Thứ Sáu, 9 tháng 6, 2017

Lãnh đạo UBND TP Hà Nội không thể chối bỏ trách nhiệm!

Đội giá đường sắt trên cao Nhổn - Ga Hà Nội:09/06/2017, 07:58 (GMT+7)
Thật khủng khiếp, một dự án vừa xây dựng triển khai mà chỉ sau 2 năm đã đội giá thêm 10 ngàn tỉ đồng. Liệu lãnh đạo TP Hà Nội có giật mình...
14-59-51_6_384977
Công trình "rùa bò" đường sắt trên cao Nhổn - Ga Hà Nội
Mỗi gói thầu điều chỉnh giá đều có quyết định phê duyệt của UBND TP Hà Nội. Nhưng vấn đề là, có những gói thầu đã được chỉ rõ sai phạm, gây thất thoát tiền của Nhà nước thông qua đơn tố cáo của một cán bộ lãnh đạo MRB (Chủ đầu tư) mà nguyên Chủ tịch TP Hà Nội vẫn không có biện pháp quyết liệt ngăn chặn dẫn tới liên tục đội giá…  
Hai năm điều chỉnh thêm 10 ngàn tỉ đồng
Không thể chấp nhận cách làm việc theo kiểu vác tiền ngân sách Nhà nước "kính biếu" nhà thầu nước ngoài, năm 2015, ông Lương Xuân Bình - Phó Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) đích danh gửi đơn đến UBND TP Hà Nội phản ánh những vi phạm của MRB.
UBND TP Hà Nội đã thành lập Đoàn Thanh tra để tiến hành thanh tra một số nội dung ông Bình tố cáo. Ngày 4/5/2016, Thanh tra TP Hà Nội đã có kết luận và thừa nhận rằng tính đến ngày 28/6/2013 tổng vốn đầu tư dự án đã tăng lên thành 1.175,70 triệu EURO so với mức khái toán ban đầu là 783 triệu EURO (khoảng 18.408 tỉ đồng). Chênh lệch đội giá là 392 triệu EURO và nếu quy đổi theo thời giá khi đó: 1 EURO = 27.000 đồng thì số tiền phải bổ sung cho dự án khoảng trên 10 ngàn tỉ đồng.
Thật khủng khiếp, một dự án vừa xây dựng triển khai mà chỉ sau 2 năm đã đội giá thêm 10 ngàn tỉ đồng. Liệu lãnh đạo TP Hà Nội có giật mình khi nghe tới con số hàng chục ngàn tỉ chỉ để bổ sung thêm cho một dự án? Câu trả lời là: Không!
Bởi cứ theo lý giải của kết luận thanh tra thì các lãnh đạo TP Hà Nội đã biết rõ về từng gói thầu đội giá, sẽ đội giá bao nhiêu và tất nhiên là “nguyên nhân” đội giá cũng được hiểu thấu đáo. Vì chính các lãnh đạo UBND TP Hà Nội vào thời điểm đó là người kí quyết định phê duyệt điều chỉnh giá của các gói thầu.
Cụ thể, ngày 25/3/2013, MRB có Tờ trình số 08 về việc điều chỉnh kế hoạch đấu thầu các gói thầu xây lắp và thiết bị số 3,6,7,8,9 với lý do biến động nguyên nhiên vật liệu và trượt giá. Trên cơ sở đó, ngày 24/7/2013, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 4461 về việc phê duyệt điều chỉnh Kế hoạch đấu thầu các gói thầu xây lắp và thiết bị số 3,6,7,8,9. Theo đó giá gói thầu số 3 (hầm và các ga ngầm) tăng từ 169.946.000 EURO lên 226.246.839 EURO.
Chưa đầy nửa năm sau, MRB lại có tờ trình xin điều chỉnh tiếp tục tăng giá gói thầu số 3 lên 253,66 triệu EURO. Cùng với đó gói thầu số 6 cũng tăng từ 183 triệu EURO lên 231 triệu EURO; gói số 7 tăng từ 54,7 triệu EURO lên 67,67 triệu EURO...
Theo đó tổng nguồn vốn ODA bao gồm cả dự phòng phí cho 3 gói thầu trên là 648,96 triệu EURO, tăng khoảng 76 triệu EURO. Các gói thầu liên tục tăng hàng chục triệu EURO nhưng lý do điều chỉnh tăng giá lại rất đơn giản, rằng: “giá gói thầu tại thời điểm thẩm tra phê duyệt chưa phù hợp với thực tế” còn chưa phù hợp ở chỗ nào thì MRB không chỉ ra cụ thể. Cơ quan thanh tra cũng không có ý làm rõ?
Sai phạm bị bỏ qua
Như Báo NNVN đã có nhiều bài phân tích sai phạm trong các gói thầu của Dự án thì vấn đề “đội giá” ở đây không đơn giản là biến động thị trường mà việc đội giá đã được quyết định ngay từ khi MRB tổ chức đấu thầu.
Tại gói thầu số 6: Nhà thầu luôn đưa giá cao hơn dự toán, chủ đầu tư phải đàm phán nhiều lần và cuối cùng cũng phải chấp nhận mức giá vượt dự toán tới hàng chục triệu EURO.
Tại gói thầu số 1, chủ đầu tư cố tình bỏ qua những nhà thầu có giá thấp mà chọn nhà thầu có giá cao hơn các nhà thầu khác.
Tại gói thầu số 3, chưa có mặt bằng sạch để bàn giao cho nhà thầu nhưng chủ đầu tư vẫn cố tình kí hợp đồng và đang đứng trước nguy cơ bị phạt trên 40 triệu USD.
Tất cả những sai phạm nêu trên đều đã được ông Bình phản ánh với UBND TP Hà Nội nhưng cơ quan thanh tra chỉ làm việc với chủ đầu tư mà không cần quan tâm đến cán bộ làm đơn tố cáo để rồi đưa ra bản kết luận thanh tra mang khuynh hướng bao che cho sai phạm.
Từ năm 2013 các gói thầu đã đội giá thêm 10 ngàn tỉ đồng nhưng tính đến thời điểm này số tiền đội giá cũng đã tăng thêm hàng trăm triệu EURO nữa. Giả thiết nếu lãnh đạo UBND TP Hà Nội kiên quyết xử lý sai phạm của chủ đầu tư từ mấy năm trước thì có thể giảm tổn thất cho ngân sách là bao nhiêu? Chỉ cần nhẩm tính số tiền giảm tổn thất thêm vào hai gói thầu số 3 và số 6 đã lên tới gần 2.000 tỉ đồng chưa kể các gói thầu khác. Như vậy, trách nhiệm buông lỏng quản lý gây thiệt hại cho ngân sách, mang lại gánh nặng cho nhân dân Thủ đô chính là của lãnh đạo UBND TP Hà Nội.
KIÊN CƯỜNG

Không có nhận xét nào: