Chiều 7/6, ngay sau khi tới thành phố Osaka, Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự cuộc tọa đàm với các lãnh đạo doanh nghiệp, tổ chức kinh tế vùng Kansai.
Tại tọa đàm, 15 doanh nghiệp Nhật Bản như Daikin, Sakura, Acecook, Kubota, Takako, Asahi, Azusa Sekkei, Fuji Impulse… đã trình bày về tình hình đầu tư, kinh doanh của mình và đều bày tỏ quan tâm đầu tư kinh doanh cũng như mở rộng hoạt động tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp cũng nêu các kiến nghị liên quan đến các vấn đề như hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển công nghiệp hỗ trợ, thị thực, nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng, nới lỏng một số quy định trong lĩnh vực y tế, đẩy nhanh các thủ tục cấp phép, hoàn thiện các quy định trong triển khai các lĩnh vực kinh doanh mới ở Việt Nam…
Ngân hàng Senshu Ikeda muốn mở văn phòng đại diện ở Việt Nam
Chủ tịch Ngân hàng Senshu Ikeda, ông Hirohisa Fujita bày tỏ, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp Kansai cũng như các vùng khác của Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam, Ngân hàng này muốn mở văn phòng đại diện tại TP. HCM. Để làm việc đó, theo ông, cần rất nhiều thủ tục hành chính và ông mong Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan của Việt Nam hỗ trợ, tạo thuận lợi cho ông thành lập văn phòng đại diện này.
Một chi nhánh Ngân hàng Senshu Ikeda ở Nhật Bản.
Trước mong muốn này, Thủ tướng đặt vấn đề liệu Senshu Ikeda có thể tham gia mua lại ngân hàng yếu kém của Việt Nam (với nợ xấu ở mức vừa phải) và Thủ tướng sẵn sàng tạo điều kiện cho việc này.
Ông Hirohisa Fujita bày tỏ mục đích trước hết mở văn phòng đại diện để chia sẻ, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp Nhật và trong tương lai, sẽ xem xét việc mở chi nhánh tại Việt Nam.
Thủ tướng cho biết, sẽ giao Ngân hàng Nhà nước xem xét cụ thể kiến nghị của doanh nghiệp.
Sakura, Takako muốn chuyển cơ sở sản xuất vào Việt Nam
Lãnh đạo các công ty Sakura, Takako có cùng băn khoăn về quy định đối với nhập khẩu máy móc thiết bị đã qua sử dụng tại Việt Nam khi các doanh nghiệp này muốn chuyển cơ sở sản xuất của mình vào Việt Nam. Doanh nghiệp cho biết, dù đã sử dụng hơn chục năm, nhưng máy móc, thiết bị của họ vẫn bảo đảm tính năng.
Trước băn khoăn này, Thủ tướng chỉ định Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh giải đáp. Ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp Nhật, Bộ trưởng cho biết, trước đây là Thông tư 20, được sửa đổi bởi Thông tư 23 thì tình hình đã được cải thiện một bước.
Tuy nhiên, ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp, Bộ trưởng cho rằng, quy định này cần tiếp tục được xử lý theo hướng mở hơn và mỗi thiết bị cần xem xét độ tuổi khác nhau, chứ không phải mọi thiết bị đều quy định 10 năm tuổi. Ví dụ, máy CNC trong cơ khí chế tạo chính xác thì thậm chí 40-0 năm vẫn không có vấn đề gì. “Trực tiếp tôi sẽ xử lý Thông tư 23 để giải quyết tình hình”, Bộ trưởng cam kết.
Takashimaya muốn xây khu phố ngầm ở Bến Thành
Chủ tịch Công ty Takashimaya, ông Shigeru Kimoto cho biết, ông có dự định triển khai dự án xây dựng khu phố ngầm ở khu vực Bến Thành, TP. HCM để “đón đầu”, đồng bộ với tuyến tàu điện ngầm của thành phố. Ông mong nhận được sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam.
Được sự chỉ định của Thủ tướng, trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh bày tỏ sự ủng hộ dự định của doanh nghiệp, đây là một lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ Việt Nam gắn với việc khai thác hệ thống hạ tầng giao thông ngầm. TP. HCM đã có đề án về việc này.
Dự án "Khu phố ngầm Nhà ga trung tâm Bến Thành - Nhà ga Nhà hát Thành phố" với tổng số vốn đầu tư dự kiến gần 8.400 tỷ đồng. Ảnh: BQL Đường sắt đô thị TP. HCM
Phát biểu tổng kết buổi tọa đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, qua sự kiện này cũng như các cuộc làm việc khác với doanh nghiệp Nhật Bản, Chính phủ Việt Nam lắng nghe để xử lý, giải quyết trên tinh thần tạo điều kiện cho doanh nghiệp Nhật Bản, nhất là vùng có nhiều tiềm năng như Kansai đầu tư vào Việt Nam.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tiếp tục chỉ đạo các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ô tô, năng lượng, thị trường dịch vụ bán lẻ, y tế…”, Thủ tướng nói và đánh giá cao vùng Kansai có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả ở Việt Nam.
Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp vùng Kansai, thành viên Kankeiren đầu tư mạnh mẽ hơn vào Việt Nam mà các doanh nghiệp vừa nêu như phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư theo hình thức PPP, năng lượng, năng lượng tái tạo, tài chính ngân hàng, du lịch dịch vụ, đặc biệt là tham gia quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.
Thủ tướng khẳng định, thắng lợi của các nhà đầu tư là thắng lợi của Chính phủ Việt Nam. “Các bạn làm ăn kinh doanh có lãi là thành công của chúng tôi”; đồng thời nhân dịp này, Thủ tướng mời các doanh nghiệp Nhật Bản đến dự Hội nghị APEC vào cuối năm nay tại Việt Nam.
HỒ MAI
TTO - Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) nói trước Quốc hội sáng nay về 6 điều bất an mà nhân dân luôn bức xúc như tham nhũng, lãng phí, thương mại hóa quan hệ xã hội, tài nguyên cạn kiệt...
Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) nêu 6 bất an trong phần phát biểu tại Quốc hội sáng 9-6 - Nguồn clip: VTV
Ông Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội, dành 7 phút phát biểu tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội sáng nay 9-6 để liệt kê những điều đang làm người dân lo lắng thời gian gần đây.
Bất an thứ nhất, theo ông, là “tại sao chỉ có một mình Chính phủ hành động kiến tạo và liêm chính trong khi đất nước có cả hệ thống chính trị”.
“Chức năng của Chính phủ là kiến tạo, nhưng còn hành động và liêm chính tại sao không mở rộng?”, đại biểu Bến Tre đặt câu hỏi.
Bất an thứ hai là nạn tham nhũng và lãng phí quá lớn, chưa bị chặn đứng, là vấn nạn đưa quốc gia tới bờ vực sa sút niềm tin.
“Tiền của dân chắt chiu gom góp trong mồ hôi nước mắt, nhưng tham nhũng nhiều, lãng phí lớn là dấu hiệu hết sức đáng báo động”, ông Đặng Thuần Phong nói.
Bất an thứ ba là sự xuất hiện của dấu hiệu mất cân đối ngân sách, sự ổn định của kinh tế vĩ mô chuyển biến chậm, đặc biệt là hiệu quả đầu tư thấp, nợ công tăng cao, các yếu tố tăng trưởng chưa tận dụng hết, hiệu quả chú trọng đầu tư thấp.
“Chỉ số bây giờ mỗi người dân VN có thể đang gánh 1.000 USD nợ lãi và xu hướng còn tăng trong những năm tới, áp lực trả nợ quá lớn, chi đầu tư cho phát triển chưa ngang bằng, chi thường xuyên gần 70%, mức bội chi gấp 3 lần tăng trưởng”, ông Phong nói.
“Như vậy chúng ta làm 1 đồng nhưng xài 3 đồng. Người dân hưởng lợi và tạo sinh kế từ kết quả tăng trưởng GDP chưa như mong muốn”.
Bất an thứ tư là thương mại hóa các quan hệ xã hội: “Đồng tiền đã chi phối mỗi hoạt động và làm phai nhạt tính công tâm của các cơ quan công quyền”.
“Đáng ngại hơn là đồng tiền đã làm suy thoái đạo đức, dẫn dắt chính sách. Minh chứng cho vấn đề này là tình trạng ‘chạy’ ở Việt Nam”, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội chỉ ra.
“Thực tế rất đau lòng, trong bụng mẹ đã chạy chỗ sinh đẻ. Học phổ thông các cấp, vào đại học cũng phải chạy trường chạy lớp. Rồi chạy chỗ, chạy chức, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển. Vi phạm pháp luật thì chạy điều tra, truy tố, chạy án thậm chí chạy khỏi Tổ quốc đến nơi Việt Nam chưa ký kết về dẫn độ tội phạm để an thân”.
Bất an thứ năm khiến dân không an tâm, theo ông Đặng Thuần Phong, là rừng sắp hết, biển gần chết, tài nguyên khoáng sản quốc gia cho các đời sau cạn kiệt dần...
“Đất ở, đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số không có trong khi nông lâm trường hoạt động kém hiệu quả, chính sách rải thảm và sử dụng lao động giá rẻ, kêu gọi đầu tư thiếu trách nhiệm, biến Việt Nam thành bãi rác công nghệ lạc hậu”, ông Phong bày tỏ bức xúc.
“Đừng vì tâm tưởng tức thì mà buông bỏ tương lai dân tộc, tiền có nhiều đến đâu đi nữa cũng không mua được môi trường tươi đẹp đã mất và đang mất”.
Bất an thứ sáu, không kém phần nghiêm trọng, là vấn đề an toàn sống: “Bữa cơm trong nhà cũng cũng lo vì an toàn vệ sinh thực phẩm. Ra đường thì sợ an toàn giao thông, gặp chuyện bất bình thì không dám can thiệp vì sợ vạ lây”.
“Mọi thứ đều do người Việt hại người Việt và từng bước biến sự vô cảm thành vấn đề đạo đức ứng xử đạo giữa người với người”, đại biểu Bến Tre kết bài phát biểu của mình.
Phiên thảo luận kinh tế - xã hội của Quốc hội hôm nay 9-6 sẽ diễn ra cả ngày. Do số lượng đại biểu đăng ký phát biểu nhiều, kỳ này Quốc hội đã “phá lệ” kéo dài thời gian làm việc đến 18h30 hôm nay. |
T.CHUNG (ghi)
ĐB Đặng Thuần Phong: Người Việt chạy chọt từ bụng mẹ
(Tin tức thời sự) - "Ở trong bụng mẹ đã phải chạy chỗ sinh đẻ, rồi chuyện chạy trường, chạy lớp, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy điều tra, chạy truy tố..."
Chạy chọt từ trong bụng mẹ
Ngày 9/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.
Phát biểu tại Hội trường, ông Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội đã chỉ ra hàng loạt những vấn đề bất an hiện nay của xã hội.
Ông Phong đặt vấn đề tại sao chỉ có một mình Chính phủ hành động, kiến tạo và liêm chính, trong khi có cả hệ thống chính trị. Còn vấn nạn tham nhũng và lãng phí quá lớn chưa được chặn đứng, gây bức xúc lớn trong nhân dân. Xuất hiện dấu hiệu mất cân đối ngân sách, tính ổn định, bền vững của kinh tế vĩ mô chưa cao, các yếu tố tăng trưởng chưa rõ nét.
Hàng loạt vấn đề bức xúc được vị ĐBQH Bến Tre chỉ ra như: hiệu quả đầu tư thấp, nợ công cao, theo chỉ số trung bình mỗi người dân Việt Nam gánh 1.000 USD tiền nợ, xu hướng còn tăng trong những năm tới, áp lực trả nợ quá lớn. Ngoài ra chi đầu tư phát triển chưa ngang tầm, chi thường xuyên gần 70%, mức bộ chi gấp 3 lần tăng trưởng, nghĩa là làm 1 đồng ăn 3 đồng…
Một vấn đề khác được ông Đặng Thuần Phong nhắc đến, đó là tình trạng thương mại hóa các quan hệ xã hội.
Vị ĐBQH lo lắng khi đồng tiền đã chi phối mọi hoạt động và làm phai nhạt tính công tâm của các cơ quan công quyền, đáng lo hơn đồng tiền đã làm suy thoái đạo đức, dẫn dắt chính sách.
“Minh chứng cho vấn đề này là chuyện “chạy”. Ở trong bụng mẹ đã phải chạy chỗ sinh đẻ, rồi chuyện chạy trường, chạy lớp, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, khi vi phạm pháp luật thì chạy điều tra, chạy truy tố, chạy án, thậm chí chạy để bỏ Tổ quốc đến nơi Việt Nam chưa ký kết hiệp định dẫn độ tội phạm”, ông Phong lo lắng.
Ì ạch vay tiền trả nợ
Những ý kiến mà ĐBQH Đặng Thuần Phong đưa ra một lần nữa khiến dư luận giật mình về những vấn đề còn tồn tại trong xã hội.
Trước đó, nhiều ĐBQH cũng từng lên tiếng bày tỏ lo lắng khi tích lũy nợ công Việt Nam đang ở mức báo động, nợ công bào mòn ngân sách. Nếu không có giải pháp Chính phủ sẽ phải tiếp tục đi vay để trả nợ.
Báo cáo của Chính phủ cho hay, sau 5 năm (2011-2016) nợ công tăng nhanh áp lực trả nợ lớn; nợ Chính phủ đã vượt giới hạn quy định (50,3% GDP so với quy định là không quá 50%). Một số khoản chi chưa được quản lý chặt chẽ, bội chi ngân sách còn cao, chưa đạt mục tiêu 4,5% GDP.
Đáng chú ý, tại cuộc họp báo chuyên đề cuối tháng 10/2016, ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại của Bộ Tài chính, cho biết, từ năm 2010, Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình.
Vì vậy trong thời gian tới, Việt Nam có thể sẽ không còn nằm trong nhóm những nước nhận được các khoản vay ưu đãi từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB).
Trong trường hợp này, Việt Nam sẽ phải cam kết trả nợ nhanh hơn, trả tăng gấp đôi tốc độ trả nợ gốc.
Hiện tại, ngân sách Nhà nước đang phải bố trí khoảng 1 tỷ USD mỗi năm để trả nợ nước ngoài. Nhưng nếu phải trả nợ nhanh gấp đôi thì yêu cầu trả nợ sẽ tăng 100% từ 1 tỷ USD đến 2 tỷ USD, đó sẽ là gánh nặng rất lớn cho nền ngân sách quốc gia.
Hoàng Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét