cửa thương thuyết cùng đàm phán hòa bình, bằng cách tổ chức “Hội nghị quốc gia” và “Chính phủ Lập hiến”, hầu tránh việc liên hiệp với Cộng sản.
Thế nhưng Đảng Cộng sản vẫn chưa bỏ nỗ lực giải hoà. Những đại biểu của hội nghị Hòa bình vẫn còn luẩn quẩn ở Thượng Hải và Nam Kinh, mong có đàm phán thêm với Quốc dân Đảng, qua trung gian của nhóm Dân chủ Hiệp hội.
Cho đến khi Tưởng đuổi các Đại biểu Cộng sản, chiếm được căn cứ địa của Đảng Cộng sản Trung Quốc là Diên An, tháng Tư 1947, lúc ấy Đảng Cộng sản mới biết hết hi vọng hoà hợp, mới tập hợp quân lực để tự vệ. Nhưng, Đảng Cộng sản vẫn chưa dám nêu khẩu hiệu kêu gọi toàn quốc đánh đổ Quốc dân Đảng, cũng như chưa dám đưa ra chương trình nào về cải cách ruộng đất cả. Cho đến khi Tưởng công bố lệnh bắt Mao (ngày 25 tháng Sáu, 1947), ra tuyên cáo “Sắc luật tổng động viên dẹp loạn động” (tháng Bảy), thì mãi sau vài tháng chần chừ, như còn đợi lệnh từ Moscow, vào tháng Mười, Đảng Cộng sản Trung Quốc mới trương danh hiệu “Quân đội Giải phóng Nhân dân”, công khai chống Tưởng Giới Thạch, để xây dựng “Tân Trung Quốc”.
9.
Hỏi: Người ta có thể nói, là Đảng Cộng sản Trung Quốc chuyển từ chính sách Cơ hội sang Cách mạng, vì đã dám vi phạm chính sách điện Kremlin, một khi Mao dám chống Quốc dân Đảng. Ông đồng ý thế không?
Đáp: Đảng Cộng sản Trung Quốc thi hành đúng đường lối thỏa thuận với Kremlin, tức là bắt buộc thay đổi chính sách do áp lực của kế hoạch hậu chiến của đế quốc Mỹ, kế hoạch Marshall[1]. Thời điểm ấy, các đảng viên Đảng Cộng sản Tây Âu đều bị trục xuất khỏi các chính quyền Tư sản, nên Stalin muốn gia tăng sức mạnh phía Đông Âu, làm cho các chính quyền ở đó thực hiện cải cách ruộng đất và quốc hữu hóa tài sản của Tư sản, rồi lập khối Cominform (Thành lập, hoạt động 1947-56, gồm 9 nước Cộng sản Đông Âu – N.D). Theo ý tôi, Stalin, khi đã nhận thấy cục diện thay đổi đến thế, chỉ còn cách ủng hộ Cộng sản Trung Quốc chống Quốc dân Đảng – một khi Tưởng đã dứt khoát, không muốn thoả hiệp gì nữa.
10.
Hỏi: Làm sao mà Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể thắng quân Tưởng, đoạt quyền bính, sau bao năm theo Cơ hội chủ nghĩa?
Đáp: Chiến thắng của Cộng sản Trung Quốc do tình thế rất đặc thù, chỉ có khi Nhật xâm lăng Trung Quốc, đặc biệt trong Thế chiến 2. Trong cuộc chiến Kháng Nhật, quân Tưởng cực kỳ tham nhũng, bất lực đến mức không chống trả được bất cứ cuộc tấn công nào từ phía Nhật, nếu không được trợ giúp của lính Mỹ. Đế quốc Mỹ không thể mãi tiếp sức quân sự cho Tưởng, nhất là sau khi Nhật đầu hàng, vì lính Mỹ muốn hồi hương, không muốn chiến đấu nữa – khi Thế chiến đã chấm dứt. Rồi khí giới tối tân mà Hồng quân Nga đoạt được của Nhật ở Mãn châu, lại chuyển cho Hồng quân Trung Quốc, đặc biệt là Hồng Tứ quân của Lâm Bưu.
Không có những biến chuyển bất ngờ của lịch sử như thế, chuyện chiến thắng của Mao chỉ là chuyện đâu đâu. Giả sử, Tưởng mà kiểm soát được Mãn Châu, vùng kỹ nghệ nhất Trung Quốc thời ấy, anh ta đã cắt được luồng tiếp viện kinh tế cùng quân sự từ Nga cho Mao. Cũng vậy, nếu lính Mỹ còn ở Trung Quốc, Mao có rất ít cơ may thắng trận. Chúng ta chỉ cần nhớ lại cuộc thất bại vũ trang của quân đội nông dân tại Quảng Tây trong thập niên 1930, thì biết sự quan trọng của viện trợ Mỹ cùng các đế quốc ảnh hưởng thế nào đối với sức mạnh của quân Tưởng.
11.
Hỏi: Đảng Cộng sản Trung Quốc, sau đó có từ bỏ chính sách Cơ hội, có trở thành một đảng Cách mạng khi đã có quyền hành không?
Đáp: Các chính sách của Mao sau 1949 luồn lách nhiều mặt, từ Cơ hội sang Phiêu lưu, nhưng chưa bao giờ biến Đảng Cộng sản Trung Quốc thành một Đảng Cách mạng.
Khi Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa tuyên cáo ngày 1 tháng Mười 1949, rằng chính phủ Liên hiệp các Đại biểu Công nhân, Nông dân, Tiểu tư sản, và Tư sản… thành lập, thì nhân viên chính quyền chưa hề có ai được bầu ra – nhưng đã, và vẫn đang – được chỉ định bởi cái-gọi-là “Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc”. Ban này, do Đảng Cộng sản Trung Quốc là chính, cộng với “Ủy ban Cách mạng Quốc dân Đảng”, “Trung Quốc Dân chủ Đồng minh”, “Đảng Công – Nông”, cùng vài nhóm khác… hợp thành.
Chính sách của chính phủ căn cứ trên chính sách “Tân Dân chủ” của Mao, đã không trưng thu tài sản của Tư bản, còn bảo vệ cho nó – cả những cơ sở của đế quốc tại Trung Quốc. Với danh nghĩa “Tân Dân chủ”, chính quyền Mao trì hoãn nhu cầu cấp thiết nhất về cải cách ruộng đất mà nông dân đang trông chờ, để được hòa hợp với Địa chủ và Phú nông. Mao tin là “Tân Dân chủ” sẽ còn phải áp dụng trong vài thập niên nữa. Chu Ân Lai thì bảo, “Giai đoạn cách mạng Tân Dân Chủ sẽ còn phải thi hành ít nhất là 20 năm nữa.”
Điều kiện khách quan đã đến, ngay trong cuộc chiến Triều Tiên 1950. Dưới chiêu bài ủng hộ Nam Triều Tiên, đế quốc Mỹ đánh Bắc Triều tiên, trực tiếp uy hiếp Trung Quốc. Cho nên Mao phải giúp Bắc Triều tiên, mà điều trước nhất phải làm, là trưng thu tài sản, cơ sở đế quốc. Giai cấp Tư sản và Địa chủ nhân dịp này, gây ra những hoạt động phản cách mạng. Mao phải thi hành cải cách ruộng đất để yên bề nông dân, cùng phát động kế hoạch “Ngũ phản” (Chống: 1/ hối lộ, 2/ lậu thuế, 3/ gian lận, 4/ chiếm tài sản nhà nước, 5/ trộm bí mật kinh tế nhà nước. Phát động 1952, sau đó 500.000 cơ sở tư bị điều tra – N.D), tức là để chống Tư bản trong nước.
Cải cách ruộng đất 1952 phát động, không có Quốc hữu hóa, có nghĩa là đất ruộng vẫn tiếp tục bán và mua tự do trên thị trường. Điều đó tạo thêm sự chênh lệch giữa giai cấp nông dân – người nghèo phải bán, để giữ mạng sống, người có của thì mua. Phú nông cũng dự phần việc cho vay với phân lời cắt cổ cho người cần tiền, và rất nhiều viên chức cán bộ trong Đảng cũng tham gia chuyện này.
Tình hình càng tồi tệ, bắt buộc Đảng phải tham gia việc cải cách ruộng đất. Năm 1955 – phải tập thể hóa nông nghiệp. Mao bị thiểu số trong ban lãnh đạo Đảng. Chương trình của anh ta là gấp rút thực hiện tập thể hóa trước cuối năm. Lưu Thiếu Kỳ và Bành Đức Hoài thuộc số những người muốn có thời gian dài hơn, cho rằng chỉ khởi đầu được vào năm 1967. Mao đứng đầu Bộ Chính trị, triệu tập các vụ, viện, tỉnh bộ, vùng bộ để có quyết định sẽ hoàn tất năm 1957. Tính độc đoán của Mao vi phạm nguyên tắc tập trung đất ruộng và canh nông do Engels và Lenin đề ra. Thay vào đó, Mao thi hành chính sách sao chép từ Stalin trong thập niên 1920, tạo ra sự bất bình lớn trong quần chúng nông dân, vào ngay những năm tiếp đó.
Đầu năm 1953, đế quốc Mỹ cấm vận Trung Quốc. Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố thi hành chính sách của “giai đoạn chuyển tiếp” (chuyển tiếp, thường gọi là quá độ – N.D), tức là kế hoạch ứng phó, mà Mao đặt tên là “Kế hoạch Ngũ niên”, mục đích là tới sự tạo dựng kinh tế cùng kỹ nghệ hoá trong nước. Trong 1955-56, với sự phá bĩnh của tư sản trong nước trước chính sách kinh tế mới này, chương trình “Tân Dân chủ” đã bị gác, thay bằng chương trình “Nhà nước cùng Tư hữu cộng sinh”, mà Mao cho rằng sẽ để loại thải dần dần tư hữu của giai cấp Tư sản, khởi đầu cho việc xây dựng chủ nghĩa Xã hội.
Cuộc chuyển biến chính sách Đảng Cộng sản Trung Quốc từ sau khi chiếm quyền 1949, cho đến 1955, tương tự như chính sách Stalin từ 1945 đến 1948 tại Đông Âu với hiện diện của Hồng quân chiếm đóng ở đó. Chính sách đối ngoại của Mao cũng theo chính sách “sống chung hoà bình Xã hội chủ nghĩa và Tư bản” của Stalin. “Năm nguyên tắc chung sống hòa bình” mà Chu Ân Lai đem áp dụng với Nehru của Ấn là một thí dụ. Quãng thời gian này, Mao nhìn Stalin và Nga Xô như khuôn mẫu của một bậc thầy, anh ta phải bắt chước.
Tháng Bảy 1949, Mao chủ trương chính sách đối ngoại là “nhất biên đảo”, tức là, “ngả một bên”, và áp dụng chính sách ngả theo Nga Xô. Sau khi tuyên bố, Mao sang Nga 1950 để trực tiếp nói chuyện với Stalin. Kết quả hai bên ký kết một loạt tương ước về kinh tế, chính trị và trợ giúp quân sự giữa Trung Quốc và Nga. Tất cả những ký kết đều có lợi về Nga hơn là Trung Quốc, làm Mao về sau than phiền, “Cuộc thương thuyết của chúng ta với Nga Xô, thật giống như cuộc thương thuyết giữa con với bố.”[2]
Nhưng sau Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Liên Xô, Mao vẫn ra lệnh cho nhân viên cán bộ toàn Đảng Cộng sản Trung Quốc phải học tập lý thuyết Stalin. Khi Stalin chết năm 1953, Mao còn tuyên bố:
“Những văn bản của đồng chí Stalin là những tài liệu Mác-xít bất tử. Công trình của đồng chí, Căn bản của chủ nghĩa Lênin, Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô (Bolsheviks), cùng công trình cuối cùng, Vấn đề kinh tế tại Liên Xô là những Bách khoa Từ điển cho chủ nghĩa Mác-Lênin, là những bản tóm lưọc đầy đủ kinh nghiệm về phong trào Cộng sản suốt trăm năm qua.”[3]
Học tập chủ thuyết Stalin là điều bị bắt buộc trong toàn thể đảng viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cùng những tổ chức thanh niên, trong cả giới giáo chức, sinh viên mọi trường lớp, trong cả mọi tầng lớp cán bộ cùng nhân viên chính phủ. Chiến dịch học tập này, kéo dài vài tháng, thực ra là để Stalin-hóa Trung Quốc.
12.
Hỏi: Bản báo cáo của Khrushchev, đem ra ánh sáng những tội ác của Stalin, đã ảnh hưởng đến Trung Quốc ra sao?
Đáp: Thật là mỉa mai, là mỗi khi Đảng Cộng sản Liên Xô bị áp lực dư luận thúc bách đòi phá bỏ sự thần thánh hóa lãnh tụ là Stalin, thì Đảng Cộng sản Trung Quốc lại mở chiến dịch nâng cao danh tiếng Stalin. Trong Đại hội 20 của Cộng sản Liên Xô 1956, khi Krushchev đòi bác sự suy tôn cá nhân Stalin, đã trưng bằng cớ tội ác cùng sai quấy của Stalin, thì các đảng Cộng sản toàn thế giới và Đảng Cộng sản Trung Quốc đều bị chấn động chuyện này.
Phản ứng của Cộng sản Trung Quốc bộc lộ trong Đại hội thứ Tám, tháng Chín 1956, mà giải pháp do Lưu Thiếu Kỳ đưa ra, là đề nghị xóa một câucủa văn bản thành lập Đảng, (nhấn mạnh – N.D) câu ấy là, “Đảng Cộng sản Trung Quốc lấy lý thuyết Mác-Lênin cùng phối hợp với nguyên tắc triển khai từ kinh nghiệm thực tế của cách mạng Trung Quốc, tức là tư tưởng Mao Trạch Đông – làm những nguyên tắc hướng dẫn mọi hành động…” (nhấn mạnh – N.D)
Đặng Tiểu Bình, trong báo cáo đề nghị sửa Hiến pháp, phát biểu:
“Trong Đại hội Đảng thứ 20 của Đảng Cộng sản Liên Xô đã đưa ra bó đuốc soi đường về chiều sâu của nguyên tắc lãnh đạo tập thể cùng chống lại tệ nạn sùng bái cá nhân, đã thành một thí dụ sáng giá đem đến những ảnh hưởng sâu xa, không chỉ trong Đảng Cộng sản Liên Xô mà còn trong các Đảng Cộng sản toàn thế giới. Hiển nhiên là, một quyết định quan trọng mà chỉ do cá nhân quyết định, sẽ đi ngược lại nguyên tắc cơ bản của sự thành lập Đảng đã được xây dựng trên nguyên tắc Cộng sản, chỉ đưa đến nhiều sai lầm. Chỉ có lãnh đạo tập thể, đi sát với quần chúng, theo khuôn khổ nguyên tắc Đảng là tập trung dân chủ, mới có thể giảm những sai lầm đến tối thiểu.”[4]
Bản báo cáo này tiêu biểu cho đa số ý kiến của ban lãnh đạo Đảng. Mao không dám chống lại những đòi hỏi phải xét lại thực trạng, mà còn bị áp lực, đến nỗi phải tuyên cáo trong Đại hội,
“Trong Đại hội 20 mới không xa đây, Đảng Cộng sản Liên Xô đã lập thành nhiều công thức đúng đắn và đã phê bình những thiếu sót trong Đảng ta. Cũng có thể nói một cách tự tin rằng những triển khai lớn đó sẽ đón tiếp ngay những thành quả… kinh nghiệm của chúng ta đã rất không đầy đủ. (nhấn mạnh – nguyên tác). Nên chúng ta phải biết học hỏi. Chúng ta phải biết học những bài học từ đảng tiền phong của chúng ta, là Liên Xô…”[5]
Cho dù đã nhìn nhận như thế, Mao vẫn như bị một đòn chí mạng. Sau Đại hội Tám, anh ta chuẩn bị tấn công Krushchev và triệt nhóm Lưu-Đặng. Mùa thu 1956, cách mạng Hung bùng ra. Đó là cuộc cách mạng đầu tiên nổi dậy trong khối Xô viết. Thiết giáp Xô viết đè bẹp quần chúng một cách tàn bạo, chỉ để tạo ra bao thương xót trên toàn thế giới đối với những người bị đàn áp. Tại Trung Quốc, Mao phải nói:
“Nhiều người Trung Quốc cũng tỏ cảm tình trước biến cố Hung Gia Lợi. Họ mong chuyện tương tự sẽ xảy ra tại Trung Quốc, là sẽ có hàng ngàn, hàng ngàn người cùng xuống đường biểu tình, để chống chính quyền Nhân dân Trung Quốc.”[6]
13.
Hỏi: Mao đã làm gì để tránh chuyện bùng ra tương tự, ngay trên đất Trung Quốc?
Đáp: Mao tìm liều thuốc giảm đau cho cơn bệnh bất mãn, bằng cách phát động phong trào, “Trăm hoa đua nở, Trăm nhà đua tiếng”. Phong trào này kêu gọi mọi đảng phái, mọi khuynh hướng, học phái, phe nhóm, mọi cá nhân… hãy bày tỏ ý kiến và cùng bình phê “Tam Hại” – là Hại quan liêu, Hại cửa quyền, Hại chủ quan. Mao hi vọng sẽ làm dịu những bất mãn cùng thù nghịch đối với sự tôn sùng cá nhân anh ta bấy lâu, bằng cách để ai ai cũng được tự do lên tiếng. Trong phong trào Trăm Hoa (Tháng Tư-Tháng Sáu 1957), có rất nhiều phê bình Đảng, về chính phủ, và về đặc quyền của giới quan liêu công quyền. Lưu Thiếu Kỳ nhìn nhận,
“Có tính quan liêu nghiêm trọng trong Đảng Cộng sản Trung Quốc cùng với các tổ chức Thanh niên của Đảng. Sự độc đoán của chính quyền cùng những đặc quyền hưởng thụ là có thật, đã được phê bình rõ ràng.”
Lưu còn nói,
“Sự trầm trọng về chuyện quan liêu… cùng việc phê bình đang tràn lan mọi chốn, từ hãng xưởng, trường học, trang trại, cũng như bất cứ cơ quan nào. Nhưng, mục tiêu chính, và trên cùng, phê bình toàn là nhắm vào lãnh đạo.”[7]
Những ý kiến quần chúng nổi bật nhất, là Lâm Tử Linh, thành viên của nhóm thanh niên và là lãnh tụ phong trào sinh viên; và của Đới Hoan, thành viên của Đảng, cũng là ký giả của Tân Hoa Xã. Người trước phát biểu, “Tầng lớp xã hội bên trên hiện nay không tương hợp với tư hữu chung của cả xã hội, vì guồng máy Đảng và Nhà nước đã trở thành trung tâm quan liêu cai trị một đất nước không có chút gì dân chủ,” Cho nên, cô ta khẩn thiết kêu gọi, “Không cải cách nữa, mà phải đổi thay hết.” Người sau, đề nghị lập “Đảng mới” để, “Thực hiện dân chủ, tự do, và xóa sạch giai cấp đặc quyền đặc lợi.”[8]
Trung tuần tháng Sáu 1957, trên 3,000 sinh viên Hán Dương, gần Hán Khẩu biểu tình, đốt phá các bót cảnh sát, chiếm giữ các văn phòng Đảng cùng nhiều cơ quan chính phủ. Cuộc nổi dậy là một tái hiện thu nhỏ của cách mạng Đông Âu.
Mao lập tức can thiệp, phát động cuộc phản công, diệt sạch những ai mà anh ta vừa mới mời tham gia cuộc cải tổ “Đảng và Chính phủ”. Nay những người ấy thành ra “Hữu khuynh”, “Phản cách mạng” và bị trừng trị đích đáng. Trên 50,000 nạn nhân bị trục xuất khỏi cơ sở Đảng cùng các cơ sở của Thanh niên Cộng sản. Nhiều người còn bị đuổi khỏi trường, mất việc làm ở các chức vụ công. Rất nhiều người bị bắt giữ, hoặc vào tù, hay vào trại Lao cải.
14.
Hỏi: Thành ra, thay vì Mao được thêm tôn sùng, lại có kết quả trái ngược?
Đáp: Quần chúng coi phong trào Trăm Hoa là trò lừa đểu, và là cái bẫy để thanh toán bọn đòi ly khai (dissident). Dù kết qủa trừng trị như thế, Mao vẫn chưa hài lòng, phát động thêm chương trình mới – Bước “Đại Nhảy Vọt” cùng “Nhân dân Công xã”. Trong Hội nghị toàn thể Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa 8, Mao đề ra chương trình Nhảy vọt, hi vọng tạo ra phép lạ nông nghiệp cùng kỹ nghệ. Chương trình là chế thép ngay trong vườn nhà. Nỗ lực suốt năm, vận dụng 100 triệu người. Sinh viên, giáo sư, công nhân, nông dân, cả các bà nội trợ cũng tham gia chế thép. Trên 3 triệu tấn thép đúc, được sản xuất theo kiểu này – mà không 1 kí nào dùng được! Sự uổng phí lực lao động và vật liệu, chứng tỏ Mao thậm dốt về kỹ thuật.
Chớm đầu tháng Tám 1958, sau khi tự viếng Nhân dân Công xã tại Hồ Nam, chinh cá nhân Mao quyết định đòi tất cả nông dân bắt buộc phải tham gia Công xã. Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc phải ra lệnh theo ý Mao là công xã toàn diện mọi sở hữu quần chúng về đất đai, kể cả vườn nhỏ trong nhà, từ vựa lúa, kho thóc, gia súc, cho đến cây trái. Mục đích là,“Xóa bỏ mọi sở hữu cá nhân.” Nông dân phải cùng ăn trong Nhà ăn công cộng, trẻ con phải cùng vào Nhà trẻ công cộng, để phụ nữ có thể làm việc mười hai – đến mười bốn tiếng một ngày… tham gia việc đồng áng. Trong một thời hạn ngắn ngủi có ba tháng, 99 phần trăm nông dân đã lọt vào Nhân dân Công xã. Phương pháp tập thể hóa này vi phạm nguyên tắc sơ đẳng của chủ nghĩa Mác, đã từng được đặt thành tiêu chí của Engels, Lenin, và Trotsky.[9]
Hầu hết nông dân tuyệt vọng, đến mức chính họ phải chống lại các Công xã, bằng cách tự phá hoại, như giết gia súc, chặt cây trái, hay phá hủy mùa màng… đưa đến kết quả ngược, là thực phẩm vô cùng khan hiếm. Tình hình trở thành tồi tệ đến cùng độ vào đầu mùa hè 1959, là lúc cộng thêm thất bại sản xuất thép đã hiển nhiên. Khắp nước bất mãn. Nhiều cán bộ cùng lãnh đạo cấp cao đều tỏ lời phê bình Công xã. Nào Lưu Thiếu Kỳ, phó chủ tịch Đảng kiêm phó chủ tịch Nước, Tổng Tư Lệnh quân đội Chu Đức, Bộ trưởng Quốc phòng Bành Đức Hoài, rồi Tham mưu trưởng Hoàng Khắc Thành, và nhiều người nữa trong Bộ Chính trị cũng lên tiếng.
Bành Đức Hoài công khai phê chính sách Nhân dân Công xã là mang đầy đủ tính chất của ”Tiểu tư sản quá khích”. Ông ta viết cho Mao một bức thư dài ngày 14 tháng Bảy, 1959, phê bình Bước Nhảy Vọt thi hành quá sớm, làm mọi tỉ lệ phân phối của kinh tế mới rối loạn, đưa đến xáo trộn xã hội, và kết quả là đã phí phạm 20 tỉ Nhân dân tệ (tương đương 9 tỉ đô la Mỹ).
Bành nói, “Nhân dân Công Xã thi hành quá sớm, đã kéo thụt lùi nền sản xuất nông nghiệp.”
Bành yêu cầu, “Nhân Dân Công Xã phải tái tổ chức, phải được hỗ trợ hết cả mọi mặt, đặc biệt là từ Quân đội Nhân dân”.
Mao phản ứng, bằng cách triệu tập Hội nghị toàn thể Trung ương Đảng tại Lư Sơn, tháng Tám 1959. Sau cuộc tranh biện gay gắt, hội nghị nổi tiếng đó – Hội nghị Lư sơn – đồng chấp thuận việc tái tổ chức Nhân dân Công xã. Giải pháp, là sự hợp tác của các nhà sản xuất sẽ căn cứ trên cơ sở của sở hữu cá nhân – nghĩa là, trở lại hình thức sản xuất trước khi có Đại Nhảy Vọt. Phiên họp mở rộng này cũng quyết nghị việc phải truy lùng thành phần “ly khai” trong Đảng.
Rồi Bành Đức Hoài bị Lâm Bưu thay thế; rồi Hoàng Khắc Thành bị cách chức; và vài thành viên trong Bộ Chính trị Trung ương biến mất.
Để chống đỡ những sai lầm ngớ ngẩn của mình, Mao cũng từ chức Chủ tịch nhà Nước vào tháng Chạp, chỉ định Lưu Thiếu Kỳ thay thế. Lưu chính thức được thừa nhận vào chức vụ tháng 4, 1959. Giờ thì trách nhiệm sửa chữa những sai lầm nghiêm trọng dồn vào nhân vật mới, có nhiệm vụ xoa dịu bất mãn trong dân.
15.
Hỏi: Lưu có thực hiện được cuộc cải cách nào không?
Đáp: Lưu, cùng Đặng Tiểu Bình là Tổng Bí Thư, và Bành Chân, là Thị trưởng Bắc Kinh, cùng nhau phát động chiến dịch sửa sai, hủy bỏ chương trình nhà nhà đúc thép, cho phép duy trì quyền sở hữu đất ruộng trở lại, cùng sở hữu những phương tiện chăn nuôi tại thôn quê, bãi chương trình Nhà trẻ, Nhà ăn công cộng. Đại đa số nông dân đón mừng nồng nhiệt cải cách này. Nông phẩm tăng gia, sự thiếu hụt rau trái trầm trọng chấm dứt. Từ 1960 đến 1961, có nạn đói xảy ra, cộng đại họa Nhân dân Công xã, nhưng từ 1963, sản phẩm nông nghiệp khôi phục, thành quả đã ngang bằng với lúc trước khi có Công xã.
(Lược bỏ 15 dòng phát biểu về chính sách văn nghệ lươn lẹo của Mao, cùng những cải tổ giáo dục học đường, mà một Trotskyist khác, là Trần Kim Lan đã phát biểu trong cùng loạt bài chúng tôi đã dịch, “Văn nghệ và quyền lực”)
Cải cách của Lưu đem lại sự tán thưởng cùng khâm phục trong đa số quần chúng đối với cá nhân Lưu, đặc biệt của cả nông dân lẫn trí thức – trở thành một sự rất mích lòng Mao. Lưu đọc diễn văn trước Trung ương Đảng, ngày 22, tháng Hai 1962:
“Khó khăn tạm thời về kinh tế do những sai trái nghiêm trọng cùng nhiều lầm lỗi của chính chúng ta – 30% từ thiên tai và 70% do nhân tai. Việc đánh phe Hữu trong hội nghị Lư sơn năm 1959 (vụ Bành Đức Hoài) là quá mức, làm khó khăn cho cả những nỗ lực để rửa tiếng cho các nạn nhân. Cuộc đấu tố đã đầy sai lầm… Đảng rất thiếu dân chủ. Sinh mạng Đảng là sinh mạng của một chuỗi thanh toán tàn nhẫn, không thương sót.”
Diễn văn trên, được in lại trong Cách mạng Văn hoá, trên tờ Hồng Vệ Binh Thủ đô sau này, cốt để hạch tội Lưu Thiếu Kỳ, nhưng kỳ thật, lại làm người đọc hiểu hơn về quan điểm công khai của Lưu lúc đó. Đó là lúc Lưu ra sức cải tổ Đảng, với dự định rửa tiếng cho Bành Đức Hoài và những người oan ức khác. Cùng lúc, Mao chuẩn bị tái lập chính sách sùng bái lãnh tụ, và trả đũa những người chống đối. Trước tiên, anh ta sử dụng Lâm Bưu, Bộ trưởng Quốc phòng mới nhậm chức để tuyên truyền tư tưởng Mao và sắp đặt kế hoạch thờ phụng lãnh tụ trong quân đội. Đầu năm 1960, Lâm Bưu đưa ra giải pháp trong buổi triệu tập của Ban Trung ương Quân sự, nhan đề, “Bốn đáp án để giải quyết những khó khăn Quân sự” trong đó anh ta nhấn mạnh vai trò cá nhân lãnh tụ trên bình diện chính trị và tư tưởng. Khi giải pháp thông qua, Lâm kết luận, “Ai ai cũng phải đọc sách của Mao Chủ tịch, lắng nghe từng lời của Mao Chủ tịch, thi hành công tác theo chỉ dẫn của Mao Chủ tịch.” Tại Hội nghị Trung ương tháng Chín 1963, Mao tung ra khẩu hiệu, “Chúng ta không được xao lãng chuyện đấu tranh giai cấp”. Trong cùng buổi đó, một tuyên cáo được tung ra, như sau:
“Trong thời kỳ chuyển tiếp từ tư bản chủ nghĩa sang xã hội chủ nghĩa… cuộc đấu tranh giữa vô sản và tư sản vẫn còn. Cuộc đấu tranh hai phe xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa vẫn còn. Cuộc đấu tranh này không khỏi không có phản chiếu từ trong Đảng… Chúng ta phải bắt kịp thời cơ và phải đấu tranh bền chắc chống với những khuynh hướng Cơ hội chủ nghĩa mà chúng lộ ra nhiều kiểu nhiều cách. Đặc điểm của Hội nghị toàn thể Trung ương Đảng lần thứ 8 là sự chiến thắng đập nát bọn Hữu khuynh. Tức là, đã đập tan mọi phá hoại của bè lũ Xét lại.”
Những câu trên là những lời cảnh báo đến Lưu Thiếu Kỳ, rằng nếu còn tiếp tục chống phá, tức là thuộc về khuynh hướng Xét lại, sẽ gặp số phận y như Bành Đức Hoài. Sau đó, những từ “cơ hội”, “xét lại” luôn luôn được lặp đi lặp lại trong văn bản của Đảng, trên báo chương… để dằn mặt những ai trong Đảng mà dám có ý kiến khác Mao.Trong buổi họp của Liên hội Văn nghệ Trung Quốc tháng Sáu 1964, Mao tuyên bố:
“Trong mười lăm năm qua, hội này cùng những sản phẩm đã ấn hành của họ, đã phần lớn thất bại… Họ đã nghiêng về phe Xét lại. Nếu họ không kịp tự chấn chỉnh, sớm muộn gì họ sẽ trở thành một Câu lạc bộ kiểu Petofi bên Hung.”
Mao ra lời cảnh cáo đến nhóm sinh hoạt văn hóa nào chịu ảnh hưởng Lưu Thiếu Kỳ, nhưng những lời nhắc đến nhóm cách mạng Hung của Mao mới là những lời báo động cho cuộc Cách mạng Văn hóa sắp đến.
16.
Hỏi: Tại sao Mao phát động Cách mạng Văn hóa?
Đáp: Cách mạng Văn hoá ở Trung Quốc là phản ứng đối phó cái kết cục bi thảm tại Nam Dương, tháng Mười 1965. Đảng Cộng sản Nam Dương là Đảng Cộng sản lớn nhất trong thế giới tư bản, với 3 triệu đảng viên cùng 10 triệu cảm tình viên. Đầu thập niên ’60, Mao đã muốn lôi kéo Đảng này về phe mình, trong cuộc tranh giành ảnh hưởng Trung-Xô trên thế giới. Mao mời lãnh tụ Đảng Cộng sản Nam Dương là Aidit đến Bắc Kinh nhiều lần để thương lượng, và Mao đề nghị Aidit hợp tác với chính quyền Sukarno, theo mô hình hợp tác Quốc dân Đảng-Cộng sản ở Trung Quốc. Đảng Cộng sản Nam Dương nghe theo, áp dụng chính sách cơ hội này, đưa đến cuộc đảo chính tháng Mười 1965, làm cho 250,000 đến 500,000 đảng viên Cộng sản cùng Dân quân bị thảm sát, kể cả Aidit. Tấm thảm kịch này là một cú nghẹt thở trước dư luận thế giới, khi thẩm xét sự khả tín chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nhiều lãnh tụ trong Đảng cũng bất mãn với chính sách Mao, làm Mao phải triệu tập phiên họp đặc biệt tháng Chín-Mười 1965. Trong phiên họp, vài lãnh tụ chê trách việc thất bại Đảng Cộng sản Nam Dương là do chịu ảnh hưởng Đảng Cộng sản Trung Quốc. Thị trưởng Bắc kinh Bành Chân gay gắt phát biểu, “Con người bình đẳng trước sự thật. Nếu Mao Chủ tịch sai lầm, cũng phải chịu phê bình.”
Sau cuộc trao đổi, Mao tức khắc đi Thượng Hải tập hợp phe nhóm, gồm Trương Xuân Kiều, giám đốc hội Văn hoá Thượng Hải, Diêu Văn Nguyên, tổng Biên tập Văn hối báo. Bọn này, dưới sự chỉ đạo của Mao, viết bài công kích vở kịch Hải Thụy bãi quan đăng trên báo ở Thượng Hải, tố cáo một tác phẩm văn nghệ tiên phong dám “chĩa” vào dự định làm Cách mạng Văn hoá. Chiến dịch tiếp, theo nhằm quảng bá “tư tưởng Mao”, khởi động trênGiải phóng quân báo dưới chỉ đạo của Lâm Bưu, tung ra những luận điệu như, “Phải học tập tư tuởng Mao Trạch Đông cùng nêu cao tư tưởng Mao Trạch Đông,” và,”Tư tưởng Mao Trạch Đông là bảng chỉ đường cho cách mạng giải phóng nhân dân thế giới.”
Trong Thư Biên tập trên báo, ngày 1 tháng Giêng 1966, viết,
“Mỗi lời của Mao chủ tịch đều là chân lý… Chúng ta phải tin chắc cùng hỗ trợ mọi điều của tư tưởng Mao Trạch Đông, và chúng ta phải cương quyết chống lại những gì không đúng với tư tưởng Mao Trạch Đông.”
Lời nhắn này, để gửi đến Lưu Thiếu kỳ cùng Trung ương Đảng.
Một vài nhà văn Bắc Kinh và Thượng Hải vẫn còn ngỏ ý bênh vực cho Ngô Hàm (tác giả vở kịch) chống những dèm pha, cho đến khi Lâm Bưu ra lệnh triệt hết khuynh hướng “chống Đảng”. Tờ Quân đội Giải phóng được dùng làm cái loa chính cho chiến dịch này, đưa tới sự đàn áp thể chất tới bất kỳ ai chống đối. Quân đội được vận dụng tham gia chiến dịch. Ngay cả khi Ngô Hàm cùng những người bênh ông ta đã im tiếng, phe Mao vẫn tiếp tục buộc tội họ, là “chống Xã hội Chủ nghĩa”, “chống Đảng”, “chống Cách mạng”, và có hoạt động “hướng đến con đường Tư bản” – tất cả cáo buộc này làm cá nhân Ngô Hàm rơi xuống vực thẳm. Tháng Tư, Diêu Văn Nguyên tung ra bài viết buộc tội các tác giả Chuyện ba nhà, và Đêm bàn chuyện Yên Sơn. Ngay sau đó, Đặng Thác cùng các tác giả kia bị trục xuất khỏi Đảng.
Cuối tháng Tư, Lâm Bưu điều động quân đội tiến chiếm toàn thể các văn phòng cơ quan chính phủ thành phố. Mao từ miền Nam trở về Bắc Kinh, chính thức phát động “Cách mạng Văn hoá Vô sản”. Anh ta lập “Nhóm Cách mạng Văn Hoá”, mà Trần Bá Đạt là Đệ Nhất chủ tịch, Giang Thanh làm Đệ Nhị. Chính quyền Bắc Kinh, mà người đứng đầu là Bành Chân, bị truất chức, đầu tháng Sáu. Rồi Lục Định Nhất, Trưởng ban Tuyên huấn, và Chu Dương, Thứ trưởng Văn hoá cùng nhiều quan chức cao cấp trong bộ Văn hoá cũng bị truất chức. Tổng Tham mưu trưởng La Thụy Khanh bị bắt. Tới trung tuần tháng Sáu thì tất cả trường, từ Mẫu giáo, Tiểu học, Trung học cho đến Đại học đều đóng cửa để làm Cách mạng Văn hóa. Hầu hết Khoa trưởng, Hiệu trưởng của Đại và Trung học các cấp, cũng như toàn thể giáo viên, giáo sư đều bị Hồng Vệ Binh đánh đập, chửi rủa dưới chỉ đạo của Nhóm Cách Mạng Văn hóa – do Trần Bá Đạt và Giang Thanh chỉ huy.
Lưu Thiếu Kỳ cùng Đặng Tiểu Bình cố cứu vãn tình thế, bằng cách yêu cầu triệu tập Hội nghị Trung ương Đảng. Mao từ khước không đến dự, vì cuộc thanh trừng Lưu-Đặng chưa xong. Khi Mao về tới Bắc Kinh, ra lệnh Lâm Bưu đem quân đội vây Thủ Đô. Rồi Mao mới triệu tập Hội nghị toàn thể Trung ương Đảng lần thứ 11 khóa 8, để thi hành “Quyết nghị về Cách mạng Văn hóa Vô sản”. Điểm chính, là: “Để đập tan bọn ở ngay trong Cơ quan trách nhiệm, lại có tư tưởng theo con đường Tư bản chủ nghĩa”, và phải lập tức, “Tái cấu trúc Ban chấp hành Chính trị bộ”. Thế là Lưu Thiếu Kỳ bị cất chức phó Chủ tịch Đảng, Lâm Bưu thay thế.
Hội nghị này chủ trương kêu gọi sinh viên hãy tham gia, để tăng cường cho sức mạnh Hồng Vệ Binh. Chiến dịch đầu, là chiến dịch phá “Bốn cũ” – tư tưởng cũ, văn hóa cũ, phong tục cũ, thói quen cũ – thay bằng “4 mới”. Đầu tháng Tám, trong cuộc tập họp lớn ở Bắc Kinh, Lâm Bưu nhắn nhủ Hồng Vệ Binh là phải, “Cô lập và thanh trừng toàn thể bọn công chức ngấm ngầm theo con đường tư bản.” Cuộc diệu võ dương oai, kèm nhiều bích chương khắp nơi diễn ra, đòi hỏi Hồng Vệ Binh thanh toán gấp “Bọn đầu nậu địa phương”.
Nhưng có vài lãnh tụ địa phương tự tổ chức nhóm Hồng Vệ Binh riêng, chống Hồng Vệ Binh Trung ương của Mao, kết quả, là xảy ra nhiều đụng độ dữ dội. Ngày 15 tháng Chín, Lâm Bưu thay Mao đọc diễn văn trong buổi Đại hội Hồng Vệ Binh, cao giọng bảo đảm, là “Quân đội sẽ hỗ trợ Hồng Vệ Binh trong công cuộc diệt bọn chống tư tưởng Mao đến cùng”. Lời tuyên bố này dẹp yên hết mọi ngần ngại: Hồng Vệ Binh lập tức phát động phong trào tố cáo bằng bích chương tại Bắc Kinh, kêu gọi “Nghiêm trị bọn chạy theo Tư bản”. Chúng chỉ đích danh các lãnh đạo địa phương như Lý Tỉnh Tuyền, Bí thư thứ nhất Cục Tây Nam; Lưu Lan Đào Bí thư thứ nhất Cục Tây Bắc; và Lý Tuyết Phong Bí thư thứ nhất Cục Hoa Bắc. Rồi viên chức công quyền nào cũng bị đấu, tới cả Lưu Thiếu Kỳ, chủ tịch nước Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc, cùng Đặng Tiểu Bình, Tổng Bí thư Đảng cũng là nạn nhân. Cuối tháng Mười, trong cuộc kiểm điểm 17 ngày, Lưu và Đặng bị ép phải viết bản tự kiểm. Sau phiên họp ấy, Bành Chân và Lục Định Nhất bị bắt.
(còn tiếp)
Nguồn: Bản tiếng Việt © 2010 Vũ Huy Quang & talawas
[1] Kế hoạch Marshall, soạn 1947, áp dụng 1948. Kế hoạch chuẩn chi 12 tỉ Mỹ kim tái thiết Âu châu, làm bức tường chắn Cộng sản. Chấm dứt 1952.
[2] Ghi chú trong biên bản Hội nghị tối cao Nhà nước, ngày 12, tháng Mười 1957.
[3] Tsui wei-ta ti Yu-i (Đại Hữu Nghị), Bắc Kinh, 1957, Anh ngữ, của Schram, “Political Thought of Mao Tse-tung”, p. 265.
[4] Đặng Tiểu Bình, “Báo cáo về việc duyệt lại Hiến chương Đảng Cộng sản Trung Quốc”, Đại hội 8 của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Anh ngữ, (Peking, Foreign Languages Press, 1956) vol. 1. Document, p. 192
[5] Mao Trạch Đông, “Diễn văn khai mạc tại Đại hội 8 của Đảng Cộng Sản toàn Trung Quốc” sđd. p.10. (Tài liệu) Nhấn mạnh trong trích dẫn.
[6] Để chỉnh những mâu thuẫn trong quần chúng (Peking, Foreign Languages Press, 1960), p. 13.
[7] “Diễn văn chào mừng đại biểu Đảng Lanka Sama Samaja” của Tích Lan,Nhân dân Nhật báo, 19 tháng Năm, 1957.
[8] Quang minh Nhật báo.
[9] Chi tiết trong bài “Phê bình về công xã nhân dân” của Bành Thuật Chi,The Chinese Communist Party in Power – Pathfinder, p.p 171- 223.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét