Sự chủ động, tích cực đó của Việt Nam được dư luận thế giới đồng tình và đánh giá cao. Ấy vậy mà đây đó vẫn xuất hiện những giọng điệu lạc lõng cho rằng, tư duy ngoại giao của Việt Nam đã lỗi thời và khuyến cáo rằng, đã đến lúc Việt Nam phải thay đổi chính sách đối ngoại nếu không muốn bị cô lập... Thực chất của chiêu trò này không gì khác vẫn là xuyên tạc sự thật hòng làm cho thế giới nghi kỵ với Việt Nam, chia rẽ quan hệ giữa Việt Nam với các nước, làm giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng ta.
Những giọng điệu ấy dù có xảo quyệt, tinh vi đến đâu đi chăng nữa cũng không thể xuyên tạc được sự thật lịch sử, không thể đánh lừa được dư luận. Thực tiễn lịch sử từ khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ra đời (2-9-1945) cho đến nay, đặc biệt trong hơn 30 năm đổi mới đã khẳng định tính đúng đắn, sáng tạo trong đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam. 
Ảnh minh họa/ TTXVN 
Trong bản Tuyên ngôn độc lập công bố trước quốc dân đồng bào tại Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Có thể nói đó là những thông điệp ngoại giao đầu tiên mà Việt Nam muốn gửi tới thế giới. Trong hoàn cảnh đất nước vừa giành được độc lập, với một chính quyền non trẻ đứng trước vô vàn gian nan, thử thách, có những lúc ở tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Việt Nam đã thể hiện rõ ý chí và thiện chí của mình đó là lấy độc lập, tự chủ, bằng sức mình là chính, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của thế giới. Trên thực tế ngoại giao đã được Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng như một thứ vũ khí sắc bén để bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ và xây dựng chính quyền non trẻ, huy động nhân tài, vật lực để kiến thiết đất nước. Những thành công khởi đầu ấy đã đặt móng, xây nền cho công tác ngoại giao, tiếp thêm động lực và để lại những kinh nghiệm quý để Việt Nam tổ chức mặt trận ngoại giao trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc sau này.
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, thực hiện những đường lối, quyết sách đúng đắn, đặc biệt là các hoạt động ngoại giao khôn khéo, linh hoạt theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Đảng ta, đấu tranh ngoại giao đã góp phần quan trọng nâng cao địa vị của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trên trường quốc tế; phân hóa, cô lập kẻ thù. Và cuối cùng, bằng những thắng lợi trên mặt trận ngoại giao kết hợp với những thắng lợi về quân sự trên chiến trường, chúng ta đã buộc thực dân Pháp phải cam kết công nhận các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam và các nước Đông Dương. Thực hiện đường lối của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, công tác ngoại giao Việt Nam luôn là một mặt trận hỗ trợ và phối hợp với mặt trận đấu tranh chính trị, đấu tranh quân sự. Bằng nhiều hoạt động và biện pháp linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, đấu tranh ngoại giao đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. 
Sau khi đất nước thống nhất, đặc biệt là qua 30 năm đổi mới, công tác đối ngoại luôn bám sát tình hình thế giới, tiếp tục đạt được những thành quả quan trọng, góp phần không nhỏ vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước. Sẽ là phiến diện nếu bàn đến thành tựu của công tác ngoại giao mà không nhấn mạnh nhân tố quyết định đó là sự phát triển trong tư duy ngoại giao và vai trò lãnh đạo của Đảng ta. Có thể khẳng định tư duy ngoại giao của Đảng ta luôn đổi mới và phát triển không ngừng. Chính sự đổi mới, phát triển ấy đã giúp cho chính sách ngoại giao của Việt Nam luôn phù hợp với xu thế của thời đại, phù hợp với tình hình thế giới và trong nước, đạt được những thành tựu kỳ diệu, không ngừng nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Sự phát triển tư duy ngoại giao của Đảng ta được thể hiện rõ nét trong đường lối đổi mới toàn diện đất nước do Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI đề ra. Trong đó về lĩnh vực đối ngoại, Đảng ta đã thể hiện rõ quan điểm, cái nhìn mới mẻ về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong điều kiện mới; về những tác động, ảnh hưởng của cuộc cách mạng khoa học công nghệ thế giới với Việt Nam; về xu thế mở rộng phân công, hợp tác giữa các nước... Từ những nhận định chiến lược, Đảng ta chủ trương: Mở rộng hợp tác quốc tế, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI, ngày 20-5-1988, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 13/NQ-TW "Về nhiệm vụ và chính sách đối ngoại trong tình hình mới", trong đó khẳng định mục tiêu chiến lược và lợi ích cao nhất của Việt Nam là "Củng cố và giữ vững hòa bình để tập trung sức xây dựng và phát triển kinh tế". Nghị quyết cũng thể hiện rõ quan điểm chỉ đạo công tác đối ngoại của Đảng ta đó là "thêm bạn, bớt thù"... Trong đổi mới về tư duy đối ngoại, Bộ Chính trị xác định: Đổi mới tư duy cho kịp với sự phát triển nhanh chóng của tình hình thế giới, kết hợp sức mạnh của thời đại trong điều kiện mới của tình hình thế giới. Như vậy có thể nói, Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị đã đánh dấu sự đổi mới tư duy về công tác đối ngoại. Đây là cơ sở hình thành đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế của Việt Nam.
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới vào những năm cuối thập niên 80 và đầu thập niêm 90 của thế kỷ trước, tại Đại hội lần thứ VII (tháng 6-1991), Đảng ta tiếp tục chủ trương mở rộng quan hệ đối ngoại, với trọng tâm là “Hợp tác, bình đẳng và cùng có lợi với tất cả các nước, không phân biệt chế độ chính trị-xã hội khác nhau, trên cơ sở nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình”, với phương châm “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”. Nhiệm vụ bao trùm của công tác đối ngoại là: "Giữ vững hòa bình, mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác, tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ".
Từ Đại hội VII đến Đại hội XI, Đảng ta chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại theo phương châm: Việt Nam muốn là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ. Tại Đại hội toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta đã kế thừa những nội dung cơ bản của đường lối đối ngoại được thông qua tại các kỳ đại hội trước, đặc biệt là Đại hội XI và có những bổ sung, phát triển mới. Đại hội XII chủ trương tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, tiếp tục đưa các mối quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu.
Như vậy có thể thấy rõ đường lối đối ngoại rộng mở đề ra tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI đã được Đảng ta bổ sung, phát triển thành đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế. Tính đúng đắn, sáng tạo và hiệu quả của đường lối đó đã được minh chứng bằng thành tựu rực rỡ của công tác đối ngoại qua các nhiệm kỳ đại hội. Đường lối đó đã góp phần quan trọng tạo ra môi trường hòa bình, ổn định, điều kiện thuận lợi và tranh thủ được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong phát triển KT, XH, tăng cường QP, AN, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Thực hiện đường lối đúng đắn đó, Việt Nam đã tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực, đưa các quan hệ quốc tế đã được thiết lập đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, đồng thời hội nhập sâu hơn và đầy đủ hơn vào các thể chế kinh tế toàn cầu. Đường lối đó đã khẳng định vị thế và vai trò cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.
Sự thật rất rõ ràng vậy mà người ta vẫn cố tình xuyên tạc. Hành động xuyên tạc đường lối đối ngoại của Việt Nam mà những kẻ phản động đang tiến hành là hết sức nguy hiểm. Đặc biệt giữa lúc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tập trung phát huy sức mạnh tổng hợp, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thì những hành động ấy dễ làm nhiễu thông tin, gây phân tâm, gây hiểu lầm trong quan hệ của các nước với Việt Nam, tác động tiêu cực tới niềm tin của nhân dân vào đường lối đối ngoại của Đảng. 
Sự phát triển trong tư duy ngoại giao, tính đúng đắn, sáng tạo và hiệu quả trong đường lối đối ngoại của Đảng ta là lời tuyên bố bác bỏ mọi giọng điệu xuyên tạc sự thật của các thế lực thù địch, các tổ chức phản động, những phần tử cơ hội và bất mãn chính trị. Vấn đề đặt ra với mỗi người Việt Nam chân chính ở cả trong và ngoài nước là cùng với quán triệt, nâng cao nhận thức về đường lối đối ngoại của Đảng, phải chủ động phát hiện và đấu tranh mạnh mẽ phản bác mọi thông tin sai sự thật, những luận điệu xuyên tạc chống phá của các thế lực thù địch, nhằm bảo vệ đường lối của Đảng, góp phần tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển KT, XH, giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc gia, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, nâng cao vị thế của đất nước trong khu vực và trên thế giới.
SONG HÙNG
Nhận diện sự chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa
8/6/2017 22:15'

Nội dung chủ yếu của cuộc chiến tranh ý thức hệ do chủ nghĩa đế quốc phát động là tấn công vào lòng người, đánh vào trận địa chính trị, tư tưởng - văn hóa của các nước xã hội chủ nghĩa. Các nhà tư tưởng của chủ nghĩa đế quốc đã tổng kết: “một đài phát thanh cũng có thể bình định xong một đất nước”, “một đô-la chi cho tuyên truyền có tác dụng ngang với 5 đô-la chi cho quốc phòng”; “kích động vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo là bốn đòn đột phá khẩu, bốn mũi xung kích để chọc thủng mặt trận tư tưởng chính trị”. Trong cuốn sách “Năm 1999 - chiến thắng không cần chiến tranh”, nguyên Tổng thống Mỹ R. Ních-xơn đã tuyên bố: “Mặt trận tư tưởng là mặt trận quyết định nhất”, “toàn bộ vũ khí của Mỹ, các hoạt động mậu dịch, viện trợ, quan hệ kinh tế sẽ không đi đến đâu nếu chúng ta thất bại trên mặt trận tư tưởng”, “Cái sẽ có tác dụng quyết định đối với lịch sử là tư tưởng, chứ không phải là vũ khí”,...
Các thế lực thù địch cho rằng, để lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Việt Nam, cần phải điều chỉnh các biện pháp và phương thức, thay đổi các thủ đoạn tiến hành “diễn biến hòa bình” cho thích hợp, vì tình hình Việt Nam không giống như bối cảnh các nước Đông Âu hay Liên Xô trước đây. Chúng chủ trương phá hoại trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, tư tưởng, văn hóa, xã hội, ngoại giao, quốc phòng - an ninh, khoa học, giáo dục... Và, khi cần thì dùng cả biện pháp quân sự. Song, trọng tâm then chốt vẫn là phá hoại về tư tưởng - văn hóa. Chúng xác định rằng, tước bỏ vũ khí tư tưởng của nhân dân là khâu đột phá quan trọng trong “diễn biến hòa bình”.
“Diễn biến hòa bình” là một thủ đoạn phi quân sự, chú trọng chiến tranh tâm lý, đặc biệt nhấn mạnh sức mạnh của tư tưởng - ý thức hệ. Trong đó, chủ yếu là “mặt trận tư tưởng - văn hóa”. Các thế lực thù địch xác định, xâm nhập được tư tưởng - văn hóa của đối phương sẽ thu được hiệu quả phi thường. Xâm nhập tư tưởng - văn hóa, trên thực tế, là mở cuộc tấn công ý thức hệ vào nước Việt Nam XHCN. Chúng gọi đó là “tiến công vào lòng người” để làm sụp đổ tinh thần chiến đấu của đối phương; làm tan rã đối phương về nội tâm, tinh thần và tư tưởng; gây hỗn loạn về tư tưởng, gây tâm lý sợ hãi; kích động tâm trạng bất mãn, thù địch với chủ nghĩa xã hội (CNXH) và chủ nghĩa cộng sản; truyền bá mô thức chính trị, mô thức kinh tế, quan niệm giá trị và lối sống của chủ nghĩa tư bản, đòi đa nguyên hóa và thị trường hóa nền kinh tế.
Có nhà nghiên cứu cho rằng, chiến lược của chủ nghĩa đế quốc được tiến hành chủ yếu trên hai phương diện:Một là, xâm lược nước khác bằng quân sự và kinh tế. Hai là, làm tan rã nước khác bằng tư tưởng và văn hóa. Nếu phương diện thứ nhất dựa vào sức mạnh của kẻ xâm lược, thì phương diện thứ hai dựa trên chiến lược làm tan rã nội bộ đối phương, hết sức xảo quyệt. Chính các nhà tư tưởng của chủ nghĩa đế quốc đã tổng kết: “có những việc 100 máy bay chiến đấu không thực hiện nổi, nhưng chỉ cần 10 sứ giả lại có thể thành công”. Ngày nay “làn sóng điện đang thay thế thanh gươm; cây bút là phương tiện đi vào trái tim, khối óc con người”.
Từ khi nước ta tiến hành công cuộc đổi mới, các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, nhưng có sự thay đổi về thủ đoạn và sách lược. Chúng tiến công ta mạnh mẽ hơn về tư tưởng - văn hóa, coi đây là mặt trận hàng đầu, là mũi nhọn đột phá, thọc sâu, vừa dùng các lực lượng, phương tiện từ bên ngoài, vừa tận dụng phát triển các lực lượng và phương tiện ở trong nước ta, tạo ra sự chống đối mạnh mẽ từ nội bộ Đảng, nội bộ xã hội ta, từng bước làm cho nhân tố chống đối bên trong phát triển để phá ta từ trong nước, trong lòng chế độ. Chiến lược “Vượt trên ngăn chặn” và “Bao vây cấm vận” được thay bằng chiến lược “Triệt tiêu kẻ thù”. Tư tưởng chỉ đạo của chiến lược này là áp dụng các biện pháp “can dự”, “tiếp cận”, lôi kéo đối phương từ đối đầu sang đối thoại, tăng cường hợp tác hoặc hoà nhập với phương Tây, theo sự chỉ huy hoặc khống chế của một trung tâm quyền lực cụ thể. Tức là, chúng không đứng ngoài hò hét chống phá mà xâm nhập vào ta để đánh ta từ trong đánh ra, làm cho ta “tự diễn biến”, “tự sụp đổ”, “Cộng sản tự diệt cộng sản”. Các thế lực thù địch thực hiện chính sách lôi kéo, thông qua các nước đồng minh, các tổ chức phi chính phủ, qua các hình thức giao lưu, hợp tác về văn hóa, khoa học, giáo dục... để thâm nhập, thu thập tin tức tình báo, làm chuyển hóa tư tưởng, chuyển hóa chính trị, mua chuộc cán bộ, cài cắm nội gián; móc nối với những người bất mãn, cơ hội chính trị, những người nắm được bí mật quốc gia, những người đi công tác, học tập ở nước ngoài; tìm cách can thiệp cho một số văn nghệ sĩ, những người mà họ cho là có quan điểm “cấp tiến” ra nước ngoài dự hội thảo, học tập; đưa giáo viên và lưu học sinh vào Việt Nam học tập, nghiên cứu, tiếp xúc, giao lưu. Đại sứ quán của một số nước phương Tây đã có những hoạt động can thiệp sâu vào công việc nội bộ nước ta, như gửi phiếu đăng ký cung cấp thông tin cho nhiều tổ chức và cá nhân trong nước để nắm nội bộ ta, gây nhiễu thông tin; cử nhân viên sứ quán đến một số trường đại học tìm hiểu tư tưởng, thái độ của giáo viên, sinh viên; quan hệ với một số nhà xuất bản và một số tờ báo với ý đồ lôi kéo. Họ lợi dụng các diễn đàn công khai để tuyên truyền “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền” theo kiểu tư sản; tuyên truyền quan điểm cá nhân ích kỷ cực đoan, xuyên tạc chúng ta vi phạm dân chủ, nhân quyền, tung ra luận điểm “nhân quyền cao hơn chủ quyền” để tạo cớ can thiệp vào nước khác có xu hướng độc lập, không chịu lệ thuộc.
Các trung tâm phá hoại tư tưởng, văn hóa tăng cường hoạt động tuyên truyền thù địch chống phá Việt Nam. Chúng rất coi trọng các phương tiện truyền thông đại chúng và tuyên truyền kiểu “rỉ tai”, kích động; sử dụng trên 40 đài phát thanh và truyền hình, gần 400 tờ báo và tạp chí tiếng Việt (trong đó có 10 tờ rất phản động), 66 nhà xuất bản để tuyên truyền chống Việt Nam; đưa một số lượng lớn tài liệu, sách báo, truyền đơn, băng hình, băng nhạc,... có nội dung phản động, đồi trụy vào Việt Nam; chỉ đạo bọn “bồi bút”, cơ hội viết nhiều bài xuyên tạc, bôi nhọ tình hình Việt Nam.
Hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch thông qua “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa đối với nước ta trong những năm vừa qua được thể hiện qua các thủ đoạn và nội dung chủ yếu sau: Xuyên tạc, bôi nhọ, đả kích bản sắc văn hóa dân tộc; đặc biệt là truyền thống văn hóa, văn nghệ cách mạng, lối sống XHCN - những giá trị tinh thần của chế độ XHCN; truyền bá văn hóa, lối sống tư sản phương Tây vào nước ta - lối sống thực dụng, vụ lợi cá nhân, sùng bái đồng tiền, dâm ô, trụy lạc phi nhân tính...; kích thích sự phục hồi, phát triển lối sống mê tín dị đoan, tôn thờ chủ nghĩa hữu thần; tìm hiểu, móc nối, mua chuộc, lôi kéo, kích động trí thức, văn nghệ sĩ có tư tưởng bất mãn, thù địch, cơ hội, hữu khuynh cực đoan, sa đọa về phẩm chất đạo đức,... vào con đường phản bội, chống lại Đảng, Nhà nước và nhân dân; tìm cách thao túng, lũng đoạn, chi phối các cơ quan, tổ chức văn hóa, văn nghệ làm cho văn hóa, văn nghệ đi chệch định hướng XHCN.
Tác động của “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa ở nước ta trong những năm qua được thể hiện trên những phương diện chủ yếu sau:
Phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng và Nhà nước ta, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với chế độ XHCN ở Việt Nam
Lợi dụng sự sụp đổ của chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu, các thế lực thù địch đã tấn công quyết liệt vào nền tảng tư tưởng của Đảng, Nhà nước ta là chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh; đả kích đường lối cách mạng của Đảng, bài xích định hướng XHCN. Chúng phát hiện những người bất mãn trong nội bộ Đảng, Quân đội, bộ máy nhà nước để tìm cách lôi kéo, lái những người này đi theo quan điểm của chúng làm nòng cốt để chuyển hóa từ bên trong; kích động tâm lý hoài nghi dẫn tới phủ định CNXH. 
Thực tế đã có một bộ phận nhân dân, trong đó có một số cán bộ, đảng viên đã dao động, giảm lòng tin đối với chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và dân tộc ta đã lựa chọn. Một số kẻ cơ hội, xét lại, phản bội đã tung ra những bài viết xuyên tạc, vu khống, bác bỏ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Những việc làm ấy đã gieo hoang mang, hoài nghi cho không ít người. Bằng cách đó, họ muốn tạo nên một sự “tự diễn biến” từ bên trong xã hội ta, trước hết là “tự diễn biến” về nhận thức, tư tưởng, từ đó dẫn đến những “tự diễn biến” về các mặt khác. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, sinh viên, học sinh phai nhạt lý tưởng cách mạng, thờ ơ chính trị, giảm sút và mất lòng tin vào thắng lợi của CNXH, vào khả năng lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp xây dựng xã hội mới, vào thắng lợi của công cuộc đổi mới, dẫn tới những nhận thức lệch lạc, ngả nghiêng về bản lĩnh chính trị, lập trường quan điểm, đã phụ họa với những quan điểm sai trái, phát ngôn theo luận điệu của các thế lực thù địch, phủ định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. 
Bên cạnh đó, các thế lực thù địch sử dụng “vấn đề nhân quyền” để phá hoại về tư tưởng đối với Việt Nam, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của chúng ta, đặt điều kiện hòng ép ta thoả hiệp, nhượng bộ về chính trị, thay đổi đường lối của ta, đi theo quỹ đạo của chúng, núp dưới chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” để tuyên truyền, kích động dư luận thế giới cô lập Việt Nam, gieo rắc sự nghi ngờ trong các công dân Việt Nam đối với Nhà nước, kích động và khơi dậy sự phản kháng của những kẻ bất mãn, những phần tử cơ hội, thoái hóa biến chất, những người trước đây cộng tác với chế độ cũ, hiện đang còn ở lại Việt Nam. Các thế lực thù địch còn vu khống, xuyên tạc chính sách của Nhà nước ta về tôn giáo, dân tộc, chính sách đối với văn nghệ sĩ.
Đó là những đòn tấn công của các thế lực thù địch để tạo ra những lực lượng chống đối ngầm trong nội bộ nhân dân ta. Nếu không được vạch trần, ngăn chặn, nó có khả năng làm rối loạn xã hội, tạo cơ hội cho “diễn biến hoà bình” phát triển thành công ở Việt Nam.
Tác động chống phá về văn hóa
Trong tác động phá hoại về văn hóa, các thế lực thù địch tập trung phá hoại truyền thống văn hóa dân tộc, văn hóa cách mạng, các chuẩn mực đạo đức, lối sống XHCN. Các thế lực thù địch rất coi trọng tác dụng “diễn biến hòa bình” của các loại “chất độc tinh thần” tư sản. Do vậy, chúng tìm mọi phương thức để các sản phẩm văn hóa độc hại xâm nhập vào nước ta. Chúng sử dụng các sản phẩm văn hóa đồi trụy, phản động để đầu độc quần chúng nói chung, đặc biệt là thế hệ thanh niên ở nước ta nói riêng, làm chuyển đổi giá trị thẩm mỹ, thị hiếu nghệ thuật, chuyển đổi các thang bậc giá trị của xã hội theo chiều hướng xấu; âm mưu biến thế hệ trẻ thành công cụ và lực lượng xã hội chủ yếu của “diễn biến hòa bình”. 
Tác động phá hoại về đạo đức, lối sống
Đó là tệ sùng ngoại, coi thường những giá trị văn hóa của dân tộc, chạy theo lối sống thực dụng, cá nhân vị kỷ, ham muốn làm giàu, ham muốn quyền lực cực đoan... đã và đang làm băng hoại thuần phong mỹ tục của dân tộc. Khuynh hướng này hết sức nguy hiểm, có sức phá hoại mạnh, tác động trực tiếp đến tư tưởng, đạo đức, lối sống của các tầng lớp xã hội. Đáng lưu ý là lối sống thực dụng đang có chiều hướng gia tăng. Điều đó được biểu hiện ở chỗ: từ chạy theo lợi ích vật chất dẫn đến sự lạm dụng địa vị, quyền lực đang đảm nhiệm để mưu cầu lợi ích cá nhân; đặt giá trị vật chất ở vị trí cao trong thang giá trị cuộc sống. Đó là một nguyên nhân dẫn đến suy thoái về đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ có chức, có quyền. Đó là tệ tham nhũng, lãng phí; nạn quan liêu, cửa quyền, sách nhiễu nhân dân, kèn cựa, địa phương chủ nghĩa, bè phái, mất đoàn kết. Đây là những vấn đề bức xúc làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khiếu kiện đông người ngày một tăng. Đó là “giặc nội xâm”, có nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ mà chúng ta phải kiên quyết ngăn chặn và quét sạch.
Tính chất nguy hiểm của “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa thể hiện ở chỗ: Một là, các thế lực thù địch đánh phá nền tảng tư tưởng, xuyên tạc quá khứ, bôi đen lãnh đạo để phá rã niềm tin của quần chúng vào Đảng và chế độ, làm cho toàn xã hội hỗn loạn về lý luận và tư tưởng, mất định hướng chính trị, tạo thế đứng cho các lực lượng phản động trong nước, gây áp lực chính trị của quần chúng đòi thay đổi chế độ XHCN. Hai là,với chiến thuật “mưa dầm thấm lâu” thông qua tác động trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa bằng những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, với những luận điểm mị dân, lừa bịp, dễ làm cho đối phương mất cảnh giác, dễ bị cám dỗ, mất phương hướng chính trị, không phân biệt đúng sai, thật giả, tạo ra “khoảng trống” về chính trị, tinh thần để dễ dàng truyền bá các quan điểm tư sản và đánh thẳng vào nội bộ ta, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kích động lật đổ và bạo loạn chính trị. Ba là, với nhiều thủ đoạn khác nhau, các thế lực thù địch làm mê muội con người, đặc biệt là thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên Việt Nam bằng các loại văn hóa phẩm độc hại, cổ xúy lối sống hưởng lạc, thực dụng, quên quá khứ, bàng quan chính trị, xa rời lý tưởng; tạo ra được một tầng lớp đông đảo “phi chính trị hóa”, để khi có điều kiện thì tập hợp lực lượng xấu, gây áp lực chính trị, dùng bạo loạn lật đổ và cướp chính quyền. Bốn là, thực hiện chính sách lôi kéo, thông qua các nước đồng minh, các tổ chức phi chính phủ, qua giao lưu hợp tác về văn hóa, giáo dục, khoa học, nghệ thuật, báo chí... để thâm nhập, thu thập tin tức tình báo, mua chuộc cán bộ, chuyển hóa tư tưởng, cài cắm người vào các tổ chức của ta, móc nối với các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị để chống phá Đảng và Nhà nước ta. Năm là, với hình thức tung tin đồn nhảm, tạo dư luận và áp lực xã hội, dưới chiêu bài “chống tham nhũng”, “bảo vệ tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền”, chúng đưa ra những lời hứa mị dân để gây tâm trạng mơ hồ, mất cảnh giác, cả tin của một số người; từ đó cô lập các lực lượng cách mạng trung kiên, phân hóa những người dao động, thiếu chính kiến, thiếu thông tin; lôi kéo, kích động những người có tâm trạng bất mãn, những lực lượng xấu trong xã hội để gây bạo loạn lật đổ chính quyền.
Cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa là cuộc đấu tranh giữa hệ tư tưởng XHCN và hệ tư tưởng tư sản. Cuộc đấu tranh này ở nước ta hiện nay đang diễn ra rất phức tạp, gay go và quyết liệt. Các thế lực thù địch đã, đang và sẽ dùng mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng nước ta trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó chống phá trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa ngày càng quyết liệt. Đó là một nguy cơ đối với sự tồn vong của Đảng, của chế độ ta, không thể xem thường. Do đó, nếu chúng ta chủ quan, mất cảnh giác hoặc nhận thức không đầy đủ về những tác động phá hoại của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa, thì các thế lực thù địch, phản động, cơ hội càng có nhiều cơ hội để tiến hành âm mưu, hoạt động “diễn biến hoà bình” nhằm chống Đảng, Nhà nước ta. Kiên quyết đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận, phê phán, vạch trần, bác bỏ các quan điểm thù địch, sai trái là một nhiệm vụ hàng đầu trong tình hình mới./.
Bùi Đình BônĐại tá, PGS, TS, Hội đồng Lý luận Trung ương